Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

GÀ TRỐNG VÀ GÀ MÁI


       Trong văn chương hay thơ, người ta thường đề cập, ca tụng tấm gương hay sự đảm đang con gà trống nhiều hơn là gà mái. Chẳng hạn như “Gà trống nuôi con” để nói và so sánh người cha thay mẹ nuôi đàn con dại khi mẹ bỏ đi lấy chồng khác hay đã chết.
Và những câu thơ tếu diễn tả cuộc đời thảnh thang gần như vô tích sự của chàng gà trống:
Có con gà trống hoa mơ,
Nó đi đạp mái bạc phơ cả đầu.
Bạc thì bạc có sao đâu.
Nếu không đạp mái sống lâu làm gì?
Hay:
Ước gì anh hóa thành gà,
Ngày ngày đạp mái các nhà xung quanh.
Hoặc:
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm con gà trống cho đời tự do.
Thả sức mà gáy o... o... ,
Quanh năm đạp mái không lo trả tiền.
Xong rồi về với tổ tiên,
Tắm qua một cái rồi lên bàn thờ.
Lạc vào tiên cảnh nên thơ,
Khỏa thân tạo dáng dư thừa sức tra.
        Còn nữa:
Cuộc đời ngẫm cũng chông gai,
Thôi thì ta cứ đầu thai kiếp gà.
Tha hồ ghẹo nguyệt trêu hoa,
Ăn no, dửng mỡ lê la xóm làng!
        Và:
Kiếp gà trống thật vẻ vang,
"Đạp" xong vỗ đít gáy vang đất trời.
Sướng hơn cái kiếp làm người,
Sống vô tư suốt một đời... làm trai.
         Trong khi đó gà mẹ tảo tần dẫn đàn con đi bới rác, bươi bụi rậm tìm mồi cho con mà ít thấy ca dao tục ngữ nói lên nhiều hình ảnh của bà mẹ gà đảm đang, cực nhọc, ôm ấp, bảo vệ đàn con mình mà không thấy ca dao ca ngợi nhiều. Tôi cố gắng sáng tác một bài để khơi nguồn và mong các bạn thơ tiếp phụ giúp để nói lên lời tán tụng công lao của mẹ gà với đàn con lục tục vây quanh đi tìm mồi. (Hồ Xưa)
TÌNH MẸ GÀ
Mẹ gà “tục tục” gọi con yêu,
Bụi râm lùm xanh dưới nắng chiều.
Đứa kéo mồi trùng ra vội nuốt,
Con vồ mối nhỏ gậm reo kêu.
Chân bươi kéo móc trùng vun vẫy,
Miệng mổ mè đưa trẻ dập dìu.
Ấm áp mẹ gà lo đám trẻ,
Quanh năm bảo bọc vẹn muôn điều.
                                           Hồ Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét