Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

AI MUA NGÀ VOI ( Từ Dannews)

Ước tính Trái đất còn 410.000 – 650.000 con voi đang sống. Nhưng mỗi năm có 30.000 – 50.000 con bị giết hại lấy ngà, tức 15 phút có một con bị giết. Với tốc độ này, loài voi châu Phi sẽ tuyệt chủng trong môi trường hoang dã trong vòng 20 năm tới.
Ai mua ngà voi?
Kiểm lâm chặt lấy ngà sau khi con voi bị giết một cách bất hợp pháp ở rừng quốc gia Amboseili, Kenya. Trong 6 tháng đầu năm 2015, 6 kiểm lâm thiệt mạng khi bảo vệ đàn voi Kenya, trong khi 23 tay săn trộm bị giết
Nhân tố Trung Quốc

Sau nhiều năm bảo vệ và hỗ trợ buôn bán ngà voi hợp pháp trong nước, Trung Quốc tuyên bố hồi tháng 9-2014 sẽ cấm. Mỹ cũng thế. Lãnh đạo hai nước đều hứa sẽ mạnh tay để chấm dứt nạn buôn bán ngà voi, nhưng không đưa ra khung thời gian thực hiện.
Trung Quốc nhiều năm qua đã thúc đẩy thị trường buôn lậu ngà voi bùng phát bằng cách cấp phép cho các xưởng điêu khắc ngà voi mới, các cửa hàng bán lẻ và tuyên bố điêu khắc ngà voi là một phần của di sản văn hóa nước này.
Lệnh cấm mua bán ngà voi toàn cầu có từ năm 1989, nhưng năm 2008 Trung Quốc được Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) cho phép mua sỉ ngà voi một lần từ Botswana, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe.
Nước này mua về 73 tấn ngà voi. Theo quan chức CITES tại Trung Quốc Meng Xianlin, từ năm 2009 Trung Quốc đã bán 5 tấn mỗi năm từ kho cho các xưởng điêu khắc được cấp phép, tức khoảng 35 tấn đã vào thị trường tới cuối năm 2015.
Với tốc độ này, Trung Quốc còn 8 năm nữa để đưa hết ngà voi, tức 40 tấn, ra thị trường. Nếu Trung Quốc muốn mua lại ngà voi hiện được bán tại các cửa hàng điêu khắc theo một chương trình được đề xuất, chi phí ước tính 500 triệu USD. Đây được xem là cách nhanh nhất để Trung Quốc có thể bắt đầu áp dụng lệnh cấm buôn bán hoàn toàn, cũng là cách mà theo nhiều chuyên gia là toàn diện nhất để cứu đàn voi.
Những vụ mua sỉ ngà voi hợp pháp từ châu Phi mà Trung Quốc được phép thực hiện chỉ làm vấn nạn này khủng hoảng hơn.
Theo Mary Rice – giám đốc điều hành Tổ chức Điều tra môi trường (Environmental Investigation Agency – EIA) ở London, nhu cầu ngà voi ở Trung Quốc là yếu tố thúc đẩy lớn nhất thị trường toàn cầu. Nhưng bà cho rằng mấu chốt là các quốc gia đều rất e dè về mặt chính trị để lên tiếng thách thức Trung Quốc thay đổi quy định của mình.
Ai mua ngà voi?

Triệt tiêu nguồn cầu
Cuộc khảo sát quốc tế do National Geographic phối hợp với GlobeScan thực hiện năm 2015 cho biết đa số những người nói họ sẽ mua sản phẩm làm từ ngà voi lại cũng là những người sẽ ủng hộ nỗ lực cấm mua bán ngà voi.
Thái độ đối lập trong cùng một con người đó chỉ là một trong vài kết quả gây ngạc nhiên của khảo sát. Vậy điều gì khiến người Mỹ và các nước châu Á tiếp tục mua ngà voi, bất chấp nỗ lực của cả thế giới trong nhiều năm qua nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng về nạn mua bán ngà voi bất hợp pháp đang dẫn tới hệ lụy là loài voi bị tận diệt?
Chỉ riêng năm 2011, 25.000 con voi đã bị giết. Terry Garcia thuộc Tổ chức National Geographic Society cho biết những người học đòi xem ngà voi tượng trưng cho địa vị xã hội và sự giàu có vẫn đang tìm mọi cách biện minh hành động mua bán và sở hữu ngà voi của mình là không gây hại.
Khảo sát cho biết những người mua ngà voi tỏ ra quan ngại về hành động tàn nhẫn đối với voi, nhưng chưa tới 1/3 trong số họ tin rằng loài voi đang “rất nguy cấp”. Những người khác cho rằng mua một miếng ngà voi nhỏ chẳng ảnh hưởng gì lớn tới dân số đàn voi.
Trong khi ở Mỹ và Philippines, những người tham gia khảo sát giảm bớt lo lắng về tình cảnh của đàn voi vì cho rằng chính phủ sẽ nỗ lực để đảm bảo loài voi không bị tuyệt chủng.
Ngược lại, người Việt Nam tin rằng vì loài voi đang giảm số lượng quá nhanh nên tốt nhất là mua càng nhiều ngà voi càng tốt trước khi nguồn cung biến mất. Vì lẽ đó, còn người muốn sở hữu ngà thì còn thị trường cung cấp ngà. Và còn ngà thì còn người mua.
Bởi vậy, Garcia cho rằng các tổ chức cần lên tiếng về vấn đề nhu cầu ngà voi của xã hội và làm cách nào triệt tiêu nguồn cầu, tức là làm sao để xã hội không thể chấp nhận được hành vi mua ngà voi bất hợp pháp.
Nói cách khác, số phận của loài voi sẽ phụ thuộc một phần vào nhận thức xã hội, rằng sở hữu ngà voi không có gì là hay ho, sang trọng, quyền thế cả.
Sau khi loài voi bị giảm số lượng mạnh từ 1,3 triệu con còn khoảng 600.000 con trong vòng một thập kỷ, thế giới đã cấm mua bán ngà voi từ năm 1989 và trong một thời gian lệnh cấm này có hiệu lực. Nhưng từ năm 2007, nạn săn bắt diện rộng đã trở lại và số voi giờ chỉ còn hơn 400.000 con.
Lý do là ngà voi bất hợp pháp đã tìm được đường trở lại thị trường toàn cầu. Các quốc gia châu Phi đã cho phép bán đấu giá ngà voi bị thu giữ trước đây (chúng trị giá hàng triệu USD).
Mỹ vẫn cho phép ngà voi được nhập vào nước này như phần thưởng của các cuộc săn bắn và cho phép ngà voi từng bị cấm trước đây được mua bán xuyên các bang. Còn Chính phủ Trung Quốc cho phép bán đi một phần kho ngà voi mỗi năm.
Những kẻ buôn lậu đã lợi dụng điều này, lấy sản phẩm bất hợp pháp và dán mác hợp pháp. Trong khi hầu hết các quốc gia châu Phi không có nguồn lực chống lại lực lượng săn trộm.
Nạn giết voi lấy ngà hỗ trợ khủng bố ở châu Phi ra sao?
Tầng lớp trung lưu mới nổi của Trung Quốc rất thích ngà voi, nạn đói nghèo kinh niên ở châu Phi, lực lượng hành pháp tham nhũng và yếu, các công cụ giết voi đang nhiều hơn bao giờ hết… đã tạo ra cơn bão hoàn hảo tận diệt loài voi.
Hầu hết ngà voi bất hợp pháp đều đến Trung Quốc, nơi bán một cặp đũa làm từ ngà voi giá hơn 1.000 USD, ngà voi khắc có giá hàng trăm ngàn USD.
Đông Phi giờ là chiến trường của nạn giết hại voi lấy ngà. Tháng 6-2015, Chính phủ Tanzania cho biết nước này đã mất 60% tổng đàn voi trong 5 năm qua, từ 110.000 con chỉ còn 44.000 con. Cũng thời gian này, nước láng giềng Mozambique mất 48% tổng đàn voi.
Cả những người dân nghèo khổ, nhân viên kiểm lâm không được trả lương cũng giết voi lấy tiền. Họ sẵn sàng làm việc đó vì kể cả khi bị bắt, hình phạt cũng không đáng kể. Nhưng các tổ chức vũ trang, bán vũ trang và khủng bố mới là lực lượng hùng hậu giết voi quy mô lớn.
Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi (CAR), Cộng hòa dân chủ Congo (DRC), Sudan, Chad – 5 quốc gia ít ổn định nhất thế giới – bị Tổ chức Fund for Peace ở Washington D.C đánh giá là nơi mà người từ quốc gia khác tìm đến để giết voi.
Sau nhiều năm, con đường đến rất nhiều vụ giết voi lớn nhất, tàn nhẫn nhất lần về Sudan (nơi không còn voi nhưng chứa chấp những kẻ săn trộm kiêm khủng bố), là nơi ẩn náu của các lực lượng phản kháng, ly khai ở Dafur, tây Sudan và đông Chad.
Đây là một câu chuyện điển hình. Joseph Kony thề sẽ lật đổ Chính phủ Uganda bằng Quân đội phản kháng của Chúa(LRA – một tổ chức bị Mỹ coi là khủng bố). Năm 1994, Kony rời Uganda, đem theo đoàn quân khát máu tới Sudan, lẩn trốn ở khu biên giới.
Thời đó, bắc và nam Sudan đang nội chiến. Kony đã mang đến cách giúp Chính phủ Sudan ở Khartoum làm miền nam mất ổn định. Trong 10 năm, chính phủ đã cung cấp lương thực, thuốc men, vũ khí cho Kony.
Năm 2005, khi nam và bắc Sudan ký thỏa thuận hòa bình, Kony mất lực lượng chống lưng. Ông ta chạy đến DRC năm 2006 và lập trại ở rừng quốc gia Garamba, nơi có 4.000 con voi đang sinh sống.
Sau khi thương lượng hòa bình với Uganda thất bại (từ 2006-2008), Kony trốn ở Garamba và bắt đầu giết voi lấy ngà, đổi lấy vũ khí để tiếp tục đánh nhau. Năm 2014, 132 con voi bị giết ở Garamba và trong sáu tháng đầu năm 2015, người ta tìm thấy 42 con voi bị giết. Tổng cộng 10% tổng đàn voi bị giết hại, giờ chỉ còn khoảng 1.500 con.
Nhưng Sudan không được chú ý nhiều. CITES, một tổ chức giám sát và theo dõi nạn buôn bán ngà voi quốc tế, đã xác định tám quốc gia thuộc hàng “quan ngại hàng đầu” gồm Trung Quốc, Kenya, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Uganda, Tanzania và Việt Nam.
Tám quốc gia xếp loại quan ngại thứ hai gồm Cameroon, Congo, DRC, Ai Cập, Ethiopia, Gabon, Mozambique và Nigeria. Sudan không có trong danh sách này, dù những người săn bắn trộm ở Sudan là lý do hàng đầu khiến voi bị giết ở những nước trong danh sách CITES. Sudan cũng là nơi cung cấp ngà cho Ai Cập và là nơi nhận đầu tư hạ tầng rất lớn từ Trung Quốc.
Những công nhân Trung Quốc đến Sudan làm việc và cũng tham gia quá trình vận chuyển ngà ở nhiều khu vực tại châu Phi. Các cửa hàng bán ngà ở Khartoum quảng cáo bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Ả Rập.
Ai mua ngà voi?
sản phẩm chế tác từ ngà voi

Còn người mua thì còn kẻ bán
Bởi vậy, cơ quan chức năng và các tổ chức bảo tồn đang nhắm vào việc thay đổi nhận thức của bên cầu. Cuộc nghiên cứu tám tháng của National Geographic Societychú ý năm quốc gia được cho là tập trung vào nguồn cầu gồm Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Mỹ.
Nghiên cứu xác nhận 22% số người hỏi “có thể là người mua” – tức là định mua trong vòng ba năm tới và có tiền để mua. 28% được đánh giá là người “có nguy cơ mua”, tức là mua nếu có tiền. Các cuộc vận động chính sách trong những vấn đề khác cho thấy tầm quan trọng về việc thay đổi nhận thức của đối tượng mục tiêu.
Ở Mỹ, ví dụ chiến dịch “The Truththuyết phục thanh niên không hút thuốc khá thành công vì không dựa vào những logo kiểu sáo mòn như “Hãy suy nghĩ, đừng hút thuốc” hay các thông điệp về sức khỏe, mà chỉ cho những người hút thuốc trẻ tuổi biết họ đã bị các công ty thuốc lá thao túng thế nào. Chiến dịch chống buôn bán ngà voi cũng đã bắt đầu đưa thông điệp đến người mua.
Tội phạm động vật hoang dã không chỉ là sát hại động vật, mà còn phá hủy môi trường sinh thái mà con người sinh sống, lấy đi sinh mạng những thợ kiểm lâm và cả chính những người tham gia đường dây buôn lậu.
Mua hay sở hữu ngà voi chính là tiếp tay tạo ra vấn đề lớn hơn cho loài người về mặt sinh thái. Chưa nói tới lượng tiền lớn từ buôn bán ngà voi bất hợp pháp đến các tập đoàn tội phạm đa quốc gia và các tổ chức khủng bố ở châu Phi. “Bạn không quan tâm tới loài voi, thế còn việc ủng hộ chủ nghĩa khủng bố thì sao?” – Garcia hỏi.
Những người mua ngà voi tiềm năng tuổi đời còn trẻ, sử dụng Internet nhiều, nghĩa là có nhiều cơ hội và nhiều cách để đưa thông điệp đến với họ, chẳng hạn tìm những người tạo ảnh hưởng để đưa ra thông điệp này. Ở Nhật, sự yêu thích ngà voi đã giảm mạnh từ những năm 1980 sau khi thái tử Nhật lên tiếng phản đối.■
Nguồn báo Tuổi Trẻ
 Từ năm 2000-2015, thế giới đã chứng kiến 117 vụ thu giữ ngà voi trái phép, thu về hơn 217.000kg ngà voi, tương đương 32.400 con voi bị sát hại, mỗi sừng tương đương hơn 3kg. Riêng năm 2015, hơn 32 tấn ngà voi bị thu giữ, trong đó có 18 vụ thu giữ được xem là quy mô lớn, tức mỗi vụ thu giữ hơn 500kg ngà voi. Tháng 8-2015, cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đã thu giữ 3.903 tấn ngà voi bất hợp pháp trong ba vụ. Tháng 11, cơ quan chức năng bắt giữ thêm 860kg và tháng 12 thu giữ 2,2 tấn ngà chuyển từ Mozambique. (Theo IFAW)
Tháng 1-2014, khi đang kiểm tra container được cho là cao su chuyển đến Việt Nam, cơ quan chức năng cảng Togo (ở Tây Phi) đã tìm thấy và thu giữ hơn 4 tấn ngà voi, là đợt thu giữ lớn nhất của châu Phi kể từ khi lệnh cấm buôn bán ngà voi có hiệu lực trên thế giới.

1 nhận xét: