Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

ĐỌC BÀI THƠ "Xin Lỗi Bờ Sông Xưa" của nvs. Vũ Thụy - Nguyễn Cang

Sáng nay vào trang blog của Havu.vhp tình cờ đọc được một bài thơ có ý nghĩa của Vũ Thụy, tôi có cảm hứng viết lên những lời bình để cùng bạn đọc thưởng thức một bài thơ hay:

XIN LỖI BỜ SÔNG XƯA

Ra đi sông nước còn đầy
Trở về sông cạn phơi bày đáy khô
Hàng cây phượng vĩ xác xơ
Rễ già cằn cỗi níu bờ đất xiêu
Nghẹn ngào lên tiếng chim kêu
Lặng im trong gió có nhiều xót xa
Cuối trời mây trắng thiết tha
Cho ta huyền thoại của tà áo xưa
Ve già khàn giọng ru trưa
Mấy mùa kỷ niệm vẫn chưa hết sầu
Hỏi người khách lạ về đâu
Nhìn trời quen cũ lắc đầu làm thinh
Thì ra ta tự hỏi mình
Làng xưa xóm cũ thiếu tinh anh rồi
Ngậm ngùi ta nhớ bờ môi
Lòng nghe trăn trở mất ngôi thiên thần
Không còn dáng mỏng chân trần
Tóc hát trong gió lời thân ngọt ngào
Một mình vẽ lại chiêm bao
Ta xin tạ lỗi xanh xao nỗi buồn
Bờ sông xưa vẫn còn hương
Dẫu ta đã mất người thương lâu rồi

                         nvs.Vũ Thụy
                      (TX.06-08-2016)
Trước hết xin nói sơ qua về tác giả. Tôi không quen biết với ông, chỉ đọc thơ mà hình dung ra chân dung và cuộc đời của tác giả; cho nên viết tiểu sử của ông cho chính  xác là điều không thể. Tác giả là "lính" trước 1975, đóng quân tại vùng II chiến thuật. Nơi đây ông gặp và yêu cô thôn nữ phà ca vùng núi rừng Kontum- Pleiku, nên trong một số bài thơ ông có nhắc tới mối tình nầy, cho tới nay người ta có thể  biết kết cuộc như thế nào. Dẫu sao ông cũng để lại những vần thơ đầy truyền cảm  và tha thiết. Ông đã in tập thơ đầu tiên năm 2016, tựa  đề là "Nửa gánh thu sầu". Hiện  ông  sống tại Texas, Mỹ.
"Xin lỗi bờ sông xưa" là tựa đề bài thơ, tự nó cũng nói lên nỗi lòng của tác giả đối với quê hương và đối với người yêu xưa. Bằng lối  nhập để trực khởi tác giả đưa chúng ta quay về chốn cũ mà một  thời ông đã bỏ ra đi. Với  giọng văn thật nhẹ nhàng, buồn mênh mang  nhưng lại chứa đựng nỗi xót xa lẫn tha thiết. Tác giả ra đi từ bến bờ của một con sông, con sông định mệnh của những năm 75. Lịch sử Việt Nam đã có hơn một lần đất nước bị chia cắt mà dòng sông Bến Hải là một di tích lịch sử không bao giờ xóa mờ trong ký ức của người dân hai miền Nam Bắc. Tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta đều mang trong lòng một dùng sông ký ức nó chảy liên tục trong trái tim dù bạn lưu lạc phương trời nào:
Ra đi sông nước còn đầy
Trở về sông cạn phơi bày đáy khô
Hàng cây phượng vĩ xác xơ
Rễ già cằn cỗi níu bờ đất xiêu

   Tác giả nhận xét rằng khi đi thì nứơc sông đầy tràn, khi trở lại thì nước sông  khô đáy. Tại sao vậy? Có thể dòng sông giờ bị ngăn chận bởi các đập nước trên thượng nguồn  sông Cửu Long, nên nước không chảy xuống được khiến sông bị cạn?
Nhưng ở đây tác giả còn đi xa hơn bằng biện pháp tu từ ẩn dụ: lúc ra đi thì tình yêu của em (và  tình bà con lối xóm ) đối với ông  còn đầy ắp, nay quay về sao trở nên hờ hững nhạt phai? Phải chăng do dòng đời thay đổi nên em cũng đổi thay? Một câu hỏi không có câu trả lời. Như để chứng minh thêm lời nói của mình , ông cho biết hàng phựong vĩ bên bờ sông cũng xác xơ cành lá mà rễ của nó đã già cỗi nhưng vẫn cố bám vào bờ đất xiêu xiêu. Tôi lại nhận ra một ẩn dụ  nữa trong hai câu sau của khổ (I) ở trên,  đó là cuộc sống của người dân bây giờ, một số đông trở nên khó khăn, vất vả, nghèo đói như cành cây xơ xác, họ cố chịu đựng, lê bước chân gầy guộc đi tìm cái sống trên quảng đời vô định. Họ gượng để mà sống như rễ cây kia, mặc dù già cỗi vẫn bám vào bờ đất. Chữ "níu" xử dụng rất đắc vị, làm nổi bật sự mong manh dễ vỡ, dễ sút khỏi điểm tựa của một vật, không gắn chặt vào vật thể cố định hay của một người không có  một cuộc sống vững chắc, cứ lây lất, đong đưa qua ngày.
Một mình đứng cạnh bờ sông, không ai đưa đón, ông chỉ nghe tiếng chim kêu như chào đón ông trở về:
Nghẹn ngào lên tiếng chim kêu
Lặng im trong gió có nhiều xót xa
Cuối trời mây trắng thiết tha
Cho ta huyền thoại của tà áo xưa.
Từ  "kêu" xử dụng rất khéo, chỉ tiếng chim kêu trong trạng thái u buồn, tác giả không dùng chữ "hót" vì hót là động từ chỉ sự vui tươi, hào hứng. Cảnh và vật hòa quyện nhau làm nổi bật sự cô đơn của người về. Câu 1/ của khổ II nầy là câu đảo ngữ, thay vì nói "tiếng chim kêu lên nghe nghẹn ngào" ông lại viết: "nghẹn ngào nghe tiếng chim kêu", để nhấn mạnh ý nghĩa nghẹn ngào, bị tắt ở cổ họng không nói nên lời, khiến nỗi buồn của tác giả càng tăng thêm sự xót xa cay đắng! Như vậy ngoài tiếng chim kêu, tiếng gió thổi, ông không còn nghe âm thanh nào khác. Không một tiếng reo mừng của người xưa , hay của bà con ra đón ông! Tác giả cảm thấy xót xa trong lòng. Nhìn lên trời cao, thấy từng cụm mấy trắng quện lấy nhau ra chiều thiết tha khiến ông nhớ tới tà áo trắng năm xưa của người yêu  bay phất phơ trong gió như những cụm mây trắng kia đang bay về cuối chân trời. Chữ "huyền thoại"  chỉ tình yêu của ông đối với nàng thật khó xảy ra nhưng lại là sự thật có kết quả  nên ông trân quý nó , ông cám ơn nàng đã cho ông tình yêu cao đẹp. Từ ngữ "tà áo" là một hoán dụ chỉ người con gái mà ông yêu.  "Tà áo" phải chăng tác giả muốn nói tới em  gái xinh đẹp hoang dã miền sơn cước  nào đó mà ngày xưa tác giả yêu thầm nhớ trộm nhưng lúc đầu nàng cứ hững hờ , chân bứơc thẳng  mặc cho ai kia đứng  bên đường chờ em? Người con gái ấy  là Hàn Thúy Quỳnh? Và nay hình bóng em chỉ còn là kỷ niệm của mối tình đầu đầy mộng mơ. Ta hãy đọc lại mấy dòng tâm sự của tác giả sau đây qua bài "Hè phai còn lại" của cùng một tác giả:
May còn lại chút hè phai

Ta phơi trăn trở mặc ai hững hờ

Trải lòng cho nắng hong khô

Rong rêu phủ kín ngây thơ tình  đầu

Nếu quên được, đã quên rồi

Nhớ chi nước bạc sông trôi vô tình.
(Hè phai còn lại, cho Hàn Thúy Quỳnh/ Vũ Thụy)
Tình đầu đã đi qua lâu rồi mà sao vẫn thấy nhớ nhung khôn xiết, nó ray rức lòng ta không sao quên được. Tôi xin  mượn một đoạn bài hát của Trịnh Công Sơn để nói lên tâm sự đầy vơi của tác giả Vũ Thụy:
Tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng,
Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang.
Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều ,
Như từng cơn nước rộng xóa một ngày đìu hiu.
(Lời bài hát Tình Nhớ của Trịnh Công Sơn)
Đứng cạnh bờ sông quạnh vắng vào một buổi trưa hè nắng gắt, tác giả nghe tiếng ve sầu ngân nga như than như trách ai kia sao nỡ hững hờ. Ve kêu khàn cả giọng mà chẳng thấy người xưa đâu? Tác giả càng chạnh lòng thương nhớ quay quắt, biết tìm em đâu bây giờ? Ông lần bước vào xóm cũ , chẳng ai để ý tới ông. Chợt một đứa bé chạy lại hỏi: Ông tìm ai? Ông lắc đầu ngước nhìn trời mây như cố tìm lại một cái gì  quen thuộc mà nay bỗng trở nên xa lạ:
Ve già khàn giọng ru trưa
Mấy mùa kỷ niệm vẫn chưa hết sầu
Hỏi người khách lạ về đâu
Nhìn trời quen cũ lắc đầu làm thinh.

.

Tâm sự ngỡ ngàng của một người xa quê hương lâu dài nay trở về quê cũ , chẳng còn ai nhận ra, chẳng khác chi nỗi lòng của Hạ Tri Chương( 659-744) đậu tiến sĩ đời Đường Trung Tông. Trong thời khai nguyên đời vua Đường Huyền Tông, ông được bổ nhiệm làm Lễ bộ thị lang, rồi Bí thư giám. Ông làm quan ở kinh đô Trường An hơn 50 năm. Năm 85 tuổi ông mới về thăm lại quê cũ làng xưa, tiếc thay quê cũ giờ đã đổi thay, không còn ai nhận ra ông. Giọng ông không đổi nhưng tóc tai đã rụng gần hết. Ông bùi ngùi cảm xúc vừa buồn đau, nhức nhối như mình bị lãng quên ngay trên chính quê hương của mình vậy!
Nguyên văn:

    Hồi hương ngẫu thư

    Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
    Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
    Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
    Tiếu vấn khách tòng, hà xứ lai.

Dịch nghĩa:

    Về quê tình cờ ngồi viết

    Rời nhà từ lúc bé, già mới quay về,
    Giọng nói không thay đổi, nhưng tóc mai đã rụng.
    Trẻ con gặp mặt, không quen biết,
    Cười hỏi: khách từ đâu đến?

Dịch ra thơ Ðường luật

Bùi Khánh Đản:

    Hồi hương, nhớ thủa trẻ ra đi
    Tóc rụng, nghe còn đúng tiếng quê
    Gặp mặt trẻ con cười chẳng biết
    Hỏi ta mới ở xứ nào về.
Sau giây phút ngỡ ngàng tác giả tự vấn lấy mình để nhận ra rằng những thân thuộc trong xóm bây giờ chẳng còn ai quen biết, còn chăng là sự mất mát, tàn phai. Từ ngữ "tinh anh" chỉ cái gì cao quý, trong trắng, sáng sủa , tốt đẹp  nhất;   phần tinh thần hiếm có  của con người. "Kiều rằng những đấng tài hoa / Thác là thể phách còn là tinh anh" ( Kiều). Tình  người sau bao nhiêu năm,  nay chỉ còn  là sự hờ hững như vậy sao? Bất giác chàng  nhớ nụ hôn đầu người con gái trao cho,  khiến lòng  chàng chùng xuống,   dật dờ. Chàng  xót xa khi nhận ra, giờ đây, bóng  dáng Thiên thần của  chàng   không còn ngự trị trong lỏng em nữa  nên em  bỏ đi xa!                                  
Thì ra ta tự hỏi mình
Làng xưa xóm cũ thiếu tinh anh rồi
Ngậm ngùi ta nhớ bờ môi
Lòng nghe trăn trở mất ngôi thiên thần.
Biết tìm đâu ra người con gái Thượng nhỏ nhắn miền sơn cước, mái tóc buông lơi, thướt tha đi chân đất, tóc reo trong gió chiều; tay em  trong tay anh , với bao lời thân thương ngọt ngào, ở  vùng  Kontum- Pleiku?
Không còn dáng mỏng chân trần
Tóc hát trong gió lời thân ngọt ngào!
Một mình vẽ lại chiêm bao
Ta xin tạ lỗi xanh xao nỗi buồn.
  
Ở đây có một chi tiết nhỏ khiến ta đoán được người con gái mà chàng từng nắm tay em đi dạo phố chợ là người con gái xứ  Thượng ở cao nguyên Trung phần Việt Nam ,  do chữ "chân trần". Trong một bài thơ khác tác giả có nhắc tới ngừơi con gái nầy như sau:
Đường  mòn dẫn lối về buôn
Vắng anh gót nhỏ đếm buồn cô đơn
Cồng chiêng ru bóng hoàng hôn
Nghe như tiếng khóc gọi hồn ai đây
Màn sương bao phủ rừng cây
Vọng xa tiếng thú lạc bầy gọi nhau.
(Cho em hỏi/ Vũ Thụy)
Rồi như để tang cho mối tình đầu chợt tắt , chàng nói lời tạ lỗi với em trong tâm trạng buồn xanh xao héo hắt .
.Xin được chia sẻ với tác giả Vũ Thụy qua những vần thơ của Hàn Mặc Tử, để thấm thía với cái đau của sự mất mát tình yêu:
Họ đã xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa...
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
(Những giọt lệ/ Hàn Mặc Tử)
       Sau cùng tác giả bỏ đi, để lại bờ sông hiu quạnh:
Bờ sông xưa vẫn còn hương
Dẫu ta đã mất người thương lâu rồi.
      Chàng  thì  thầm  như nói với người xưa:  cơn bão  lớn  năm 1975  bất ngờ  ập  tới, cuốn anh ra khỏi bờ sông, anh chưa kịp nắm tay em kéo theo thì thân anh đã mất hút trong đêm tối mịt mờ. Anh ra đi không lời từ biệt , bỏ lại em bơ vơ bên bờ sông lạnh Dakbla giữa cơn bão đời nghiệt ngã. Mười năm lặng lẽ trôi qua, nay anh trở về , trên bến sông nầy để tìm em, nhưng nào thấy bóng hình !  Em đi ... biết về phương nào? để anh đứng đợi trơ vơ một mình!   Bờ sông đã ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm của một thời mộng mơ: chúng ta yêu nhau, hẹn hò , âu yếm...  Hương xưa vẫn còn đây, tình yêu em vẫn ngập đầy trong tim anh.  Anh không bảo vệ được em , không dẫn em cùng đi trong cuộc hành trình đầy nguy hiểm.  Lỗi tại anh!  ... Anh ra đi mang theo hình bóng của em .  Nay mất em rồi, anh xin  lỗi bờ sông xưa  ( cũng là xin  lỗi em).   
"Bờ sông" xưa thay thế cho "người yêu" xưa,  là một hoán dụ thật linh động, sâu sắc, bóng bẫy.  
Ôi , dòng sông ly biệt!   
Vĩnh biệt em yêu !!!
Nguyễn Cang(7/9/2016)
CẢM ĐỀ BÀI THƠ của Vũ Thụy.
     KHUNG TRỜI KỶ NIỆM / Nguyễn Cang
Tiễn đưa, thành phố ngủ say

Đèn đường mờ tỏ trải dài ước mơ

Khi đi kẻ đón người đưa

Mưa rơi giọt lệ cho vừa vòng tay

Bao năm vất vả tháng ngày

Nay về quê cũ, lạc loài bước chân

Phố xưa tay vói thật gần

Văn Khoa trường cũ vô ngần mến thương

Nói sao cho hết đoạn trường

Nghe chừng lạnh vắng bốn phương đi về

Một lần trở lại làng quê

Thấy bờ sông cũ tư bề quạnh hiu

Trời chiều bóng ngã liêu xiêu

Hàng cây phượng vĩ tiêu điều xót xa

Cây bao nhiêu tuổi cây già?

Người bao nhiêu tuổi cho qua đoạn trường?

Ngồi đây đếm giọt mưa sương

Bao nhiêu giọt nhớ giọt thương cho vừa!

Lục bình con nước đong đưa

Tím dòng sông nhỏ sớm trưa ngược chiều

Bao giờ chưa hết thủy triều

Thì ta còn gi dấu yêu trong lòng!

 Nguyễn Cang









 











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...