TTO -
Biển Hồ Campuchia đang trong cảnh cạn kiệt chưa từng có. Cùng kiệt nguồn
sống, nhiều người đã bao đời sống ở nơi này phải bỏ xứ ra đi.
Trâu, bò được thả ăn cỏ trên… Biển Hồ - Ảnh: Tiến Trình |
Nguồn nước cạn kiệt xuống tận đáy, điều mà theo nhiều người sống lâu năm trên Biển Hồ, trước nay chưa từng xảy ra |
Đi bộ trên Biển Hồ
“Nước ở đây đã cạn, cạn lạ lùng luôn. Không thấy bóng dáng con cá ở
đâu hết. Người dân trên Biển Hồ kiếm con cá để mua ăn cũng khó”. Lao Min
nói mùa này năm trước, mỗi ngày cha con ông bủa lưới kiếm được vài chục
ký cá. Nay cũng không còn hi vọng gì nữa.Cá tự nhiên không có. Cá nuôi trong lồng cũng chết hàng loạt vì nước Biển Hồ đã rút tới đáy, nước nóng cá không sao sống được.
Đến vùng nước thuộc xã Crantu, huyện Sroc Đung (tỉnh Pursat), nước rút cạn trơ ra một vùng đất rộng, nơi hàng trăm trâu, bò được đưa tới để gặm cỏ.
Ông lão Poly, chủ đàn trâu, nói ông chỉ đưa bầy trâu trở lại vùng Biển Hồ sau 10 năm. Poly nói hơn 10 năm trước, khoảng tháng 5, tháng 6 khô hạn cùng cực ông mới đưa bầy trâu đến chân Biển Hồ, nơi nước rút cạn xuất hiện các đám cỏ non.
Thế nhưng, năm nay chỉ mới tháng 3 mà nước Biển Hồ đã rút cạn.
“Mới năm rồi thôi, tháng 4 tui tới đây nước còn tới lưng quần. Năm nay đã cạn cỡ này rồi”, ông Lao Min chỉ về hướng mấy căn chòi mới được dựng lên bên mé Biển Hồ, nơi một vài thanh niên đang lượn lờ xe máy trên bãi đất trống: “Chú ở Việt Nam sang, có bao giờ tưởng tượng được cảnh người ta... chạy xe trên Biển Hồ không?”. Nói đoạn, ông lắc đầu thở dài.
Cách đó không xa, dòng sông Pursat nhiều đoạn cũng đã phơi đáy. Dân địa phương nói vào mùa này mọi năm, dòng Pursat nước vẫn cuồn cuộn chảy về Biển Hồ. Nhưng năm nay tình hình đã khác. Sông cạn nước, mà cá cũng không còn.
Nhiều cư dân sống ven sông đã kéo ngư cụ lên bờ. Có người đã bỏ phí manh lưới dưới sông, vì biết cũng chẳng có con cá nào chui lưới.
Đứng chiều, chúng tôi theo ông Huỳnh Văn Đàng (57 tuổi, ấp Kol Ket, xã Reng Tul, huyện Can Dieng, Pursat), một người Campuchia gốc Việt sống từ nhỏ trên Biển Hồ đi thăm tay lưới dài hơn 100m của ông giăng từ buổi sớm.
Từ trên xuồng, ông Đàng bước chân xuống... Biển Hồ để giăng lưới. Hơn trăm mét lưới, nhưng những gì ông kiếm được là vài con cá nhỏ chừng hai ngón tay. Nói như mếu, lão ngư này nói nước cạn tới mức có thể đi bộ băng ngang Biển Hồ được thì cá còn gì để sống.
Ông Đàng nói ngày trước mọi người tìm đến rồi bám trụ ở Biển Hồ cũng vì con cá. Đến nay nước cạn, cá kiệt thì đường sống của người dân ở đây cũng cùng kiệt.
Những ngôi nhà bị mắc kẹt trên cạn do nước Biển Hồ xuống thấp - Ảnh: Tiến Trình |
Đã nghèo
còn nghèo hơn
“Hồi đầu mùa nắng, nghe dự báo năm nay hạn hán, người dân sống ở Biển
Hồ mừng lắm. Vì mọi năm, nếu nước xuống cạn thì cá từ trên cao sẽ chạy
xuống lòng hồ. Người dân ở đây chủ yếu kiếm sống được mùa này để dự trữ
cho cả năm.Nhưng năm nay nước xuống thấp chưa từng thấy, lại không có cá thì người dân gặp khó thôi” - ông Chek Buong Seng, phó chủ tịch Ủy ban hành chính xã Campongluong, huyện Krakor, tỉnh Pursat, nói.
Không có con cá trong mùa đáng ra phải kiếm được nhiều cá, người dân trong xã của ông cũng sẽ đối diện với cảnh vô cùng khó khăn khi mùa mưa tới. Ông Seng nói không chỉ cạn kiệt cá, mà năm nay nước xuống thấp, nguồn nước bị ô nhiễm nên dịch bệnh cũng đã xuất hiện nhiều.
Dọc theo Biển Hồ, hàng ngàn hộ gia đình người Campuchia gốc Việt càng gặp khó nhiều hơn. Người gốc Việt ở đây chủ yếu sống trên các nhà bè, trên các xuồng ghe làm nhà. Mỗi năm, người Việt đều hai lần di cư.
Khi nước lên, họ dời nhà vào bờ. Mùa nước rút, họ lại dời nhà ra hướng Biển Hồ. Năm nay, tất cả các xóm người Việt ven Biển Hồ đã dời nhà ra vùng nước sâu. Nhưng chẳng có vùng nước sâu nào cả, khi mà nhiều nơi trên Biển Hồ nước đã rút gần tới đáy.
Vì vậy, hàng ngàn căn nhà nổi giờ cũng không thể nổi. Hàng ngàn gia đình gốc Việt do đó cũng mắc kẹt lại Biển Hồ. Cá không có, đi lại khó khăn, dịch bệnh hoành hành... đã nghèo, đã khó giờ lại thêm nghèo khó.
Giới chức địa phương cho biết nguồn cung cấp nước chính cho Biển Hồ là từ sông Mekong. Tuy nhiên, đặc biệt năm nay nước từ thượng nguồn Mekong đổ về ít chưa từng thấy.
Cộng với thời tiết khô hạn, nhiều con sông chảy về Biển Hồ đã cạn kiệt. Biển Hồ đã không nhận đủ nước để làm nhiệm vụ điều tiết cho những vùng lân cận.
Không chỉ tại tỉnh Pursat, mà nhiều tỉnh ven Biển Hồ cũng đang gặp khó bởi hạn hán, nguồn nước cạn kiệt xuống tận đáy, điều mà theo nhiều người sống lâu năm trên Biển Hồ, trước nay chưa từng xảy ra.
Trả lời phóng viên Tuổi Trẻ, ông Chhouk Chandoeun, tỉnh trưởng tỉnh Kampong Chnang, cho biết hạn hán cùng với nguồn nước được cung cấp ít đã đẩy người dân trong tỉnh này gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Chandoeun, mọi năm nguồn nước được cung cấp nhiều, sản lượng thủy sản Biển Hồ sinh sôi cũng cao. Năm nay, nước về ít nên cá cũng ít theo.
Tại tỉnh Kampong Chnang, mọi năm có lũ về, nước dâng cao người dân làm được hai vụ lúa. Năm nay nước thấp nên chỉ làm được một vụ lúa mà còn trầy trật.
Chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân nạo vét các con sông, con suối để tìm nguồn nước. Nhưng mọi cố gắng vẫn không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Ông Chan Juttha, người phát ngôn của Bộ Tài nguyên nước và khí tượng Campuchia, cho biết mực nước trên sông Mekong chảy qua Campuchia đo được tại khu vực Hoàng Cung (Phnom Penh) thấp nhất trong vòng 50 năm qua.
Campuchia có trên 200ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp từ đợt hạn hán này. Năm nay, chính phủ đã có chỉ thị cấm một số địa phương sản xuất lúa để dành nước ngọt phục vụ sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Dòng Mekong chạy tới Phnom Penh chia nhánh tiếp tục chảy về hạ
nguồn vào Việt Nam. Nhánh ngoặt lên hướng tây bắc chảy về cung cấp nước
cho Biển Hồ. Ngoài ra, vùng nước này còn được cung cấp bởi nhiều con
sông chảy theo địa hình. Biển Hồ tiếp giáp với năm tỉnh của Campuchia là Siem Reap, Kampong Chnang, Kampong Thom, Patampang và Pursat. Biển Hồ từ lâu nổi tiếng là nơi điều tiết nước cho khu vực hạ lưu sông Mekong. Nó còn là một túi sinh thái với nhiều loài cá phong phú và quý hiếm. Hồ nước ngọt rộng lớn này là nơi mưu sinh của hàng ngàn hộ gia đình người Campuchia, người Campuchia gốc Việt và người Campuchia gốc Chăm. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét