Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

10 điều Việt Nam có thể học từ….Campuchia



Nhắc đến Campuchia thì tôi đảm bảo đa số người Việt Nam trong và ngoài nước sẽ nghĩ đến duy nhất một thứ, “nghèo” còn không thì sẽ là những thứ như gái điếm, Pol Pot, mìn đất. Dù gián tiếp hoặc trực tiếp, công khai hay lén lút, bạn sẽ nói những câu như: “nước gì mà nghèo bà cố,” “haha Campuchia…tụi nó……..”
Trước đây tôi cũng suy nghĩ y chang vậy. Nhưng sau một chuyến du lịch đến Campuchia thì tôi đã thay đổi 180 độ. Ở Campuchia có rất nhiều người Việt Nam và Tàu qua đó sinh sống và kinh doanh. Ở Thủ Đô thì có nguyên khu phố Việt Nam, bạn có thể ra tiệm cà phê và kêu “cho ly cà phê sữa đá chị ơi.” Nhiều chỗ còn chấp nhận tiền VND nữa chứ, vậy mới biết tiền Việt Nam cũng có giá chứ bộ.
Giờ vô vấn đề. Đúng, Campuchia vẫn còn là một đất nước rất nghèo, cơ sở vật chất thì thua xa Việt Nam. Nhưng họ có nhiều thứ để dạy chúng ta hoặc có nhiều thứ mà Việt Nam có thể học hỏi từ Campuchia. Sau đây là những thứ đó trong khả năng hiểu biết giới hạn của tôi:
  1. Lòng trung thực.  Campuchia tuy là một nước nghèo, người dân Campuchia tuy còn nghèo hơn người Việt Nam rất nhiều nhưng đa số họ rất trung thực. Họ sẽ không bao giờ chém bạn khi bạn mua hàng. Bạn cũng không cần phải lo phải trả giá khi thuê khách sạn và đi ăn. Đi mua đồ bạn không phải quá bận tâm đến cướp vặt vì họ rất thật thà. Tuy đi ở một đất nước nghèo như vậy nhưng tôi luôn cảm thấy an toàn hơn ở xứ mình.
  2. CSGT biết hổ thẹn.  Tôi có nói chuyện với anh hướng dẫn viên và vài người Việt Nam sinh sống ở Thủ Đô Phnom Penh. Khi vi phạm luật giao thông mà không cố tình, bạn sẽ bị cảnh sát Campuchia nhắc chứ không phạt. Nếu bạn cố tình chút xíu hay vi phạm gì nghiêm trọng mà không quá đáng họ sẽ phạt bạn. Tôi hỏi anh kia “họ thường phạt mình nhiêu?” Cái ảnh trả lời “tính ra tiền Việt thì tầm vài chục ngàn, trăm ngàn, nếu dư thì họ thối. Họ cũng biết xấu hổ, lúc nhận tiền hối lộ họ cũng rất ngại.” Cha mẹ ơi, trời đất ơi, phạt gì mà nhẹ quá vậy? Mấy anh cảnh sát Campuchia đúng là hiền như nai, không như mấy anh kia.
  3. Giữ gìn những di tích lịch sử.  Người dân Campuchia tuy không có nhiều cơ sở vật chất như người Việt Nam nhưng họ luôn ý thức phải bảo vệ và bảo tôn những di tích lịch sử của dân tộc mình. Tôi chưa bao giờ thấy một bạn trẻ Campuchia nào vẽ bậy lên Angkor Wat hay lên tường của một ngôi chùa nào. Còn so với Việt Nam thì sao? Ngay ở Nhà Thờ Đức Bà, ở trên tường bạn có thể thấy đầy những chữ yêu thương nhảm nhí của mấy bạn trẻ vô ý thức. Chẳng lẽ một dân tộc nghèo như Campuchia lại có ý thức còn người Việt Nam thì không?
  4. Thủ tục visa đơn giản.  Hiện tại những ai có hộ chiếu Đông Nam Á có thể đi vào Campuchia. Nhưng nếu không thì phải xin visa. Bạn có thể lấy nó khi đáp xuống sân bay và tốn $30 USD. So với Việt Nam thì quá hiệu quả và quá rẻ. Khách quốc tế muốn vô Việt Nam phải xin visa trước ở Lãnh Sự Quán, đóng phí rồi chờ. Mà thủ tục thì rườm rà, phải qua dịch vụ bị chém thêm nữa. Cái này người đời gọi là “xấu mà còn chảnh.”
  5. Không bóp còi xe.   Nếu bạn đã đi thủ đô Campuchia vào giờ cao điểm thì sẽ biết họ kẹt xe không thua gì Việt Nam. Nhưng khác ở chỗ là hiếm khi nào họ bóp còi. Lạ thật. Trên xa lộ thì người dân chạy rất chậm và an toàn, không lạng lách và chạy bạt mạng như xứ gì đó kế bên.
  6. Coi trọng và tập trung vào chất lượng dịch vụ.  Dịch vụ ở Campuchai dù nghèo cơ sở vật chất nhưng rất giàu chất lượng dịch vụ. So với Việt Nam thì như mặt trăng với mặt trời. Người Việt Nam hình như không biết làm dịch vụ.
  7. Không có thuế nhập khẩu xe hơi.  Khi xe đi vào thủ đô Phnom Penh, điều làm tôi bất ngờ nhất là số lượng xe hơi lưu thông trên đường phố. Campuchia là thiên đường xe hơi, ít ra là so với người Việt Nam. 1 chiếc xe hơi ở Việt Nam đủ mua 2-3 chiếc xe ở Campuchia. Họ thậm chí còn có chợ xe cũ bán với giá $1000-3000, ngang với giá của chiếc Air Blade và SH. Nhìn họ lái xe tôi chỉ biết chảy nước miếng. À điều này nữa, Campuchia đã phát triển thành công xe hơi điện rồi kìa, giá 100 triệu. Trong khi đó Việt Nam chưa làm nổi con óc vít. Thật là xấu hổ.
  8. Thể chế dân chủ. Cái này hơi nhạy cảm, tôi xin không nói nhiều. Ngày xưa Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đã hy sinh để giải phóng Campuchia khỏi bàn tay đẫm máu của Pol Pol và quân diệt chủng Khmer Đỏ. Di sản mà người dân Việt Nam để lại là một nền dân chủ, tuy có nhiều vấn đề và quan liêu như bao đất nước nghèo khác. Tôi chỉ nói vậy thôi, tự hiểu nhé, tôi xin không nói thêm.
  9. Hợp pháp hóa cờ bạc và sòng bài. Nếu đi qua bên giới bạn sẽ thấy rất nhiều sòng bài mà đa số đều là người Việt Nam đánh. Sao chúng ta không hợp pháp hóa như họ để tận thu tiền thuế và dễ kiểm soát hơn. Đây là một khoản tiền kếch xù mà họ đang lấy đi từ chúng ta.
  10. Không có chính sách hộ khẩu. Lạ nha, nước họ nghèo như gì mà vẫn không cần cái chế độ hộ khẩu để kiểm soát người dân. Không lẽ họ tiên tiến hơn chúng ta. Người Việt Nam qua Campuchia sinh sống chẳng bao giờ bị ai kia gõ cửa nhà đòi kiểm tra hộ khẩu. Đi làm giấy tờ thủ tục gì cũng chỉ cần cái thẻ công dân hay hộ chiếu là được. Khó hiểu thật. Không lẽ họ làm được, trong khi họ nghèo quá trời, mà Việt Nam thì không? Ai giải thích cho tôi điều này cái.
Đó, đó là những gì Campuchia đã dạy tôi hay nói ngược lại thì đó là những điều mà chúng ta có thể học được từ Campuchia. Họ rất nghèo, nghèo hơn chúng ta rất nhiều mà họ đã có nhiều thứ để dạy chúng ta. Đã đến lúc chúng ta tự coi lại bản thân mình và bỏ cái tật coi thường Campuchia. Chi phí để một người Sài Gòn đi Campuchia du lịch rẻ hơn đi Nha Trang. Đã vậy không bị chặt chém và gặp nhiều thứ bực bội. Tôi sẽ trở lại Campuchia trong ngày gần nhất.
 
Ku Búa @ Café Ku Búa

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...