Tác giả trong một cuộc gặp gỡ với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang |
Cán bộ ở sân bay Nội Bài
Tại trạm kiểm soát xuất nhập cảnh ở sân bay Nội Bài ngày 14/9:
Cán bộ: Chị đi đâu?
Thảo: Tôi đi Úc.
Cán bộ: Chị đi Úc làm gì?
Thảo: Tôi đi công tác kết hợp thăm gia đình. Chồng và hai con tôi là người Úc, và ở Úc.
Cán bộ: Visa của chị đâu?
Thảo: Visa Úc là visa điện tử. Đã từ lâu, họ không còn dán vào hộ chiếu như các nước khác nữa.
Cán bộ: ...(im lặng)... (và tiếp tục kiểm tra các trang trong hộ chiếu của Thảo)
Thảo: ..(im lặng, chờ)...rồi mở iphone lấy thư của Đại sứ quán Úc về việc visa điện tử của Thảo đã được duyệt, trình cho anh cán bộ.
Khu vực xuất nhập cảnh ở sân bay Nội Bài |
Đương nhiên là rất vui mừng vì mọi việc đều tốt đẹp như mong đợi, nhưng dù sao thì Thảo vẫn băn khoăn mấy điều rất cũ:
- Trách nhiệm ở bàn xuất cảnh của cán bộ chỉ là kiểm tra liệu công dân Việt Nam có đủ điều kiện được xuất cảnh hay không thôi chứ? Việc công dân đó đi đâu và sẽ được nhập cảnh vào nước nào là thủ tục pháp lý giữa công dân đó và nước nhập cảnh, chứ đâu phải trách nhiệm của phía Việt Nam? Việc hỏi thêm thông tin có thể là cần thiết, nhưng chắc không phải là bắt buộc?
- Việc Chính phủ Úc áp dụng visa điện tử thì đã không còn mới. Người Việt đi Úc (du lịch, làm việc, định cư) cũng không ít. Tính đến tháng 10/2015, tại Úc có 28.524 sinh viên Việt Nam (con số này chỉ sau số sinh viên Việt Nam tại Mỹ một chút thôi: Tại Mỹ có 28.883 sinh viên Việt Nam). Vậy, tại sao cán bộ xuất cảnh còn hỏi câu hỏi rất ngây ngô rằng “Visa đi Úc của chị đâu?”. Có cần thiết không?
Cán bộ xuất nhập cảnh là những người tạo ấn tượng đầu tiên và cuối cùng với khách nước ngoài đến Việt Nam và với người Việt ra vào Việt Nam, đặc biệt là người Việt sinh sống ở nước ngoài. Do đó, việc tạo ấn tượng tốt với khách là cần thiết nếu Việt Nam thực sự muốn quảng bá hình ảnh người Việt Nam thân thiện và hiếu khách.
Cũng là cán bộ xuất nhập cảnh, nhưng...
Tại trạm nhập cảnh ở sân bay Tullamarine của TP Melbourne, 8h20 sáng ngày 15/9/2016:
Thảo: Xin chào!
Cán bộ: Xin chào cô. Cô có mệt không?
Thảo: Tôi khỏe, cảm ơn! À không, tôi cố gắng khỏe thôi, vì chuyến bay qua đêm đi qua vùng thời tiết xấu, nên lắc lư nhiều, khá mệt.
Cán bộ: Nhưng mà dù sao thì cô đã đến đây rồi, và mọi chuyện đều an toàn.
Thảo: Vâng, điều đó là quan trọng nhất.
Cán bộ: Cô đứng thẳng nào, để tôi xem cô có giống cái ảnh thẻ không nào?
Trong vòng chưa đầy một phút, vừa nói chuyện nhẹ nhàng, thủ tục nhập cảnh cũng diễn ra nhanh chóng, nhẹ như lông hồng.
Thảo luôn có ấn tượng rất tốt về cán bộ nhập cảnh của Úc.
Theo thông tin cũ Thảo biết, trong số các quốc gia có tỉ lệ cao vi phạm về visa ở Úc, thì Việt Nam cũng nằm trong danh sách đó. Do đó, không ngạc nhiên gì khi thủ tục xin visa của người Việt vào Úc rất phức tạp, và khi vào Úc thì người cầm hộ chiếu Việt Nam cũng có thể bị xem kỹ hơn.
Khu vực xuất nhập cảnh ở sân bay Melbourne |
Để nhập cư vào Úc cũng rất khó, trong đó có một điều kiện mà chắc là Thảo không thực hiện được là: phải ở tại nước Úc liên tục ít nhất hai năm! Thế cho nên 20 năm nay, Thảo vẫn trung thành với tư cách ‘không công dân Úc’ khi đến xứ sở Chuột túi này!
Nguyễn Thu Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét