Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Hồi ký Lê Minh Khôi - Thời Thơ Ấu , Tuổi Học Trò ,Thời Sinh viên



                         *

1 – THỜI THƠ ẤU -  TUỔI HỌC TRÒ – THỜI SINH VIÊN
*Thời Thơ Ấu
 Tôi sinh ra vào thời kỳ đầu của thế chiến thứ hai (5/6/1939) ở một vùng quê khá nghèo nàn (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) trong một gia đình tạm gọi là trung nông trí thức vì có được 5- 6 mẫu ruộng và ba tôi có bằng Sơ học thời xưa (certifical d’e’tude primaire) .
         Thật xấu số, mới 5-6 tuổi đầu, tôi đã sớm mồ côi mẹ... Cho đến giờ nầy, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh đau thương khi tẫn liệm mẹ tôi: Vào giai đoạn nầy, ở quê không có hòm nên ông bà nội quyết định lấy một bộ ván để đóng hòm chôn mẹ tôi.  Mặc dù chưa biết gì về thế giới tâm linh nhưng tôi cũng nhất quyết gom tất cả quần áo và tư trang quý giá của mẹ tôi đem theo cho người mà nếu để lại cũng sẽ giúp đở cho nhiều người nghèo khó (giai đoạn 1945- 1946  nhiều người phải mặc bao bố), rồi sau đó, tôi tình nguyện ăn chay trường cùng ba tôi trong thời gian mang tang mẹ tôi như đạo Cao Đài qui định.
         Cuộc sống ờ nông thôn không vui bằng thị thành nhưng cũng chẳng thiếu thứ gì:  gạo, khoai củ, rau, thịt, gà vịt... tương đối sung túc nhưng đùng một cái, phát sinh phong trào tiêu diệt những người theo Đạo CAO ĐÀI, ba tôi cùng một số bà con trong vùng bị bắt trói bằng tàu lá chuối khô, họ mài sẵn rựa, chỉ còn chờ giờ hành quyết...Ơn trên đã phù hộ nên có người can thiệp, ba tôi và số người bị bắt đều thoát chết.
          Trước tình cảnh đó, con đường duy nhất là phải ra thành và về TÒA THÁNH TÂY NINH thôi...
         Năm 1947, ba tôi quyết đưa cả nhà vào căn cứ Bàu Trai của quân đội Cao Đài tổ chức, nơi đây đón nhận hơn 10 gia đình có đạo. Bỏ xứ ra đi, mất hết tài sản ruộng vườn, trãi nhiều cơ cực mà chỉ được an toàn một thời gian ngắn vì NOEL năm đó, địch tấn công, đốt sạch căn cứ, có gia đình không còn ai sống sót... gia đình tôi, kể cả ông nội tôi đã 70 tuổi lại bị mù, dìu dắt nhau, vượt qua chông hào lữa đạn cùng đoàn di tản từ Hậu Nghĩa băng qua Trãng Bàng... Sau đó thì cậu tư tôi cũng đưa hết gia đình hai bên nội ngoại cùng về TÒA THÁNH TÂY NINH tái tạo lại cuộc sống...


*Tuổi Học Trò
Về Tây Ninh, ba tôi làm thầy giáo, lần lượt dạy các lớp nhì, nhất, tiếp liên ở trường Lê Văn Trung, ông dạy thật giỏi nhưng rất nghiêm khắc nên học trò vô cùng kính nể.  Còn tôi, cứ phải chạy loạn tới lui hoài nên 9-10 tuổi mới vào được lớp năm trường ĐẠO DỨC...
Thời gian nầy thật cực kỳ khó khăn đối với tôi, ăn cơm chùa với rau tương đạm bạc để cắp sách dến trường, dù mới lên lớp Tư, tôi cũng có được ý thức là phải quyết chí học hành cho nên người, vì thế, năm sau, học xong lớp BA, tôi bỏ lớp NHÌ, nhảy luôn lên lớp NHỨT, thi đậu bằng TIỂU HỌC.
         Vào Trung học, từ lớp Đệ Thất cho đến Đệ Tứ, tôi luôn luôn là một học sinh xuất sắc của trường Lê Văn Trung.  Đậu bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp xong, tôi phải về Saigon  học tiếp vì trường Lê Văn Trung không có lớp Đệ Tam. Đó là nhờ cậu tư tôi, lúc bấy giờ là Trung Tá quân đội Cao Đài, gởi gấm ở đậu nhà một người bạn ờ Saigon để vừa học vừa dạy kèm cho con chủ nhà.  Học ở trường Phan Sào Nam đến cuối năm lớp Đệ Nhị, tôi thi đậu Tú Tài 1, lớp có 93 trò mả có 3 trò đậu trong đó có tôi, khi đó, tôi thi vấn đáp môn Toán với gs Võ Thế Hào, có một thí sinh mang lon trung úy bị gs Hào đánh rớt, một tuần sau, hắn đón đánh gs gảy hết mấy cái rãng ở chợ Vườn Chuối.  Năm sau, tôi vào lớp Đệ Nhất trường Chu Văn An, có rất nhiều giáo sư giỏi nổi tiếng như Đại Tá Nguyễn Xuân Vinh, tư lệnh Không Quân, dạy Toán, gs Chu Phạm Ngọc Sơn, Trưỡng Đình Ngữ  dạy Hóa, các linh mục dạy Triết...Lúc nầy, nhà trọ tôi ở lại có thêm nhạc sĩ Anh Việt Thu, khá chật chội nên chiều chiều tôi ra vườn cao su ,gần Đại học Bách Khoa, ngồi dưới gốc cây để học bài, miệt mài đến cuối năm, tôi đậu Tú Tài 2 năm 19 tuổi (1958)...
         *Thời Sinh Viên
         Với ý định nối nghiệp ba nên tôi ưu tiên thi vào Đại Học Sư Phạm sau đó là Công Chánh nhưng cả hai đều rớt, đành phải ghi danh vào MPC (khoa Toán Lý Hóa) của Đại Học Khoa Học (nay là Đại Học Khoa Học Tự Nhiên ở đường Nguyễn văn Cừ), chờ dịp thi vào Trường Quốc Gia Nông Lâm Súc Blao ... Tôi đã đỗ hạng nhì nhưng hởi ôi, khi vào trường mới biết họ dạy toàn bộ bằng tiếng Pháp, các thầy từ các trường Thú Y Alfort, Yersin Đà Lạt và Toulouse ở Pháp qua dạy...  Tôi học chương trình Việt nên nghe giảng như vịt nghe sấm nhưng nhờ có anh bạn thân tên Nhuận ghi bài cho tôi chép lại...

Thật là gian nan, đứa nào đứa nấy cũng học đến 3-4 giờ sáng mới đủ điều kiện lên lớp, có nhiều anh chị đã phải lưu ban nhưng tôi may mắn là năm nào cũng được lên lớp... Tứ 1960 – 1963  và học bổng 1500$/ tháng (lúc đó 1 tô phở chỉ giá 4$) tương đương với ĐHSP và cao hơn QGHC. Từ đó, tôi có thể tiêu xài thoải mái hơn và còn rũ cả bạn bè cũ ghé ngang trường thăm tôi khi có dịp đi du ngoạn...
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

FOULA - Hòn Đảo Xa vXoi6 Nhất Có Người Sinh Sống Ở Anh

  Hòn đảo biệt lập này chỉ có khoảng 30 người sinh sống và là hòn đảo xa xôi nhất có người sinh sống ở Anh. Foula là một trong những hòn đảo...