Những dòng sông cũng là sinh
mệnh, đừng giết chúng, có lẽ đây chính là điều mà chúng ta đã vô tình
không nhận ra cho đến khi người dân đồng bằng sông Cửu Long oằn mình
trước đợt hạn hán lịch sử và nguy cơ đánh mất một dòng sông.
Vào thời điểm hiện tại, toàn miền Tây có
155.000 hộ (gần 600.000 nhân khẩu) đang thiếu nước ngọt sử dụng. Nặng
nề nhất là tỉnh Bến Tre, gần như toàn bộ diện tích bị nước mặn xâm nhập.
Ông Lâm Văn Khởi, một nông dân nuôi nghêu của tỉnh cho biết: “Cả
mấy tuần rồi nắng gay gắt, độ mặn tăng cao chưa từng có khiến nghêu
chết nhiều. Bà con góp vốn hàng chục tỷ đồng đổ vào đây. Hơn tháng nữa
là thu hoạch mà gặp cảnh này ai cũng rầu”.
Còn theo ông Nguyễn Thành Lâm, Phó phòng
Nông nghiệp huyện Ba Tri, địa phương có hơn 80.000 trâu bò, chiếm số
lượng lớn nhất miền Tây, “Mỗi con cần hàng chục lít nước ngọt mỗi ngày. Nhưng ngay cả con người còn không có nước để sinh hoạt thì nói gì đến gia súc”.
Nguyên nhân do đâu thì người dân hiện nay chỉ có thể đổ cho “ông trời”, nhưng sự thật đây là hậu quả có thể lường trước.
Câu chuyện bắt đầu từ những con đập
Nhà làm phim tài liệu người Canada là
Michael Buckley trong hành trình khám phá đường sắt Tây Tạng – Trung
Quốc đã đưa ra một nhận định rằng: “Nếu bạn muốn giết chết một dòng sông, thì xây dựng đập thuỷ điện là cách tốt nhất để thực hiện điều đó”.
Theo đó, sự dồi dào ồ ạt của dòng nước
chính là linh hồn của dòng sông. Thế nên, một chiếc đập được xây lên
chính là một con dao cứa vào lòng sông, bởi sự vận hành của dòng nước
đột ngột bị chặn đứng.
Thuận theo tự nhiên, sự tồn tại của bất
kì sinh mệnh nào cũng dựa vào sự lưu thông trôi chảy. Dòng tiền xoay
vòng vốn không bị đứt quãng thì công ty vận hành tốt. Các mạch máu và
khí lưu thông trong cơ thể hài hòa thì sức khỏe và tính mạng con
người yên ổn. Theo phong thủy, khí trong nhà lưu thông thông suốt thì
tài vận dồi dào.
Ấy vậy mà Mekong, con sông với chiều dài
hơn 4.300km, từ thượng nguồn đến hạ lưu hiện phải chịu hàng trăm ‘nhát
cắt’ từ các công trình đập đã hoàn thành và đang xây dựng.
Số liệu được trích dẫn trong báo cáo
World Rivers Review cho thấy, tính đến tháng 12/2014, Trung Quốc đã xây
dựng 7 đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong và có kể hoạch xây
dựng thêm 21 đập nữa. Đó là chưa kể đến hàng chục dự án xây đập khác của
Thái Lan, Lào và Myanmar.
Tính tổng, tất cả sẽ có đến 134 dự án
xây đập thủy điện trên dòng Mekong. Con sông bị băm nhỏ và thậm chí có
thể dẫn đến sự biến mất ở phía hạ lưu, chính là tại Việt Nam. Ngoài ra,
nó còn đe dọa đời sống của 60 triệu người dân các nước trong khu vực
Đông Nam Á đang nương tựa vào nguồn nước uống, nước sinh hoạt, thức ăn,
sinh kế từ dòng sông này.
Mang theo bấy nhiêu vết thương trên mình, nhưng tính mệnh của con sông ấy không quan trọng bằng “lợi ích” của con người.
Từ năm 2007, Ngô Thế Vinh là tác giả 2 cuốn Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng vàMekong – Dòng sông nghẽn mạch đã đưa ra góc nhìn toàn cảnh về những vết thương mà sông Mekong đang gánh chịu, cùng tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Vào thời điểm đập Tiểu Loan tại Trung
Quốc sắp hoàn thành, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã gửi phúc trình ước tính sức
chứa của con đập này tương đương với toàn bộ các hồ chứa của vùng Đông
Nam Á cộng lại. Phúc trình cũng đánh giá các đập nước thượng
nguồn như đập Tiểu Loan sẽ làm thay đổi lượng nước và nhịp độ cũng
như chất lượng nước của sông Mekong, đồng thời làm mất tính đa dạng sinh
thái của dòng sông.
Giáo sư Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên nước và môi trường Đông Nam Á, bình luận với BBC rằng “nói
như một số nhà khoa học rằng Trung Quốc đang ‘bức tử’ sông
Mekong bằng các đập nước của mình cũng không sai”.
Năm 2012, bất chấp việc các nhà khoa học
cho rằng con đập Xayaburi sẽ chặn đường di chuyển của 23 đến 100 loại
cá, cũng như ngăn chặn dòng phù sa, ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp
của đồng bằng sông Mekong tại Việt Nam, Lào vẫn cho xây dựng và hoàn
thành con đập này.
Những tháng cuối năm 2015, tòa án Thái
Lan đã bác đơn kiện của nông dân nước họ chống lại việc 5 công ty trong
nước mua điện từ đập Xayaburi của Lào. Người nông dân Thái Lan hiểu rằng
sinh kế của họ đang dần biến mất, họ nằm dài ôm những khẩu hiệu biểu
tình ngay trước sân tòa án.
Vậy lợi ích kinh tế từ những con đập này như thế nào?
Dĩ nhiên với vị trí nằm ở thượng nguồn,
Trung Quốc hoàn toàn có lợi khi cho xây dựng nhiều đập thủy điện trên
sông Mekong. Với việc xây dựng hệ thống đập dày đặc và đồ sộ, hiện nước
này đã cung cấp được 282 Gigawatt điện năng vào năm 2014. Mục tiêu phấn
đấu đến năm 2020 của họ là tạo ra 350 Gigawatt, nếu làm phép so sánh thì
sản lượng này đã có thể đáp ứng được 3/4 nhu cầu về điện của Liên
minh châu Âu.
Tất nhiên các con đập có tác dụng điều
tiết lưu lượng nước, ngăn lũ lụt tại các vùng hạ lưu. Tuy nhiên, tốc độ
dòng chảy và trữ lượng nước tại hạ nguồn con sông cũng sẽ giảm xuống,
đồng nghĩa với sự co cụm của diện tích đất canh tác hoa màu. Ngoài ra,
lượng trầm tích bồi tụ phía hạ lưu cũng giảm sút, đất sẽ giảm dinh dưỡng
và sức sống. Tất cả hậu quả phần lớn vùng hạ nguồn phải gánh chịu,
trong đó có Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Nếu 11 con đập ở hạ lưu được hình thành,
thì 70% trữ lượng cá trên Mekong sẽ bốc hơi, đe dọa an ninh lương thực
khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà mỗi người dân tiêu thụ mỗi năm
khoảng 60 kg cá nước ngọt. Có một số nước nghèo trong khu vực, việc tìm
kiếm nguồn lượng thực khác để thay thế cho cá là điều không khả thi.
Bên cạnh đó, hệ thống đập dày đặc này sẽ vắt kiệt nước tại hạ lưu, dẫn đến nguy cơ biến mất hoàn toàn của khúc hạ lưu con sông.
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi
chính tại Trung Quốc, với việc vắt kiệt tài nguyên phục vụ cho công
nghiệp, diện tích sa mạc hóa hiện đã lên đến 1,74 triệu km² (gấp 5 lần
diện tích lãnh thổ Việt Nam), chiếm 18,2 % diện tích nước này. Trong khi
đó, mỗi năm diện tích đất bị sa mạc hóa đều tăng thêm 3.436 km² (tương
đương với diện tích Thủ đô Hà Nội). Từ năm 2013, người ta đã thống kê
được rằng khoảng 28.000 dòng sông của Trung Quốc đã biến mất không để
lại vết tích.
Ngoài ra, hệ thống đập hạ lưu không đem
lại lợi ích to lớn về điện năng cho các nước liên quan, bởi nó chỉ có
thể đáp ứng được 6 – 8 % nhu cầu điện năng trong khu vực tính đến năm
2025, mà trong đó phần lớn điện năng chỉ cung cấp cho Thái Lan.
“Chỉ vì điều này mà chúng ta bức tử con sông?”, câu hỏi đặt ra của Richard Cronin, một chuyên gia Mekong tại Trung tâm Stimson.
Đó là chưa tính đến công cuộc di dời, giải tỏa và đền bù cho hàng chục triệu dân tại khu vực xây đập.
Những dự báo đáng lo ngại cho tương lai
Chưa dừng lại ở chuyện những con đập,
vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long đang còn phải đối mặt với một
nguy cơ khác. Đó là hiện tượng nóng dần lên trên toàn cầu.
Nó quả thật là chuyện liên quan đến “ông
trời”, nhưng cũng là hệ quả của một câu chuyện dài hơn về việc khai
thác tài nguyên vô tội vạ của con người, điều đã khiến lượng khí thải
nhà kính đã đạt mức kỷ lục trong thời điểm hiện tại.
Nhiệt độ trung bình tại Cần Thơ, một
tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, đã tăng lên 0,5 độ C trong khoảng
thời gian từ năm 1979 đến năm 2009.
Theo dự báo của Bộ Tài nguyên Môi
trường, nhiệt độ sẽ còn tăng từ 1,1 – 3,6 độ C tính đến năm 2100. Theo
đó, ứng với 1 độ C tăng nhiệt, năng suất lúa sụt giảm 10%. Thêm
nữa, nhiệt độ tăng cao còn có thể hình thành nên môi trường phát triển
lý tưởng cho cỏ dại và sâu bọ.
Chưa hết, tình trạng mực nước biển dâng
cao khiến dòng nước mặn xâm nhập cũng trở thành mối lo. Theo dự báo từ
Trung tâm Quốc tế về Quản lý Môi trường, mực nước biển tại Việt Nam vào
năm 2025 tăng lên từ 28 – 33 cm, con số này vào năm 2100 sẽ là 65 – 100
cm. Tình hình sẽ càng trầm trọng hơn khi lượng bùn cát từ thượng nguồn
bị cắt giảm do hệ thống đập nói trên.
Nếu mực nước biển dâng lên 1m thì 1/4
diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm trong biển nước, khiến 5 triệu
người mất nhà cửa. Điều này kéo theo 70% diện tích đất canh tác tại khu
vực bị xâm nhập mặn, khiến việc trồng trọt chăn nuôi theo cơ cấu hiện
tại sẽ rơi vào vô vọng.
Nếu tình trạng này xảy ra, người ta sẽ
phải nghĩ đến bài toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Tuy nhiên,
đây là một bài toán khó cho toàn khu vực.
Yếu tố tinh thần và văn hóa bị bỏ quên
Ngoài sự biến đổi của môi trường sinh
thái, sự sụt giảm lưu lượng và chất lượng nước cũng như công cuộc di dời
dân quy mô lớn, cùng mối nguy ngập mặn, một yếu tố không thể không nhắc
đến đó là yếu tố văn hóa.
Từ trước đến nay, các nền văn minh vĩ
đại và huy hoàng nhất đều bắt nguồn từ những dòng sông. Đó là văn minh
Ai Cập trù phú bên dòng sông Nile, nền văn minh Sumer cổ xưa nhất bắt
nguồn từ Lưỡng Hà. Tại Việt Nam, cái nôi của trống đồng Đông Sơn gắn
liền với sông Hồng, văn minh Phù Nam tồn tại ở vùng hạ lưu sông Mekong.
Sông là nơi bắt đầu của văn hóa và các nền văn minh bởi một lý do rất đơn giản: Nước là cội nguồn của sự sống.
Sự biến mất của cả một khúc sông là sự tổn thất về kí ức và tinh thần khó có thể bù đắp được.
Như vậy, với vô số vết chém trên thân
mình cùng sự khắc nghiệt của thời tiết, sông Cửu Long có thể sẽ phải
chết, và cái chết của một con sông là cái chết của cả một hệ sinh thái
trong vùng bao gồm 20.000 loài thực vật và 2.500 loài động vật, trong đó
có cá heo, nhện khổng lồ,…và còn cái chết của cả một vùng văn hóa.
Một tương lai mờ mịt đang phủ bóng lên
vùng đất vốn rất vô tư vô lo bởi “chẳng bao giờ lo đói” khi đã có những
cánh đồng cò bay thẳng cánh và những dòng sông đầy ắp cá.
Tuy nhiên, điều này có lẽ chỉ còn là
huyền thoại, điều chúng ta để lại cho con cháu tương lai sẽ là một bài
học sâu sắc và đáng hổ thẹn về thái độ của con người đối với sinh mệnh
thiên nhiên.
Và giờ đây liệu bạn có còn cho rằng việc
Trung Quốc làm gì ở thượng nguồn thì cũng chẳng liên quan đến Việt Nam,
và việc Trái Đất đang nóng dần lên cũng chẳng ảnh hưởng gì đến mái nhà
của chúng ta. Có lẽ đã đến lúc để thay đổi …
Nguồn: Tinhhoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét