Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

ĐIỂN TÍCH VĂN HỌC 13 : CỬA

 CỬA từ Hán Việt là MÔN 門, Môn là một trong 214 bộ của " Chữ Nho ... Dễ Học ", là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau :
               Giáp Cốt Văn    Đại Triện    Tiểu Triện    Lệ Thư
                         
Ta thấy :
       Giáp Cốt Văn là hình tượng của hai cánh cửa mở ra hai bên,  đến Đại Triện thì hai cánh cửa được viết cho gọn lại, Tiểu Triện thì kéo thẳng các nét ra cho thành chữ viết và kịp đến Lệ Thư thì đã hoàn chỉnh như chữ viết hiện tại : 門 Môn là Cửa.

       Cửa được sơn son màu đỏ gọi là CỬA SON, từ Hán Việt là CHU MÔN 朱門. Cửa Son thường dùng để chỉ nhà giào có, như trong thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương :

                     CỬA SON đỏ loét tùm hum nóc,
                     Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

       Ngoài sơn son ra , cửa còn được thếp vàng, gọi là KIM MÔN 金門, là cửa của nhà quyền qúy, của giai cấp qúy tộc, như Thúy Kiều  đã đánh giá Kim Trọng trong buổi đầu gặp gỡ :

                    Nàng rằng trộm liếc dung quang, 
              Chẳng sân ngọc bội cũng phường KIM MÔN.

       Còn nhà nghèo bình dân thì cửa chỉ bằng cây bằng gỗ, gọi là CỬA SÀI, từ Hán Việt là SÀI MÔN 柴門, như căn nhà ngang mặt Vương Viên Ngoại mà Kim Trọng đã mướn trọ học và tìm cơ hội để gặp gỡ Thuý Kiều :
                    
                     CỬA SÀI vừa ngỏ then hoa,
                Gia đồng vào gởi thư nhà mới sang.

           
      Trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện tả nhà của Dương Tướng Công với hai câu :

                      Dò la Dương tướng dinh đâu,
               Tụ hiền phương ấy CỬA HẦU thâm nghiêm.

      CỬA HẦU là từ Nôm của từ Hầu Môn 侯門, dùng để chỉ cửa nhà của những người quyền quý, của những bậc vương hầu; theo như tích sau đây :
       * Theo sách Tình Sử : Vợ Tiêu Lang là Lục Châu, bị bắt đem dâng cho Quách Tử Nghi; Từ đấy Tiêu Lang thấy vợ đành dửng dưng như khách qua đường không dám nhìn.  
       * Theo Toàn Đường Thi Thoại : Thi nhân đời Đường Nguyên Hòa là Tú Tài Thôi Giao 崔郊, thương một người nô tì tài sắc vẹn toàn của nhà cô. Sau vì nghèo, cô bán nô tì đó cho Liên Soái làm tì thiếp. Giao cứ thơ thẩn trước cửa Liên Soái mà không dám vào. Nhân tiết Hàn Thực người tì thiếp đi ra ngoài gặp gỡ Thôi Giao bên rặng liễu. Giao cảm xúc làm tặng nàng bài thơ tứ tuyệt nổi tiếng sau đây :

            公子王孫逐後塵,   Công tử vương tôn trục hậu trần,
           
         綠珠垂淚濕羅巾。   Lục Châu thùy lệ thấp la cân.
           
         侯門一入深如海,   Hầu môn nhất nhập thâm như hải,
           
          從此蕭郎是路人。   Tòng thử Tiêu Lang thị lộ nhân.

Có nghĩa :
               Vương tôn công tử theo sau,
               Lục Châu nhỏ lệ ướt bao khăn là.
               CỬA HẦU sâu tợ biển xa,
               Chàng Tiêu từ đó như là người dưng.

                     Có người mách lẻo, định tâng công, đem bài thơ nầy cho Liên Soái xem. Liên Soái cho mời Thôi Giao vào dinh. Mọi người đều lo sợ cho chàng. Không ngờ Liên Soái cũng thuộc nòi tình, tuy rất yêu thương người tì thiếp tài hoa, nhưng thấy hai người vẫn còn yêu nhau tha thiết, nên trả nàng lại cho Thôi Giao và còn tặng cho bốn ngàn nén bạc về quê để ... yêu nhau ! Tạo nên một giai thoại trong làng thơ lúc bấy giờ.
       Trong Truyện Kiều, lúc Kim Kiều tái hợp, cụ Nguyễn Du cũng đã hạ câu :

                         Có còn chi nữa mà ngờ,
                 Khách qua đường dễ hững hờ Chàng Tiêu.

       Trái với CỬA HẦU quyền qúy, ta còn có CỬA KHÔNG, là cửa không có gì hết, là cửa của nhà Phật, theo thuyết của nhà Phật là : "Sắc tức thị không, Không tức thị sắc". Nên CỬA KHÔNG là KHÔNG MÔN, là Cửa Chùa, như sau khi xem tờ thân cung của Thúy Kiều, Hoạn Thư đã giải quyết sự việc một cách rất khôn ngoan :

                         Tiểu thơ rằng ý trong tờ,
               Rắp đem mệnh bạc nương nhờ CỬA KHÔNG.
                        Thôi thì thôi cũng chiều lòng ,
                    Để cho khỏi lụy trong vòng bước ra !

         Cho mi đi tu để mi khỏi lấy chồng bà cho biết tay !

                          Image result for 觀音閣
                           Sẵn Quan Âm Các vườn ta...
       Cửa Không còn được gọi là CỬA PHẬT, như khi sư Giác Duyên nói với Thúy Kiều :
                         Rỉ tai nàng mới giãi lòng :
                    Ở đây CỬA PHẬT là không hẹp gì.

       Không gọi bằng CỬA PHẬT thì gọi bằng CỬA NHƯ LAI  như trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái đoạn tả về vua Lý Công Uẩn :
                  
                         Bởi vì sinh CỬA NHƯ LAI,
                    Tiêu sơn từ thuở anh hài mới ra.
                            
        Còn nếu thêm dấu hỏi vào chữ KHÔNG, ta sẽ có chữ KHỔNG là CỬA KHỔNG, là KHỔNG MÔN, là cửa của Ngài Chí thánh tiên sư Đức Khổng Phu Tử. Cửa của ngài Khổng là cửa trường học để học theo Đạo Nho của Ngài đề xướng, như trong thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm :

                     Ải Tần non Thục đường nghèo hiễm,
                     CỬA KHỔNG làng nhân đạo khó khăn.

         Ta có thành ngữ Cửa Khổng Sân Trình để chỉ trường học học về đạo Nho thời xưa ( xem bài NHÀ ).

         Thơ của cụ Trạng Trình còn đề cập đến một cái cửa đặc biệt nữa là :

                   CỬA MẬN người yêu nhiều khách trọng,
                   Am hoa ai ở đến ông nhàn.

         CỬA MẬN là LÝ MÔN 李門, xuất phát từ thành ngữ 桃李門牆 Đào Lý Môn Tường. Đào Lý là chỉ Học trò giỏi; Môn Tường chỉ Trường học. Cho nên Lý Môn hay Cửa Mận là chỉ nơi đào tạo ra học sinh giỏi, nơi đào tạo nhân tài. Đào Lý Môn Tường còn được nói Nôm na là CỬA MẬN TƯỜNG ĐÀO như trong thơ của cụ Ức Trai Nguyễn Trãi như sau :

                      Trúc mai bạn cũ họp nhau quen,
                      CỬA MẬN TƯỜNG ĐÀO chân ngại chen.

                                 Ngoài ra Đào Lý 桃李 còn được xem là những người ưu tú, có tài giỏi, có thể ra làm quan được, là người hữu dụng như cây đào cây lý : Mùa xuân ra hoa đẹp, mùa hạ kết trái và mùa thu cho trái chín ngọt. Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du ví cô Kiều tài hoa như là Đào Lý khi bị Hoạn Bà vùi dập :

                       Tiếc thay ĐÀO LÝ một cành,
                 Một phen mưa gió tan tành một phen !

        Theo sách Thông Giám : Ông Địch Nhân Kiệt, tể tướng đời Đường, tiến cử cho vua Đường một lúc mấy chục người tài giỏi. Người đương thời khen ông rằng :" Thiên hạ ĐÀO LÝ tận tại công môn 天下桃李盡在公門 ". Có nghĩa : " Cây đào cây mận ( ý chỉ Nhân tài ) trong thiên hạ đều ở cửa  của ông mà ra cả !" Trong Lâm Tuyền Kỳ ngộ có câu :

                      Cửa chen ĐÀO LÝ người sum họp,
                      Nhà chật trân châu của đãi đằng.

        Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng có câu :
                      Sân ĐÀO LÝ mây lồng man mác,
                      Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng.

                 

        Trong Truyện Kiều, lúc Thúy Kiều báo ân báo oán trong quân dinh của Từ Hải, nàng đã thị uy :

                        Tiên nghiêm trống chửa dứt hồi,
                  Điểm danh trước dẫn chực ngoài CỬA VIÊN.

       CỬA VIÊN là VIÊN MÔN 轅門, không phải là cửa của vườn hoa, mà là cửa của trại lính đóng quân. VIÊN 轅 có bộ XA 車 là Xe ở bên trái, nên VIÊN là cái Càng xe. Ngày xưa, vua hoặc đại tướng đóng quân thường quây xe chung quanh làm hàng rào bảo vệ và dựng càng xe lên làm cửa ra vào, nên mới gọi là Viên Môn hay Cửa Viên. Sau nầy, tuy lều trại đã được xây dựng kiên cố khang trang, nhưng cửa ra vào vẫn gọi là CỬA VIÊN.

                     
      Nói đến CỬA VIÊN là VIÊN MÔN, lại làm ta nhớ đến thành ngữ VIÊN MÔN XẠ KÍCH 轅門射戟 là bắn trúng mũi kích dựng ở trước cửa trại binh. Theo tích sau đây :
       Năm Công Nguyên 196 ( Năm đầu tiên của Kiến An ). Viên Thuật phái đại tướng Kỷ Linh dẫn 3 vạn binh đi đánh Lưu Bị. Lưu Bị cầu cứu Lữ Bố. Bố lo ngại nếu Lưu Bị bị tiêu diệt thì mình cũng bị Viên Thuật bao vây, nên đem binh đến Tiểu Phối cứu ứng. Khi đã đóng binh hạ trại, Lữ Bố bèn thiết tiệc mời Kỷ Linh cùng các tướng đến dự. Khi rượu đã ngà ngà, Bố bèn cầm ly đứng dậy nói rằng : " Lưu Huyền Đức là hiền đệ của ta, nay bị các vị vây đánh. Ta không thể làm ngơ, nhưng gây hấn với các vị thì lòng ta cũng không muốn. Nay ta có cách nầy để cho trời quyết định. Ta sẽ cho dựng một cây kích trước VIÊN MÔN, nếu ta bắn trúng mũi kích, thì các vị hãy lui binh, bằng như ta bắn không trúng, thì ta sẽ để mặc cho các vị vây đánh Lưu Bị mà không cứu ứng gì cả !" Nói đoạn, ông bèn giương cung lắp tên răng rắc bắn một phát trúng ngay đầu mũi kích dựng trước của dinh đánh " choang " một tiếng, làm mọi người đều kinh hãi vổ tay tán thưởng và đều sợ cho cái thần uy thần tiễn của Lữ Bố  mà đều rút quân về.

               Thành ngữ  " Viên Môn Xạ Kích 轅門射戟 " dùng để chỉ làm một hành đông mạo hiểm nhưng tích cực để giải hòa cho sự tranh chấp hoặc chiến tranh giữa đôi bên.

      Khi đã báo ân và khi Hoạn Thư kể lể : " Nghĩ cho khi gác viết kinh, Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo " thì Kiều đã " Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay " và khi Hoạn Thư : 
                     Tạ lòng lạy trước sân mây,
thì thấy...
                 CỬA VIÊN lại dắt một dây dẫn vào.

       Cánh cửa cuối cùng mà trong văn chương văn học thường nhắc đến là CỬA VŨ. Cửa Vũ là VŨ MÔN 禹門 hay còn gọi là LONG MÔN 龍門, nằm ở thượng lưu sông Hoàng Hà, giữa huyện Hà Tân tỉnh Sơn Tây và huyện Hàn Thành tỉnh Thiểm Tây Trung Hoa. Ở đây có mỏm đá như hình cái cửa.

                               Theo truyền thuyết, thời thượng cổ vua Vũ nhà Hạ khi trị thủy  đã đục phá mỏm đá nầy cho rộng thêm ra để nước dễ chảy xuống hạ lưu, nên mới gọi là VŨ MÔN ( Cửa của vua Vũ tạo nên ). 
       Theo sách Tam Tần Ký và Thủy Kinh Chú, thì Vũ Môn thường có sóng dữ, hằng năm vào tiết tháng ba, cá chép tập trung ở nơi đây để thi vượt qua Vũ Môn. Con nào vượt qua được thì sẽ hóa rồng, nên còn gọi là LONG MÔN. Do đó, CỬA VŨ còn được dùng để chỉ chốn trường thi. Ai thi đỗ thì gọi là đã Vượt Qua Được Cửa Vũ !
      Nhưng, theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì ở nước ta cũng có Vũ Môn ở dãy núi Khai Trưởng ( tục gọi là núi Giăng Màn ) thuộc huyện Hương Khê tỉnh Hà Tỉnh. Đây là một dòng suối có 3 bậc. Truyền thuyết kể rằng, hàng năm đến tháng tư có mưa to, nước nguồn tràn ngập thì có cá chép ngược dòng nhảy qua Vũ Môn để hóa rồng, như trong thơ của cụ Đào Duy Từ :

                           Kim ngư đeo ấn ở mình,
                   Cá trông CỬA VŨ, rồng giành hột châu.

      CỬA VŨ còn được nói thành CỬA VÕ như trong Truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu :

                           Công danh ai chẳng ước mơ,
                      Ba tầng CỬA VÕ một giờ nhảy qua !

                      
       Cũng như NHÀ, CỬA là từ rất thông dụng trong văn chương văn học, kể cả văn nói xưa và mãi cho đến hiện nay, CỬA vẫn còn rất đắc dụng, như ta thường  nghe nói hàng ngày : Cửa quan, Cửa quyền, Cửa công, Cửa danh, Cửa lợi ... Nếu trong cuộc sống mà ta không tìm ra được " Cửa Sanh " nào cả, thì ta đã vào đến " Cửa Tử " rồi đó !
      
                                                    Đỗ Chiêu Đức
 Mời Xem :THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 12 : NHÀ : ( Đỗ Chiêu Đức Diển Giãi )

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...