Chúng ta thường nghe nói đến danh từ “antioxidants”, tạm dịch là các chất chống oxide hoá. Hiểu một cách đơn giản, như bất kỳ các vật chất nào trong vũ trụ, các tế bào trong cơ thể dần dà sẽ bị oxide hoá, bị hao mòn và hủy hoại. Dựa trên khả năng chống oxide hóa của một số rau cải, trái cây, với nguồn vitamins có trong tự nhiên, “bà con” tranh nhau sản xuất ra các loại vitamins với nồng độ cao, và đổ xô, “hè nhau” uống, với niềm hảo vọng rằng thì là, thuốc sẽ giúp ta trẻ mãi không già. Trên thực tế, nếu còn may mắn, những loại thuốc bổ đó đó không có công hiệu gì cả, và sẽ bị lá gan hay trái thận thải ra ngoài như chất… phế thải. Trong trường hợp rủi ro, chúng là chất độc và có thể nhanh chóng gửi bạn đến trạm dừng chân cuối cùng: nhà quàn Peek Family!
Thật thế, năm 2015, ở nước Mỹ có 60,000 trường hợp ngộ độc vì uống vitamins.
Hãy đi ngược dòng lịch sử về lý thuyết chống oxide hoá của vitamins một chút nhé.
Vitamin C có trong nhiều trong các loại trái cây, nhất là cam, quýt, bưởi được chứng minh trong “ống nghiệm” (in-vitro) là có khả năng chống oxide hoá. Ngoài ra người ta còn “quan sát và nhận xét”, là khi ăn nhiều trái cây có chứa vitamin C, sẽ giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch, bệnh ung thư, các bệnh về hệ thần kinh. Tuy nhiên, người ta cũng chưa hiểu rõ, bằng cách nào vitamin C đạt được những hiệu ứng như vậy. Những nghiên cứu tiếp nối cho thấy uống vitamin C không làm giảm hư hại đến DNA, cũng như không có một nghiên cứu nào chứng minh rằng uống thuốc vitamin C sẽ giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch, ung thư.
Thế mà, vào năm 1964, nhà Vật Lý Học Linus Pauling, đã cổ xuý cho phong trào uống vitamin C nồng độ cao, để sống lâu, để chữa bệnh cúm, và chữa luôn cả bệnh HIV! Mỗi ngày ông ta uống 18 gram vitamin C, gấp 50 lần mức độ tối đa. Tuy rằng, ông ta đoạt giải thưởng Nobel về Hoá Học, nhưng những điều ông phát biểu về vitamin C là vô căn cứ, không có một nghiên cứu nào để biện minh cả. Chỉ vì ông là một bác học nên người ta tin những điều ông ta nói. Năm 1992, báo Time đăng một bài viết, “The Real Power of Vitamins” , “suy loạn” ra tính chất chống oxide hoá, chống ung thư của các loại thuốc vitamins khác. Thế là, tên tuổi của Linus Pauling nổi lên như cồn, và thuốc vitamins cũng tràn ngập các nhà thuốc tây cho đến nhiều thập niên.
Pauling tin rằng nhờ vào khả năng chống oxide hoá, vitamin C và các loại vitamins có thể trung hoà các “phân tử gốc tự do” gọi là “free-radicals”. Những “free-radicals” được nghĩ có thể làm các tế bào mau già cỗi, bệnh tật, và chết yểu.
Thế thì “free-radicals” là gì?
Trong bài viết “Chuyện ba người và một em bé” tôi có đề cập đến kỹ thuật thay đổi ti thể mitochondria cho những cái trứng bị khuyết tật. Trong mỗi tế bào của chúng ta, ti thể mitochondria đóng vai trò một nhà máy phát năng lượng nho nhỏ. Những thức ăn chúng ta ăn vào được tải đến đây, đốt với oxygen O2 thành thán khí CO2 và nước H20, với năng lượng sanh ra để ta có thể… sống. Thực ra, phương trình hóa học không đơn giản như chúng ta viết trên bảng đen. Trên thực tế, là một sự hoán chuyển của các điện tử gọi là electrons. Trong phản ứng sinh hoá, một số electron bị xáo trộn và văng ra ngoài ti thể mitochondria, như những đứa… homeless. Những electron homeless này chụp đại những phân tử oxygen O2 đi ngang, và tạo thành phân tử O3 gọi là “free-radicals”. Những phân tử O3 vì không muốn lãnh “thằng ăn hại electron vô gia cư vô nghề nghiệp” nầy, nên đụng tế bào nào nó cũng đòi trút nợ, gả bán thằng ăn bám nầy vào đó. Thế là sự xáo trộn tiếp tục xảy ra gây sức mẻ cho các tế bào, cho DNA… dẫn đến bệnh tật, ung thư, già cỗi, và chết yểu. Như thế tuy oxygen là nguồn sống, nhưng khi biến thành free-radicals O3, chúng có thể làm cho ta chóng già, chóng chết. Hiện tượng nầy gọi là oxide-hoá.
Trong môi trường thí nghiệm người ta nhận thấy một số vitamins có khả năng trung hòa các chất “free-radicals” O3 nầy. Tuy nhiên, trong cơ thể con người, không có bằng chứng cụ thể là thuốc vitamins chống già cỗi và tăng tuổi thọ. Ngược lại, một số nghiên cứu cho thấy, thí dụ, uống vitamin A với nồng độ cao, sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi lên 20%. Năm 2007, một nghiên cứu từ Viện Ung Thư Hoa Kỳ, US National Cancer Institute, đàn ông uống thuốc đa sinh tố bị tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ( nhiếp hộ tuyến, prostate cancer) lên 17%, và khả năng tử vong tăng gấp đôi so với những người bị ung thư mà không uống thuốc.
Tại sao lại có chuyện ngược đời như thế?
Thứ nhất, ở nồng độ thấp, vitamins có thể trung hòa free-radicals bằng cách nhận electrons homeless, nhưng ở mực thặng dư, chính vitamins lại sanh ra nhiều free-radicals cũng vì phản ứng dây chuyền cho-và-nhận electrons, làm tệ hại thêm tình trạng bất ổn định.
Thứ nhì, thật ra free-radicals cũng có những ích lợi của chúng. Chúng giúp cơ thể trừ khử những con vi trùng xâm nhập vào cơ thể, và giúp loại bỏ các tế bào ung thư. Free-radicals đóng vai trò sứ giả thông tin (messenger) giúp tế bào tự điều chỉnh tốc độ sinh sản. Thiếu free-radicals, các tế bào sẽ sanh sản loạn cào cào, tình trạng gọi là ung thư.
Như thế, tuỳ theo góc độ nhìn giữa thiện và ác, giữa chính và tà, giữa sinh và diệt, sự cân bằng lực lượng giữa vitamins và free-radicals, hai thái cực tương sinh đã kéo dào qua hằng triệu năm để cho cơ thể chúng ta sống còn đến hôm nay. Vì thế, không nên làm xáo trộn sự cân bằng đó, bằng cách lạm dụng thuốc vitamins. Để có được nguồn vitamins tự nhiên, lời khuyên ăn nhiều rau cải trái cây là tốt cho cơ thể, lý do chống oxide hoá chỉ là một phần, ngoài những lợi ích khác mà cho đến nay, người ta vẫn không hoàn toàn hiểu được tại sao.
( N.Diêm chuyển )
rất hữu ích
Trả lờiXóa