Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

TRĂNG HUYẾT - Chuyện Ngắn của Nguyễn Thị Minh Ngọc ( Từ Văn Việt)

Biển ngợp ngụa trong màu đỏ của trăng. Tôi ngợp ngụa trong cái thứ nước mặn tanh đó. Ðêm lặng gió, sóng nhỏ, những cù lao đen đũi ngoài kia khiêu khích. “Lúc nào buồn em sẽ bơi ra đó bứt một nhúm rong mơ rồi quàng lên cổ bơi về”. Tôi thường nói câu đó với Huyên nhưng chưa bao giờ tôi thực hiện cả. Bởi mọi sự với tôi chưa có gì trầm trọng để gọi là buồn. Sự lỳ lợm đã như một món quà Huyên tặng riêng tôi trong những ngày sinh nhật vào mùa trăng huyết tháng tám. Huyên có cái lối trui luyện em gái như tập tục của một giống dân da đỏ ở vùng hàn đới, nhúng đứa trẻ sơ sinh vào nước suối, và lớn lên một chút, xô nó xuống dòng sông cá sấu, nếu nó chịu được lạnh và cá sấu không ăn được thì coi như trời đã nhận. Tôi sẽ không cãi nếu có ai bảo Huyên không biết thương em. Cãi làm gì. Nói ra chẳng ai hiểu đâu. Mà cũng chẳng cần ai hiểu.
Huyên hơn tôi gần mười tuổi nên khi chơi với Huyên, tôi có cái dáng lúc thúc của một con gà con. Ðúng hơn là con gà què. Một chuyến lên núi Tà Cú nhân dịp Trung Thu, cái bánh xe đạp sau quấn nghiến bàn chân tôi, Huyên cõng tôi vào bỏ trong bụng ông Phật nằm, dài 49 thước, để đi kiếm thuốc. Trăng đêm đó cũng là trăng huyết. Hơi trăng hắt sáng qua khe mắt Phật rọi trên gót chân bầm tím của tôi lạnh như ai rắc băng trong tủy. Sau này tôi đi hơi cà nhót. Sao chẳng lúc nào tôi tỏ ý – dù ý thầm – oán giận Huyên. Nhà chúng tôi ở gần một cái đầm nước mặn, dưới chân một đồi cát, kề một nghĩa trang. Bên kia đầm là một vườn rau xanh ngắt ẩn dưới bóng cau rợp lá loáng thoáng thấy được bóng người. Một chỗ nửa chợ nửa quê. Bọc ngoài đồi cát đầy dứa dại táo gai là biển, nơi cung cấp những trò chơi không chán. Ngay trong nhà chúng tôi cũng đã có nhiều thứ để giải trí rồi. Con mèo chột là của Huyên. Con heo vá đen là của tôi. Con nhồng kêu được tiếng người là của Huyên. Ðàn vịt có bệt sơn xanh đánh dấu trên lưng là của tôi. Chúng tôi còn chia nhau nhiều thứ. Cây đu đủ đực, giàn bầu, cụm hoa tường, chậu xương rồng hoa trắng muốt… Có một cái mà chúng tôi không thể chia. Ðó là má. Cũng chẳng biết được má thương đứa nào nhiều hơn. Ðôi lúc thấy Huyên “hành hạ” tôi quá, như là má cũng xót xa, nhưng ít khi nghe bà la anh về việc đó.
Mà mọi sự, rõ ràng còn là sự tự nguyện của tôi, Huyên đâu có ép. Tôi hân hoan được sai khiến hướng dẫn trong mọi trò của Huyên. Ðóng một cái nhà cho con heo sắp đẻ. Dựng thêm giàn cây. Ði quơ cây khô trên đồi về nhà chụm lửa. Khi tôi đang tuổi lớn, Huyên đi học xa. Nên trong một năm đối với tôi mùa hè là mùa thần tiên nhất. Có những chuyến phiêu lưu xa hơn giang san chúng tôi đang ở. Ðến rừng dương lăn trên những nệm đá xanh óng ánh trên triền suối chảy ở Ðá Ông Ðịa. Leo tận đồi mai rừng quanh đồi Lầu Ông Hoàng. Chân vẹo xiu lẽo đẽo theo anh khắp nẻo. Kỳ diệu nhất là đi trên nước biển. Thuở mới tập bơi, tôi đau đớn lùng bùng với cái chân xiêu vẹo. Cuối cùng, Huyên phải rứt tay tôi bám, xô mạnh. Cứ ngỡ chìm mất mình thì Huyên nắm cổ kéo lên.
Thường, cuối một dịp hè, Huyên thường có cái lối chào tạm biệt tôi bằng những cái xô thật bạo tàn mà một đời tôi khó quên. Vì nó thường trùng với mùa trăng sinh nhật của tôi. Lần tập bơi đó là một. Lần thứ hai trong một dịp đi hái dừa vườn hoang với anh. Trời lạnh và đầy sao. Một năm, trăng rằm lớn nhất vào tháng tám, đầy, to. tròn và đỏ như máu, nhuộn khắp cảnh vật một màu u uất, tóc tang mà hoang dã, đục mờ. Những rằm khác trăng trong thì sao biến đi. Nhưng tháng tám ở đây thì đặc biệt sao đầy dù đêm rằm. Tháng tám ma quái của tôi! Huyên mang theo một cuộn dây dừa lớn để thòng trái xuống cho tôi tháo. Rồi như thường lệ, hai anh em chọn hai gốc cây ngả lưng nói lung tung chuyện hay không nói gì hết. Gió thổi xô đẩy lá dừa rào rào không phân nổi với tiếng sóng ngoài kia. Hai tay tôi chắp sau ót thì Huyên gỡ ra, nói thầm vào tai: “Ngày xưa có thằng cha kia ăn xong trái vườn hoang buộc tiền vào gốc cây trả chủ. Bây giờ tao cột mày vô đây để trả tiền mấy trái dừa”. Huyên nói và Huyên làm. Rồi Huyên đi. Tôi định nói, thôi em không chơi cái trò kỳ cục này đâu nhưng sự lỳ lợm khớp miệng tôi lại. Tay Huyên trói không chặt nhưng chắc chắn. Cọng dây dừa nhột nhạt cổ tay tôi. Nước mắt tôi chảy ào nhưng răng cắn nhất định không kêu. Có những người đi đánh vó khuya sóng sánh đèn bão ngoài bãi. Từng nhóm tới lui ẩn hiện như ma trơi. Tiếng cười nói lất lây trong cụm lá dừa này, bụi gai nọ. Sao vẫn nhiều và dầy. Trăng tươm ứa thêm màu máu sẫm. Vẫn còn một chút yên tâm rằng Huyên lẩn quất đâu đó, sẳn sàng ào ra nếu sinh vật nào ăn hiếp em gái anh.
Lần xô thứ ba này thì hết hy vọng đó rồi. Sau khi đỗ đầu trong kỳ thi ra trường, Huyên về nhà tuyên bố: “Sẽ lấy vợ trước khi trình luận án và… đi lính. Cái xô dứt tình, dứt nghĩa. Thôi thế là em sẽ bơi ra cù lao đó. Quàng mớ rong lên cổ rồi bơi về. Bơi về rồi làm gì nữa đây. Chị dâu tương lai của tôi quá đẹp. Ðiều đó khiến tôi hơi ngạc nhiên. Con người Huyên cứng cỏi, không có dấu vết của sự thường tình. Chính cái nhan sắc kia khiến cảm nghĩ đầu của tôi là mình bớt nhìn Huyên cao ngất như xưa. Bớt nhưng không hết. Làm sao hết! Có những ngày tôi không làm gì hết. Tôi nằm khềnh ra trên nệm lá dương khô, ngủ cho no, cho muồi hai mắt. Cũng có lúc thả mình nổi trôi lênh đênh trên mặt nước. Tôi đen như cục đất thó. Tóc cháy vàng chẻ đôi ngọn khô gẩy. Mặc dầu đám cưới chưa cử hành nhưng tôi tránh đi chơi với Huyên.
Tôi hân hoan khi thấy những đóm buồn trách thoáng ẩn hiện trong mắt anh. Sự độc ác lạnh lùng Huyên truyền thụ cho tôi được tôi thực tập với vài người quen. Nhưng họ hơi đần khiến tôi không còn hứng thú. Ðâu dễ gì trời phát cho ta một đối thủ vừa tay. Những buổi đi chơi tay ba bề ngoài có vẻ thật dễ thương. Tần là người mềm mỏng, có cố gắng trong sự chìu chuộng tôi. Sau đó thái độ dửng dưng của tôi vẫn không thay đổi gì hết. Nhưng cũng có lúc bất thần nằm dưới vòm keo nghe tiếng chim líu lo, bỗng dưng tôi xấu hổ với con chim vô danh nào đó. Nên về nhà cố gắng thân ái lại với Huyên, sốt sắng phụ tay vào việc dựng thêm một gian nhà mới cho đôi vợ chồng sắp cưới. Huyên cũng cười cầu hòa, chọc thẳng vào vết thương tôi: “Làm gì mấy ngày nay mày phịu mặt thế con nhỏ? Tần sẽ thay mày đi chợ, sẽ cho heo ăn, sẽ chia sẻ gần hết những việc nặng lâu nay của mày”. Tôi nói thầm: “Nhưng tôi đâu có ham. Tôi đâu có cần được như vậy”. Huyên chọc thêm: “Rồi bộ mi không lấy chồng sao? Trong đám đó tao ngó bộ có mấy thằng trông được lắm”. Nghe Huyên nói giọng buông xuôi chưa. Ngày nào lũ bạn trai của tôi còn khổ sở vì những trò hề của Huyên để trắc nghiệm từng đứa. Bây giờ thì đâm ra dễ dãi như vậy. Tôi bỗng nói to: “Thôi tốt hơn là Huyên đừng nói gì nữa cả thảy”.
Trời mưa bay bay ngoài nghĩa trang. Người xà ích nạt nộ tôi tránh lối cho xe mang gạch hồ vào xây một ngôi mộ mới. Ðám ma này khi sáng tôi có gặp. Thằng nhỏ chết trạc tuổi tôi. Má nó khóc mùi mẫn. Ba nó mặt lạnh như đá. Như là ông có ngồi trên xe ngựa. Và ngó chăm bẳm tôi. Tôi không nhìn lên nhưng tôi biết. Theo Tần kể, thằng nhỏ tự tử vì bực bội trước mối bất hòa của ba má nó. Tự tử bằng một cây súng của ông. Có vẻ như đó là một người có chức phận và danh vọng. Dĩ nhiên, từ đó sẽ kéo theo nhiều mối bận tâm khác. Phải chăng tôi bị quyến rũ từ đầu bởi nét khổ tâm trong mắt ông và nét quý phái sang trọng nơi người đàn bà vợ ông. Buổi chiều đó, tôi đứng dưới gốc cây đào ngắm người thợ hồ xây mộ và ngắm người đàn ông có nỗi khổ nát lòng ngụt trong hai mắt. Thỉnh thoảng ông có nhìn lại tôi, ánh dịu xuống. Nhưng mắt tôi không hề chớp. Tôi quan sát người cũng như quan sát vật để quên buồn. Vì trời mưa, tôi chưa thấy hứng thú bơi ra cù lao Hống.
Ngày cưới kề, Huyên đi xa một chuyến, lấy cớ mua một ít đồ cần cho đám cưới. Chắc chắn đó là cái cớ. Tần vẫn đến nhà dịu dàng với má và tôi. Bỗng tôi thấy tội nghiệp cho cái nhan sắc đó phải về sống ẩn nhẫn giữa chốn đầm lầy loang lạnh như thế này. Tôi sợ sẽ có lúc chị hối hận. Thì có bao giờ tôi kêu ghét Tần đâu. Nhưng lâu nay thấy dửng dưng. Dịp đi xa của Huyên mới thấy chớm lên chút hào cảm dành cho chị. Tôi nghi ngờ như có một điều gì toan tính giữa hai người.
Sáng mai là ngày Huyên về, Tần đến xin phép má cho tôi đi với chị trong một buổi tiếp tân. Tôi ngồi cho Tần trang điểm. Tần nói nhỏ: “Hải sẽ là người nổi nhất trong đêm nay”. Có lẽ, nhờ cái chân cà thọt của tôi. Chị cho tôi mượn cái maxi vàng óng – để phủ che chút chân tật nguyền, phải thế không? – Phải lắc đầu với nhiều người mời ra sàn nhảy, tôi nghĩ mình giống như một nhân vật cổ tích, con nhỏ công chúa cá thích lên bờ phải đổi cái lưỡi lấy đôi chân người để gặp hoàng tử. Nó phải câm, mất đi tiếng hát tuyệt vời đã làm hoàng tử mê mệt nếu không sẽ biến thành bọt nước. Hình như cuối cùng con nhỏ không ngăn nổi mình vì tựa truyện là Bọt Nước Chung Tình. Như bao giờ, tôi đứng một chỗ riêng – ở đâu cũng có một chỗ riêng cho tôi – nhìn ngắm từng người. Ai sẽ là hoàng tử của tôi đêm nay. Chỗ này là chỗ người lớn. Không có lấy một tên nhóc bạn tôi. Nhưng trong mắt nhìn, tôi biết những người kia không coi tôi nhỏ. Họ đến từng tốp hai ba người rồi đi. Tôi thích như thế. Thật là thoải mái. Trời trong sáng và đầy sao trên những lùm cây như đêm nào Huyên trói tôi vào gốc dừa. Trăng mới nhú. Kéo lướt thướt cái bóng ngầu đục của nó qua những tàng lá thấp. Phải cám ơn Thể Tần mới được. Ban đầu ngỡ Tần đẹp nhất đêm nay. Nhưng rồi mới thấy. Sang trọng quý phái trên tất cả vẫn là bà Hạo, cái người đàn bà ảo não trong đám ma hôm nào. Tôi ngắm bà không chớp mắt và buột miệng nói với người đàn ông đứng cạnh: “Ngó cái bà trong áo nhung đen kìa. Tôi mê bà ta quá”. Có tiếng cười ngắn: “Bà ta là vợ tôi…”.
Tôi quay hẳn người lại. Nhìn trừng trừng người đàn ông lạ lùng đó. Mắt ông ta vẫn buồn dù nụ cười còn giữ trên môi. Tôi tự nghĩ người đàn ông này dù có nghe những gì người ta xầm xì về vợ chồng ông thì chắc đó cũng chẳng phải là nguyên nhân khiến ông phải buồn thêm. Nỗi buồn như thấm tự đời thuở nào trong xương tủy ông. Chẳng hiểu vì sao tôi muốn bắt tay ông để chút buồn nhỏ của tôi lẫn hòa trong buồn rộng. Rồi tôi nói về cù lao nhỏ. Ông có bao giờ thấy cù lao đó chưa. Tôi cứ nhạo anh tôi bao giờ buồn tôi sẽ bơi ra đó. Hái rong mơ choàng lên cổ rồi về. Ông ta nghiêm trang: “Ngày mai tôi sẽ thực hiện giấc mơ đó giùm cô”. – “Sợ ông bơi không nổi”. – “Tôi có vẻ bệ rạc lắm sao?”. – “Không, nhưng ông có vẻ nặng nề vì một nỗi buồn nào đó. Ðâu có ai mang khối đá trên lưng mà bơi nổi”. – “Thế thì tôi sẽ cất tạm nó ở nhà”. – “Tại sao không ném quách đi cho rảnh, ông còn tiếc rẻ lắm sao?”. – “Ðó là một phần của tôi. Không ai cắt bỏ được thịt da mình. Vì nó sẽ nẩy chồi mọc ra cái mới. Trừ khi tôi chết đi…”.
Im lặng một lát, đột nhiên tôi hỏi: “Chắc ông yêu bà ghê lắm?”. Tiếng ông lạnh lẽo: “Cô có cần biết lắm không?”. Tôi xin lỗi: “Có lẽ vì bà ta đẹp quá. Tôi bị mê hoặc bởi bà ta. Và hơi phiền lòng khi thấy họ không được hạnh phúc. La Rumeur!”. – “Cô tin những lời đồn lắm sao?”. – “Tôi ghét chúng nhưng dầu gì cũng không chối được là có một chút gì thật trong đó”. Ông bỗng kéo tay tôi. Mà tại sao ta phải nói về những điều đó trong một đêm thế này. Ði! Tôi mời cô bản này. Tôi từ chối. Tôi nói thẳng vì chân tôi hơi cà nhót. Ông Hạo à à. Ra đó là nguyên nhân nỗi kiêu ngạo của cô. Tửu lượng của ông ta làm tôi ngán. Ðó là người thứ nhì tôi nể vì chuyện này, sau Huyên. Họ nhà tôi có máu háo thắng, nên dễ lì lợm trong mọi trò đùa. Ông Hạo nói tôi chẳng phải vì đùa như ông anh của cô mà uống nhiều đâu. Ông biết Huyên à. Biết chớ. Thằng cha nổi tiếng lì rượu. Năm đầu tiên ra nghề, tôi có dạy Huyên. Chúng tôi thuê phòng ở gần nhau. Ðêm đầu Huyên đến H., chúng tôi đã uống với nhau những giọt rượu đầu tiên. Tôi ôm cái mặt nứt nẻ sau trận đòn của du đảng xứ ấy, lết về phòng Chuyện đó tôi có nghe Huyên kể. Té ra là ông sao. Sao ông có con lớn thế. Tôi lấy vợ sớm, Cẩm Lai học lớp tôi. Dạo còn ở D., chúng tôi thường ôm nhau lăn từ đỉnh cỏ cao mượt mà xuống chân đồi. Mẹ Cẩm Lai hỏi tôi có ba triệu không? Cách đây mười bảy năm, ba triệu không phải dễ kiếm. Nhưng cuối cùng tôi cũng cưới được Cẩm Lai vì chúng tôi đã có con với nhau. Tôi thường nghe Huyên nhắc về cô. Hải Ðường! Té ra chúng ta quen nhau mười lăm năm nay rồi mà không hay. Tôi nhỏ nhẹ: “Hãy gọi tôi là Hải thôi. Tôi không thích phải mang tên thứ hoa đó”.
Ông Hạo lái xe đưa tôi về. Cô có vẻ khôn ngoan trước tuổi. Kiêu ngạo, tự tin, lúc nào cũng ở một thế thủ vững chắc. Tự rót uống lấy mình. Cô chưa uống một giọt rượu tôi mời. Lúc ở trên xe, gió lộng làm tôi nhớ mình chưa cho Tần hay mình sẽ về xe ông Hạo. Ông cũng chưa cho bà ấy hay. Thế cô nghe người ta đồn thế nào. Chúng tôi đang ở thời kỳ ly thân. Nghe giọng nói như là ông vẫn còn yêu bà. Tôi nhắm mắt và cảm thấy có một cái gì đó nát tan không cứu vãn nổi. Cái cảm giác của một người bị đẩy chuồi tử đỉnh xuống chân một đồi cát. Mình sao thế này. Tôi kêu ông Hạo cho tôi xuống. Ông thắng xe và nắm tay tôi. Cô sao thế. Chẳng sao hết. Sắp đến nhà tôi. Tôi muốn đi bộ một quãng. Ông Hạo khóa xe. Tôi muốn đi với cô. Những lời nói như truyền lệnh này là của Huyên. Huyên mà tôi sắp mất. Thốt nhiên tôi cảm thấy chán nản và rã rời mọi sự. Còn hay mất. Sống hay chết. Ðời sống lung linh những nỗi không tưởng. Chúng tôi im lặng đi chậm rãi bên nhau. Như một đôi bạn già. Kỳ dị nhỉ. Sao giờ tôi lại ở đây. Tiếng ve thống thiết trong những những bụi cỏ. Gió hất tóc tôi sang vai ông Hạo. Jupe dài làm vướng víu những bước chân lướt thướt trên cỏ của tôi. Rồi một lúc nào không rõ. Chúng tôi lạc lối đến nghĩa địa. Lẩn quẩn đến ngôi mộ người con ông Hạo. Ông đứng lại một chút. Trăng hắt lênh láng màu đỏ sậm trên mặt ông tỏ lộ một điều gì đó thê thiết khôn tả. Tôi đứng im như tượng nhìn một bức tượng khác là ông. Rồi một lúc nào không rõ. Chúng tôi hôn nhau. Nụ hôn nhẹ tưởng như không có. Nhưng mà lâu. Lâu như nỗi buồn. Một pho tượng hôn một pho tượng. Lạnh biết mấy. Sau đó cảm được một chút gì yên tâm và vơi bớt chán nản. Hôn, thay cho bắt tay, như một dấu hiệu chào nhau để nỗi buồn vỡ ra, chảy bớt. Tôi chảy nước mắt. Cô từ đâu đến thế này. Tôi ở đây. Thế sao tôi không biết cô. Vì tôi không biết ông. Chúng ta không biết nhưng cây cỏ biết. Mả mồ biết. Sao trăng biết. Và đứa con của tôi sẽ chứng giám rằng… Tôi sẽ thường ra thăm cậu ta. Mong tình cờ gặp lại. Bây giờ nên chia tay ở đây. Lúc này người truyền lệnh là tôi. Ông đứng đó. Tôi quay thoắt đi sau những hàng lau sậy dẫn vào nhà. Lọt vào trong nhà mới biết mình đánh rơi đâu đó một chiếc giày. Như con bé lọ lem chưa! Nhưng nằm ngoài dự liệu của Huyên và Tần, Lọ lem không gặp hoàng tử mà lại gặp ông già của hoàng tử. Tần ngồi chờ tự bao giờ. Má tôi đang trách sao để lạc tôi thì tôi vào. Con về đây. Con về nguyên vẹn nè má. Nhưng mất mát rơi rớt theo nhịp chạy rất nhiều. Làm sao má biết. Làm sao má đếm được hồn con.
Rồi ngày qua ngày. Sóng làm đôi lúc tôi tưởng điên lên được. Nhưng nước biển làm tôi dịu lại. Tôi vẫn chưa bơi ra cù lao Hống. Chưa có gì trầm trọng mà. Một đôi lần tôi suýt chạm mặt bà Hạo nơi mộ cậu bé. Bộ đồ đen làm tăng vẻ đẹp não nùng của bà. Cẩm Lai! Tên một thứ gỗ quý. Tôi biết ông Hạo còn yêu bà ghê lắm. Chẳng thế mà ông buồn. Mà liên can gì đến tôi. Cô có cần biết lắm không. Ông Hạo đã hỏi. Nếu là bây giờ, tôi sẽ trả lời. Cần lắm. Ðể làm gì tôi cũng không hiểu nhưng cần lắm.
Có đêm tôi mơ thấy mình bơi ra cù lao. Ðó là những hòn đá sắc cạnh màu huyết lởm chởm hào hến. Huyên đứng trên đỉnh tự bao giờ. Anh gỡ tay tôi nhoi lên bám đá. Ðá sắc cào xướt một bên ngực, vẫn mạnh bạo như một con kình ngư, tôi thong dong bơi vào bờ. Có tiếng ông Hạo gọi sau lưng. Ông ta vừa bơi vừa giơ cao một nhánh rong mơ định trao cho tôi. Nhưng sóng dạt, chẳng bao giờ chúng tôi chụp bắt được nhau. Rồi tôi thấy mình đứng trước một tấm kiếng lớn. Áo toạc ra, tay cầm bông băng định băng vết thương, nhưng vết sướt đẹp quá khiến tôi cứ đứng ngắm hoài hủy. Máu tươm một đường đỏ, chấm dứt ở đầu vú trông như một nhánh hồng đầy gai máu. Rồi tôi hôn tôi. Cánh hồng đỏ vỡ nhòa. Nụ hôn lạnh lẽo mùi ngân thủy của gương.
Cũng có lúc tôi lờ mờ thấy cậu con của ông Hạo tìm tôi. Tại sao chị thường đến thăm mộ tôi. Vì tôi mê má cậu và tôi đã hôn ba cậu. Tôi không thích thế, tại sao chị không đến vì chị thích đến với tôi. Thế thì tôi không đến được đâu, cậu bé! Nhưng đó là mơ! Thật ra tôi vẫn đến ngôi mộ ấy thường và lánh mặt mỗi lần thấy người ở đó. Có lần ông Hạo nhìn thấy tôi. Ông đuổi theo nhưng bao giờ cũng lạc lối giữa những hàng lau sậy. Những con chim vịt động ổ bay lên quang quác kêu rợp trời. Lẫn lộn trong đó tiếng kêu trầm, nhỏ, yếu ớt của ông Hạo: “Hải! Hải! Em ở đâu, cho tôi gặp một chút”. Không khác tiếng kêu trong giấc mơ tôi đã nghe bao nhiêu.
Bốn chúng tôi, Huyên, Tần, má và tôi vẫn sống êm đềm và có vẻ hạnh phúc. Chúng tôi sắp rời khỏi nơi đây. Huyên vào lính. Tôi được gởi đi học xa. Thể Tần bị thuyên chuyển về vùng cao nguyên. Má sẽ theo sống với Tần. Những buổi tối tôi ngồi sành soạn những món quà ngày xa xưa của Huyên. Một đốt ngón tay ướp formol. Bàn tay cán mỏng thành hình hoa pensée. Pensée à moi. Ðiều đó cần thiết chăng. Ðêm, gió vẫn hú dài trên những đồi cát hoang dã sau nhà rồi lướt chân vòng qua những bụi bờ lau sậy giữa đầm lầy và nghĩa trang. Rồi sóng, sóng vẫn rên xiết những lời tuyệt vọng một cách nhàm chán. Và sao, sao lâm chân dày đặc âm ui. Ðã qua mùa trăng huyết cuối cùng của tôi ở P.
May mắn tôi là người rời nhà đầu tiên. Huyên có tổ chức một buổi rượu tiễn. Dành cho tôi bất ngờ, anh có mời ông Hạo. Huyên kiêm luôn chức đầu bếp. Món thịt nướng anh làm thật tuyệt. Ðủ cả tỏi, quế, ngũ vị hương, cà-ri cay… Mấy chai Mai Quế Lộ được đào lên… Càng về khuya tôi càng sợ hãi trước sự bình tĩnh của Huyên và vẻ mặt ngây ngô của ông Hạo. Dưới sự điều động của Huyên, ông khóc cười như một đứa trẻ. Lòng tôn quý của tôi đối với ông tiêu tan như nỗi buồn không còn đọng vết trong mắt ông. Huyên bây giờ độc ác như một gã phù thủy. Mắt anh đỏ những đường gân chằng chịt, cơ hồ rượu đổ ngụt vào hai cái hố khủng khiếp ấy.
Tôi chịu hết nổi. Chạy vòng ra sau nhà. Thấy Tần ngồi khóc bên đống lông chuột, tôi nghĩ rằng chị đã hiểu lờ mờ. Nhưng tôi thì hiểu thấu suốt mọi sự. Tôi cào nát cổ vẫn không ói được khối thịt thơm phức đã nuốt vào khi nãy. Ông Hạo đang chệnh choạng múa may bước ra cổng và ngã sóng soài giữa bậc đá. Má tôi mang khăn ướt ra lau vết bầm trên trán cho ông. Huyên liệng ra một tấm mền. Tôi ngẩng lên. Không phải hai con mắt lửa. Mà đó chính là hai vầng trăng huyết độc ác và thê lương sẽ theo đuổi tôi suốt cả cuộc đời. Trong chuyến đi xa ngày mai, tôi sẽ không còn lo phòng những bất trắc. Ðánh đổi lại, sẽ là những mảnh tình không. Ông Hạo! Ông Hạo! Và những ai sau này nữa.
Hãy tha thứ cho tôi. Hãy tha thứ cho anh em tôi… 
——————–
NGUYỄN ĐĂNG THƯỜNG ĐỌC TRĂNG HUYẾT CỦA NGUYỄN THỊ MINH NGỌC
HỒNG NGUYỆT
Trăng huyết. Một cái tựa đề truyện ngắn. Bí ẩn. Bắt mắt. Rùng rợn. Một cái truyện ngắn sáu trang. Của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc (Pearl Nguyễn). Có thể đầu tay. Viết ở lứa tuổi teen, lứa tuổi của những Rimbaud man rợ, nổi loạn, bứt phá. Viết vì cần phải viết. Viết cho vơi bớt những bức xúc nấu nung. Viết chỉ để cho chính mình. Viết không cần ai đọc, ai khen, ai chê. Viết để rồi có thể phủ nhận như Rimbaud, hay bỏ dở, đốt bỏ, như Kafka về sau.
Trăng huyết có thể chia ra làm hai phần.
Phần đầu kể lại tuổi thơ của Huyên và Hải, người anh trai và đứa em gái kėm hơn anh nó gần mười tuổi đời, tại một thành phố ven biển, có thể là Phan Rang, Phan Rí, hay Phan Thiết, nếu cù lao Hồng có thật, nửa thành thị nửa hoang dã, do Hải kể lại. Phần cuối là sự chia tay — vĩnh biệt tuổi thơ và ngôi nhà cũ — qua vài biến cố đương nhiên của cuộc đời thường, biến cố trong và ngoài gia đình, một đám cưới, một đám tang, người anh lấy vợ rồi nhập ngũ, đứa em gái phải đi xa học, và, qua vài nhân vật và vài biến cố biểu trưng khác, khi cô gái trong thoáng chốc bất chợt bỗng thấy mình trở thành một thiếu nữ khá xinh, vừa tự ti vì cái chân hơi cà nhót, vừa tự cao vì “sự độc ác lạnh lùng Huyên truyền thụ cho tôi”. Hay đúng hơn, biến thành một pho tượng đá, “máu tươm một đường đỏ, chấm dứt ở đầu vú trông như một nhánh hồng đầy gai máu”, — máu rỉ đọng lại trong tim (sẽ hóa ngọc).
Vừa đọc hết trang đầu của Trăng huyết, tôi đã nghĩ ngay đến bài thơ Moesta et Errabunda (Buồn bã và Lang thang) trong Les Fleurs du Mal (Ác hoa) thi tập lừng danh của thi sĩ Pháp Charles Baudelaire, về “le vert paradis des amours enfantins”, cái thiên đường xanh của những tình yêu thơ dại.
Cái thiên đường xanh, hay đúng hơn, cái vườn địa đàng xanh của Hải và Huyên, sau lưng thành phố, có đủ cả để cho chàng A Dong và nàng Ê Và vị thành niên của chúng ta vui đùa nghịch ngợm đuổi bắt nhau, phá phách thám hiểm, ẩn núp ngơi nghỉ, ngày lẫn đêm tiếp tục những trò chơi ngây thơ rồ dại của trẻ con, đôi khi vô tình sado-masochist: rừng dương, đồi mai rừng, những cây dừa hoang để trèo lên bẻ trái, táo dại dứa gai, hoa trắng của những cụm xương rồng, một đồi cát, một nghĩa trang. Trước mặt là biển cả trùng dương mênh mông sóng, những hòn đảo nhỏ, đen đúa, như khiêu khích, có những chùm rong mơ xanh, nơi luôn luôn mơ ước được tới, tuy gần mà ngoài tầm vì quá sức bơi lội của Hải.
Mấy câu mở đầu của Trăng huyết độc đáo, thần kỳ, tượng thanh và tượng hình – âm thanh của biển và hình ảnh của sóng gợn – khiến người đọc ngạc nhiên, sững sờ, sởn tóc gáy: “Biển ngợp ngụa trong màu đỏ của trăng. Trăng đỏ như máu tanh ngợp ngụa trên mặt biển đêm. Tôi ngợp ngụa trong cái thứ nước mặn tanh đó”. Trăng vàng, trăng xanh, trăng ngà, trăng trong, trăng sáng, trăng mơ, trăng mờ, trăng tròn, trăng khuyết, trăng thu, trăng rằm, trăng liềm, trăng xẻ đôi, cũng như biển lớn, biển cả, biển nhớ, biển biếc xanh, biển hát chiều nay… lềnh khênh trong thơ văn, ca khúc của ta. Nhưng trăng đỏ, trăng huyết, biển ngợp, biển tanh, biển máu… thì chỉ có một mình con bė Hải trông thấy được mà thôi. Có thể vào cái lứa tuổi khi một hôm nó bỗng dưng ngỡ ngàng hoảng hốt nhìn thấy những giọt máu đỏ thắm, tanh tưởi đầu tiên rịn ra từ cái cơ thể ngây thơ, trinh trắng, bė bỏng của mình.
Nhà thơ Diễm Châu đã ca ngợi Trăng huyết không tiếc lời, từ hơn mười năm, hai mươi năm trước. Và anh cũng có bảo tôi nên tìm đọc. Nhưng tôi chưa gặp dịp. May thay, vài hôm trước đây, nhờ liên lạc qua facebook, tôi được tác giả ưu ái gởi cho một bản đã gõ máy sẵn qua điện thư. Trước đó nữa, vào các tiệm sách mạng, tôi cũng có thấy một hai cuốn truyện ngoại quốc mang tựa đề Trăng huyết. Nhưng với tôi “trăng huyết” sẽ mãi mãi là một “khám phá” – một cách nói – của Nguyễn Thị Minh Ngọc và chỉ thuộc về Nguyễn Thị Minh Ngọc thôi, với nhãn hiệu cầu chứng không thể vi phạm.
Nhiều truyện ngắn, của Hemingway, Faulkner, Joyce, Chandler, McMurtry… chỉ kể thử vài nhà văn Anh, Mỹ tôi còn nhớ tên, đã được những cây bút tài hoa của Hollywood viết thành kịch bản, rồi được quay thành những cuốn phim tuyệt vời, cổ điển, muôn đời, có một không hai. Trăng huyết thuộc loại truyện ngắn này. Ngắn nhưng chứa chan. Nhân vật không nhiều, tuy phác thảo nhưng chính xác, có kích thước, có chiều sâu, tầm cỡ, rất thích hợp để chuyển thể, phát triển thêm. Câu văn ngắn gọn, nhịp nhàng, chữ nghĩa chọn lọc, chính xác, với những hình ảnh lạ lùng, tân kỳ, dồi dào ẩn dụ, nhưng tự nhiên, không chủ tâm, không phô trương, không gượng ėp.
Rừng, biển, đất, cát. Nghĩa trang, lỗ huyệt. Cái chân xiêu, chiếc giầy tuột khỏi chân, sau đêm dạ vũ. “Những cù lao đen đủi khiêu khích” quyến rũ mời mọc. Buổi dạ vũ đầu tiên mà cũng là cuối cùng trước khi giã từ tuổi thơ và, ha ha, tuyệt vời quá ― nếu ta muốn có thêm tí khôi hài của tranh mộc bản dân gian, dù trong truyện con bė bướng bỉnh Hải không mặc váy hở hang và vén váy lên ― cảnh anh trèo cây hái trái em đứng dưới hứng dừa. Ôi, biết bao nhiêu là hình ảnh như tiếng ca tiên cá vẫy gọi người đọc tới tìm thêm dụ ẩn để diễn dịch. Nhưng tôi tránh chi tiết, đào sâu, diễn dịch những hình ảnh, những tín hiệu – người anh lớn tuổi, người cha vắng mặt, người đàn ông xa lạ đáng tuổi cha của Hải – mang nhiều tính ẩn dụ thuộc loại phân tâm học ấy. Một, vì sợ nói bậy. Hai, vì tôi không là một nhà phân tâm học, hay một nhà điểm sách phê bình chuyên môn. Trước và sau tôi chỉ muốn giữ vai trò thuần túy của một độc giả thưởng ngoạn bình thường.
Nhưng mà, hãy thử đặt ra một câu hỏi ở đây chơi nhá. Adam và Eve trong Thánh Kinh đã bị con rắn quỉ quái xúi dại nàng Eve ăn trái cấm. Eve nghe lời con rắn ăn quả táo cấm nên Adam và Eve bị Thượng Đế đuổi ra khỏi Thiên Đường, đày xuống dương thế làm người trần tục lõa lồ biết xấu hổ phải bứt lá nho để che đậy chỗ kín. Thế nhưng, con rắn trong vườn Địa Đàng của anh em Huyên-Hải ở đâu, sao không thấy? Vì tôi đã nói ở trên rằng nó có đủ cả. Hải tất nhiên không ăn táo dại. Vậy thì ai xui, ai là rắn, và quả gì, tội ác nào đã khiến cho Huyên, Hải bị đuổi ra khỏi thiên đường xanh mát của tuổi ấu thơ?
Thể Tần, người vợ trẻ đoan trang, xinh xắn của Huyên quá hiền lành không thể là rắn hay trái cấm. Hay là Cẩm Lai, người phụ nữ quí phái, sang trọng, đài các, cổ thụ, âm thầm như một bóng ma, bí ẩn, đẹp nhứt thành phố? Hay là ông Hạo, giáo sư, người đàn ông “mặt lạnh như đá”, thầy và bạn rượu của Huyên, và chồng của bà Cẩm Lai, hoa khôi của thành phố, vừa chôn cất xong đứa con trai yêu quí cùng lứa tuổi với Hải. Hay là ông Hạo, kẻ đã trao cho Hải một nụ hôn môi buốt giá – một pho tượng ôm hôn một pho tượng khác – sau đêm dạ vũ?
Đi vào mê cung của những liên hệ tình cảm chồng chėo phức tạp ― tất nhiên dồn nén ― giữa các nhân vật mà chính họ cũng chưa hiểu rõ, với chiếc đèn bấm cầm tay để lùng bắt cái thằng người có đầu thú vật ẩn nấp trong đó. Hay chỉ để được trực diện với một vật hay điều gì đó vô hình chung bị cất giấu bên trong ― tình thương bình thường hay tình yêu cấm kỵ, tuy không ý thức, giữa hai anh em cùng chung máu mủ ― ánh sáng dù chỉ yếu ớt lờ mờ, và sự phơi bày không cần thiết đó, vẫn có thể làm mất đi sự huyền bí của câu chuyện và cái thi vị của các nhân vật. Hãy để cho họ, như phiến đá nặng trên lưng ông Hạo, ám ảnh, đeo đuổi chúng ta mãi mãi. Ai là nạn nhân? Ai là kẻ đã gây ra tội ác? Tội ác nào? Nạn nhân của điều gì? Tại sao Hải đã kết thúc câu chuyện với một lời xin lỗi: “Ông Hạo! Ông Hạo! Và những ai sau này nữa. Hãy tha thứ cho tôi. Hãy tha thứ cho anh em tôi…” ?
Với tôi, Hải-Trăng huyết của Nguyễn Thị Minh Ngọc gợi nhớ mãnh liệt Cathy-Đỉnh gió hú của Emily Brontë, và Mick-Trái tim là một thợ săn cô đơn của Carson McCullers. Hải, Cathy, Mick, nhân vật chính trong truyện của của ba nữ nhà văn tất nhiên phải mang nhiều nét tiểu sử, ― những bė gái mới lớn, chưa ý thức được rõ ràng giới tính của mình, tình cảm còn hơi man dại, khėp kín, cô đơn, nhiều nam tính, luôn luôn tìm một chỗ vắng cho riêng mình.
Xin hân hạnh giới thiệu – có thể tôi là người đầu tiên làm công việc này – và gởi Trăng huyết đến bạn hữu và độc giả như một món quà mọn Giáng Sinh, tuy nhỏ nhưng đặc biệt, để, nếu như chưa có thì giờ xem ngay, thì dành lại chờ tới lúc đã chán chê rượu bánh, hôn hít và cười cợt — vui thật hay vui gượng — muốn tìm một chỗ vắng để mà, qua một câu chuyện của tha nhân, hồi ức lại trong giây phút những kỷ niệm vui buồn, nếu có, của chính tuổi thơ mình. Rồi một lần nữa, tạm biệt quá khứ, đóng khėp tuổi thơ, chỉnh sửa lại khăn áo chỉnh tề, mỉm cười, cười thoải mái vui vẻ hay chỉ gượng gạo nhếch môi thôi, nghiêm trang sẵn sàng chào đón một năm mới tinh khôi chưa cắt chỉ.




1 nhận xét:

EM MÙA THU, CHIỀU MƯA THÁNG MƯỜI - Thơ Ngọc Ánh

Tranh Hứa Xuân Trường EM MÙA THU Em ďi dưới nắng Xuân hồng đó Mái tóc mây trời trong trắng bay Má đào đã ửng hây hây đỏ Em thướt tha ngời tr...