Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

FM974: Tây Hồi: Tiền – Sự Sống Còn Của Quân Taliban Ở Thung Lũng Swat



Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 19/12/2016

Tây Hồi: Tiền – Sự Sống Còn Của Quân Taliban Ở Thung Lũng Swat
    Người buôn người bán, tiệm quán cửa hàng trong vùng thung lũng Swat, đã cùng nhau yêu cầu quân đội và cảnh sát ở đây, tăng cường bảo vệ cho người dân, sau những lần họ nhất định từ khước, chống lại sự đe dọa và tống tiền của quân Taliban trong mấy ngày gần đây.
   
 Một buổi sáng giữa tháng mười, ông Abdur Rahim, chủ tiệm bán hàng vật dụng linh tinh, nhận cú điện thoại lạ, ông ta giựt thót mình sợ hãi, khi nghe giọng nói của một tên chỉ huy quân Taliban trong vùng, đòi ông và các người buôn bán khác, ở thung lũng Swat, phải đóng số tiền “thuế bảo vệ làm ăn buôn bán”.  Cú điện thoại hăm dọa này được xem là đáng sợ, không thể nào làm ngơ, đối với những người làm ăn buôn bán, ở cái góc đất nông thôn nằm xéo tận phía bắc Tây Hồi, nơi quân Taliban chiếm cứ và kiểm soát một phần từ năm 2007, trước ngày hai năm sau đó, bị quân đội chính quyền Tây Hồi, càn quét ra khỏi vùng này. Người dân địa phương sợ rằng, các vụ tống tiền và nhiều người bị giết vào đầu năm nay, cho thấy mưu toan của quân Taliban, định tìm cách trở lại thung lũng Swat, một thung lũng hùng vĩ, nên thơ với sông dài núi cao xanh ngát mà, họ đã có thời cai trị bằng luật lệ bàn tay sắt. Cường quốc tây phương, trong đó bao gồm Hoa Kỳ, có hàng ngàn quân lính chiến đấu với những nhóm loạn quân khác, trên khắp các vùng gần bên biên giới A Phú Hản, muốn thấy mạng lưới “quân hồi giáo thánh chiến” này phải bị đập nát.

    Trong lần nói chuyện qua điện thoại hôm 19 tháng 10, Mullah Akhtar, một tên chỉ huy thân cận với thủ lãnh Mullah Fazlullah của nhóm TTP (Taliban Pakistan), ra lệnh thương gia Rahim, đi thu số tiền từ 15 ngàn hội viên của “hội thương gia Swat”, mà Rahim là chủ tịch, đem nộp cho quân Taliban, nhưng cuộc đối thoại không có kết quả tốt vì Rahim bác bỏ việc làm này và bảo với Akhtar là, họ không thèm chào đón ông ta ở thung lũng Swat, theo Rahim, Akhtar nổi cáu lên, đe dọa sẽ cho Rahim nổ banh xác, ngay cả bác sĩ cũng không có tài nào lắp ghép lại được. Sau cú điện thoại này, đời sống hàng ngày ông đã phải thay đổi, đứng nói chuyện với phóng viên Reuter, tại thị trấn Mingora, thủ phủ chính của vùng thung lũng Swat, Rahim có hai người cảnh sát võ trang kề bên, trong khi một số người cảnh sát “chìm” khác chăm chú nhìn đám người qua lại xa xa trên đường, Rahim cũng cho gắn máy thu hình CCTV chung quanh nhà ở và cửa tiệm buôn.

    Người ta chưa đoán được chiến thuật mới này của quân Taliban ở thung lũng Swat, nhưng phần lớn người dân trong vùng, tin rằng, các vụ tống tiền và ám sát xảy ra trong nửa năm nay, là dấu hiệu cho thấy Taliban đang ở trong tình trạng khó khăn thiếu hụt tiền bạc. Tấn công, giết chóc đã trở thành một phần, trong đời sống hàng ngày của người dân ở đây từ năm 2010, trong đó kể cả vụ quân Taliban mưu toan giết em gái được giải Nobel, Malala Yousafzai, trên xe buýt năm 2012, nhưng mấy tháng gần đây, các vụ giết người không còn nữa sau khi cảnh sát bắt giữ một số người có dính líu tới quân Taliban và các nhóm loạn quân khủng bố khác. Riêng Taliban, hiện cũng lúng túng trong việc tìm kiếm một chủ thuyết mới cho chính họ, sau cái thời hai năm cầm quyền, cai trị A Phú Hản bằng máu, áp đặt những thứ luật lệ hồi giáo quá khích cực đoan lên hơn hai triệu người dân, sống trong vùng thung lũng Swat. Taliban vẫn còn hoạt động khá mạnh tại nhiều nơi khác, đặc biệt là ở phía nam tỉnh Balichistan, ở đó, một nhánh của quân Taliban và Isis đã gây ra một loạt nổ bom và tấn công bằng súng máy, giết hơn 180 người.

    Quân đội Tây Hồi vẫn theo đuổi việc loại quân Taliban ra khỏi thung lũng Swat, phần đất khá rộng vô luật lệ, đầu tiên, nơi các bộ lạc sinh sống, dọc theo đường biên giới với A Phú Hản lọt vào tay loạn quân, quân đội từ chối bình luận gì về tình trạng hiện thời trong vùng này. Một lực lượng hơn 4000 binh lính Tây Hồi, đang trấn đóng tại thung lũng Swat, tháng rồi, họ bắt đầu cho xây cất đồn trại đóng quân lớn cố định ở đó. Zahid Hussain, nhà phân tích an ninh cho biết, thung lũng Swat luôn luôn cho thấy là một thí dụ về sự thành công của quân đội, nhưng thách thức ở đây cũng khá mạnh, giờ là lúc cần phải có chính quyền dân sự cai quản, trong khi chính quyền hài lòng với con số ám sát đã tụt giảm như là một sự tiến bộ nhưng người địa phương có tên trong danh sách sẽ bị thanh toán của Taliban không mấy tin tưởng như vậy, những người đứng đầu các bộ lạc quyền lực, đặc biệt là những ai hợp tác với ủy ban chống lại Taliban cho rằng, họ vẫn còn trong vòng nguy hiểm. Thí dụ trường hợp của ông Fazal Wahab, đi dứng ngoài phố chợ, lúc nào cũng dấu khẩu súng lục trong áo và mang mặt nạ chống bụi che mặt, nhằm không bị nhận diện, Wahab không nhận được bất kỳ sự bảo vệ nào từ quân đội, vốn đang nằm trong danh sách sẽ bị giết của quân Taliban từ nhiều năm qua, chỉ vì ông làm việc với chính quyền Tây Hồi, tuy nhiên theo nhân viên của chính phủ ở Swat thì, tình trạng an ninh có phần cải thiện hơn trước nhiều.

    Hơn 2000 tay súng Taliban ở thung lũng Swat đã bị quân dội Tây Hồi đuổi lui về sâu trong các vùng rừng núi phía bên kia biên giới A Phú Hản. Cảnh sát ở Swat nói rằng, các tên ám sát Taliban, len theo những con đường mòn trên triền núi giữa vùng Nuristan của A Phú Hản và Chitral của Tây Hồi, rồi lén lút trà trộn vào thung lũng, theo cảnh sát trưởng Swat, ông Akhtar Hayat Khan, một hai người sẽ không gặp khó khăn gì cho lắm khi muốn đi xuống thung lũng qua ngả đường đó. Ông Khan nói thêm, nhiều tình báo viên địa phương đã trà trộn vào các chỗ dân chúng tụ tập như chợ búa, khu vui chơi, bến xe..., phá vở mạng lưới theo Taliban, cô lập phần lớn những vụ khủng bố, trong tháng 7, cảnh sát bắt ít nhất 12 người trong vùng thung lũng Swat về tội, tình nghi tiếp tay cho các vụ tấn công của quân Taliban. Giới thương gia, làm ăn buôn bán ở Swat, hoan hô tư thế chống đối Taliban của ông Rahim nhưng có nhiều người, không chắc là sẽ cũng làm như ông ta hay không, nếu phải đối diện với sự tống tiền như thế, họ nghĩ, nếu nhận được cú điện thoại đòi tiền của quân Taliban, thì họ sẽ làm gì, coi như là mang nguyên một tảng đá nặng trong đầu, nhưng họ lại không có một sự lựa chọn nào khác. Ông Rahim kiên quyết giữ vững lập trường chống lại sự tống tiền của Taliban như từ trước tới giờ, mới vừa đây, Rahim đã bắt đầu nuôi giống chó tấn công, để bảo vệ cho chính mình, Rahim thẳng thắng “ông thường không ưa thích nuôi chó, nhưng đã đến lúc ông phải giữ chó để tấn công bọn chó, có nghĩa là, Taliban (những con chó) đang quá đói khát, giống như chó đói sẽ cắn thịt người ta thì bọn Taliban đang cắn người ta đây”.

    Tây Hồi và A Phú Hản có cùng chung đường biên giới dài, suốt trong cuộc chiến giữa quân Hoa Kỳ và Taliban A Phú Hản, chính quyền Tây Hồi đã cho nhận người tỵ nạn A Phú Hản định cư ở nước này. Tuy nhiên, Tây Hồi không có lưu trử con số người đã nhập cư, khi người A Phú Hản vào Tây Hồi, họ mang theo với họ văn hóa và tập tục truyền thống riêng của mình, ngoài người tỵ nạn A Phú Hản, còn phải kể trong đó có những người đến từ các quốc gia khác 20 năm trước đây, được Hoa kỳ tuyển mộ vào lính trong cuộc chiến đánh Liên Sô, họ ở lại, định cư, lập nghiệp tại thung lũng Swat, lập gia đình, xem Swat là quê hương.

    Ngay khi quân Taliban tiến chiếm vùng thung lũng Swat, họ bắt đầu thi hành chiến dịch gây sợ hãi trong dân chúng qua việc quân sự hóa mọi thứ, không chờ không đợi, Taliban cho áp dụng luật lệ cưc đoan hồi giáo, mà họ mang đến, đàn ông thanh niên tại đây bắt buộc phải để râu quay hàm dài và đàn bà phụ nữ phải mặc áo thụng dài,  khăn choàng che kín người kín mặt, do vậy, họ buộc tất cả mọi người phải giống hệt “một người Taliban”. Đặc biệt là từ lúc chính quyền A Phú Hản không có hành động gì chống lại, dân chúng ở đây đành phải sinh sống dưới luật lệ của Taliban, vì thế, quân Taliban do Mullah Fazullah lãnh đạo dần dần nắm quyền kiểm soát phần lớn thung lũng Swat. Dù quân đội của Chính quyền Tây Hồi tung ra nhiều trận tấn công, đánh đuổi trong nhiều năm qua nhưng Taliban vẫn còn kiểm soát gần 90% thung lũng Swat, người ta tin rằng, họ đã xây dựng thành công các hậu cứ an toàn trong vùng chiếm giữ, và lo ngại, Taliban sẽ tiếp tục xâm chiếm những miền khác trên đất Tây Hồi trong một ngày nào đó.

    Trung cộng và các nước láng giềng khác, e ngại, nhóm quân Taliban ở đây (nhóm Tehrik - i – Taliban) sẽ tiến hành các hoạt động quân sự lấn dần ra bên ngoài lảnh thổ Tây Hồi, như vậy, người ta sẽ không sai khi nói rằng, thung lũng Swat là điểm khởi đầu và sẽ tiếp tục đi tới, đây cũng là một trong những lý do chính yếu, tại sao quân Taliban nhất quyết bám lấy, đã không chịu rời bỏ thung lũng Swat, nơi họ đã sống qua nhiều thế hệ và là nơi họ gọi đó là  nhà.



Thuyên Huy

Mon 19.12.2016

   

(ảnh từ Internet:1 góc thung lủng Swat )   

   

   







1 nhận xét: