Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Đối xử tàn tệ với phụ nữ là “hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất”

Mời Đọc Nhân Ngày 8/3...

Nguyễn Hoài An (lược dịch) - Tạp Chí Luật Khoa
carter_postcardGiữ cương vị tổng thống Mỹ trong giai đoạn 1977-1981, sau khi rời khỏi Nhà Trắng, cựu tổng thống Jimmy Carter đã dành những năm tháng sau này làm việc, giảng dạy và viết về hòa bình cũng như phong trào hoạt động toàn cầu.
Năm 2002, Carter được trao giải Nobel Hòa bình “vì hàng chục năm nỗ lực không mệt mỏi đi tìm giải pháp hòa bình cho các xung đột quốc tế, thúc đẩy tiến trình dân chủ và nhân quyền, cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.”
Bài nói chuyện dưới đây được ông thực hiện tại TED Women năm 2015. Trong bài nói chuyện, ông khẳng định đối xử tàn tệ với phụ nữ là “hành vi vi phạm nhân quyền số 1 trên Trái đất” và nhấn mạnh đến việc cần thay đổi luật để đảm bảo công lý cho giới nữ.

Là một người có may mắn có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người từ khắp nơi trên thế giới, từ các vị nguyên thủ cho đến những người dân sống ở những vùng đất xa xôi nhất của châu Phi, tôi có thể nói rằng hành vi vi phạm quyền con người số 1 trên Trái đất này chính là hành vi đối xử tàn tệ với phụ nữ và trẻ em gái.
Những câu chuyện kinh khủng từ các vùng đất xa xôi
Tôi xin được kể ra ở đây những trường hợp đối xử tàn tệ với phụ nữ làm tôi lo ngại nhất.
Ở một số nước trên thế giới hiện vẫn còn nghi thức cắt xẻo bộ phận sinh dục với các bé gái. Ngay từ khi còn bé, các bé gái đã bị cắt bỏ bộ phận sinh dục, và trong nhiều trường hợp, bộ phận sinh dục của các em còn bị khâu lại và chỉ được mở ra khi các em kết hôn. Mặc dù là hành vi đi ngược lại luật pháp, song nó không phải là chuyện hiếm gặp. Ở Ai Cập, có 91% nữ giới bị cắt xẻo bộ phận sinh dục. Ở một số nước khác, số trẻ em gái bị cắt xẻo kiểu này trước khi đến tuổi trưởng thành là 98%. Đây là hành vi xâm hại kinh khủng đối với tất cả những phụ nữ sống ở các nước này.
150625010815-egypt-fgm-1-exlarge-169
Các trẻ em gái ở Ai Cập là một trong những nạn nhân thường xuyên của hủ tục kinh khủng này. Ảnh: CNN
Một hình thức đối xử tàn tệ nghiêm trọng không kém khác là việc giết tế phụ nữ. Ở một số nơi, người con gái sẽ bị chính gia đình mình giết tế sau khi bị cưỡng bức, hoặc khi kết hôn mà không được sự đồng ý của người cha. Thậm chí có những trường hợp cực đoan khi người con gái bị gia đình giết tế vì mặc trang phục không phù hợp. Và chuyện giết tế này lại do chính người thân của cô gái thực hiện. Nói cách khác, người ta có thể giết con gái, chị gái hay em gái của mình khi cô gái được cho là đã bôi nhọ danh gia. Một phân tích được Liên Hợp Quốc thực hiện ở Ai Cập cách đây không lâu đã đưa ra con số 75% những vụ giết hại một cô gái là do người cha, người chú hoặc anh trai thực hiện, 25% là do những người cùng giới với cô xuống tay.
Và những chuyện kinh khủng ngay trong lòng nước Mỹ

Một vấn đề khác liên quan đến nữ giới mà hiện nay chúng ta đang phải đối mặt là tình trạng buôn người, biến phụ nữ thành món hàng nô lệ. Trong thế kỷ 19 và thế kỷ 18, có khoảng 12,5 triệu người châu Phi được đưa sang Tân Thế Giới làm nô lệ. Hiện nay, số người sống trong cảnh nô lệ là 30 triệu người. Theo một báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ, mỗi năm có khoảng 800.000 bị bán làm nô lệ qua đường biên giới giữa các nước, 80% trong số đó là phụ nữ bị bán làm nô lệ tình dục.
Ở Mỹ, ngay tại thời điểm này, có 60.000 sống trong cảnh cầm tù như nô lệ. Ở Altanta, Georiga có khoảng 200 đến 300 phụ nữ bị bán làm nô lệ mỗi tháng. Thành phố này có sân bay nhộn nhịp vào bậc nhất thế giới và có nhiều hành khách từ Nam Bán Cầu dừng chân tại đây. Nếu một nhà chứa muốn mua một cô gái da nâu hay da đen, họ chỉ cần bỏ ra 1.000 USD là xong. Phụ nữ da trắng thì giá cao hơn vài bậc. Với mỗi một nữ nô lệ như thế, chủ một nhà chứa bình thường ở Atlanta có thể kiếm được 35.000 USD. Ở thành phố này, hoạt động mua bán tình dục áp đảo hoạt động mua bán ma túy. Đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, và vấn đề chính ở đây là hoạt động mại dâm bởi không một nhà chứa nào ở Mỹ lại qua được mắt của cảnh sát, quan chức địa phương, giám đốc sở cảnh sát hay thị trưởng.
Thụy Điển có một biện pháp rất hay để giải quyết vấn nạn này. Khoảng 15-20 năm trước, Thụy Điển đã quyết định sửa luật. Phụ nữ không bị truy tố nếu họ là nô lệ tình dục, nhưng chủ nhà chứa, kẻ dẫn mối và khách hàng nam giới thì sẽ bị truy tố. Nhờ sự thay đổi này, tình trạng mại dâm ở Thụy Điển đã giảm hẳn. Nước Mỹ lại đi theo lối ngược lại hẳn. Ở đây, với mỗi một khách hàng nam giới bị bắt vì liên quan đến hoạt động mua bán dâm, thì có tới 25 phụ nữ phải vào tù vì liên quan đến hành vi tương tự.
Ở Mỹ có hai thiết chế lớn nhận được nhiều sự ngưỡng phục: đó là hệ thống quân đội và hệ thống trường đại học. Nhưng đây cũng là những nơi việc đối xử tàn tệ với phụ nữ diễn ra ngang nhiên và không lo bị xử phạt.
Theo báo cáo gần đây nhất mà tôi có được, có 26.000 vụ quấy rối tình dục đã diễn ra trong quân đội – xin nhắc lại 26.000. Chỉ có 3.000 vụ, không hơn 1% là bao nhiêu, được đưa ra truy tố. Lý do là các vị tướng lãnh chỉ huy là người nắm quyền quyết định có truy tố kẻ hiếp dâm hay không, và lẽ đương nhiên, việc cuối cùng họ muốn làm là để bất kỳ biết chuyện quấy rối tình dục đang diễn ra dưới trướng mình. Rõ ràng, luật cần phải thay đổi.
Tình trạng ở các trường đại học Mỹ cũng tồi tệ không kém. Cứ bốn nữ sinh học đại học thì sẽ có một nữ sinh bị quấy rối tình dục trước khi tốt nghiệp. Tình trạng này bắt đầu nhận được sự chú ý của công luận khi 89 trường đại học ở Mỹ bị Bộ Giáo dục xử lý theo Điều IX vì lý do các vị lãnh đạo các trường đại học này không quan tâm đến giới nữ trong trường, không bảo vệ được họ trước các vụ quấy rối tình dục.
720x405-20140603-nataffairs-x1800-1401816603
Các sinh viên trường Dickinson College tập trung biểu tình chống lại hành vi xâm hại tình dục lan rộng ở các mô hình campus của các trường đại học. Ảnh: Rolling Stone

Theo đánh giá từ phía Bộ Tư pháp, có hơn một nửa các vụ cưỡng bức ở trường đại học được thực hiện bởi những kẻ cưỡng bức hàng loạt. Nguyên nhân được cho là do khi cưỡng bức trong trường đại học, những kẻ này có thể ngang nhiên cưỡng bức mà không sợ phải chịu tội. Chúng không bị truy tố. Đây là những chuyện đang diễn ra ở xã hội của chúng ta ngày nay.
Và đàn ông chẳng buồn để tâm…
Có ba nguyên do cho việc tại sao phụ nữ và các bé gái lại bị đối xử tàn tệ. Trước hết đó là do sự diễn giải sai lệch các kinh điển tôn giáo như Kinh thánh, Kinh Cựu ước, Tân ước. Kinh Qu’ran, v.v… Những kinh sách này bị hiểu lầm bởi những người hiện đang nắm giữ những vị thế cao trong các nhà thờ, các giáo đường. Theo cách hiểu và cách diễn giải của họ, người nữ sinh ra đã ở vị thế thứ yếu so với người nam vì Thượng đế tạo ra họ như vậy.
Đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng vì nó nghiễm nhiên đặt định người đàn ông ở vị trí quyền lực hơn. Một người chồng có xu hướng bạo hành, hay một người đàn ông có sẵn tư tưởng trọng nam khinh nữ có thể lợi dụng điểm này để bao biện cho hành vi đối xử tàn tệ của họ. Họ chỉ cần nói: Nếu trong mắt Chúa, phụ nữ không ngang hàng với chúng tôi, tại sao tôi phải đối xử với họ ngang hàng?
Một nguyên nhân nghiêm trọng khác dẫn đến tình trạng đối xử tàn tệ với phụ nữ là thực tế bạo lực được sử dụng một cách ngang nhiên và tùy ý. Đây là thực trạng đang gia tăng ở mức báo động trên khắp thế giới. Ở Mỹ, chuyện người nghèo, chủ yếu là người da đen và những người thuộc nhóm thiểu số, bị đối xử tàn tệ bằng biện pháp bỏ tù tăng mạnh. Khi tôi còn là thống đốc bang Georgia, cứ 1.000 người Mỹ thì mới có 1 người phải ngồi tù. Hiện nay, con số này là 7,3 người trên 1000 người, tăng gấp bảy lần. Và nếu tính từ khi tôi rời Nhà Trắng, thì số phụ nữ da đen phải ngồi tù đã tăng 800%. Việc sử dụng bạo lực tùy ý và đối xử tàn tệ với người nghèo cũng như những người không có khả năng tự lực chính là một nguyên nhân khác làm gia tăng tình trạng đối xử tàn tệ với phụ nữ.
Cả hai tình trạng này – tùy tiện sử dụng bạo lực và diễn giải sai kinh thánh – đều nổi lên rõ ràng ở Mỹ. Có lẽ đất nước này là đất nước ưa chiến tranh nhất Quả đất. Từ Thế Chiến II đến nay, chúng ta đã tham chiến với khoảng 25 nước. Lúc thì chúng ta cho quân đổ bộ đánh trên đất liền. Có lúc chúng ta lại bay lòng vòng thả bom xuống đầu mọi người. Thậm chí có bốn năm mà không một lúc nào là chúng ta không thả một quả bom, bắn một tên lửa, hay nã một viên đạn. Toàn bộ lối tùy tiện sử dụng bạo lực và diễn giải sai kinh thánh ấy là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc đối xử tàn tệ với phụ nữ và các bé gái.
Cũng có một nguyên nhân cơ bản hơn mà tôi không cần đề cập đến, đó là cánh đàn ông chẳng hề bận tâm. Một người đàn ông bình thường miệng có thể nói: “Tôi phản đối đối xử bất công với phụ nữ”, song vẫn âm thầm chấp nhận những đặc quyền mà vị thế đàn ông mang lại. Anh ta phản đối việc phân biệt đối xử, nhưng vẫn chấp nhận, và thậm chí thích thú hưởng thụ những đặc quyền đó. Đó là nguyên do tại sao tình trạng đối xử tàn tệ với phụ nữ vẫn diễn ra rộng khắp. Đó cũng là những nguyên do vì sao tôi cho rằng đối xử tàn tệ với phụ nữ là hành vi vi phạm nhân quyền số 1 trên thế giới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...