Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

CUỘC ẨU ĐẢ GIỮA KỴ SĨ ĐƠN ĐỘC VÀ TONTO Ở THIÊN ĐÀNG





Trời nóng quá không ngủ được nên tôi thả bộ xuống tiệm tạp hóa 7-11 ở Đại Lộ Số 3 để kiếm một cây cà-rem đá và chút chuyện trò với người làm ca đêm ở quầy tính tiền. Tôi rất rành nghề đó. Tôi đã từng làm ca đêm cho 7-11 ở Seattle và đã bị ăn cướp quá nhiều lần. Lần cuối cùng, thằng khốn nạn đó nhốt tôi vào phòng lạnh. Nó còn lấy tiền và đôi giày bóng rổ của tôi.

Gã làm ca đêm của 7-11 ở Đại Lộ Số 3 trông giống như tất cả những gã ca đêm khác. Mặt đầy sẹo mụn và kiểu hớt tóc xấu xí, quần làm việc lòi vớ trắng, và đôi giày rẻ tiền không giúp ích gì cho cơ thể cả. Lưng tôi vẫn còn đau sau cái năm tôi làm việc với 7-11 ở Seattle.

“Hello,” hắn chào khi tôi bước vào trong tiệm. “Khỏe không?”

Tôi vẫy tay chào hờ hững rồi bước lại tủ đá. Hắn nhìn theo tôi thật kỹ để sau nầy hắn có thể miêu tả tôi lại cho cảnh sát nghe. Tôi biết cái nhìn nầy. Một cô bồ cũ nói rằng tôi cũng đã nhìn cô ta giống như vậy. Rồi không bao lâu sau đó cô nàng bỏ tôi. À không phải, tôi bỏ cô ấy và tôi không đổ lỗi gì cho cô ấy. Chuyện nó xảy ra như vậy. Khi một người bắt đầu nhìn người kia với ánh mắt giống như đang nhìn một tội phạm thì mối tình đó chấm dứt. Cũng hợp lý lắm thôi.





“Em không còn tin ở anh nữa,” cô ấy nói. “Anh hay giận dữ quá đáng.”

Cô ấy người da trắng và tôi sống với cô ấy ở Seattle. Có những đêm chúng tôi cãi lộn với nhau đến nỗi tôi nhảy vào xe bỏ đi và lái lòng vòng suốt đêm, chỉ ngừng lại để đổ xăng thôi. Thật ra, tôi làm việc ca đêm là chỉ để tránh khỏi gặp mặt cô ấy càng nhiều càng tốt. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi biết rành Seattle, vì cứ lái xe miết qua những đường phố nhỏ và các con hẻm bẩn thỉu.

Tuy nhiên, đôi khi tôi quên mất mình đang ở đâu và đi lạc. Tôi cứ lái hàng giờ, cố tìm một nơi chốn nào quen thuộc. Dường như tôi luôn làm chuyện ấy suốt đời tôi, cố tìm bất cứ cái gì đó tôi có thể nhận diện được. Có lần nọ, tôi tình cờ tấp đến một khu dân cư rất khá giả và có lẽ ai đó đã lo sợ nên không lâu sau có cảnh sát đến kêu tôi dừng lại.

“Anh làm gì ở đây?” người cảnh sát vừa hỏi vừa xem xét bằng lái và giấy đăng bộ xe của tôi.

“Tôi đi lạc.”

“À, lẽ ra anh phải đến chỗ nào?” anh ta hỏi tôi, và tôi biết có nhiều chỗ tôi muốn đến, nhưng không có chỗ nào tôi lẽ ra phải đến.

“Tôi gây lộn với bạn gái tôi,” tôi nói. “Tôi chỉ lái xe lòng vòng, để xả giận, anh biết mà?”

“À, anh nên cẩn thận hơn về những chỗ anh lái đến,” người cảnh sát nói. “Anh làm người khác lo lắng. Bộ dạng anh không thích hợp với vùng nầy.”

Tôi muốn nói thật ra bộ dạng tôi không thích hợp với cả đất nước nầy nhưng tôi biết tôi sẽ gặp rắc rối nếu nói vậy.





“Anh cần gì?” người coi tiêm 7-11 hỏi lớn, dò xét câu trả lời của tôi để tự trấn an rằng tôi không phải một tên cướp có vũ khí. Hắn biết nước da sậm màu và mái tóc đen dài của tôi là dấu hiệu của nguy hiểm. Tôi có tiềm năng đáng nể.

“Chỉ một cây cà-rem Creamsicle,” tôi trả lời, sau một khoảng dài im lặng. Đó là một trò đùa bệnh hoạn của tôi với hắn, nhưng tại giờ đã khuya rồi và tôi đang buồn chán. Tôi lấy một cây cà-rem đá Creamsicle rồi bước chậm chạp trở lại quầy tính tiền, đảo mắt ra vẻ quan sát mấy dãy hàng để gây ấn tượng. Tôi muốn huýt sáo nho nhỏ một cách đầy hăm dọa nhưng tôi chưa bao giờ tập huýt sáo.

“Tối nay nóng dữ há?” hắn hỏi, câu hỏi cũ kỹ vờ vĩnh về thời tiết để làm hai bên cảm thấy dễ thở hơn.

“Nóng đủ để nổi điên,” tôi trả lời và mỉm cười. Hắn nuốt nước bọt cái ực giống như cách một người da trắng phải làm trong hoàn cảnh nầy. Tôi nhìn hắn từ trên xuống dưới. Cũng một cái áo 7-11 màu xanh lá cây, đỏ và trắng như hồi đó giờ, và cặp mắt kính dầy. Hắn không xấu trai, chỉ lạc lõng và cô đơn một cách rõ rệt. Nếu hắn không làm việc ở đây tối nay, hắn sẽ nằm nhà một mình, vặn TV từ đài nầy sang đài khác ước mong phải chi hắn có HBO hay Showtime.

“Cần gì thêm nữa không?” hắn hỏi tôi, bằng một giọng cố gắng lôi kéo để tôi đột nhiên muốn mua thêm món gì khác nữa. Giống như cộng một điều lệ thêm vào một bản hiệp ước. Chúng tôi sẽ lấy Washington và Oregon và bạn sẽ lấy sáu cây thông và một chiếc xe Chrysler Cordoba mới toanh. Tôi biết cách đưa ra một lời hứa và rồi hủy bỏ nó.

“Không,” tôi nói xong rồi dừng lại. “Cho tôi một ly nước đá bào Cherry Slushie nữa.”

“Cỡ nào?” hắn hỏi, nhẹ nhõm.

“Lớn,” tôi trả lời, và hắn quay đi để làm ly nước đá bào. Rồi hắn chợt nhận ra lỗi lầm của mình nhưng đã quá muộn. Hắn sựng người lại, chờ đón tiếng súng nổ hay một cú đập sau đầu. Khi không thấy gì xảy ra, hắn quay lại tôi.

“Xin lỗi,” hắn nói. “Anh nói cỡ nào?”

“Nhỏ,” tôi trả lời khác đi.

“Nhưng tôi tưởng anh nói lớn.”

“Nếu anh biết tôi muốn lớn, thì tại sao lại hỏi tôi nữa?” Tôi chất vấn anh ta và cười. Hắn nhìn tôi, không rõ tôi đang cự nự hắn thật hay chỉ đùa chơi. Hắn có cái vẻ gì đó làm tôi thích hắn, mặc dù bây giờ là 3 giờ sáng và hắn là một gã da trắng.

“Ê,” tôi nói. “Khỏi lo ly đá bào. Tôi chỉ muốn biết anh có thuộc hết lời bài hát nền trong bộ phim ‘The Brady Bunch’ không?”

Hắn nhìn tôi, ban đầu không hiểu, rồi bật cười.

“Cứt!” hắn nói. “Tôi nãy giờ không biết anh có phải là một thằng cha điên không. Anh làm tôi sợ quá.”

“Ha, tôi sẽ nổi điên lên nếu anh không thuộc lời bài đó.”

Hắn cười to, rồi bảo tôi khỏi phải trả tiền cây cà-rem Creamsicle. Hắn là quản lý ca đêm và những ân huệ nho nhỏ như vậy làm hắn cảm thấy có quyền lực. Tốn hắn tổng cộng 75 xu. Tôi biết giá vốn của mọi thứ hàng ở đây.

“Cám ơn,” tôi nói với hắn rồi bước ra khỏi cửa. Tôi đi bộ từ từ về nhà, để không khí nóng của đêm làm chảy cây Creamsicle lên cả tay tôi. Ba giờ sáng, tôi có thể hành sử như một đứa trẻ con nếu tôi muốn. Không có ai chung quanh để bảo tôi phải làm người lớn.



***

Hồi ở Seattle, tôi hay đập bể đèn. Mỗi khi tôi và cô ấy gây gổ thì tôi đập một cái đèn, chỉ cầm nó lên rồi liệng nó xuống. Ban đầu cô ấy mua đèn khác để thế vào, những cây đèn tuyệt đẹp và đắt tiền. Nhưng sau một lúc thì cô ấy mua đèn cũ ở Goodwill hay bán xon ở ‘garage sales’. Rồi cô ấy từ bỏ cái ý tưởng đó luôn và chúng tôi gây gổ với nhau trong bóng tối.

“Anh giống in như anh của anh,” cô ấy hét. “Ngu xuẩn và say sưa tối ngày.”

“Anh tôi đâu có uống nhiều lắm.”

Chúng tôi không bao giờ tìm cách gây thương tích trên thân thể nhau. Nói cho cùng, tôi yêu cô ấy, và cô ấy yêu tôi. Nhưng những cuộc cãi vã đó cũng tổn thương như những cú đấm. Lời nói là như vậy, bạn biết mà. Bây giờ mỗi lần gây gổ với ai, tôi nhớ đến cô ấy và tôi nhớ đến Muhammad Ali. Anh ta biết sức mạnh của quả đấm của anh ta, nhưng quan trọng hơn nữa, anh biết sức mạnh của lời nói của mình nữa. Mặc dù chỉ số thông minh của anh ta chỉ khoảng 80, Ali là một thiên tài. Cô ấy cũng là một thiên tài. Cô nàng biết chính xác cần nói cái gì để làm tôi đau đớn nhất.

Nhưng đừng hiểu lầm tôi. Tôi đi qua mối tình đó với phong thái của một đao phủ thủ. Hay nói một cách thích hợp hơn, với bộ mặt vẽ sơn để lâm chiến và với những cung tên bén nhọn. Cô ấy dạy trường mẫu giáo và tôi thường sỉ nhục cô về điều đó.

“Ê cô giáo,” tôi hay hỏi. “Hôm nay tụi trẻ con dạy cô cái gì mới?”

Và tôi luôn có những giấc mơ điên cuồng. Tôi lúc nào cũng có những giấc mơ điên cuồng, nhưng dường như ở Seattle chúng thường xuyên trở thành những cơn ác mộng.

Trong một giấc mơ, cô ấy là vợ của một mục sư truyền giáo và tôi là thủ lãnh một đoàn chiến binh nhỏ. Chúng tôi yêu nhau và cố giữ chuyện nầy bí mật. Tuy nhiên gã mục sư truyền giáo bắt gặp chúng tôi đang làm tình trong chuồng ngựa và bắn tôi. Trong lúc tôi nằm đó sắp chết, bộ lạc của tôi hay tin tôi bị bắn nên bắt đầu tấn công tất cả người da trắng trong khu biệt cư dành riêng cho dân da đỏ. Rồi tôi chết và linh hồn tôi bay bổng lên trên khu vực biệt cư nầy.

Hồn lìa khỏi xác, tôi thấy được mọi sự việc đang xảy ra. Da trắng giết da đỏ và da đỏ giết da trắng. Ban đầu chỉ nhỏ thôi, chỉ bộ lạc tôi và vài người da trắng sống ở đó. Nhưng rồi giấc mơ của tôi mở rộng ra, tăng cường độ lên. Các bộ lạc khác cỡi ngựa đến tiếp tục giết chết nhiều người da trắng khác, và rồi Quân Đoàn Kỵ Binh của Hoa Kỳ nhập trận.

Hình ảnh rõ rệt nhất của giấc mơ đó vẫn còn nằm trong đầu tôi. Ba kỵ binh dùng cái đầu của một người đàn bà da đỏ để chơi mã cầu. Lần đầu tôi nằm mơ thấy cảnh đó, tôi tưởng nó chỉ là sản phẩm từ sự giận dữ và trí tưởng tượng của tôi. Nhưng kể từ đó, tôi đọc thấy những câu chuyện tàn ác giống vậy đã thật sự xảy ra hồi xưa ở miền Tây. Và còn ghê hơn nữa, những việc tàn bạo đó hiện đang xảy ra ở những nơi như El Salvador ngày nay.

Tuy vậy, điều mà tôi biết chắc là tôi đã bừng tỉnh khỏi giấc mơ đó với một nỗi kinh hoàng tột độ, tôi lập tức thu gói tất cả những đồ vật tùy thân và rời khỏi Seattle ngay giữa đêm tối.

Cô ấy nói với tôi khi tôi ra đi, “Em yêu anh. Nhưng anh đừng bao giờ quay lại nữa.”

Tôi lái xe suốt đêm, qua Cascades, xuống đến những cánh đồng miền trung Washington, rồi trở về quê quán ở khu vực biệt cư cho người da đỏ Spokane.





Ăn xong cây cà-rem Creamsicle gã quản lý tiệm cho, tôi giơ cái que gỗ lên cao rồi cất tiếng hét thật lớn. Một hai ánh đèn nháy lên sau mấy cánh cửa sổ và vài phút sau có một chiếc xe cảnh sát chạy ngang tôi. Tôi vẫy tay chào mấy anh chàng mặc đồng phục màu xanh đó và họ lỡ tay vẫy chào lại. Khi tôi về đến nhà trời vẫn còn quá nóng, khó ngủ nên tôi lượm một tờ báo phát hành từ tuần trước dưới sàn lên và đọc.

Có một cuộc nội chiến nữa, một vụ khủng bố đánh bom nữa, và một chiếc phi cơ nữa vừa rớt và tất cả mọi người trên đó đều kể như tử nạn. Tỉ lệ phạm pháp gia tăng ở mọi thành phố có dân số hơn 100,000 người, và một nông dân ở Iowa vừa bắn chết viên quản lý ngân hàng sau khi miếng đất rộng 1000 mẫu ta của ông bị tịch thu.

Một đứa bé ở Spokane vừa thắng giải đánh vần ở địa phương vì đã đánh vần đúng chữ tê giác ‘rhinoceros’.





Khi tôi trở lại khu vực biệt cư, gia đình tôi không hề ngạc nhiên. Họ vẫn tiên đoán từ ngày tôi rời đi Seattle là tôi sẽ trở lại. Một nhà thơ già da đỏ nói rằng người da đỏ có thể cư ngụ trong thành phố, nhưng họ không bao giờ có thể sống ở đó. Đấy là điều gần sự thật nhất có thể xảy ra cho bất cứ ai trong số chúng tôi.

Nói chung tôi chỉ xem truyền hình. Tuần nầy qua tuần khác, tôi đổi từ đài nầy qua đài khác, tìm câu trả lời trong những mục đố vui và những phim tình cảm sến. Mẹ tôi khoanh vòng màu đỏ quanh những mẩu tin quảng cáo tìm người làm trên báo rồi đưa cho tôi.

Bà hỏi, “Mầy định sẽ làm gì hết cuộc đời còn lại của mầy?”

“Không biết,” tôi trả lời, và thường thì đó là câu trả lời hoàn toàn bình thường đối với hầu hết người da đỏ nào trong đất nước nầy. Tuy nhiên, tôi là trường hợp đặc biệt, một cựu sinh viên đại học, một đứa thông minh. Tôi thuộc về số da đỏ lẽ ra phải thành công, phải vươn cao hơn mọi người trong khu biệt cư nầy giống như một con đại bàng hay một thứ chết tiệt gì đó. Tôi là một dạng chiến binh mới.

Mấy tháng đầu tôi không ngó ngàng gì đến những mẩu quảng cáo tìm người mẹ tôi đã khoanh dấu, và bỏ mặc những tờ báo đó ngay tại nơi bà để xuống. Tuy vậy sau một thời gian, tôi chán ngán việc xem TV và bắt đầu chơi bóng rổ lại. Tôi đã từng là một tay chơi giỏi ở trung học, gần như rất giỏi, và suýt nữa cũng đã chơi cho trường đại học tôi từng theo học vài năm. Nhưng bây giờ vì nhậu nhẹt và buồn rầu tôi đã mất đi phong độ. Tuy vậy tôi vẫn còn thích thú với cái cảm giác khi trái banh chạm vào tay và khi đôi chân tôi nằm gọn trong giày.

Ban đầu tôi chỉ chơi thảy banh vào rổ một mình. Đó là vì lý do ích kỷ, và tôi muốn tập dợt lại trước khi tôi chơi với ai khác. Vì lúc trước tôi rất giỏi và đã làm nhiều người mất mặt nên tôi biết bây giờ họ sẽ muốn phục thù. Khỏi nói đến chuyện cao bồi choảng với da đỏ. Trong bất cứ khu vực biệt cư nào, cuộc tranh tài sát phạt nhất vẫn là da đỏ choảng với da đỏ.

Nhưng trong cái đêm tôi định chơi thật, có một gã da trắng trong sân, đang chơi với các tay da đỏ khác.

“Ai vậy?” tôi hỏi Jimmy Seyler.

“Nó là con của thủ lãnh BIA mới.”

“Nó chơi giỏi không?”

“Cái chắc.”

Và nó biết chơi thật. Nó chơi banh lối da đỏ, nhanh và thoát, hay hơn tất cả các tên da đỏ ở đó.

“Nó chơi ở đây bao lâu rồi?” Tôi hỏi.

“Cũng lâu rồi.”

Tôi cung tay giãn các cơ bắp, và mọi người đều nhìn. Đám da đỏ nầy đang nhìn một trong những người hùng già nua và cũ kỹ của họ. Mặc dù tôi phần lớn chơi banh cho trường trung học da trắng nhưng tôi vẫn là một người da đỏ, bạn hiểu chứ? Tôi là một người da đỏ khi cần thiết, và thằng nhóc BIA nầy cần phải bị hạ bởi một người da đỏ, bất cứ da đỏ nào.

Tôi vào trận và chơi khá hay được một lúc. Đó là một cảm giác sung sướng. Tôi đánh trúng mấy cú, chụp được một vài trái banh dội lại, phòng thủ đủ vững để đội bên kia vất vả. Rồi thằng nhóc da trắng đó làm chủ tình thế toàn cuộc chơi. Nó quá giỏi. Sau nầy, nó được chơi trong đội đại học miền Đông và vài năm sau đó suýt được vào đội Knicks. Nhưng lúc ấy chúng tôi không biết gì về những chuyện sẽ xảy ra đó. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng nó giỏi hơn chúng tôi hôm ấy và tất cả mọi hôm khác.

Sáng hôm sau tôi thức dậy mệt nhừ và đói lả, nên tôi chụp lấy mấy tấm quảng cáo kiếm người làm, tìm được một công việc tôi muốn, rồi lái xe đi Spokane để nhận việc. Tôi làm cho chương trình trao đổi học sinh bậc trung học từ đó, đánh máy và trả lời điện thoại. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi liệu những người bên kia đầu dây có biết tôi là dân da đỏ không và nếu họ biết thì giọng nói của họ có thay đổi gì không.

Một ngày nọ tôi nhấc máy lên trả lời và đó là cô ta, đang gọi từ Seattle.

“Mẹ anh cho em số của anh,” cô ấy nói. “Em mừng là anh có việc làm.”

“Ờ. Không gì hơn là có tiền lương đều đặn.”

“Anh còn nhậu không?”

“Không, anh cấm khẩu gần một năm nay.”

“Tốt.”

Đường dây rất rõ. Tôi có thể nghe tiếng cô ấy thở giữa những khoảng trống không có tiếng nói của chúng tôi. Làm sao có thể nói chuyện với một người bằng xương thịt khi bóng ma của họ đã từng ám ảnh mình? Làm sao tôi có thể phân biệt giữa hai thứ đó?

“Nghe nầy,” tôi nói. “Anh xin lỗi em về tất cả mọi thứ.”

“Em cũng vậy.”

“Rồi chuyện gì sẽ xảy ra cho bọn mình?” Tôi hỏi cô ấy và ước gì tìm thấy câu trả lời cho chính mình.

“Em không biết,” cô nói. “Em muốn thay đổi thế giới nầy.”





Tiểu sử Tiểu thuyết gia Sherman Alexie

Sinh ngày 7/10/1966, Sherman Alexie là một nhà văn, nhà thơ, nhà làm phim đạt nhiều giải thưởng, đồng thời được biết đến như là một trong những Tiểu thuyết gia người Mỹ Trẻ tuổi nhất của tạp chí văn học GRANTA. Tạp chí BOSTON GLOBE ngợi khen ông là "tiếng nói quan trọng trong nền văn học Mỹ". Sherman Alexie là một trong những nhà văn nổi tiếng và được yêu mến nhất trong thế hệ của mình. Các tác phẩm của ông, bao gồm Nỗi buồn khu Anh Điêng (Reservation Blues), tuyển tập truyện ngắn Mười số phận Anh Điêng nhỏ bé (Ten little Indians) và truyện Ranger cô đơn và Tonto đánh nhau trên thiên đường (The Lone Ranger and Tonto fistfight in heaven), Nhật ký hoàn toàn có thật của một người Anh Điêng bán thời gian (The absolutely true diary of a part-time Indian) đều nhận được rất nhiều giải thưởng cũng như lời vinh danh. Ông hiện sống ở thành phố Seattle, Mỹ. *** Các giải thưởng cuốn sách đã đạt được - Giải sách quốc gia Mỹ - Giải sách Boston-Globe - Horn Book - Bestseller của New York Times - Bestseller của Publishers Weekly - Cuốn sách hay nhất năm do School Library Journal bình chọn - Cuốn sách hay nhất của năm do trang Amazon.com bình chọn
 (Tài Liệu của Nhã Nam :http://nhanam.com.vn/tac-gia/497/sherman-alexie ).
7-11   :  tên chuỗi cửa hàng tiện ích 

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...