Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Dưới bóng những cây cầu cổ kính, lộng lẫy của Paris - Thuỳ Dương (RFI)

Sông Seine đoạn chảy qua Paris và ngoại ô có tới 37 cây cầu bắc qua. Nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là Pont Neuf - cây cầu lâu đời nhất Paris và Alexandre Đệ Tam - cây cầu lộng lẫy nhất Paris.

Pont Neuf - cầu lâu đời nhất của Paris
Pont Neuf có nghĩa là Cầu Mới. Đây là cây cầu lâu đời nhất trong số những cây cầu hiện đại bắc qua sông Seine, đoạn chảy qua Paris. Sở dĩ cầu có tên gọi là Cầu Mới vì đây là cây cầu bằng đá đầu tiên của Paris. Trước kia, các cây cầu ở Paris đều bằng gỗ.
Pont Neuf nằm ở vị trí trung tâm Paris, được xây dựng từ năm 1578 đến năm 1607, trong thời gian trị vì của vua Henri Đệ Tam và Henri Đệ Tứ. Phải mất gần 30 năm cây cầu mới được hoàn thành vì các khó khăn tài chính, Chiến Tranh Tôn Giáo (1588-1598) và các xung đột chính trị.
Anh Louis Antoine, hướng dẫn viên du lịch và là đồng sáng lập Hiệp Hội « Một người bạn ở Paris » giới thiệu : « Viên đá đầu tiên được đặt vào một ngày mưa to, và vị vua đặt viên đá đó cũng chứa chan nước mắt khóc thương vì hai cận thần được ông sủng ái đã qua đời một tháng trước đó. Vì thế, người dân Paris đã mệnh danh Pont Neuf là « cây cầu nước mắt » (…) Ngay khi mới được khai trương, cây cầu đã đón nhận thành công lớn vì đây là cây cầu có tầm nhìn rất rộng ra sông Seine. Những cây cầu xây trước Pont Neuf đều có các ngôi nhà được xây dọc theo hai bên thành cầu. Vì thế, khi đi trên cầu, người dân Paris không thể ngắm nhìn sông Seine. »
Như vậy, Pont Neuf cũng là cây cầu đầu tiên không có nhà cửa bao quanh lòng cầu, chỉ có một trạm bơm được xây trên một hệ thống cọc để bơm nước từ sông Seine tới Louvre (khi đó là cung điện) và vườn Tuilerie. Trạm bơm có tên gọi Samaritaine, đây là trạm bơm nước đầu tiên của Paris. Đến năm 1813, khi Paris có hệ thống dẫn nước mới thì trạm bơm Samaritaine mới bị dỡ bỏ.
Pont Neuf cũng là cây cầu đầu tiên của Paris có vỉa hè. Và trong vòng 200 năm sau khi Pont Neuf được khánh thành, đây vẫn là cây cầu có vỉa hè duy nhất ở Paris. Người ta phỏng đoán phần vỉa hè của Pont Neuf theo dự tính ban đầu có lẽ là dành để xây dựng các ngôi nhà như những cây cầu trước đó.
Nhờ không có các ngôi nhà chắn tầm nhìn mà khi đi trên cầu, mọi người có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn dòng sông Seine trải dài và các công trình nổi tiếng của Kinh Đô Ánh Sáng nằm dọc hai bên bờ sông.
Dài hơn 230m, đây là cây cầu đầu tiên bắc qua cả hai nhánh của sông Seine, nối liền quận 6 ở tả ngạn và quận 1 ở hữu ngạn sông Seine, bắc qua cả mũi đất phía Tây của đảo Île de la Cité, nơi có quảng trường Dauphine. Pont Neuf rộng 20,5m, gồm 11,5m lòng cầu và hai bên vỉa hè, mỗi bên rộng 4,5m.
Pont Neuf có 12 nhịp cầu uốn hình vòng cung. Phần cầu bắc qua nhánh lớn của sông Seine nối sang quận 1 gồm 7 nhịp. Còn phần nối sang quận 6 gồm 5 nhịp. Tại mỗi trụ cầu có một "ban công" hình bán nguyệt nhô ra phía ngoài sông Seine. Mạn ngoài của cầu được trang trí bằng 381 bức điêu khắc gương mặt của các vị thần trong các truyền thuyết cổ đại, chẳng hạn như thần dê, thần rừng. Mỗi bức tượng lột tả một cảm xúc khác nhau, nhiều bức tượng khắc họa vẻ nhăn nhó, trông khá kỳ dị. Đại văn hào Victor Hugo xưa kia đã gọi những bức tượng đó là « những cơn ác mộng hóa đá ».
Trong một thời gian rất dài, cây cầu đã trở thành một trung tâm náo nhiệt và sầm uất về thương mại của thành phố. Trong bài thơ có tiêu đề « Thành phố Paris », được sáng tác vào năm 1660, thi sĩ Berthod đã miêu tả Pont Neuf là nơi bán hàng quen thuộc của những người bán thuốc bôi, thuốc mỡ, sách truyện, quần áo cũ, là nơi hành nghề của những người nhổ răng dạo, … Vào năm 1619, chính trên cầu Pont Neuf, quầy bán sách cũ đầu tiên của Paris đã xuất hiện.
Vào cuối giai đoạn trị vì của vua Henri Đệ Tam, các nhà buôn và thợ thủ công đã dựng các quầy hàng bằng gỗ tại các ban công bán nguyệt để buôn bán. Năm 1775, các quầy hàng bằng gỗ này bị dỡ bỏ và thay vào đó là các quầy hàng xây bằng đá, do kiến trúc sư danh tiếng Soufflot thiết kế. Kiến trúc sư Soufflot cũng chính là người đã thiết kế Điện Panthéon - Đền thờ các vĩ nhân của Pháp. Đến năm 1854 thì các quầy hàng bằng đá cũng bị dỡ bỏ, việc buôn bán và làm nghề thủ công trên vỉa hè của cầu chấm dứt. Vỉa hè cầu Pont Neuf trở thành nơi dạo bộ lý tưởng cho người dân.
Trong tác phẩm mang tựa « Bức họa Paris » năm 1781, tác giả Louis-Sébastien Mercier đã viết : « Pont Neuf trong thành phố giống như trái tim trong cơ thể con người, trung tâm của mọi sự chuyển động và tuần hoàn, người dân và khách nước ngoài đổ tới cầu nhiều tới mức chỉ cần đi dạo trên cầu mỗi ngày 1 tiếng là có thể gặp được người mà ta muốn gặp ».
Trải qua hơn bốn thế kỷ, với biết bao đổi thay của lịch sử, cây cầu vẫn còn đó và đã trở thành cảm hứng sáng tạo và đi vào tác phẩm hội họa của một số họa sĩ nổi tiếng như Pierre-Auguste Renoir hay Camille Pissarro. Họa sĩ Renoir vẽ bức tranh « Pont Neuf » vào năm 1872. Bức tranh sơn dầu này hiện nằm tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Quốc Gia ở Washington, Mỹ. Còn bức tranh « Pont Neuf » của họa sĩ Pissarro vẽ năm 1901 được trưng bày tại bảo tàng Nghệ Thuật Philadelphia, Mỹ. Cây cầu cũng là bối cảnh chính của bộ phim « Les Amants du pont Neuf » (Những tình nhân của cây cầu Pont Neuf), sản xuất năm 1991.
Cũng trong năm 1991, cùng với quần thể dọc bờ sông Seine, Pont Neuf đã được công nhận là Di Sản Thế Giới của UNESCO.
Alexandre Đệ Tam - cầu lộng lẫy nhất Paris
Nếu Pont Neuf nổi tiếng là cây cầu lâu đời nhất Paris thì cầu Alexandre Đệ Tam lại nổi tiếng là cây cầu đẹp nhất, lộng lẫy nhất, hoành tráng nhất « Kinh Đô Ánh Sáng ».
Cầu Alexandre Đệ Tam nằm ở một khu vực quan trọng, tập trung nhiều công trình lịch sử có giá trị của của thành phố Paris. Cầu nằm trên trục thẳng nối từ Điện Invalides bên tả ngạn sông Seine (quận 7) tới đại lộ Wilson Churchill bên hữu ngạn (quận 8) với hai công trình Grand Palais và Petit Palais nằm hai bên. Gần đó là tháp Eiffel, đại lộ Champs Elysée, Phủ Tổng Thống (Điện Elysée), quảng trường Concorde, Tòa nhà Quốc Hội (Palais Bourbon)…
Cầu Alexandre Đệ Tam là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai nước Nga và Pháp. Sa hoàng Nga Alexandre Đệ Tam và tổng thống Pháp Sadi Carnot đã cho xây dựng cây cầu nhân dịp Triển Lãm Hoàn Cầu được tổ chức ở Paris vào năm 1900. Sa hoàng Nicolai Đệ Nhị - con trai của sa hoàng Alexandre Đệ Tam đã đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng cầu vào năm 1896 và vào ngày 14/04/1900, cũng chính Nikolai Đệ Nhị, cùng với tổng thống Pháp Emile Loubet, đã khánh thành cây cầu. Đây cũng là ngày tổng thống Emile Loubet khai mạc Triển Lãm Hoàn Cầu tại Grand Palais.

Cầu Alexandre Đệ Tam - Paris.@wikipedia/philippe alès
Năm 1975, cầu Alexandre Đệ Tam được công nhận là công trình lịch sử của Pháp. Năm 1991, cũng như Pont Neuf, cùng với các công trình hai bên bờ sông Seine, cầu Alexandre Đệ Tam được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới.
Nét đẹp của cầu Alexandre Đệ Tam nằm ở sự giao hòa giữa kỹ thuật xây dựng hiện đại và phong cách nghệ thuật mới. Nhà báo Patrick de Carolis và nhà sử học Louis Laforge, trong cuốn sách « Paris - dọc theo sông Seine », đã trích dẫn các quy định mời thầu, cho biết là các kiến trúc sư phải đảm bảo là « cây cầu sẽ không làm ảnh hưởng đến những cảnh đẹp mắt và sống động trên sông Seine, nhìn từ phía quảng trường Concorde thì những cảnh đó là độc nhất vô nhị : các cây cầu nối tiếp nhau với tầu thuyền tấp nập trên sông », độ cao của cây cầu không được quá cao, che lấp các cảnh quan nổi tiếng xung quanh, nhưng cũng không được quá thấp làm ảnh hưởng tới tàu thuyền đi lại trên sông, và đặc biệt cây cầu phải hài hòa với hai công trình nằm ngay gần đó cùng được xây dựng để phục vụ Triển Lãm Hoàn Cầu là Grand Palais và Petit Palais.
Cầu Alexandre Đệ Tam chỉ có một nhịp dài 107 m, với ba điểm nối và không có cột chống trung gian nào. Cầu rộng 40m. Toàn bộ khung cầu được đúc sẵn bằng thép từ nhà máy Le Creusot rồi được vận chuyển đến lắp ghép tại chỗ bằng đinh ốc. Đây là một trong những công trình đầu tiên trên thế giới được xây dựng theo công nghệ này. Loại thép dùng để xây cầu cũng là loại thép đặc biệt, chỉ được dùng cho các mục đích quân sự ở Pháp vào thời đó. Vì thế, phải có giấy phép đặc biệt mới được sử dụng loại thép này để xây dựng cây cầu. Để chống lại sức đẩy của nước, phần móng cầu sát bờ sông được gia cố bằng các khối bê tông khổng lồ, có thể nói là chưa từng có vào thời kỳ đó.
Việc trang trí cây cầu được giao cho các nhà điêu khắc nổi tiếng thời đó như Dalou, Garder, Gauquié, … Với các tác phẩm điêu khắc lộng lẫy, cầu Alexandre Đệ Tam được coi như một viện bảo tàng.
Hai bên thành cầu được trang trí bằng 32 cột đèn bằng đồng với các tượng thiên thần nhỏ có cánh. Ở mỗi đầu cầu, có hai cột lớn bằng đá cao 17m. Phía dưới mỗi cột được trang trí bằng một bức tượng đá tượng trưng cho nước Pháp dưới thời trị vì của vua Charlemagne, thời Phục Hưng, thời trị vì của vua Louis XIV và thời hiện đại. Còn trên đỉnh mỗi cột đặt một bức tượng đồng mạ vàng hình nữ thần và ngựa có cánh, tượng trưng cho nghệ thuật, nông nghiệp, trận chiến đấu và chiến tranh. Ở chính giữa, hai bên mạn ngoài cầu được trang trí bằng bức tượng các nữ thần sông Neva với các loại vũ khí của Nga và các nữ thần sông Seine với các loại vũ khí của Pháp. Ngoài ra, hai bên thành cầu còn có các bức tượng các em nhỏ dắt sư tử, các vị thần sông với cá hoặc ốc.
Từ tháng 04 - 11/1900, trong thời gian diễn ra Triển Lãm Hoàn Cầu, đã có 50 triệu du khách đến chiêm ngưỡng cây cầu.
Cây cầu lộng lẫy và nổi tiếng bậc nhất Paris đã đi vào nhiều tác phẩm điện ảnh, chẳng hạn như bộ phim « Midnight in Paris » (Paris lúc nửa đêm) của đạo diễn gạo cội Woody Alen. Danh ca Adèle của nước Anh, người đã thắng 6 hạng mục quan trọng tại giải Grammy năm 2012 cũng đã chọn cây cầu Alexandre Đệ Tam để quay clip « Someone like you ».

1 nhận xét:

Thành Ngữ Điển Tích 114 : TRÌ, TRÍ, TRIÊU, TRIỆU, TRÌNH.

  Thành Ngữ Điển Tích 114 :                                 TRÌ, TRÍ, TRIÊU, TRIỆU, TRÌNH. Ao Chuôm  TRÌ ĐƯỜNG 池塘 là Ao chuôm, ao đầm, ao hồ...