Như thường lệ ...
...trước khi vào bài viết mới, xin mời tất cả cùng giải câu đố chữ của bài viết trước:
Thái ông khứ tế Thái Công miếu, 蔡翁去祭太公廟,
Tăng Tử hồi đầu nhựt lạc tây. 曾子回頭日落西。
Mã khiếu đại khê lưu tứ tích, 馬跳大溪留四跡,
Khoa trường nhất chuyển đẩu tinh di. 科場一轉斗星移。
Có nghĩa :
Ông họ Thái đi tế miếu Thái Công.
Ông Tăng Tử quay đầu lại thì mặt trời đã lặn xuống mé tây rồi.
Con ngựa nhảy qua khe lớn còn để lại 4 dấu chân,
Khoa trường thi cử chuyển động thì sao Bắc Đẩu cũng đổi ngôi.
GIẢI ĐÁP :
Câu 1: Thái ông khứ tế, là chữ THÁI 蔡 bỏ đi chữ TẾ 祭,
chỉ còn lại THẢO ĐẦU 艹 .
Câu 2: Tăng Tử, lấy chữ TĂNG 曾..."Nhựt lạc tây" là Mặt trời lặn xuống hướng tây, là Bỏ chữ NHỰT 日 đi. Chữ TĂNG 曾 mà bỏ chữ NHỰT 日 đi thì chỉ còn lại phần trên 鱼.
Câu 3: Mã khiếu là Ngựa Nhảy... lấy chữ MÃ 馬, Ngựa nhảy rồi chỉ còn lại 4 dấu chân, là chỉ còn lại 4 CHẤM 灬 bên dưới.
Câu 4: Khoa trường... lấy chữ KHOA 科. Đẩu tinh Di là bỏ chữ ĐẨU 斗 bên phải chữ Khoa 科 đi, chỉ còn lại bộ HÒA 禾.
Ghép kết qủa của 4 câu trên lại, theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, ta sẽ có chữ TÔ 蘇,
là Rau Tía Tô, là họ Tô của Tô Tần thời Chiến Quốc, của Tô Đông Pha đời
Tống, của nàng Tô Thị ở Đồng Đăng và của xứ Hàng Châu Tô Châu nổi tiếng
với cảnh đẹp, với thức ăn ngon và với người đẹp như dân gian đã truyền
tụng :
Thượng hữu Thiên Đàng, 上有天堂,
Hạ hữu Tô Hàng. 下有蘇杭。
Có nghĩa :
Trên trời thì có Thiên Đàng, còn...
Dưới đất thì có Tô Châu và Hàng Châu.
6. BỘ NHĨ 耳
NHĨ 耳 : là TAI. NHĨ là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :
Từ Giáp Cốt Văn đến Kim Văn Đại Triện đều là hình vẽ cái Lổ Tai
của con người; cho đến Tiểu Triện mới chuyển biến thành chữ viết, và
hoàn thiện ở Lệ Thư đời Tần cho đến chữ Khải của hiện nay. NHĨ 耳 là TAI,
và là những sự vật có hình dạng giống như Cái Tai, như :
MỘC NHĨ 木耳 : Không phải Lổ Tai Cây, mà là Nấm Mèo. Có thể vì hình
dạng của cái nấm nho nhỏ, lại có vành tròn tròn giống như là Cái Tai của
con Mèo mà thành tên chăng?!
NGÂN NHĨ 銀耳 : là Nấm mèo trắng, còn được gọi là nấm Tuyết.
NHĨ PHÒNG 耳房 : là Hai phòng nhỏ 2 bên của phòng lớn.
ĐĨNH NHĨ 鼎耳 : là Hai cái Tai hình bán nguyệt, hoặc hình vuông có
góc cạnh tròn ở hai bên đĩnh, nghĩ là chỉ làm để trang trí cho đẹp thôi,
chớ làm sao có thể vin vào hai cái tai đó để nhắc cái đĩnh lên cho nổi,
chỉ trừ những người như Hạng Võ Sở Bá Vương có sức mạnh Cử đảnh bạt sơn
舉鼎拔山.
Đĩnh Nhĩ : Tai Đĩnh
NHĨ VĂN 耳聞 : là Tai Nghe, là Nghe Nói... Tăng Quảng Hiền Văn có câu :
Khẩu thuyết bất như thân phùng, 口說不如身逢,
NHĨ VĂN bất như mục kiến. 耳聞不如目見。
Có nghĩa :
Chỉ nghe miệng nói, không bằng đích thân mình gặp phải,
Tai chỉ nghe thôi, không bằng tận mắt chứng kiến. Ta nói "Tai
nghe không bằng mắt thấy." Ta còn có từ "TRỘM NGHE", có nghĩa là chỉ
nghe loáng thoáng, hoặc chỉ nghe đồn mà thôi, như lời Kim Trọng đã nói:
TRỘM NGHE thơm nức hương lân,
Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều.
NHĨ THUẬN 耳順 : là từ có xuất xứ từ câu nói của Khổng Tử : "Lục Thập
nhi NHĨ THUẬN 六十而耳順 ". Có nghĩa là: Sáu mươi tuổi thì Tai Xuôi, ý muốn
nói là Tai đã thông suốt, nghe điều gì đó, thì biết ngay là đúng hay
sai, là hay hay dở ngay. Nên NHĨ THUẬN là chỉ tuổi 60, như CỔ HI là chỉ
tuổi 70 vậy!
NHĨ BIÊN PHONG 耳邊風 : là Gió bên tai, Ý chỉ phớt lờ chuyện gì đó,
xem nó như là "Gió thoảng bên tai!"(chớ không phải "Gió Qúa Tai"), như
Hoạn Thư làm bộ phớt lờ chuyện Thúc Sinh có "bồ nhí" là Thuý Kiều ở bên
ngoài vậy:
Nỗi lòng kín chẳng ai hay,
Ngoài song để mặc gió bay mái ngoài !
DIỆN HỒNG NHĨ XÍCH 面紅耳赤 : là Mặt đỏ Tai đỏ đậm, ta nói là "Đỏ mặt Tía tai" chỉ sự Cả Thẹn, mắc cở quá xá, hoặc nỗi giận quá giận hay đi dưới trời nắng gắt quá trời!
TƯỜNG HỮU PHÙNG, BÍCH HỮU NHĨ 牆有縫,壁有耳: là Tường có kẽ hở, vách có lổ
tai. Ta nói là "Rừng có mạch, Vách có tai," hoặc nói như lời của Mụ
Quản Gia khuyên Kiều:
Ở đây TAI VÁCH MẠCH RỪNG,
Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi.
Lở khi sóng gió bất kỳ,
Con ong cái kiến kêu gì được oan!
TƯỜNG HỮU PHÙNG, BÍCH HỮU NHĨ
Có tất cả 76 chữ được ghép bởi bộ NHĨ 耳 nầy, tiêu biểu là :
SỈ 耻 ( 恥 ) : là Thẹn, Xấu hổ, Mắc Cở, Nhục Nhã... tuỳ theo
ngữ cảnh, như VÔ SỈ 無恥: là Không biết xấu hổ. Ta có thành ngữ: VÔ SỈ HẠ
LƯU 無恥下流: là Thứ đồ hèn hạ không biết mắc cở! Câu nầy chuyên dùng để
mắng những người mặt dầy! Trong sách Luận Ngữ, Khổng Tử đã dạy :
Mẫn nhi hiếu học, 敏而好學,
Bất SỈ hạ vấn. 不耻下問.
Có nghĩa :
Cần mẫn mà siêng học, thì không lấy chuyện hỏi kẻ dưới làm điều nhục nhã.
LIÊU 聊 : là Gởi Gắm, Ký Thác, như VÔ LIÊU 無聊 hay CÔ LIÊU 孤聊
: là Không nơi gởi gắm, ký thác tâm sự, nên Cô Liêu là buồn bã Thui
thủi có một mình, còn Vô Liêu là Rảnh rang vô vị, không biết phải làm gì
.
LIÊU THIÊN 聊天 : là Tán gẫu, nói chuyện trên trời dưới đất.
LIÊU TRAI CHÍ DỊ 聊齋誌異 : Liêu Trai là Phòng đọc sách vắng vẻ; Chí
Dị là Ghi lại những điều lạ. Liêu Trai Chí Dị là quyển tiểu thuyết của
Bồ Tùng Linh ghi lại những chuyện chồn tinh yêu ma qủy quái... phản ảnh
nếp sống của xã hội Trung Hoa ở đầu thế kỷ thứ 17 với lời đề tựa
của Hình Bộ Thượng Thơ lúc bấy giờ (đời Thanh) là Vương Sĩ Trinh, bài
Thất Ngôn Tứ Tuyệt kết thúc cho bài Bình về quyển Liêu Trai Chí Dị của
Bồ Tùng Linh mà Vương rất thích, chỉ vỏn vẹn 4 câu thôi mà nêu hết được
cái ý chính và chủ đích của tác giả về tác phẩm bất hủ "Liêu Trai Chí
Dị." Toàn bài thơ như sau:
姑妄言之姑聽之 Cô vọng ngôn chi cô thính chi.
豆棚瓜架雨如絲 Đậu bằng qua giá vũ như ti.
料應厭作人間語 Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
愛聽秋墳鬼唱詩 Ái thính thu phần quỷ xướng thi!
豆棚瓜架雨如絲 Đậu bằng qua giá vũ như ti.
料應厭作人間語 Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
愛聽秋墳鬼唱詩 Ái thính thu phần quỷ xướng thi!
Nghĩa Bài Thơ :
1. Nói quấy nói quá, nghe quấy nghe quá chơi mà thôi.
2. Trong cảnh mưa rơi lất phất như tơ trên giàn dưa giàn đậu.
3. Vì chưng chán ngán với ngôn ngữ của người đời.
4. Nên thích nghe ma quỷ ngâm thơ trong các nấm mộ thu hiu hắt.
1. Nói quấy nói quá, nghe quấy nghe quá chơi mà thôi.
2. Trong cảnh mưa rơi lất phất như tơ trên giàn dưa giàn đậu.
3. Vì chưng chán ngán với ngôn ngữ của người đời.
4. Nên thích nghe ma quỷ ngâm thơ trong các nấm mộ thu hiu hắt.
Diễn Nôm :
Nói quấy qúa chơi nghe quấy chơi,
Dàn dưa dàn đậu tiếng mưa rơi.
Chán lời nhân thế nên nghe thích,
Ma quỷ ngâm nga để ghẹo người!
Đỗ Chiêu Đức diễn nôm
Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh
7. BỘ PHẪU 缶 :
PHẪU 缶 : là LY CHÉN dùng để đựng rượu. PHẪU 缶 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :
Từ Giáp Cốt Văn cho đến Tiểu Triện đều là hình tượng của một cái
ly, cái tô phía dưới, trên có một cây dùi có tay cầm cắm xuống, nên PHẪU
缶 vốn dĩ là một loại nhạc khí đời Tần được gỏ bằng dùi lên các ly chén
gốm để tạo nên thanh nhạc; sau dùng rộng ra chỉ các ly tách dùng để uống
rượu làm bằng đồ gốm.
Theo sách Lễ Ký về Tế Lễ có câu: "五献之尊, 門外缶, 門内壺。Ngũ hiến chi tôn,
môn ngoại phẫu, môn nội hồ." Có nghĩa: Sự tôn kính của Ngũ Hiến (rót 5
tuần rượu khi cúng tế), ngoài cửa thì dùng Phẫu (ly lớn) để rót, còn
trong cửa thì dùng Bình để rót.
Có tất cả 27 chữ được ghép bởi bộ PHẪU nầy, tiêu biểu là :
KHUYẾT 缺 : là Sứt, Mẻ, Thiếu, Không đầy đặn, như KHIẾM KHUYẾT 欠缺: là Còn Thiếu Thốn, chưa đầy đủ.
KHUYẾT THIỂU 缺少: là Thiếu Vắng, còn thiếu cái gì đó.
KHUYẾT NGUYỆT 缺月: là Vầng trăng khuyết. Ta có thành ngữ: HOA TÀN
NGUYỆT KHUYẾT 花殘月缺: Hoa thì tàn trăng thì khuyết, chỉ cảnh trí buồn bã
không vui, thiếu thốn không trọn vẹn.
KHUYẾT ĐIỂM 缺點 : là Phần còn thiếu, còn sai sót, chưa đầy đủ.
KHUYẾT Y THIỂU THỰC 缺衣少食 : Ta nói là "Thiếu ăn thiếu mặc."
THỐ KHUYẾT Ô TRẦM 兔缺烏沉 : là Thỏ MẺ, Quạ Chìm. Ta nói là "Thỏ lặn Ác tà" như cụ Nguyễn Du đã nói về mả của Đạm Tiên :
Trải bao THỎ LẶN ÁC TÀ,
Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm !
THỎ là Ngọc Thố 玉兔, theo truyền thuyết Trung Hoa, có con Thỏ
Ngọc đang giã thuốc trường sinh trong cung trăng. ÁC là Kim Ô, là
con Qụa Vàng, cũng theo truyền thuyết thần thoại Trung Hoa: Ngày xưa,
Ngọc Đế có đến mười đứa con, chính là mười con Qụa Vàng rực lửa, đó là
mười cái mặt trời chói chang thiêu đốt giữa tầng không, làm cho muôn vật
muôn loài đều không sinh sôi nẩy nở được. Thần Hậu Nghệ mới dùng cung
tên bắn rơi chín con qụa xuống, chỉ chừa có một con còn lạị để... chiếu
sáng. Ngọc Đế giận mới đày Hậu Nghệ xuống trần... Vì thế, ta gọi Mặt
Trời là "Vầng Kim Ô", là con Qụa Vàng, mà Con Quạ thì dân gian ta gọi là
con Ác Là, nên ...
THỎ LẶN ÁC TÀ là Trăng lặn và Mặt Trời ... nghiêng nghiêng sắp lặn
luôn; Ý chỉ ngày tháng qua đi, vì mỗi lần trăng lặn là một ngày đã mất
đi, và mặt trời cũng thế, nên "Trải bao thỏ lặn ác tà" là đã biết bao
ngày tháng đã qua đi rồi!
Hoa tàn Nguyệt khuyết Thố khuyết Ô trầm
8. BỘ CẤN 艮 :
CẤN 艮 :
là Một trong Tám Quẻ của Bát Quái là : Càn, Khản, CẤN, Chấn, Tốn, Ly,
Khôn, Đoài. CẤN 艮 thuộc chữ Tượng Hình Chỉ Sự theo diễn tiến của chữ
viết,
Ta thấy :
Đại Triện Tiểu Triện là hình tượng của một người đứng ngước mắt
nhìn lên, nên CẤN trong Bát Quái là biểu tượng của NÚI; thuộc hướng Đông
Bắc; tượng trưng cho những vật thể cứng rắn, như...
CẤN NHẠC 艮岳 : là Núi Non; cũng là tên của một ngọn núi nổi tiếng ở
tỉnh Hà Nam với nhiều kỳ hoa dị thảo và thú rừng quý hiếm.
CẤN TÍNH 艮性 : là Tính tình thẳng thắng, cứng rắn.
CẤN TÍNH 艮姓 : là Họ CẤN.
Chữ TÍNH 性 có bộ TÂM đứng 忄bên trái là Tính Tình (Tánh Tình).
Chữ TÍNH 姓 có bộ Nữ 女 bên trái là Danh Tánh, là HỌ.
Có tất cả 4 chữ được ghép bởi bộ CẤN, tiêu biểu có chữ :
LƯƠNG 良 : là Tốt, là Lành, là Lương Thiện, như:
LƯƠNG TÂM 良心 : là Lòng tốt và lẽ phải vốn có của con người.
THIỆN LƯƠNG 善良 : Ta nói là Lương thiện, là Hiền lành.
LƯƠNG GIA NỮ 良家女 : Con Gái nhà lành.
LƯƠNG DUYÊN 良緣 : là Duyên Lành. HỈ KẾT LƯƠNG DUYÊN 喜結良緣 : Vui mừng mà được kết mối duyên lành.
TÚC ĐẾ LƯƠNG DUYÊN 夙締良緣 : hay là Lương Duyên Túc Đế, là Duyên lành đã được định sẵn từ kiếp trước.
KIM NGỌC LƯƠNG NGÔN 金玉良言 : là Những lời vàng ngọc.
KIẾT NHỰT LƯƠNG THẦN 吉日良辰 : là Ngày tốt giờ lành, ta nói là Ngày lành tháng tốt.
Kim ngọc lương ngôn
Túc đế lương duyên
Kiết nhựt lương thần
GIAN 艱 : là Khó Khăn, Gian Khổ 艱苦; từ kép là GIAN NAN 艱難.
GIAN NGUY 艱危 : Vừa khó khăn vừa nguy hiễm= GIAN HIỄM.
GIAN NAN KHỐN KHỔ 艱難困苦 hay GIAN NAN KHÚC CHIẾT 艱難曲折 đều là những
thành ngữ chỉ sự khó khăn gian khổ, bị cuộc đời dày dò đến cực điểm, như
Nguyễn Gia Thiều đã viết trong Cung Oán Ngâm Khúc:
Đòi những kẻ thiên ma bách chiết,
Hình thì còn bụng chết đòi nau,
Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra!
9. BỘ HÔ 虍 :
HÔ 虍 : là Vằn vện trên mình con Cọp. HÔ là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :
HÔ 虍 chỉ là một BỘ thuần tuý trong chữ NHO, nó là phần đầu Tượng Hình của chữ HỔ 虎 là Con CỌP.
Bộ HÔ được tách ra từ phần đầu của chữ HỔ tượng hình của Chúa sơn lâm, nên ...
HÔ 虍 chỉ là cái Vằn trên đầu Cọp, còn HỔ 虎 mới đích thực là "Ông
Cọp "gặm một khối căm hờn trong củi sắt" của Thế Lữ! HỔ là chữ Nho, miền
Bắc gọi là Hùm, miền Nam gọi là Cọp, gọi là Ông Ba mươi, mặc dù số Đề
con cọp thuộc số 6 tên chữ là Khôn Sơn, thuộc một trong Ngũ Hổ Tướng.
Có tất cả 30 chữ được ghép bởi bộ HÔ, tiêu biểu nhất là chữ:
HỔ 虎 là biểu tượng của uy vũ, của dũng mãnh, như HỔ UY 虎威, HỔ TƯỚNG 虎將, HỔ TRƯỚNG 虎帳 (Trướng Hùm.... Khi Kiều Báo ân trả thù thì:
Trướng Hùm mở giữa trung quân,
Từ Công sánh với phu nhân cùng ngồi.
TIẾU DIỆN HỔ 笑面虎 : là Mặt cọp cười, thường dùng để chỉ những ngưởi nham hiểm như Hoạn Thư :
Bề ngoài thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiễm giết người không dao!
Ta cũng hay gặp những nhân vật có ngoại hiệu là TIẾU DIỆN HỔ trong các
tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình; mặt luôn nở nụ cười nhưng hành vi lại rất
tàn nhẫn ác độc.
LOÁT HỔ TU 捋虎鬚 : là Vuốt râu Hùm, chỉ cả gan dám làm những việc nguy hiễm mà ít ai dám làm.
HỌA HỔ BẤT THÀNH 畫虎不成 : là Vẽ cọp không thành... lại trông giống
chó. Chỉ làm việc gì đó không xong lại làm trò cười cho người khác, như
lời dân chúng nói với Lục Vân Tiên :
E khi HỌA HỔ BẤT THÀNH,
Khi không mình lại xô mình vào hang.
Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu
HỔ LẠC BÌNH DƯƠNG 虎落平陽: là Cọp đi lạc xuống đồng bằng, mất đi cái
thế của núi rừng, nên... chó cũng đâm ra dữ ngươi khi dễ; cũng như con
người khi sa cơ thất thế, hoặc lúc hết thời cũng dễ dàng bị những người
tầm thường khác ăn hiếp coi rẻ. Tăng Quảng Hiền Văn cũng có câu :
Long du thiển thuỷ tao hà hí, 龍游淺水遭蝦戲,
HỔ LẠC BÌNH DƯƠNG bị khuyển khi. 虎落平陽被犬欺。
Có nghĩa :
Rồng lội trong nước cạn thì bị tôm tép giởn mặt, còn...
Cọp đi lạc xuống đồng bằng cũng bị chó khinh khi.
HỔ ĐẦU XÀ VĨ 虎頭蛇尾: là Đầu cọp mà Đuôi rắn. Chỉ làm việc gì đó rất
rầm rộ lúc ban đầu, nhưng sau cùng lại không nên cơm cháo gì cả! Có
tiếng mà không có miếng! Ta nói là: "Đầu voi mà Đuôi chuột!"
NHƯ HỔ THIÊM DỰC 如虎添翼: là Như hùm thêm vây, như cọp thêm cánh.
Chúa sơn lâm vốn dĩ đã dũng mãnh dữ dằn rồi, bây giờ lại mọc thêm cánh
có thể bay lên được thì lại càng dũng mãnh dữ dằn hơn nữa!
HÀ CHÍNH MÃNH Ư HỔ 苛政猛於虎: là Chính trị hà khắc còn hung dữ hơn là
cọp nữa! Đây là câu nói của đức Khổng Phu Tử có xuất xứ từ sách Luận Ngữ
như sau :
Khổng Tử đi ngang qua núi Thái Sơn, nghe có tiếng đàn bà khóc lóc
thảm thương, bèn cho Tử Lộ đến hỏi nguyên do. Tử Lộ đến hỏi: "Bà khóc
thảm thiết thế kia, chắc có chuyện đau buồn?" Người đàn bà đáp: "Cha
chồng tôi bị hổ vồ chết, chồng tôi cũng bị hổ ăn thịt, nay con trai tôi
cũng bị hổ vật chết luôn, không khóc lóc thảm thương sao được!" Khổng Tử
hỏi: "Thế sao bà không dời đi chỗ khác ở?" Người đàn bà đáp rằng:
"Chính quyền nơi đây không hà khắc, quan rất thương dân!" Khổng Tử bèn
quay sang nói với chúng đệ tử rằng: "Các trò nhớ lấy "Chính trị hà khắc
còn dữ hơn là cọp dữ nữa!"
Hà chính mãnh ư hổ
10. BỘ CỮU 臼 :
CỮU 臼 : là Cái CỐI giã gạo. CỮU 臼 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :
Đại Triện Tiểu Triện là hình tượng của cái cối xay lúa, bên trong
có 4 nét tượng trưng cho các răng cối để nghiền cho lúa bóc vỏ ra.
Diễn tiến đến chữ viết hiện nay vẫn còn hình tượng của cái vầng xay và
CỮU 臼 chỉ tất cả các loại CỐI XAY chứ không riêng gì cối xay lúa.
CỮU XỈ 臼齒 : là Răng Cối, bây giờ ta gọi là Răng Hàm, là những cái
răng có mặt to, giữa hơi trũng xuống, ở hai bên hàm trên và hàm dưới,
dùng để nhai nghiền thức ăn.
CỮU CHỮ CHI GIAO 臼杵之交 :
Chỉ Mối giao tình giữa Chày và Cối, khắng khít không thể rời xa được. Ở
đâu có CỐI thì ở đó có CHÀY! Dân Nam Kỳ Lục Tỉnh cũng có câu nói ví von
là: "Phảng ở đâu thì Cù Nèo ở đó" để chỉ sự khắng khít của tình nghĩa
vợ chồng: "Chồng ở đâu thì Vợ ở đó."
Có tất cả 16 chữ được ghép bởi bộ CỮU nầy, tiêu biểu là chữ :
THUNG 舂 : là Nghiền, là Đâm, là Giã. Đây là chữ Hội ý.
Ta thấy :
Giáp Cốt Văn là trên cái cối có hình tượng của hai người đứng hai
bên, ở giữa là cái chày, đến Kim Văn cũng thế, kịp đến Đại Triện thì như
là 3 người đứng quanh cái cối để "Giã gạo chày ba, hát huê tình" như
dân Nam Kỳ Lục Tỉnh thuở nào, đến chữ LỆ và chữ KHẢI ngày nay thì rõ
ràng là chữ THUNG 舂 được ghép bởi chữ TAM 三 ở trên, chữ NHÂN 人 chồng lên
chữ TAM, và bộ CỮU 臼 là cái Cối ở bên dưới: Chả phải ba người "giã gạo
chày ba" là gì ?!
Giã gạo chày đôi
Giã gạo " mình ên "
Nên...
THUNG MỄ 舂米 : là Giã gạo; THUNG DƯỢC 舂药 : là Tán Thuốc.
Nhắc đến gĩa gạo, lại nhớ đến bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Thi
Thơ hồi thập niên năm mươi của Thế Kỷ trước "Gạo Trắng Trăng Thanh" với
lời hát vang khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh : "Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường miên man ..."
Tiêu biểu cho bộ CỮU còn có chữ ...
CỮU 舅 : là chữ Hài Thanh, lấy bộ CỮU 臼 ở trên làm ÂM và chữ
NAM 男 ở dưới làm Ý, nên CỮU 舅 là Anh Em Trai của Mẹ, ta gọi là CẬU, gọi
cho trịnh trọng theo chữ Nho thì là CỮU PHỤ 舅父.
QUỐC CỮU 國舅 : là Cậu của Vua, mà cũng là Em Vợ của Vua nữa. Vì THÊ CỮU 妻舅 : là Em Vợ.
CỰU 舊 : là CŨ trái với MỚI. Ta thường gặp từ:
CỐ CỰU 故舊 : là Xưa Cũ. CỰU TỤC 舊俗: là Tục lệ xưa cũ.
BẤT VONG CỐ CỰU 不忘故舊 : là Không quên những gì xưa cũ, kể cả người, vật, sự vật...
CỰU HOÀNG BẢO ĐẠI 舊皇寶大: là Vị Vua cuối cùng của Triều đại nhà
Nguyễn, mà cũng là vị Vua cuối cùng của nước Việt Nam ta.
Cựu Hoàng BẢO ĐẠI và NAM PHƯƠNG Hoàng Hậu.
11. BỘ MỄ 米 :
MỄ 米 : là GẠO. MỄ 米 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :
Giáp Cốt Văn và Đại Triện như hình những hạt gạo được sàng xuống
nia sau khi đã giã xong. Hình tượng "Lọt sàng xuống nia" rành rành trước
mắt. Nên MỄ 米 là Hạt Gạo, là hạt lúa đã được bóc sạch vỏ bên ngoài.
Tương tự, cái gì nho nhỏ, được bóc sạch vỏ, đều được gọi bằng MỄ, như :
ĐẠO MỄ 稻米 : là Hạt Gạo của Lúa.
TÚC MỄ 粟米 : là Gạo của Trái Bắp, là Hạt Bắp, Hạt Ngô.
HÀ MỄ 蝦米 : là Tôm Khô, tôm tép phơi khô đã bóc sạch vỏ.
HOA SANH MỄ 花生米 : là Hạt Đậu Phọng, là Hạt Lạc...
Sản phẩm của GẠO, như :
MỄ PHẠN 米飯 : là Cơm được nấu bằng gạo.
MỄ PHẤN 米粉 : là Bột Gạo, là Hủ Tiếu; 米醋 MỄ THỐ: là Giấm Gạo; MỄ TỮU 米酒: là Rượu Gạo...
MỄ còn được dùng để phiên âm tiếng ngoại quốc như :
NHẤT MỄ 一米 : là Một thước Tây (Một Metre).
MỄ LÃO THỬ 米老鼠 : là con Chuột Mỹ, con Mickey Mouse.
mickey mouse and minimus
Các thành ngữ về chữ MỄ :
Các thành ngữ về chữ MỄ :
MỄ CHÂU TÂN QUẾ 米珠薪桂 : Gạo như là hạt trân châu, còn củi thì như cây quế. Ta nói là "Củi Quế Gạo Châu" chỉ vật gía đắc đỏ, sinh hoạt khó khăn.
SÀI MỄ DU VIÊM 柴米油鹽 : là Củi, Gạo, Dầu, Muối: 4 thứ không thể thiếu trong nhà bếp cũng như trong cuộc sống hằng ngày.
SÀI MỄ PHU THÊ 柴米夫妻 : Vợ Chồng Củi Gạo, chỉ vợ chồng nghèo khó,
người kiếm củi người kiếm gạo nương tựa nhau mà sống. Nghĩa như "Vợ
Chồng Tấm Mẳng" vậy!
MỄ DĨ THÀNH PHẠN 米已成飯: là Gạo Đã Thành Cơm rồi thì... ăn thôi! Chỉ
chuyện đã dĩ lở rồi, không thể vãn hồi được nữa! Câu nầy giống như câu
"Ván đã đóng... xuồng" vậy. Lời của Vương Viên Ngoại an ủi Kim Trọng khi
chàng trở lại Vườn Thúy tìm Kiều:
Bây giờ Ván Đã Đóng Thuyền,
Đã đành phận bạc khôn đền tình chung!
Có tất cả 133 chữ được ghép bởi bộ MỄ 米 nầy, tiêu biểu nhất là chữ :
LƯƠNG 糧 : là Thức Ăn từ ngũ cốc, ăn để duy trì cuộc sống, từ
kép là LƯƠNG THỰC 糧食. Ngày xưa, phát Lương là phát Lương Thực cho ăn,
tuỳ theo chức vụ mà được lãnh nhiều hay ít; ngoài Lương Thực còn lãnh
kèm một số ngân lượng, gọi là LƯƠNG HƯỚNG 糧餉. Ngày nay được thay thế
bằng tiền, nên gọi là TIỀN LƯƠNG 錢糧.
TÍCH THẢO ĐỒN LƯƠNG 積草屯糧 : Tích trữ để dành Lương thực và Thảo liệu
(những hoa qủa cải khô...) để làm việc lớn. Thường đi liền 2 câu: "Tích
Thảo Đồn Lương, Chiêu Binh Mãi Mã", để chuẩn bị làm cái công việc của
những anh hùng Lương Sơn Bạc và của Từ Hải đã từng làm...
Triều đình riêng một góc trời,
Gồm hai văn võ vạch đôi sơn hà!
TINH 精 : là Phần Gạo trắng tinh ngon nhất. Dùng rộng ra với ý
những gì đã được chắc lọc còn lại phần tốt nhất, gọi là TINH HOA 精華.
Tương tự, phần thần hồn minh mẫn nhất, gọi là TINH THẦN 精神.
TINH TẾ 精细 : là Cẩn mật, tỉ mỉ từng chút một.
TINH MINH 精明 : Thông minh thấu đáo xét việc rõ ràng.
TINH LỰC 精力 : là sức sống mạnh mẽ của con người được biểu hiện ra ngoài.
TINH TRUNG 精忠 : là Trung thành hết mức. TINH TRUNG BÁO QUỐC 精忠報國 là
4 chữ được Nhạc Mẫu xăm lên lưng của danh tướng Nhạc Phi đời Tống.
Tinh Trung Báo Quốc
Tinh Trung Báo Quốc
TINH VỆ ĐIỀN HẢI 精衛填海: Là Chim Tinh Vệ lắp biển. Theo thần thoại cổ đại Trung Hoa với tích sau đây...
Con gái út của Thần Nông Thị Viêm Đế là Nữ Oa. Một hôm đi chơi ở biển Đông bị sóng gió biển Đông dìm chết. Uất hận trong lòng nên tinh linh của nàng hóa thành chim Tinh Vệ đầu hoa, mỏ trắng móng đỏ, ngày ngày tha đủ các loại đá sỏi, cây lá bỏ xuống biển đông, định lắp bằng biển đông cho hả giận. Nhưng ... "Vá trời lắp biển" đâu phải là chuyện dễ làm đâu Trong quyển SÃI VÃI của Nguyễn Cư Trinh, một trong những cái muốn của Ông Sãi là:
Đá Tinh Vệ muốn lắp sao cho cạn biển,
Đất nghĩ phù muốn đắp để nên non.
Lúc biết Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường tự tử, cả nhà đã "Giải oan lập một đàn tràng bên sông" và khi trông...
Ngọn triều non bạc trùng trùng,
Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo.
Tình thâm bể thảm lạ điều,
Nào hồn TINH VỆ biết theo chốn nào?
Đá Tinh Vệ muốn lắp sao cho cạn biển,
12. BỘ NHỤC 肉 :
NHỤC 肉 : là THỊT. NHỤC 肉 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :
Từ Giáp Cốt Văn đến Kim Văn Đại Tiểu Triện đều là hình vẽ tượng
trưng cho một miếng thịt của động vật được cắt ra. Thịt bao bọc ở bên
ngoài xương, nên cơ thể còn gọi là NHỤC THỂ 肉體 . Phật Giáo gọi xác thân
của con người ta là NHỤC THÂN 肉身.
NHỤC 肉 còn dùng để chỉ phần ăn được của trái cây, như :
LONG NHÃN NHỤC HẬU 龍眼肉厚: là Trái long nhãn có thịt dầy. Người Miền
Nam gọi là Dày Cơm. Thịt nhãn phơi khô ta cũng gọi là NHÃN NHỤC dùng để
nấu chè, hoặc "Xâm bổ lượng" (Đây là âm tiếng Quảng Đông của ba chữ
THANH BỔ LƯƠNG 清補涼: Một loại chè có Hoài Sơn, Kỷ Tử, Phổi Tai, Trái Táo
khô, Bo bo, Nấm Mèo... Ăn vô vừa THANH phổi, BỔ tỳ vị, MÁT (Lương) gan
mật, nhuận trường...) chứ trong đó không có SÂM gì cả!
CỐT NHỤC 骨肉, HUYẾT NHỤC 血肉 : là Xương Thịt, Máu Thịt, đều là những
từ chỉ sự quan hệ huyết thống ruột rà, như: Cha con, Anh em ruột thịt...
Ta có thành ngữ CỐT NHỤC TƯƠNG TÀN 骨肉相殘 để chỉ Anh Em Ruột Thịt giết
hại lẫn nhau.
TỬU NHỤC HUYNH ĐỆ 酒肉兄弟: là Anh Em Rượu Thịt, có nghĩa là Những bạn
bè cùng ăn nhậu với nhau, ta gọi là Bạn Nhậu. Trong Tăng Quảng Hiền Văn
có câu:
Hữu trà hữu tửu đa Huynh đệ, 有茶有酒多兄弟,
Cấp nạn hà tằng kiến nhất nhân. 急難何曾見一人.
Có nghĩa :
Khi có trà có rượu thì anh em bạn bè nhiều lắm,
Đến khi có nạn gấp cần người giúp đỡ thì chả thấy ma nào cả!
NHỤC DỤC 肉慾 : là Sự ham muốn về xác thịt.
NHỤC NHỠN 肉眼 : là Mắt Thịt, như thành ngữ PHÀM PHU NHỤC NHỠN 凡夫肉眼, ta nói là Người Trần Mắt Thịt.
KHỔ NHỤC KẾ 苦肉計 : Kế thứ 34 trong 36 kế, là Kế tự làm khổ bản thân mình để đánh lừa kẻ địch. Như :
Việt Vương Câu Tiễn sau khi thất bại trước Ngô Vương Phù Sai
thì hết lòng tận tụy phục vụ Phù Sai như người hầu, thậm chí nếm
cả phân để giúp thầy thuốc chữa bệnh cho Phù Sai, tất cả chỉ để che giấu
sự chuẩn bị trả thù của nước Việt. Khi được tha về nước, Câu Tiễn lại
nằm ở trên gai mà ngủ, trước mặt treo một túi mật luôn nếm cho đắng
miệng, để đừng bị cuộc sống sung sướng mà quên đi ý chí trả thù. Vì tích
nầy mà ta có thành ngữ NGỌA TÂN THƯỞNG ĐÃM 臥薪嘗膽, tức là NẾM MẬT NẰM GAI
đó.
Ngoài ra, còn có KHỔ NHỤC KẾ của lão tướng Huỳnh Cái đã giúp cho
Đô Đốc Đông Ngô là Chu Du phá tan 83 vạn quân của Tào Tháo trên sông
Xích Bích.
Có tất cả 12 chữ được ghép bởi bộ NHỤC nầy, tiêu biểu có chữ :
HỦ 腐 : là Biến Chất, là Thiu, là Hôi... HỦ XÚ 腐臭: là Thiu Thúi.
HỦ BẠI 腐敗 : là Thối Rửa không còn dùng được. CHẾ ĐỘ HỦ BẠI là Chế độ
đã lỗi thời, có nhiều khuyết điểm, không còn phù hợp với trào lưu tiến
hóa của con người nữa. Như Chế độ CỘNG SẢN hiện nay trên thế giới là một
Chế độ Hủ Bại cần được xóa bỏ!
HỦ TỤC 腐俗 : là Những phong tục đã lạc hậu, lỗi thời, không còn thích hợp với cuộc sống của con người hiện tại.
HỦ NHO 腐儒 : là Những thầy đồ Nho với quan niệm Nho Giáo cứng ngắt lạc hậu cố chấp không theo kịp thời đại.
HỦ THỤC 腐熟 : là Chín mùi đến thâm kim.
HỦ HÌNH 腐刑 : là Hình phạt tàn độc làm cho nam lẫn nữ đều không có con được. Miền Bắc gọi là HOẠN, Miền Nam gọi là THIẾN.
ĐẬU HỦ 豆腐 : Thức ăn làm bằng đậu nành, miền Bắc gọi là Đậu Phụ, miền
Nam gọi là Tàu Hủ. Hai thức ăn phụ của ĐẬU HỦ là HỦ NHỦ 腐乳: là Chao
và HỦ TRÚC 腐竹: là Tàu Hủ Ky. Còn một thức uống độc đáo nữa là ĐẬU TINH
豆精 : Ta gọi là Sửa Đậu Nành!
Đậu Hủ
Hủ Nhủ : Chao
HủTrúc:Tàu-Hủ-Ky
Đậu Tinh : Sửa Đậu Nành
Tàu-Hủ-Ky
Như thường lệ, trước khi kết thúc bài viết nầy, xin mời tất cả cùng giải câu đố chữ sau đây:
去了上半截, Khứ liễu thượng bán tiệt,
有了下半截, Hữu liễu hạ bán tiệt.
比成两半截, Tỉ thành lưỡng bán tiệt,
又無下半截 . Hựu vô hạ bán tiệt.
Có nghĩa :
Bỏ đi nửa khúc trên,
Có được nửa khúc dưới.
So thành hai nửa khúc,
Lại không nửa khúc dưới.
Bốn câu trên ghép thành một chữ rất lý thú. Xin mời tất cả cùng ra tay để đoán xem NÓ là chữ gì?!
Hẹn bài viết tới với phần tiếp theo của các bộ 6 nét.
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét