Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016
Luật sư Trịnh Hội viết về bà Đặng Tuyết Mai
Chưa bao giờ tôi thấy bà Đặng Tuyết Mai muốn chứng tỏ với bất kỳ ai rằng bàlà một ai đó, từng là một bà tướng hay một ‘mệnh phụ phu nhân’.
Đây là một câu chuyện. Nó là một câu chuyện về những kỷ niệm đáng nhớ giữa hai người. Nó cũng là một câu chuyện về một người mẹ, về một gia đình, hoặc cũng có thể là về những gì mình vẫn còn giữ lại được hay đã đánh mất.
Nhưng trên hết, đây là một câu chuyện về tình yêu. Về những gì cuối cùng chúng ta chỉ có, chỉ còn lại ở nhau. Trước khi từng người một, từng người một, kể cả chính mình sẽ phải bước sang một cõi xa xăm khác.
Tôi gặp mẹ Mai lần đầu tiên vào khoảng đầu thập niên 2000, lúc tôi mới quen cô con gái út độc nhất của mẹ. Hôm ấy trời đã khuya và tôi chỉ ghé vào nhà chào hỏi thăm mẹ vài câu trước khi về lại Philippines nơi tôi sinh sống. Tôi vẫn còn nhớ lúc ấy tôi khá lo lắng và hồi hộp. Bởi ‘bác Mai’ không chỉ là mẹ của bạn gái mình mà từ nhỏ tôi đã đọc, nghe và cho biết rất nhiều điều về bà.
Về chuyện tình của mẹ với bố Kỳ. Về lý do tại sao mẹ được cho là văn minh, quý phái. Và dĩ nhiên là về sắc đẹp nổi tiếng của mẹ.
Nhưng thật lòng, ấn tượng đầu tiên của tôi lại không phải là sắc đẹp của mẹ. Có lẽ vì lúc ấy mẹ đã không còn trẻ như lúc mới về làm vợ bố để đóng vai trò là đệ nhất phu nhân của Miền Nam Việt Nam vào giữa thập niên 1960.
Lúc ấy tôi cũng chưa có dịp tiếp xúc nhiều với mẹ để có thể cho là mẹ văn minh, quý phái đến dường nào. Điều mà làm cho tôi ấn tượng nhất, nhớ nhất mãi cho đến ngày hôm nay đó là sự hoà đồng, thân thiện ở mẹ. Mẹ đã hỏi tôi muốn uống gì không và tự tay đi lấy nước cho tôi uống trước khi ân cần hỏi thăm sức khoẻ cũng như công việc tỵ nạn của tôi lúc ấy ở Philippines
Mẹ đã không nói gì đến mẹ, càng không (và từ đó cho đến nay) chưa bao giờ tôi thấy mẹ muốn chứng tỏ với bất kỳ ai rằng mẹ là một ai đó, từng là một bà tướng hay một ‘mệnh phụ phu nhân’ đã gặp được biết bao lãnh tụ, vua chúa. Đối với tất cả mọi người, già cũng như trẻ, mẹ luôn nhã nhặn, ân cần và gần gũi bất kể họ thuộc thành phần nào và đến từ đâu.
Đây có lẽ là lý do tại sao có khá nhiều người được mẹ nhận làm con nuôi, từ bạn bè của con ruột cho đến vợ hoặc chồng của 5 người con kế. Đối với mẹ, hình như con rể cũ hay con dâu mới không quan trọng cho lắm. Mẹ vẫn đối xử như ngày nào nếu không muốn nói là còn gần nhau hơn. Tôi là một thí dụ điển hình.
Tôi vẫn còn nhớ lúc cả gia đình còn chung sống với nhau, mẹ vẫn luôn nhỏ nhẹ, từ tốn với tất cả mọi người, kể cả những người giúp việc trong nhà. Ở Mỹ cũng thế. Về Việt Nam cũng thế. Những người từng làm việc trong nhà lúc mẹ còn là ‘bà’ bảo mẹ từ đó đến giờ vẫn vậy. Không bao giờ lớn tiếng, gọi những người giúp việc hay cận vệ là ‘thằng này’ hay ‘con kia’ kể cả lúc họ có lỡ làm điều gì sai.
Mẹ Mai là thế và đây là một trong những điều mà tôi sẽ luôn nhớ về mẹ, mỗi khi có một ai nhắc đến mẹ.
Một điều mà tôi vẫn thường tự cho là mình rất may mắn mới có được đó là những người mà tôi thương yêu nhất, kính phục nhất, gần gũi nhất đều là những người không chỉ biết chạy theo đồng tiền. Tôi vẫn còn nhớ lúc tôi quyết định lấy Duyên và đến xin phép mẹ, mẹ chỉ hỏi tôi đúng một câu. Đó là tôi có hứa sẽ thương yêu hai đứa con kế Maili và Yenli như con ruột của mình hay không?
Thật lòng lúc đó tôi chỉ có thể làm được từng ấy vì sự nghiệp chưa có, nhà cửa, xe cộ, tiền bạc, danh tiếng lại càng không. Thế vậy mà đã đủ đối với mẹ.
Trong suốt thời gian chung sống dưới một mái nhà, mẹ Mai chưa bao giờ thúc giục hay đòi hỏi là tôi phải làm ra tiền như người này hay phải có chức phận như người kia. Mẹ luôn trân trọng và ủng hộ việc làm của tôi, giúp đỡ người tỵ nạn trước đây hay tranh đấu cho một đất nước Việt Nam tự do, nhân bản hơn.
Còn nhớ cách đây chỉ vài tuần, mặc dù mẹ đang rất mệt mỏi nằm trên giường bệnh trong nhà thương nhưng lúc tôi vào thăm mẹ vẫn bảo là cho mẹ góp 200 đôla vào quỹ của VOICE để giúp những nạn nhân của lũ lụt ở miền Trung.
Tôi thương mẹ cũng vì thế. Sẽ nhớ mãi về mẹ cũng bởi thế.
Nhất là lúc tôi và con gái mẹ quyết định chia tay. Có lẽ mẹ là người buồn nhất, thất vọng nhất và khóc nhiều nhất, chứ không phải là hai đứa con của mẹ.
‘Một chuẩn mực‘
Bởi trên hơn hết, mẹ là người luôn đặt nặng hai chữ thủy chung, tình nghĩa lên hàng đầu. Không chỉ đối với tình yêu đôi lứa mà còn đối với tình yêu trong gia đình, với người thân. Những lúc tôi thấy mẹ vui nhất là lúc mẹ được tận tay chăm sóc, nấu nướng cho bạn bè, con cháu trong nhà cùng nhau ăn uống, hò hát, chung vui. Mẹ không thường nấu mỗi ngày. Nhưng đã nấu thì món nào ra món đó, nhất là món gà hấp rượu Pháp không thể nào ngon hơn của mẹ.
Mãi mãi đó sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ giữa tôi và mẹ.
Mỗi khi tôi làm gỏi cuốn, tôi sẽ nhớ về mẹ. Vì đó là món mà mẹ thích tôi làm cho mẹ ăn.
Mỗi khi có một ai đó khuyên tôi nên lấy vợ mới, tôi sẽ nghĩ đến mẹ. Vì đó là điều mà mẹ vẫn thường mong, muốn tôi sớm tìm được hạnh phúc mới.
Mỗi khi tôi nghĩ đến cách xử sự, ăn nói như thế nào cho từ tốn, vừa phải đối với các thành phần khác nhau trong xã hội, tôi cũng sẽ nghĩ đến mẹ. Vì mẹ đã tạo ra một chuẩn mực mà tôi muốn học được và noi theo.
Nhưng có lẽ tôi sẽ nhớ đến mẹ nhiều nhất mỗi khi tự tay sờ vào chiếc bông tai trái mà mình đang đeo. Vì từ ngày tôi tháo nhẫn cưới ra thì mẹ là người đã bỏ công đi mua để xỏ cho tôi chiếc bông tai đầu tiên. Mẹ bảo từ đây về sau tôi cần phải tháo ra nữa. Vì tôi sẽ mãi là con của mẹ.
Đúng thật vậy đấy mẹ ạ. Con sẽ mãi đeo chiếc bông tai này. Bởi con là con của mẹ. Vì cho dù bất kỳ chuyện gì xảy ra thì chúng ta cũng vẫn có thể thương yêu, bảo bọc nhau như lời mẹ từng nói. Nó làm cho con nhớ lại lời trong phần điệp khúc của bài hát ‘Nature Boy':
The greatest thing
You will ever learn
Is just to love
And be loved,
In return
Điều kỳ diệu nhất
(Mà bạn sẽ học được
Đó là hãy thương yêu nhau
Để nhận lại được tình yêu thương).
Cảm ơn mẹ đã dạy cho tôi bài học kỳ diệu nhất. Để tôi và mọi người sẽ luôn nhớ về mẹ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
CHIẾC VÒNG MÃ NÃO - Thái Thanh
Vòng tay mã não là sản phẩm trang sức từ đá tự nhiên - ảnh Internet Tôi bán đồ trang sức si mạ ở chợ lớn Qui Nhơn gồm kẹp tóc, nơ cài và cả ...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
rất tuyệt
Trả lờiXóa