Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Đại Hàn: Chuyện Đi Tuần Tiểu Dọc Đường Ranh Vùng Phi Quân Sự Bàn Môn Điếm



Câu Chuyện Thế Giới -FM 947




    Trong số hơn 130 ngàn quân nhân Đại Hàn đi thi hành nghĩa vụ quân sự mỗi năm, chỉ có một số nhỏ đếm đầu tay nhận trách nhiệm đối mặt với địch quân, cái sứ mệnh không dễ gì, người nào cũng làm được. Họ là những người lính trấn đóng địa đầu giới tuyến đúng nghĩa, tại vùng “phi quân sự”, đường biên giới ngăn cách hai miền Nam và Bắc.

    Vùng Bàn Môn Điếm, mà người ta biết tới với cái tên “vùng phi quân sự”, là một trong số đường biên giới khắc nghiệt, kinh sợ nhất trên thế giới, chia cách hai quốc gia, Đại Hàn và Bắc Hàn, nơi mà trên nguyên tắc thỏa ước, vẫn còn xem là đang có chiến tranh từ năm 1953, tuy nhiên vùng này đồng thời cũng được biết tới như một địa điểm du lịch lý thú, có hàng ngàn người đến thăm hàng năm. Sự căng thẳng dọc theo biên giới, đã bùng lên khá nặng nề từ khi hai quân nhân Đại Hàn bị thương vì mìn trong tháng tám năm ngoái, Hán Thành không ngần ngại, tức khắc buộc tội Bình Nhưỡng đã gây ra, Bắc Hàn bác bỏ lời cáo buộc này, nhưng tuyên bố quốc gia họ đang ở trong tình trạng chiến tranh với kẻ thù.

    Đối với anh Shin Yong-tae, một cựu quân nhân trong toán quân đóng ở vùng phi quân sự, gần dọc theo biên giới, trúng mìn là nổi sợ hãi lúc nào cũng có trong đầu họ. Anh kể, có lần, trên đường đi tuần tiểu, anh nghe một tiếng két nhẹ dưới chân giày bốt, anh cảm thấy cái ớn lạnh chạy dài từ dưới xương sống lên đầu, anh tin rằng mình đã đạp phải mìn, các người lính khác trong toán nghe anh nói, tức khắc chạy tránh xa ra và đành bỏ anh một mình đứng lại chỗ đó, anh không thể la hét gì cả, vì theo quy lệnh tuần canh, họ luôn luôn di chuyển trong im lặng tuyệt đối. Một lát sau, người trung đội trưởng, đến gần, dùng cái dao găm, cẩn thận đào một cái lổ nhỏ dưới đất, quanh bàn chân đạp mìn, mới biết đó là một cái lon đựng thức ăn. Shin cảm thấy bối rối sau đó nhưng họ đều biết rằng, chuyện bị trúng mìn có thể xảy ra cho họ bất cứ lúc nào. Trong đêm, chuyện nghe tiếng nổ đâu đó rất thường, gây ra bởi mấy con thú nhỏ, đi tìm mồi ăn, bò ngang mìn, nhưng cũng là điều cảnh báo đáng nhớ về sự nguy hiểm trước mặt, cho họ trên đường di hành trong đêm.

    Trấn đóng tại vùng phi quân sự, người lính ở đây, không những phải đối mặt với quân thù Bắc hàn, mà còn phải chịu đựng với thời tiết, ở đây chỉ có ba mùa, thay vì bốn như đất trời sắp đặt, mùa hè nóng cháy người, mùa đông lạnh cắt da và mùa của thời kỳ băng giá khi mọi thứ đều đóng băng. Toán quân của Shin đã từng cắn răng chịu trận dưới cái lạnh trừ 19 độ bách phân do gió rét căm căm và không thấy ngừng từ miền bắc thổi xuống. Shin nhớ mà sợ, các trận gió này mạnh khủng khiếp, nó có thể cuốn mình xoay quanh tròn như chong chóng, hầu hết tiền đồn đều nằm trên những đỉnh núi cao, hướng thẳng ngay chiều gió.

    Những người lính Đại Hàn được chọn đi đóng quân ở vùng phi quân sự, đều trải qua một khóa huấn luyện đầy thử thách và khó khăn, cũng như các người khác trong đơn vị, Shin phải học thuộc lòng và nhớ từng chữ một của bản thỏa hiệp ngưng bắn của cuộc chiến Triều tiên năm 1953. Những điều khoản thỏa thuận này phải được hai bên tôn trọng và tuân theo bất cứ lúc nào, đó là lý do tại sao Shin phải nhớ kỹ càng vì trong lúc xảy ra tình trạng kình chống, căng thẳng giữa đôi bên, chỉ một lỗi lầm nhỏ xíu có thể đưa đến nguy hiểm không ngờ, bên cạnh đó, đồng thời, những người lính Đại Hàn, đóng quân ở vùng phi quân sự cũng phải làm quen đầy đủ với cường điểm và yếu điểm của quân thù. Họ được dạy về địa hình địa dư của các vùng đồi núi của phía bắc, các loại vũ khí mà quân Bắc hàn có và đang sử dụng, tầm bắn xa có thể đạt tới chỗ nào ...nhờ kiến thức đó, đơn vị của Shin sống còn khi đối phó với những hoạt động của địch quân.

    Bất chấp cái khắc nghiệt của thời tiết, sự hẻo lánh cô độc, lẻ loi của đồn trại đóng quân và áp lực thường xuyên đè nặng từ Bắc Hàn, quân nhân Đại Hàn được cung cấp, tiếp liệu quân trang quân dụng tốt đẹp và đầy đủ hơn đối phương. Ở phía nam lằn ranh khu phi quân sự, tức là phía quân Đại Hàn trấn đóng, đèn điện lúc nào cũng sáng trưng cả một trời ngược lại, phía bên kia, Bắc hàn, quân họ lặng lẽ trong màn đêm u tối, Shin cho biết, anh không thể tưởng tượng nổi là họ có thể làm được gì dưới bóng đèn như ánh sáng mờ mờ của con đom đóm. Sự cách biệt không phải chỉ dừng lại ở đó, đơn vị của Shin còn được trang bị ống dòm khếch đại, có thể thấy hình ảnh lớn hơn gấp 200 lần và dụng cụ điện tử tầm xa, có thể khám phá bất cứ một chuyển động nào của quân Bắc Hàn, phía quân địch không có cái gì để so sánh được với quân Đại Hàn.

    Shin kể lại, có một ngày, một chiếc quân xa vận tải do Nga sô chế tạo, lật lăn tròn xuống chân núi, toán quân của Shin ghi được hình ảnh này, nhưng sau đó, họ khám phá ra, chiếc xe chỉ chỡ toàn là khoai tây, lính Bắc hàn ít khi thấy di chuyển qua lại, ngay cả ở ban ngày, thình lình họ xuất hiện từ đâu đó, càn trèo lên xe này như một đàn kiến đói lâu ngày. Như người lính trong cuộc chiến, ở bất cứ đất nước nào trên thế giới, Shin vẫn luôn có ý nghĩ về hai chữ tử trận khi thi hành nhiệm vụ, Shin có thể nhớ lại rất rõ, một ngày trong năm 2010, khi pháo binh Bắc hàn bắn tới tấp tới đảo Yeonpyeong, nơi có hơn 1000 người dân Đại Hàn sinh sống, đơn vị quân đóng tại vùng phi quân sự của Shin đã báo động tối đa, họ ngủ trong bộ quân phục, súng ống nằm kế bên người và được cấp chỉ huy phát cho mỗi người lính, hai trang giấy trắng để viết tờ di chúc cho gia đình, năm đó Shin vừa qua 21 tuổi đời, phần lớn các anh binh nhì bắt đầu viết liền trong khi mấy người có cấp bậc cao hơn, hạ sĩ, trung sĩ, thở dài và bỏ ra khỏi hầm, hút thuốc.

    Đơn vị của Shin ở trong tình trạng báo động, sẳn sàng ứng chiến đó, hơn một tuần lễ, Shin không thể tắm rửa hay ăn được một bữa ăn trọn vẹn, phải ở luôn dưới hầm trú ẩn vì sợ quân Bắc Hàn bắn sẻ. Dù vậy, Shin không hối tiếc khoảng thời gian quân vụ, mà anh đã đóng ở tiền đồn trong vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm, hầu hết người dân Đại Hàn chỉ có thể thấy Bắc Hàn hay người Bắc Hàn trên báo chí hay màn ảnh truyền hình nhưng riêng anh, kinh nghiệm tận mắt, của ngày tháng đó sẽ cho anh những ký ức để đời, không bao giời quên được.
   
    Tuy nhiên, với anh, mặc dù có sự khác biệt quá lớn giữa hai miền Nam Bắc nhưng, dù muốn hay không, những người lính Bắc hàn bên đó, giống như anh, họ cũng là những con người.

   
Thuyên Huy
Monday 28- 03- 2016.

   
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tháp ‘Gạch đỏ’ sừng sững mãi ngàn năm - Đức Hồ

  Tới Bình Định mà không đến chiêm ngưỡng tháp Chăm thì chuyến đi bớt nửa phần ý nghĩa”, một anh đồng nghiệp nói vậy khi biết tôi tìm hiểu v...