Các bộ 7 nét tt
Như thường lệ, trước khi vào bài viết mới, ta giải đáp câu đố vui của bài viết cũ.
Kiệu dã bất, Mã dã bất, 轎也不,馬也不,
Xa dã bất, thuyền dã bất. 車也不,船也不.
Kim nhựt nhị thập cửu, 今日 二十九,
Minh nhựt tựu sơ nhất! 明日就初一。
Có nghĩa :
Kiệu cũng không, Ngựa cũng không,
Xe cũng không mà thuyền cũng "hổng thèm!"
Hôm nay hai mươi chín,
Ngày mai mùng một rồi đó em!
GIẢI ĐÁP :
Không đi kiệu, không đi ngựa, không đi xe, cũng không đi thuyền, thì... đi bộ. ĐI BỘ là chữ TẨU 走.
(Tẩu là Đi, như HÀNH TẨU GIANG HỒ 行走江湖 là Đi lại trên chốn giang hồ.
ĐÀO TẨU 逃走 là Đi trốn, ta quen nói là Chạy Trốn, nên lầm tưởng TẨU là
CHẠY).
Bửa nay hăm chín, ngày mai mùng một, là... Tháng Thiếu, chữ Hán gọi là NGUYỆT TIỂU 月小.
Ghép chữ TẨU 走 bên trái, bên phải viết TIỂU 小 trên NGUYỆT 月 dưới, ta sẽ có chữ TRIỆU 趙.
TRIỆU 趙: Thuộc bộ TẨU là Đi, nên TRIỆU có nghĩa là Đi nhanh. Nhưng
nghĩa nầy hiện nay không còn thông dụng nữa. Nhắc đến TRIÊU là người ta
nghĩ ngay đến họ TRIỆU, như Triệu Khuông Dẫn là Tống Thái Tổ, người
khai sáng triều đại nhà Tống. Triệu Vân tức là Triệu Tử Long, người đã
tả xung hữu đột trong 80 vạn quân của Tào Tháo trong trận Đương Dương
Trường Bản, cứu ấu chúa Lưu Thiền về cho Lưu Bị. Cụ Đồ Chiểu nhà ta đã
mượn hình ảnh hào hùng nầy để tả Lục Vân Tiên đánh cướp cứu Kiều Nguyệt
Nga như sau:
Vân Tiên tả đột hữu xung,
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dương.
Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều đem nhau chạy vào làng lên non!
TRIỆU là Nước TRIỆU, một trong Chiến Quốc Thất Hùng 戰國七雄 (khoảng
481-221 trước Công Nguyên) là: Hàn, Triệu, Ngụy, Tề, Sở, Yên và
Tần. Trong đó TRIỆU và YÊN là hai nước ở phương bắc với nhiều nghĩa sĩ
hiệp khách, ta có từ TRIỆU KHÁCH 趙客 để chỉ chung các Hiệp Khách 俠客.
Thích khách của nước Yên thì nổi tiếng với Kinh Kha, Cái Nhiếp, Tần Vũ
Dương... Mời đọc bài Phùng Hiệp Giả của Tiền Khởi đời Đường để thấy được
cái hào khí của hiệp khách Yên Triệu:
燕趙悲歌士, Yên Triệu bi ca sĩ,
相逢劇孟家。 Tương phùng Kịch Mạnh gia.
寸心言不盡, Thốn tâm ngôn bất tận,
前路日將斜。 Tiền lộ nhựt tương tà.
相逢劇孟家。 Tương phùng Kịch Mạnh gia.
寸心言不盡, Thốn tâm ngôn bất tận,
前路日將斜。 Tiền lộ nhựt tương tà.
Có nghĩa :
Các tráng sĩ hiệp khách bi ca hùng tráng của đất Yên Triệu,
Cùng gặp nhau ở nhà của đại hiệp đời Hán là Kịch Mạnh.
Mọi người đều không nói hết được tất lòng hiệp nghĩa của mình,
Trong khi con đường trước mắt mặt trời đã nghiêng ngã về tây. Diễn Nôm:
Triệu Yên tráng sĩ bi ca,
Tình cờ Kịch Mạnh một nhà gặp nhau.
Tất lòng khôn tỏ âm hao,
Đường dài trước mặt ngã mau bóng chiều!
Trong Bách Gia Tính 百家姓 (Họ của Trăm Nhà), ta thường gọi là Trăm
Họ, bắt đầu bằng 4 họ: TRIỆU, TIỀN, TÔN, LÝ 趙錢孫李, rồi mới đến CHÂU, NGÔ,
TRỊNH, VƯƠNG 周吳鄭王...v.v... và...v.v... gồm có 504 họ, trong đó có 444
họ đơn và 60 họ kép, gồm các họ 2 chữ như: Tây Môn 西門,
Tư Mã 司馬, Lệnh Hồ 令狐, Âu Dương 歐陽... Vì quyển sách được soạn thời Bắc
Tống, nên mới lấy họ TRIỆU 趙 là họ của Hoàng tộc (Triệu Khuông Dẫn) sắp
hàng đầu, còn các họ sau chỉ sắp theo vần để đọc cho suôn miệng mà thôi.
BÁCH GIA TÍNH 百家姓 hợp với TAM TỰ KINH 三字經 và THIÊN TỰ VĂN 千字文
thành "TAM BÁCH THIÊN 三百千" là 3 quyển sách vỡ lòng ngày xưa cho thiếu
nhi khi mới bắt đầu dùi mài kinh sử.
8. BỘ CỐC 谷 :
CỐC 谷 :
là Thung lũng, là Hang động, Đường đi hoặc Khe nước chảy giữa 2 trái
núi. CỐC 谷 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau:
GiápCốt Văn Kim Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư
甲骨文 | 金文 | 金文大篆 | 小篆 | 繁体隶书 |
Ta thấy :
Từ Giáp Cốt Văn đến Kim Văn Đại Triện đều là hình tượng của Nước
chảy ở phía trên, là những dòng nước từ trong núi đá chảy ra chưa thành
khe thành suối, bên dưới là Cốc Khẩu 谷口: là miệng ra vào của hang núi.
Các từ thường gặp là SƠN CỐC 山谷 là Hang Núi, U CỐC 幽谷 là Hang Núi Vắng
Vẻ, KHÔNG CỐC 空谷 là Hang Núi trống lỏng... Đọc Tiểu thuyết võ hiệp của
Kim Dung, ta cũng thấy có rất nhiều CỐC, như TUYỆT TÌNH CỐC 絕情谷 trong
Thần Điêu Hiệp Lữ, nơi Tiểu Long Nữ nuôi rất nhiều ong mật màu trắng gọi
là Ngọc Phong. ĐIỆP CỐC Y Tiên 蝶谷醫仙 trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, nơi thần y
Hồ Thanh Ngưu ở có rất nhiều đàn bướm đẹp. ĐÀO CỐC Lục Tiên 桃谷六仙 trong
Tiếu Ngạo Giang Hồ ở trong sơn cốc có trồng rất nhiều cây đào tiên...
Đào Cốc Lục Tiên
Điệp Cốc Y Tiên
Đào Cốc Lục Tiên
Điệp Cốc Y Tiên
KIM CỐC TỬU SỐ 金谷酒數 : là Số Rượu ở Kim Cốc. Lấy tích Thạch Sùng, một phú hào đời Tấn, thường thiết yến đãi bạn bè ở Kim Cốc Viên. Trong bàn tiệc, nếu ai không làm được thơ phú gì thì sẽ phạt uống 3 ly rượu. Trong bài "Xuân Dạ Yến Tòng Đệ Đào Lý Viên Tự 春夜宴從弟桃李園序" của Lý Bạch đời Đường, câu cuối là "Như thi bất thành, phạt y Kim cốc Tửu số 如詩不成,罰依金谷酒數": Nếu thơ làm không xong sẽ phạt y như số rượu ở Kim Cốc.
CỐC 谷 còn có nghĩa là Khó Khăn, như TIẾN THOÁI DUY CỐC 進退維谷, nghĩa giống như là TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN 進退兩難 là Tới Lui gì đều gặp phải khó khăn cả!
Có tất cả 15 chữ được ghép bởi bộ CỐC nầy, tiêu biểu như:
KHÊ 谿 : là Khe Nước chảy trong núi, có 3 hình thức của chữ KHÊ như sau : 谿, 豀, 溪.
Theo TUÂN TỬ chương Khuyến Học: Cố bất đăng cao sơn, bất tri thiên chi
cao dã; bất lâm thâm KHÊ, bất tri địa chi hậu dã; bất văn tiên vương
chi di ngôn, bất tri học vấn chi đại
dã《荀子·劝学:故不登高山,不知天之高也;不临深溪,不知地之厚也;不闻先王之遗言,不知学问之大也. Có nghĩa: "Cho nên
...
Không lên núi cao, thì không biết trời cao như thế nào; không xuống
khe sâu, thì không biết đất dày như thế nào; không nghe những lời để
lại của tiên vương, thì không biết học vấn rộng lớn như thế nào."
Tăng Quảng Hiền Văn có câu:
Dị trướng dị thoái SƠN KHÊ THỦY,
易漲易退山谿水,
易漲易退山谿水,
Dị phản dị phúc tiểu nhân tâm!
易反易覆小人心。
易反易覆小人心。
Có nghĩa :
Dễ tràn dễ rút là nước ở trong khe núi (mưa xuống thì tràn bờ).
Dễ phản trắc dễ lật lọng là lòng của kẻ tiểu nhân.
Trước 1975, có bản nhạc nổi tiếng "Mấy Dặm Sơn Khê" của nhạc sĩ
Nguyễn Văn Đông, tả cảnh hành quân của các chiến sĩ qua các núi đồi khe
suối. KHÊ có thể là những khe nước nhỏ chưa thành suối, cũng có thể là
những con sông nhỏ uốn khúc giữa núi nầy với núi kia. Như trong bài "Đào
Hoa Khê 桃花谿" của Trương Húc đời Đường :
隱隱飛橋隔野煙, Ẩn ẩn phi kiều cách dã yên,
石磯西畔問漁船。 Thạch cơ tây bạn vấn ngư thuyền.
桃花盡日隨流水, Đào hoa tận nhật tùy lưu thủy,
洞在青谿何處邊? Động tại thanh khê hà xứ biên ?
Diễn Nôm:
Ẩn hiện cầu cao cách khói mờ,
Thuyền câu dạm hỏi phía tây bờ.
Hoa đào hằng vẫn theo lưu thủy,
" Đào Hoa Khê 桃花谿 " của Trương Húc đời Đường
9. BỘ KIẾN 見 :
KIẾN 見 : là Thấy. KIẾN 見 là chữ dùng Tượng Hình để Hội Ý, theo diễn tiến của chữ viết như sau:
甲骨文 | 金文 | 金文大篆 | 小篆 | 繁体隶书 |
Ta thấy:
Từ Giáp Cốt Văn đến Kim Văn Đại Triện đều là Hình Tượng của một con mắt đặt ở trên hình của một người, đến Tiểu Triện thì đã rõ nét của chữ MỤC 目 là Con Mắt được đặt ở trên chữ NHÂN 人 là Người. Con mắt mở to trên đầu người cường điệu cho TRÔNG và THẤY. Ta có từ kép KHÁN KIẾN 看見 là TRÔNG THẤY.
Từ Giáp Cốt Văn đến Kim Văn Đại Triện đều là Hình Tượng của một con mắt đặt ở trên hình của một người, đến Tiểu Triện thì đã rõ nét của chữ MỤC 目 là Con Mắt được đặt ở trên chữ NHÂN 人 là Người. Con mắt mở to trên đầu người cường điệu cho TRÔNG và THẤY. Ta có từ kép KHÁN KIẾN 看見 là TRÔNG THẤY.
HÃN KIẾN 罕見: là Hiếm thấy, như Hãn Hữu là Hiếm có vậy.
KIẾN NGHĨA DÕNG VI 見義勇為: là Thấy việc nghĩa mà dũng cảm đi làm, tức là "Hăng Hái Làm Việc Nghĩa". Trái với...
KIẾN LỢI VONG NGHĨA 見利忘義 : là Thấy lợi quên nghĩa, chỉ biết có Lợi mà không màng đến Nhân Nghĩa nữa!
KIẾN còn có nghĩa là Gặp Gỡ, như KIẾN DIỆN 見面 là Gặp mặt.
TIẾP KIẾN 接見 hay HỘI KIẾN 會見: là Gặp gỡ với ai đó.
KIẾN còn có nghĩa là Hiểu biết về sự vật, sự việc gì đó, như ...
KIẾN THỨC 見識 : là Sự Hiểu Biết.
KIẾN GIẢI 見解 : là Hiểu rõ ràng về sư việc nào đó.
KIẾN CƠ NHI TÁC 見機而作: là Hiểu rõ được cái thời cơ, cái cơ hội như
thế nào đó mà làm. Có nghĩa "Tuỳ thời cơ mà làm" nghĩa cũng giống như
là "Tuỳ cơ ứng biến 隨機應變" vậy!
LỘ KIẾN BẤT BÌNH 路見不平: là "Đi trên đường mà thấy chuyện bất bình."
Đây chỉ là một vế của câu nói: Lộ Kiến bất bình, bạt đao tương trợ
路見不平,拔刀相助. Có nghĩa : "Đi trên đường mà thấy chuyện bất bình, thì rút
dao ra mà giúp đỡ nhau." Đây là tinh thần hiệp nghĩa của các hiệp sĩ
thời xưa mà ta thường thấy trong các truyện võ hiệp kỳ tình. Ngày
nay, đó là lòng Nhân Ái Hào Hiệp tương thân tương trợ giữa con người với
nhau như Từ Hải đã nói với với cô Kiều là :
Anh hùng tiếng đã gọi rằng,
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!
KIẾN LONG TẠI ĐIỀN 見龍在田: là Thấy Rồng ở Ruộng, có nghĩa là Rồng hiện thân ở trên ruộng, ý muốn chỉ đã bắt đầu phát tích khá lên. Đây cũng là một chiêu trong Hàng Long Thập Bát Chưởng (Ta quen đọc là Giáng Long Thập Bát Chưởng) của Cái Bang mà Kim Dung đã căn cứ vào Kinh Dịch để đặt tên các chiêu thức nầy, như chiêu đầu tiên mà Hồng Thất Công đã dạy cho Quách Tỉnh là Kháng Long Hữu Hối 亢龍有悔. Theo một câu nói có tính thứ tự từng giai đoạn trong Kinh Dịch như sau: Tiềm Long vật dụng; Kiến Long tại điền; Phi Long tại Thiên; Kháng Long hữu hối 潛龍勿用→見龍在田→飛龍在天→亢龍有悔. Có nghĩa :
TIỀM LONG VẬT DỤNG là Rồng nằm còn chưa phát tích, còn phải tu dưỡng học tập cho giỏi giang.
KIẾN LONG TẠI ĐIỀN là Rồng đã hiện hình trên ruộng trống, là đã phát tích, đã có đất dụng võ.
PHI LONG TẠI THIÊN là Rồng đã bay lên trời, ý chỉ đã thành đạt
vượt bậc. Như mặt nhựt giữa trời, Kinh Dịch gọi là "Cửu Ngũ", tôn quý
như Vua lên ngôi, gọi là "Cửu Ngũ chi Tôn 九五之尊". Ta cũng hay thường nói
là "Lên ngôi Cửu Ngũ" là Lên Ngôi Làm Vua đó.
KHÁNG LONG HỮU HỐI là Phải biết lúc nào nên quy ẩn, thoái vị về
hưu, mặc dù "Trăng chưa thật tròn, Hoa nở còn chưa thật đẹp", nhưng nếu
đợi cho "Thật Tròn Thật Đẹp" thì Trăng cũng bắt đầu khuyết và Hoa cũng
bắt đầu tàn rồi.
Kiến Long Tại Điền
Phi Long Tại Thiên
Kiến Long Tại Điền
Phi Long Tại Thiên
Kháng Long Hữu Hối
Có tất cả 20 chữ được ghép bởi bộ KIẾN nầy, tiêu biểu có :
MỊCH 覓 : là Tìm, Kiếm. Từ kép TẦM MỊCH 尋覓: là Tìm kiếm.
MỊCH là chữ Hội Ý được ghép bởi bộ TRẢO 爪 là Móng vuốt, là
ngón tay che lên trên chữ MỤC 目 là Con Mắt trên chữ KIẾN 見 là Thấy để
chỉ ý Tìm Kiếm theo diễn tiến chữ viết như sau:
Chữ MỊCH
Chữ MỊCH
Tề Thiên che tay lên mắt để tìm đường.
KHÁN 看 : là Xem, là Nhìn. Đây cũng là chữ Hội Ý, gồm có bộ
THỦ là Tay để ở trên chữ MỤC 目 là Mắt ở dưới (giống như hình của Tôn
Hành Giả che mắt để nhìn bên trên). Ngoài nghĩa Nhìn ...
KHÁN còn có nghĩa là Quan Sát, Phán Đoán, Thăm Viếng, như :
KHÁN BỆNH 看病 :là Khám bệnh. QUAN KHÁN 觀看: là Xem xét. KHÁN BẰNG HỮU 看朋友: là Thăm Bạn bè.
KHÁN còn được đọc là KHAN (không có dấu sắc), nhưng nghĩa vẫn
không thay đổi, như: TƯƠNG KHAN 相看: là Nhìn Nhau. Ta có các thành ngữ
sau đây:
PHẬT NHÃN TƯƠNG KHAN 佛眼相看: là Nhìn nhau bằng con mắt của Phật, là con mắt của từ bi bác ái. Có nghĩa là Đối xử với nhau rất hòa nhã thân ái và bao dung.
BẠCH NHÃN TƯƠNG KHAN 白眼相看: là Nhìn nhau bằng con mắt trắng, là
nhìn ngước lên trên hoặc xéo qua một bên, nên chỉ thấy có tròng trắng. Ý
chỉ khi dễ, coi rẻ mà không thèm nhìn thẳng vào ai đó
QUÁT MỤC TƯƠNG KHAN 刮目相看: là Khoét mắt nhìn nhau. Ý nói là "Bỏ đi
cái Nhìn xưa cũ mà Nhìn nhau bằng cái nhìn mới." Lấy tích từ LỮ MÔNG một
danh tướng của Đông Ngô thời Tam Quốc, dốt chữ từ nhỏ vì nhà nghèo.
Sau trận Xích Bích được phong làm Đại Tướng và được Đô Đốc Lỗ Túc (sau
khi Chu Du chết) cùng chủ tướng Tôn Quyền khuyến khích học tập. Chỉ một
thời gian ngắn sau đã trở nên văn võ song toàn. Khi Lỗ Túc đến thăm đã
phải ngạc nhiên tán thán. Lữ Mông mới nói là: SĨ CÁCH TAM NHỰT, QUÁT MỤC
TƯƠNG ĐÃI 士隔三日,刮目相待。Có nghĩa là: Kẻ sĩ ba ngày không gặp nhau, thì
phải đối đãi nhau bằng cái nhìn khác rồi! Ý muốn nói, chỉ cần ta chịu
khó học tập, thì chẳng mấy hồi cũng sẽ có được sự tiến bộ vượt bực. Sau
Lữ Mông làm đến chức Đô Đốc của Đông Ngô.
Sĩ cách tam nhật, quát mục tương khan
10. BỘ GIÁC 角 : Còn đọc là GIỐC.
Sĩ cách tam nhật, quát mục tương khan
10. BỘ GIÁC 角 : Còn đọc là GIỐC.
GIÁC 角 : là Cái Sừng. GIÁC 角 là chữ Tượng Hình, theo diễn tiến của chữ viết như sau:
甲骨文 | 金文 | 金文大篆 | 小篆 | 繁体隶书 |
Ta thấy:
Giáp Cốt Văn, Kim Văn là 2 loại hình tượng trưng cho Cái Sừng của thú vật : Trâu, Bò, Dê, Nai... Từ Kim Văn Đại Triện đến Tiểu Triện mới dần dần hình thành chữ viết, đến chữ Lệ của đời Tần thì hoàn thành như chữ viết của hiện nay 角.
Giáp Cốt Văn, Kim Văn là 2 loại hình tượng trưng cho Cái Sừng của thú vật : Trâu, Bò, Dê, Nai... Từ Kim Văn Đại Triện đến Tiểu Triện mới dần dần hình thành chữ viết, đến chữ Lệ của đời Tần thì hoàn thành như chữ viết của hiện nay 角.
GIÁC 角: là Sừng thú vật, như NGƯU GIÁC 牛角: là Sừng trâu, Sừng bò. LỘC GIÁC 鹿角: là Sừng Hươu, Sừng Nai ...
GIÁC còn có nghĩa là Góc Cạnh, như trong Hình Học ta có Hình TAM GIÁC 三角, TỨ GIÁC 四角, LỤC GIÁC 六角...
GIÁC LẠC 角落: là Cái Góc nhà, Cái Xó Xỉnh nào đó.
GIÁC TÚ 角宿
hay GIÁC TINH 角星: là Một vì sao trong Nhị Thập Bát Tú, là một trong 7
vì sao thuộc nhóm Thanh Long ở phương Đông, thuộc Mộc, tượng trưng cho
hình con Giao Long, nên còn có tên là GIÁC MỘC GIAO 角木蛟.
GIÁC 角 khi đọc là GIỐC thì là một trong Ngũ Âm của Âm nhạc
cổ điển là: Cung Thương Giốc Truỷ Vũ 宮、商、角、徵、羽. Nguyễn Du đã khen tài
thanh nhạc của cô Kiều là:
Cung Thương lào bậc ngũ âm,
Ngũ Âm
GIÁC 角 trong tiền tệ là MỘT CẮC (10 xu). Trong tiền Mỹ là 01 dime = 10 cent = 1 phần 10 dollar.
Thành ngữ thường gặp của chữ GIÁC là :
HẢI GIÁC THIÊN NHAI 海角天涯: Ta nói là Chân Trời Góc Biển hay Trời
Thẳm Vực Sâu gì cũng thế, như khi muốn treo ấn từ quan để đi tìm Thúy
Kiều, Kim Trọng đã:
Nghĩ điều Trời Thẳm Vực Sâu,
Bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm?!
QUẦN HÙNG GIÁC TRỤC 群雄角逐: là Quần Hùng so tài cao thấp với nhau. Ta có từ GIÁC ĐẤU 角鬥 là Vật nhau, là Đô Vật.
Có tất cả 46 chữ được ghép bởi bộ GIÁC nầy, tiêu biểu có:
XÚC 觸 : là Dùng sừng để Húc, để Cụng. Nghĩa bóng là Va Chạm,
là TIẾP XÚC 接觸 như XÚC ĐIỆN 觸電: là Bị điện giật, XÚC PHẠM 觸犯: là Va
Chạm, là Đụng Chạm, XÚC ĐỘNG 觸動: là Tình cảm bị kích thích va chạm, XÚC
GIÁC 觸覺: là Cảm giác có được do tiếp xúc va chạm mà ra. Xúc Giác là một
trong Ngũ Giác Quan của con người. Ta có thành ngữ:
XÚC CẢNH SANH TÌNH 觸景生情: là Tiếp xúc với cảnh vật, cảnh trí hoặc sự
việc xảy ra trước mắt, làm xúc động nảy sinh ra tình cảm trong lòng.
XÚC MỤC KINH TÂM 觸目驚心: là Mắt vừa tiếp xúc thì lòng đã hoảng sợ. Ý
muốn nói: Vừa trông thấy đã giật mình, chỉ sự việc vô cùng nghiêm
trọng.
GIẢI 解 : là Cởi, là Mở, là Tháo ra, là Làm rõ... như GIẢI
THUYẾT 解說 là Cắt nghĩa, ta nói là GIẢI NGHĨA, GIẢI THÍCH 解釋. GIẢI VI 解圍:
ta nói là Giải Vây, GIẢI NGUY 解危: là Cứu Nguy, GIẢI TÁN 解散: là Tan
hàng, GIẢI ĐÁP 解答: là Trả Lời câu đố hoặc thắc mắc...
Thành ngữ về chữ GIẢI có :
GIẢI GIÁP QUY ĐIỀN 解甲歸田: là Cởi bỏ áo giáp đi về làm ruộng.
Chỉ các binh tướng ngày xưa cởi bỏ áo trận về quê sống cuộc sống thôn
dã, Là được Giải Ngũ về quê.
GIẢI LINH HOÀN TU HỆ LINH NHÂN 解鈴還須繫鈴: Cởi lục lạc phải là
người buộc lục lạc. Ý nói người nào làm ra việc gì đó thì người đó phải
gánh lấy trách nhiệm giải quyết. Câu nói nầy hàm chứa một ý THIỀN theo
như tích sau đây :
Vào đời nhà Minh, trong Thanh Lương Tự ở đất Kim Lăng có Thái
Khâm Thiền Sư là người tính tình hào sảng, không thích gò bó bởi giới
luật thanh quy. Một hôm, Phương trượng của chùa là Pháp Nhởn Hòa Thượng
khai đàn thuyết pháp, có đặt một câu hỏi với mọi người là: "Trên cổ của
con hổ có đeo một cái lục lạc vàng, ai có thể lấy cái lục lạc vàng đó
xuống?" Tất cả đều không thể trả lời. Lúc đó, Thái Khâm Thiền Sư đến,
nghe câu hỏi bèn gợi ý rằng: Sao mọi người không trả lời là "Chính cái
người đeo lục lạc vào cổ con hổ, có thể lấy cái lục lạc đó xuống!"
Chỉ có Chính Đương Sự mới gở được những rắc rối phức tạp do Chính Đương Sự gây ra mà thôi!
LÍ 里 : là NƠI Ở, là LÀNG. LÍ 里 là chữ dùng Tượng Hình để Hội Ý, theo diễn tiến của chữ viết như sau:
甲骨文 | 金文 | 金文大篆 | 小篆 | 繁体隶书 |
Ta thấy :
Kim Văn, Đại Triện, Tiểu Triện phần trên la chữ ĐIỀN 田 là Ruộng, phần
dưới là chữ THỔ 土 là Đất. Có Ruộng có Đất là chỉ Chỗ Ở của con người.
Theo tính toán về thổ cư ngày xưa, cứ 5 nhà là Một LÂN 鄰 là Một Xóm; Năm
LÂN là Một LÍ 里 (25 nhà) một Làng. Ta có từ LÍ TRƯỞNG 里長 là Trưởng
Làng, người đứng đầu một làng; người Miền Nam gọi là "Ông Làng" nên...
LÂN LÍ 鄰里 : là Làng Xóm, là Lối Xóm, là Hàng Xóm. Như Kim Trọng nói mình là Hàng xóm của Thúy Kiều vậy:
Chàng rằng: "LÂN LÍ ra vào,
Gần đây chớ phải người nào xao xôi!...
CỐ LÍ 故里 : Cũng như Cố Hương, là Quê Xưa, Quê Cũ.
PHẢN HỒI CỐ LÍ 返回故里: hay Phản Hồi Cố Quận, đều có nghĩa là Về lại Quê Xưa hay Trở lại quê nhà .
LÍ HẠNG 里巷 : là Ngõ phường, là xóm hẽm, như các con hẽm ở
Chợ Lớn Việt Nam đều được đặt tên có chữ LÍ ở phía sau, như Hậu Giang Lí
後江里, Bình Tây Lí 平西里 chẳng hạng; Vì mỗi con hẽm đều có rất nhiều nhà
trong đó như là một xóm nhỏ.
LÍ Còn có nghĩa là DẶM (khoảng 360 bước) ta có từ THIÊN LÍ 千里 là Ngàn Dặm. Tăng Quảng Hiền Văn có câu:
Tống quân THIÊN LÍ, 送君千里,
Chung tu nhất biệt. 終須一別。
Có nghĩa :
Dù cho có đưa người đến một ngàn dặm đường, rốt cuộc rồi cũng phải
chia tay mà thôi! Ý nói: Không nên qúa bịn rịn quyến luyến lúc chia
tay.
CÔNG LÍ 公里 : là Cây Số = Một ngàn mét = Một dặm tây. Khác với CÔNG LÝ 公理: là Cái Lẽ Công Bằng ở đời, cái LẼ PHẢI trong cuộc sống xã hội của nhân sinh.
Ta có 3 hình thức của chữ LÍ 里, 裏, 裡
Chữ LÍ có bộ Y 衣 là Áo ở bên Dưới 裏 hoặc ở bên Trái 裡 thì có nghĩa là: Ở TRONG trái với NGOẠI 外 là Ở NGOÀI. Ta có từ ...
LÍ DIỆN 裡面 : là Mặt Trong ,là Bên Trong. Còn ...
NGOẠI DIỆN 外面 : là Mặt Ngoài, là Bên Ngoài.
LÍ ỨNG NGOẠI HỢP 裡應外合 : là Bên trong ứng lên và bên ngoài
cùng phối hợp; câu nầy giống như là câu "NỘI CÔNG NGOẠI KÍCH 內攻外擊 : Bên
trong tấn công bên ngoài đánh vào" vậy!
TỤ LÍ CÀN KHÔN 袖裡乾坤: là Càn khôn trong tay áo, ý chỉ Pháp thuật
cao siêu, có thể giấu cả trời đất trong tay áo. Tụ Lý Càn Khôn còn là
một trong 72 tuyệt kỹ võ công của phái Thiếu Lâm mà Huyền Nạn thiền sư
trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung rất giỏi về môn tuyệt kỹ nầy.
Tống quân thiên lí, chung tu nhất biệt.
Tống quân thiên lí, chung tu nhất biệt.
Tụ lí càn khôn.
Có tất cả 5 chữ được ghép bởi bộ LÍ, tiêu biểu có chữ :
TRỌNG 重 : là Nặng. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, như TRỌNG
LỰC 重力, TRỌNG LƯỢNG 重量 : là Sức Nặng. TRỌNG BỆNH 重病: là Bệnh Nặng, TRỌNG
THƯƠNG 重傷 : là Bị Thương Nặng...
Chữ TRỌNG 重 do chữ THIÊN 千 là Ngàn chồng lên trên chữ LÍ 里là dặm mà thành theo như câu đối chiết tự sau đây :
Bát đao phân mễ phấn, 八刀分米粉,
Thiên lí trọng kim chung. 千里重金鍾.
Có nghĩa :
Phân hột gạo bằng 8 dao, hột gạo sẽ nhuyễn ra thành bột.
Mang nặng cái chuông vàng vượt qua ngàn dặm.
Câu đối trên hay ở chỗ Chiết Tự, vì chữ BÁT 八 chồng lên trên
chữ ĐAO 刀 thành chữ PHÂN 分, và chữ PHÂN 分 ghép với chữ MỄ 米 thành chữ
PHẤN 粉. Vậy là trong chữ PHẤN 粉 có chữ BÁT, chữ ĐAO, chữ PHÂN, chữ MỄ
八刀分米. Tương tự, trong vế sau, chữ THIÊN 千 chồng lên trên chữ LÍ 里 thành
chữ TRỌNG 重, chữ TRỌNG 重 ghép với chữ KIM 金 thành chữ CHUNG 鍾, nên trong
chữ CHUNG 鍾 có chữ THIÊN, chữ LÍ, chữ TRỌNG, chữ KIM 千里重金.
Cụ Nguyễn Du đã mượn ý nầy để cho cô Kiều ngầm tỏ ý tiếc rẻ đã
không trao thân cho Kim Trọng trong đêm Kim Kiều gặp gỡ lúc "Nhà lan
thanh vắng một mình", cô đã than:
Biết thân đến bước lạc loài,
Nhụy đào thà bẻ cho người tình chung!
"Người Tình Chung!" Tại sao phải là "Người Tình Chung", mà không phải là "Người Tình Nhân" hay "Người Tình Lang" ?! À, thì ra cụ Tiên Điền đang chơi chữ đây, Vì chữ CHUNG 鍾 là do 2 chữ KIM TRỌNG 金重 ghép lại mà thành. "NGƯỜI TÌNH CHUNG" là "Người tình tên KIM TRỌNG 金重" đó vậy!
TRỌNG NGHĨA KHINH TÀI 重義輕財: là Coi trọng việc nghĩa và coi nhẹ tiền tài như lời của cô Kiều đã nhắn nhủ với Kim Trọng:
Chiếc thoa là của mấy mươi,
Mà lòng TRỌNG NGHĨA KHINH TÀI xiết bao!
TRỌNG 重 khi đọc là TRÙNG thì có nghĩa là Lặp Lại, Trùng
lắp, như Tiết TRÙNG CỬU 重九 là Lễ tiết nhằm ngày Mùng chín Tháng chín.
TRÙNG PHỤC 重復 là Lặp lại. TRÙNG PHÙNG 重逢 là Gặp lại...
TRÙNG TRÙNG ĐIỆP ĐIỆP 重重疊疊: là Hết lớp nầy tới lớp khác nối tiếp nhau mãi không dứt. Ta nói là Hàng hàng Lớp lớp.
TRÙNG TÂN 重新: KHÔNG có nghĩa là LÀM MỚI, mà là LÀM LẠI TỪ ĐẦU, làm lại một lần nữa!
TRÙNG XƯỚNG 重唱 : KHÔNG phải hát lại một lần nữa, mà là HÁT BÈ : Hai người hát cùng một lúc với hai "Tông" khác nhau.
TRÙNG ÔN CỰU MỘNG 重溫舊夢 : là Hâm nóng lại giấc mộng xưa; thường
dùng để chỉ người yêu cũ gặp lại, hoặc vợ chồng xa cách lâu ngày giờ
được đoàn viên. Viết đến đây làm ta nhớ lại lời ca trong bài "Mong Người
Chiến Sĩ" của Nhạc sĩ THÚC ĐĂNG khoảng thập niên 50 của Thế kỷ trước:
...Em mong cho ngày tháng thanh bình, anh về làng cũ, TÌM PHÚT VUI XƯA, quên ngày dãi nắng dầm mưa!
"Tìm Phút Vui Xưa" tức là "Trùng Ôn Cựu Mộng" đó!
Mong người Chiến sĩ của Thúc Đăng
TRÙNG TU 重修 : là Sửa sang lại, xây dựng lại.
TRÙNG SINH 重生 : Không phải Sanh lại một lần nữa, mà là chỉ những
người lẽ ra đã chết được ai đó cứu sống lại như cô Kiều được Sãi Giác
Duyên cứu sống vậy, nên khi cả nhà đến rước về đoàn tụ, thì cô Kiều
không nở bỏ Giác Duyên mới nói rằng:
TRÙNG SINH ơn tựa bể trời,
Lòng nào nở dứt nghĩa người ra đi?!
12. BỘ THÂN 身 :
THÂN 身 : là Mình. THÂN 身 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau :
甲骨文 | 金文 | 金文大篆 | 小篆 | 繁体隶书 |
Ta thấy :
Từ Giáp Cốt Văn cho đến Kim Văn Đại Triện, Tiểu Triện đều là hình
tượng của một người đứng đưa cái bụng ra, đó chính là phần chính của chữ
viết, nên THÂN là Mình Mẫy, là THÂN THỂ 身體. THÂN là phần cốt lỏi của
Người, Vật, Sự Vật, như:
NHÂN THÂN 人身 : là Thân thể con người.
THÚ THÂN 獸身 : là Mình mẩy của Thú vật.
THỌ THÂN 樹身 : là Thân cây.
THUYỀN THÂN 船身 : là Thân Ghe, thân Tàu...
THÂN còn chỉ tự mình, sinh mạng, địa vị của con người, như :
BẢN THÂN 本身, TỰ THÂN 自身, HIẾN THÂN 獻身, THÂN THẾ 身世,
THÂN PHẬN 身分, XUẤT THÂN 出身... THÂN là cái mạng sống, nên HIẾN THÂN là
Trao cả cái mạng sống của mình cho ai đó, như HIẾN THÂN cho Tổ Quốc
chẳng hạn... Khi cô Kiều quyên sinh, tức là chối bỏ cái mạng sống của
mình, thì Tú Bà đã khuyên rằng:
Một người dễ có mấy THÂN,
Hoa xuân phong nhụy ngày xuân còn dài.
Cũng là lỡ một lầm hai,
Đá vàng chi nở ép nài mưa mây...
Ta có các thành ngữ về chữ THÂN như sau:
THÂN CƯỜNG LỰC TRÁNG 身强力壮: Chỉ Thân thể cường tráng, thân hình mạnh mẽ. Thể lực tốt.
BÁN THÂN BẤT TOẠI 半身不遂: là Nửa thân mình không theo ý của mình, là bị liệt mất nửa người.
ĐƠN THÂN ĐỘC MÃ 單身獨馬: ta nói là Một mình một ngựa.
THÂN BẠI DANH LIỆT 身敗名裂: là Thân Danh Bại Liệt, chỉ bản thân và
danh dự của mình đều thất bại, thua thiệt, rách nát, xấu xa chẳng ra gì
cả! Thân Bại Danh Liệt còn chỉ tiếng tăm danh vọng đều xuống cấp, mất
hết uy tín ở đời, thất bại một cách triệt để.
Sách Luận Ngữ, chương Học Nhi, Thầy Tăng Tử nói rằng: NGÔ NHẬT TAM
TỈNH NGÔ THÂN 吾 日三省吾身. Có nghĩa: Mỗi một ngày phải suy gẫm về bản thân
mình 3 việc (Có tận tâm làm tròn trách nhiệm được giao hay không? Với
bạn bè còn có chỗ nào chưa thành thật không? Có ôn tập lại những lời mà
thầy đã dạy hay không?)
Có tất cả 31 chữ được ghép bởi bộ THÂN nầy, tiêu biểu có :
CÚC CUNG 躹躬 : là Cúi rạp mình xuống để Chào, để Xin Lỗi...
CÚC CUNG còn có nghĩa là Cúi rạp mình trên bàn làm việc, ý chỉ làm việc
chăm chỉ, cật lực, hết mình. Ta có thành ngữ :
CÚC CUNG TẬN TỤY 鞠躬盡瘁: là Hết lòng hết dạ cống hiến hết khả năng của
mình. Câu nói nầy của Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc trong bài
Hậu Xuất Sư Biểu. Sau khi Lưu Bị mất, ấu chúa Lưu Thiền nối ngôi, tất cả
quyền bính đều trao vào tay Khổng Minh Gia Cát Lượng. Một mặt ông liên
kết với Đông Ngô phạt Ngụy, một mặt nam chinh thu phục Mạnh Hoạch. Trong
lần chuẩn bị bắc phạt lần thứ 2, ông viết bài Hậu Xuất Sư Biểu nầy để
trình lên Lưu Thiền, trong đó có câu "CÚC CUNG TẬN TỤY, TỬ NHI HẬU DĨ 鞠躬尽瘁、死而后已 Có nghĩa: Hết lòng hết dạ, đến chết mới thôi.
Khổng Minh Gia Cát Lượng : Cúc Cung Tận Tụy, Tử nhi hậu dĩ.
13. B THỈ 豕 :
THỈ 豕 : là Con Heo. THỈ 豕 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau:
甲骨文 | 金文 | 金文大篆 | 小篆 | 繁体隶书 |
Ta thấy :
Từ Giáp Cốt Văn cho đếnKim Văn Đại Tiểu Triện đều là hình tượng của
con heo, với cái mỏ nhọn, bụng bự, lưng cong cong, có 4 chân và đuôi
hẵn hoi. THỈ 豕 chỉ chung các loại heo rừng hoang dã.
Heo nuôi ở nhà trong Lục súc thì gọi là TRƯ 豬 cũng thuộc bộ THỈ. Ta có các từ như:
Heo nuôi ở nhà trong Lục súc thì gọi là TRƯ 豬 cũng thuộc bộ THỈ. Ta có các từ như:
TRƯ KHUYÊN 豬圈: là Cái Chuồng heo.
TRƯ ĐẦU 豬頭: là Cái Đầu Heo. Nhưng ở Lục Tỉnh quê tôi kêu là: Cái
Thủ Vĩ. Thì ra nhà giàu thì cúng trả lễ cuối năm bằng nguyên con heo,
còn nhà nghèo thì chỉ cúng có cái đầu heo, thêm 4 cái móng và cái đuôi
heo vào để tượng trưng cho nguyên con heo, nên mới gọi là Cái Thủ Vĩ.
Giới bình dân không biết chữ Nho, nên cứ nghĩ Cái Thủ Vĩ là tên riêng
của cái đầu heo.
TRƯ THẢO 豬草: là Các loại rau cỏ cho heo ăn, như Rau muống,
lục bình... Ngoài ra, còn có một loại heo bụng xệ chân ngắn, chỉ khoảng
một "Tạ" trở lại, ta gọi là Heo Cỏ.
TRƯ HỒNG 豬紅: Không phải con heo màu đỏ, mà là Huyết Heo.
TRƯ CƯỚC MIẾN TUYẾN 豬腳麵線 : là Mì Giò Heo. Món ăn đặc sản của các xe mì Chợ Lớn ngày xưa.
Cuối cùng ta có ...
TRƯ NGỘ NĂNG 豬悟能 hay TRƯ BÁT GIỚI 豬八戒: là Đệ tử thứ 2 của Đường Tam
Tạng, mê ăn, thích gái, biếng làm, hay ngủ... đủ cả thói hư tật xấu của
con người, chỉ biết ăn no ngủ kỹ, Cao Chẩm vô ưu!
Trư Ngộ Năng = Trư Bát Giới
Có tất cả 35 chữ được ghép bởi bộ THỈ nầy, ngoài chữ TRƯ ra ta còn có chữ :
TƯỢNG 象: Cũng là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau:
甲骨文 | 金文 | 金文大篆 | 小篆 | 繁体隶书 |
Ta thấy :
Giáp Cốt Văn rõ ràng là hình con Voi "có cái vòi đi trước" và cái
mình thì như "mình heo" nhưng to lớn hơn nhiều, theo diễn tiến của chữ
viết nên phần mình và đuôi cũng giống như bộ THỈ 豕 vậy. Vì thế mà chữ
TƯỢNG 象 được xếp vào bộ THỈ, chứ VOI và HEO không có "bà con" gì với
nhau cả!
TƯỢNG 象 là Động vật to lớn nhất hiện nay của Địa cầu. Hai cái răng nanh hai bên mọc dài ra, gọi là TƯỢNG NHA 象牙, ta gọi là NGÀ VOI. Ngà Voi cứng, đẹp qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân trở thành những mỹ nghệ phẩm qúy gía, Ta có thành ngữ:
TƯỢNG 象 là Động vật to lớn nhất hiện nay của Địa cầu. Hai cái răng nanh hai bên mọc dài ra, gọi là TƯỢNG NHA 象牙, ta gọi là NGÀ VOI. Ngà Voi cứng, đẹp qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân trở thành những mỹ nghệ phẩm qúy gía, Ta có thành ngữ:
TƯỢNG NHA BẢO THÁP 象牙寶塔: là Tháp qúy làm bằng ngà voi, dùng để chỉ
những văn nhân, thi nhân, nghệ sĩ, tài tử lập dị chìm đắm riêng trong
thế giới nghệ thuật của mình mà không màng đến cuộc sống thực tế của
nhân sinh. Ta gọi những văn nhân nghệ sĩ đó là "Những người chỉ biết
sống riêng trong THÁP NGÀ của mình!"
TƯỢNG 象 còn chỉ trạng thái, hình dáng, như TƯỢNG HÌNH 象形,
TƯỢNG TRƯNG 象徵, TƯỞNG TƯỢNG 想象, CẢNH TƯỢNG 景象, KHÍ TƯỢNG 氣象, HIỆN TƯỢNG
現象, HÌNH TƯỢNG 形象... Ta có thành ngữ cho ngày đầu của một năm, của mùa
xuân mới bắt đầu là:
VẠN TƯỢNG CANH TÂN 萬象更新: là Muôn ngàn hiện tượng đều đổi mới.
Tháp Ngà
Vạn tượng canh tân
Người mù sờ voi
HẠT TỬ MẠC TƯỢNG 瞎子摸象: là Thằng đui sờ voi, còn nói là MANH NHÂN
MẠC TƯỢNG 盲人摸象 là Người mù sờ voi, dùng để chỉ chuyện gì đó chỉ mò mẫm
một khía cạnh hoặc chỉ hiểu lỏm bỏm chưa được rõ ràng.
XÀ DỤC THÔN TƯỢNG 蛇欲吞象 : là Rắn mà muốn nuốt voi, dùng để chỉ lòng
tham qúa đáng của con người. Đây là vế nói tắt của câu: Nhân tâm bất túc
Xà Thôn Tượng 人心不足蛇吞象 là Lòng người không bao giờ biết đủ, rắn mà lại
muốn nuốt voi!
Lòng tham không đáy, rắn mà muốn nuốt voi!
Như thường lệ, trước khi kết thúc bài viết nầy, mời tất cả cùng đoán câu đố chữ sau đây:
Khứ nhất nhân hoàn hữu nhất khẩu,
去一人還有一口,
Khứ nhất khẩu hoàn hữu nhất nhân.
去一口還有一人。
Phóng hạ thủ nả vật qui khứ,
放下手拿物歸去,
Bàng biên thủ thập vật qui lai.
旁邊手拾物歸來.
Có nghĩa :
Đi một người còn có một khẩu,
Đi một khẩu còn có một người.
Bỏ tay xuống đem vật trở về,
Tay bên cạnh nhặt vật trở lại.
Bốn câu trên đoán một chữ 6 nét mà ta đã từng biết qua.
Hẹn bài viết sau: Các bộ 7 nét (tt và hết).
Đỗ Chiêu Đức
Mời xem :
Mời xem :
khó học đấy
Trả lờiXóa