Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Những phát minh kỳ quặc ở Anh thế kỷ 19

Áo ngực điện, quan tài chống chôn sống là các ý tưởng phát minh kỳ quặc trong thời kỳ Nữ hoàng Victoria (1837 – 1901) trị vì nước Anh.

 
Theo Mirror, đây là thời kỳ bùng nổ các phát minh hiện đại như điện thoại, radio, máy tính hay công trình xây dựng vĩ đại như Cung điện pha lê (1851) hay Cầu tháp London (1894). Nhiều ý tưởng phát minh kỳ quái và vô dụng cũng ra đời trong thời kỳ này.

Một trong những ý tưởng đó là áo ngực điện. Cornelius Bennett Harness, chủ sở hữu của Công ty Ắc quy Y tế tại phố Oxford, London là người đề xuất ý tưởng này.

"Đây là sản phẩm dành cho tất cả phụ nữ, bất kể già trẻ, đặc biệt là những người có bệnh thấp khớp, hay cảm lạnh hoặc yếu lưng", ông tuyên bố.

"Mặc nó vào người xấu nhất cũng sẽ trở nên duyên dáng và thanh lịch, các cơ quan nội tạng cũng sẽ khỏe lên nhanh chóng".

Tuy nhiên, cũng như mọi thiết bị có điện khác của thời kỳ này, nó chỉ có từ tính và không có đủ lực hút bó bụng làm eo nhỏ đi.

 
Lược điện, một dụng cụ chỉ có từ tính chứ không có công dụng đặc biệt như quảng cáo.

Tuy nhiên, doanh nhân George Scott, người sản xuất chiếc lược, tuyên bố nó còn có tác dụng giảm đau đầu do có thể hỗ trợ nang tóc phát triển, thậm chí chữa được cả táo bón, bại liệt, các bệnh về máu, thấp khớp, tê liệt do sốt rét.

Để bán được nhiều lược, George còn khuyến cáo mỗi người nên có lược riêng nếu muốn phát huy tối đa tác dụng.

 
Nhiếp ảnh bắt đầu phát huy tác dụng trong việc phát hiện tội phạm ở thời kỳ này, dẫn tới sự ra đời của các phát minh về máy ảnh thám tử và máy ảnh ngụy trang.

Vào năm 1886, J de Neck, một người gốc Brussels, Bỉ đã đưa ra ý tưởng về một máy ảnh giấu trong mũ với kính ngắm gắn trên vành mũ. Ngoài ra máy ảnh còn được ngụy trang trong sách, cà vạt, gậy đi bộ và nút áo gile.

Các máy ảnh nhỏ cũng được gắn bên trong kim kẹp cà vạt, thắt lưng, nhẫn, bật lửa, hộp diêm, bao thuốc lá, túi đồng hồ, đồng hồ đeo tay, bút, ống nhòm, thậm chí cả súng.

 
Đường sắt với đầu máy hơi nước rất phổ biến trong thời kỳ này nhưng có một số nhà phát minh vẫn muốn đi ngược lại xu hướng này bằng các ý tưởng chế tạo tàu khí nén.

Một thử nghiệm đã diễn ra vào năm 1861 ở Battersea, London, với một đường ống dài 413 m dọc bờ sông Thames cùng với một số khúc cua. Chiếc xe di chuyển sang đầu bên kia ống sau 30 giây.

Sau khi thử nghiệm thành công, các kế hoạch đầy tham vọng đã được công bố để xây dựng tàu khí nén tại Crystal Palace, Waterloo và Liverpool. Thậm chí còn có một dự án xây dựng một đường ray khí nén bên dưới eo biển Anh vào năm 1869, nhưng không có cái nào thành hiện thực.

 
Vào năm 1883, kỹ sư Magnus Volk đã đưa đường tàu điện đầu tiên tại Anh vào hoạt động ở Brighton, Sussex. Đây là một địa điểm thu hút du lịch và các thế hệ kế nhiệm của nó vẫn còn hoạt động cho tới ngày nay.

Tuy nhiên, khi Volk quyết định mở rộng đường tàu về phía đông tới Rottingdean , ông đã đặt các tuyến đường sắt dưới biển và đặt tàu lên trên các chân chống thép dài 7 m trên mặt nước.

Công việc xây dựng tuyến đường sắt này bắt đầu vào năm 1894 và chỉ làm được khi thủy triều rút. Sau khi hoàn thành, đường ray chỉ xuất hiện khi thủy triều xuống, còn khi triều lên, nó nằm sâu dưới 4 m nước.

Chuyến tàu đầu tiên trên đường ray này diễn ra vào ngày 28/11/1896, nhưng tới năm 1901 nó đã được cho ngừng hoạt động. Ngày nay, dấu hiệu duy nhất của dự án kỳ lạ này là vài hàng bê tông khối lởm chởm lộn xộn trên bờ biển giữa Brighton và Rottingdean.
 
Taphophobia là tên gọi của hội chứng sợ bị chôn sống rất phổ biến trong thế kỷ 19. Bác sĩ Timothy Clark Smith cũng mắc bệnh này, ông đã nghĩ ra quan tài chống bị chôn sống cho mình.

Trên nắp quan tài có gắn một ống dài 1,8 m với một cửa sổ nhỏ ở đầu trên để những người đi viếng có thể nhìn thấy mặt ông nằm trong quan tài. Nó cũng được lắp một chiếc chuông có thể rung bằng một sợi dây đặt bên trong. Bác sĩ qua đời vào ngày 31/10/1893.

John Krichbaum người Mỹ sau đó cũng thiết kế một chiếc quan tài tương tự, với một ống hình chữ T thông qua nắp quan tài lên mặt đất, tay cầm được đặt gần phía tay người nằm bên trong.

Nếu "xác chết" xoay tay cầm, chiếc cân phía trên mặt đất sẽ di chuyển để báo hiệu. Ống chữ T cũng là ống thông khí để giữ cho nạn nhân có thể thở được.

 
Bình chữa cháy được thiết kế để có thể ném đi như một quả lựu đạn đã được cấp bằng sáng chế vào năm 1883. Nó còn được gọi là lựu đạn dập lửa. Sau một thời gian ngắn, nó trở nên phổ biến trong các gia đình và nhà máy.

Các chai thủy tinh chứa các chất lỏng độc hại như carbon tetrachloride (CCl4), khi ném vào đám cháy sẽ dập tắt ngọn lửa. Tuy nhiên các hoạt chất này có thể xâm nhập vào cơ thể qua da và đường hô hấp, gây tổn thương phổi, thận và gan. Vì thế, người ta ngừng sử dụng nó.

Xem thêm: 
Nguyễn Thành Minh (Ảnh: Mirror )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trang Thơ NKĐ : ĐI XA , LÀM GÌ ?, GIẢI BÀY ,LẠM BÀN, CHÚT NGHĨ SUY..(11/24. 1)

  1./ ĐI XA Già chậm tiến mà đời chóng vánh Nghe thường thôi " hạ cánh an toàn " Hoà bình sao lại nhiều hơn Máy bay đâu để nó tuồ...