Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Cảnh khốn cùng của những người vay nặng lãi ở Myanmar

Vay nặng lãi không có tiền trả, nhiều gia đình nghèo ở Myanmar buộc phải bán con gái để trả nợ.

canh-khon-cung-cua-nhung-nguoi-vay-nang-lai-o-myanmar
Con gái bà Than Than Htwe, 14 tuổi, phải nghỉ học ở nhà giúp mẹ trông cháu vì gia đình nghèo khó, nợ nần. Ảnh: Al Jazeera
Căn nhà gỗ lụp xụp của bà Than Than Htwe dựng bằng ba cây cọc trên cái ao tù trong thị trấn Seikkyi Khanaungdho, cù lao nằm giữa sông Yangon và kênh Twante trong thành phố lớn nhất Myanmar, theo Al Jazeera.
Nhà chỉ có một phòng, 8 người ở. Họ chung sống với bầy muỗi vo ve suốt ngày quanh cái ao thối bốc mùi nồng nặc, nước đen kịt đầy rác nổi. Mỗi khi trời mưa, nước từ mái nhà dột chảy xuống kẽ sàn. Trong góc nhà có một cái kệ để kê tivi tránh nước mưa, nhưng chiếc kệ trống trơn vì tivi đã bị gia đình bà Htwe đem đi cầm cố hồi đầu năm.
Bà Htwe chật vật nuôi sống gia đình từ khi mấy cháu nội chuyển tới sống cùng năm ngoái. Chồng ốm đau phải nghỉ việc, bà đành vay chị ruột 30 USD, với số tiền lãi mỗi ngày là 1,48 USD. Hơn một năm qua, bà đã trả cho chị gái số tiền lãi gấp nhiều lần số gốc, nhưng vẫn không hết nợ.
"Bà ấy rất thô lỗ, sẵn sàng làm náo loạn xóm giềng bằng những câu như 'Tao không có tiền cho không mày' và chửi ầm lên", bà Htwe nói.
Bà Htwe không phải con nợ duy nhất lâm cảnh túng quẫn bởi nạn cho vay nặng lãi ở Yangon. Trong một khảo sát thực hiện ở ba thị trấn, tổ chức Save the Children (STC) phát hiện 85% hộ gia đình phải đi vay nặng lãi. Khoản vay này có thể giúp họ giải quyết khó khăn tài chính trước mắt, nhưng lãi suất cao với mức 5% một ngày tới 30% một tháng lại là cái bẫy khiến họ trở thành con nợ vĩnh viễn.
"Tôi làm việc gần như cả đời ở châu Á mà chưa từng thấy ở đâu tỷ lệ vay nặng lãi nhiều như ở đây. Số lượng người vay, số tiền họ vay và số lãi họ phải trả nặng nề hơn bất cứ nơi nào tôi từng đến", Mike Slingsby, cố vấn về chống đói nghèo đô thị của STC, nhận xét.
Với vai trò là trung tâm tài chính thương mại của Myanmar, Yangon là nam châm thu hút lao động nhập cư tới từ nông thôn với hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, họ rất khó tìm việc làm ổn định. Nhiều gia đình sống nhờ nghề lái xe ba bánh, bán hàng rong và lao động chân tay. Đây là những công việc bấp bênh, bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong mùa mưa kéo dài tới nửa năm ở nước này.
Hơn 80% các hộ gia đình trong khảo sát của STC sống dưới mức thu nhập 1,48 USD mỗi ngày, thấp hơn chuẩn nghèo toàn cầu 1,9 USD của Ngân hàng Thế giới (WB). Đa số họ sống với mức 0,74 USD người/ngày.
Hai con trai của bà Htwe sống nhờ nghề lái xe ba bánh, kiếm được khoảng 3,7 USD mỗi ngày. Con rể bà đi làm thuê, thu nhập tương đương nhưng chỉ được làm 10-15 ngày một tháng.
Thu nhập cả nhà không đủ để trả tiền thuốc cho chồng bà sau khi ông bị thương trong lúc gánh nước thuê. Bà Htwe cũng vay nóng một khoản khác từ một người hàng xóm. Bà không nhớ được số tiền gốc, cũng không trả nổi tiền lãi hàng ngày và khoản nợ bây giờ lên tới 370 USD.
"Tôi rất sợ nhìn thấy bình minh và hoàng hôn. Trời sáng, tôi lo phải đi vay thêm tiền. Trời tối, tôi lo phải trả tiền. Ban đêm, tôi lo về ngày mai. Tôi muốn thoát khỏi tình trạng này, lúc nào cũng đau đầu về nợ nần", bà nói.
"Để trả tiền lãi hàng ngày, tôi đã phải vay mượn khắp hàng xóm. Giờ thì người ta ghét tôi vì tôi suốt ngày đi vay tiền".
Một trong những nguyên nhân chính khiến người dân Myanmar phải vay nặng lãi là chi phí điều trị y tế và thuốc men. Ngoài ra, giá thực phẩm tăng cao cũng khiến ngày càng nhiều người phải đi vay để sống.
Theo khảo sát của STC, hơn 50% số hộ gia đình đi vay để mua thực phẩm. Đây là cú sốc đối với Katy Welby, giám đốc chương trình phát triển, chất lượng và chính sách của STC.
"Tôi cho rằng thực tế này phản ánh điều kiện sống khủng khiếp mà họ đang trải qua. Nếu vay được tiền, họ mới nuôi sống được con cái. Nếu không thể trả hay không thể vay tiền nữa, họ cũng không có gì để ăn", bà Welby nói.
Theo khảo sát, 50% số trẻ 13 tuổi ở Myanmar bỏ học. Mặc dù được chính phủ miễn học phí,  tiền sách vở, học thêm lại quá khả năng chi trả đối với những gia đình đang ngập trong nợ nần.
Con trai bà Htwe bỏ học năm 16 tuổi, đang kiếm tiền phụ giúp gia đình bằng việc bán trái cây ở khu chợ gần nhà. Con gái thứ hai của bà đi học được một năm thì nghỉ, 14 tuổi đã lấy chồng. Con gái thứ ba, nay 14 tuổi, ở nhà giúp mẹ trông cháu. Thất học, gia đình nợ nần, cô bé có thể phải đi làm thuê sớm, tảo hôn hoặc có lẽ tệ hơn.
"Với mức lãi cao như thế, một gia đình nghèo có rất ít cách để kiếm tiền nhanh trả nợ, mà bán dâm là cách kiếm tiền nhanh nhất đối với họ", nhà nhân chủng học Maxime Boutry nhận xét. "Cuối cùng, họ có thể bán con gái lấy tiền trả nợ".
canh-khon-cung-cua-nhung-nguoi-vay-nang-lai-o-myanmar-1
Ma Ei Pyi và con trai trong căn nhà lụp xụp ở Hlaing Thayar. Ảnh: Al Jazeera
Bán dâm
Ma Ei Pyi sống trong một căn lều tạm ven con mương ô nhiễm ở thị trấn Hlaing Thayar, ván sàn bằng tre mấp mé đống rác dập dềnh trên mặt nước. Trước đây, cô dựng sạp bán rau trước cửa nhà. Khi đó Pyi sống cùng bố và hai đứa con, chồng làm thuê trên tàu đánh cá nước ngoài. Cô kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình cho tới khi bố và chồng qua đời.
Chết là chuyện tốn kém ở Myanmar. Phí mai táng và cấp giấy chứng tử ở bệnh viện và nhà tang lễ tốn ít nhất 74 USD. Pyi được nhận tiền bồi thường khi chồng chết, tuy nhiên cô vẫn phải vay nóng 37 USD lo đám ma cho bố. Cô không đủ khả năng trả lãi ngày 5% và số nợ nhanh chóng tăng gấp ba.
"Nếu là phụ nữ trong gia đình và không được ăn học tử tế, lựa chọn duy nhất là đi bán dâm. Cuộc sống ở đây rất khó khăn, đặc biệt ở Yangon, mà chúng tôi phải kiếm tiền nuôi sống gia đình", Pyi vừa khóc vừa nói. "Làm nghề này, tôi kiếm được nhiều tiền, đủ trả nợ, nuôi các con và hỗ trợ gia đình".
Pyi bước chân vào nghề do hàng xóm giới thiệu. Cô kể chuyện trong lúc con gái 12 tuổi đang ngồi trên sàn nhà chăm chú lắng nghe. "Tôi đủ sức cho các con ăn uống tốt hơn mọi người khác ở xóm này", cô nói.
Năm 2015, tổ chức nhân đạo Care International (CI) tiến hành khảo sát về gái mại dâm ở hai thành phố lớn nhất Myanmar là Yangon và Mandalay. Kết quả cho thấy nợ nần là nguyên nhân chính khiến phụ nữ ở đây đi bán dâm. Tuy nhiên, nó lại không giải quyết triệt để vấn đề đói nghèo vì các gia đình vẫn tiếp tục đi vay nợ, còn người bán dâm lại trở thành con nợ.
Ngoài việc nuôi hai con, Ma Ei Pyi còn là trụ cột chính của gia đình. Cô nuôi mẹ, ba anh chị em, chị dâu và các cháu, những người chuyển tới sống cùng cô trong căn lều tạm. Tháng trước, cô phải vay thêm 37 USD cho chị dâu sinh cháu.
Trong khi cố gắng trả hết nợ, Pyi vẫn phải trả lãi ngày và lãi tháng 10% cho khoản vay 126 USD.
"Tôi quen biết mấy người cho vay nặng lãi. Họ rất thích cho gái mại dâm vay bởi họ biết tôi có thu nhập ổn định và đủ khả năng trả nợ", cô nói.
Pyi kiếm được 7-11 USD mỗi lần bán dâm, gấp ba lần lương trung bình một ngày của phụ nữ làm việc trong các nhà máy may nổi tiếng ở khu công nghiệp Hlaing Thayar. Có điều, bán dâm là công việc phi pháp ở Myanmar, nơi có luật cấm mại dâm từ năm 1949.
"Kể từ tháng 11, tôi không có mấy khách hàng vì cảnh sát bắt bớ. Họ biết chúng tôi làm nghề gì, biết nơi chúng tôi gặp khách, họ sẽ phục ở đó và đe dọa mỗi lần gặp chúng tôi. Nếu không đưa tiền cho họ, chúng tôi sẽ bị bắt", cô cho biết.
Tuy nhiên, một sĩ quan giấu tên trong sở cảnh sát Hlaing Thayar khẳng định "không có chuyện chúng tôi nhận hối lộ, chúng tôi chỉ đang thực thi nhiệm vụ".
Để tránh cảnh sát, Pyi tìm khách thông qua môi giới và trả hoa hồng cho anh ta. Cô cũng giúp anh ta tìm những thiếu nữ còn trinh tại khu xóm nghèo nơi mình sinh sống.
"Anh ta luôn yêu cầu tôi tìm mấy thiếu nữ trẻ đẹp, cho tôi 37 USD mỗi người. Tôi biết vài người bắt đầu làm nghề này từ việc bán trinh, có điều tôi không thích việc này", Pyi tâm sự.
Nhà nhân chủng học Maxime Boutry nhận xét việc ép con gái bán trinh để trả nợ trong các gia đình đang túng quẫn khá phổ biến.
"Đây là mối liên hệ rõ ràng nhất giữa việc nợ nần và bán dâm. Một gia đình có thể kiếm được 370 USD từ việc bán trinh con gái, khoản tiền lớn mà họ không thể kiếm được ở chỗ khác", ông Boutry nói.
Những kẻ tìm kiếm gái mại dâm quanh quẩn trong thị trấn, thông qua những người cho vay nặng lãi am hiểu tình hình trong xóm để tìm nguồn cung cấp, ông Boutry nhận định.
Một số chuyên gia cho rằng thị trường trinh nữ khởi nguồn từ các doanh nhân Trung Quốc với quan niệm quan hệ tình dục với gái trinh sẽ chữa khỏi những bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả HIV.
"Tôi rất lo cho con gái", Ma Ei Pyi nói mỗi khi rời nhà đi làm. "Tôi không muốn con bé bước chân vào nghề này. Đó là lý do tôi cho nó đi học. Tôi muốn con bé được học hành tử tế".
Cuộc sống trong xóm nghèo ở ngoại ô Yangon:
Chủ nợ
Trong một nhà hàng nhỏ, Aye Winn Sann đang ngồi thụp trên ghế, chán nản mong có khách vào. Việc kinh doanh dạo gần đây không tốt. Vài người tò mò dừng lại nhìn quầy đồ ăn nhưng không ai bước vào quán.
Sann sống ở Dala, một thị trấn nhỏ mọc lên trong đầm lầy phía nam sông Yangon. Thị trấn cách trung tâm Yangon chỉ 10 phút ngồi phà nhưng là một thế giới khác biệt hẳn với những khách sạn sang trọng và các sứ quán trải dọc bờ sông phía bắc. Nơi đây rất hiếm việc làm, người dân sống trong cảnh nghèo đói.
"Kinh doanh nhà hàng không dễ kiếm tiền như cho vay nặng lãi", Sann nói, lấy tay phủi ruồi trên đĩa cà ri.
Bà chẳng thấy ai đi bán dâm mà trả hết nợ. Theo Sann, người cho vay luôn chịu rủi ro nhưng dù sao cho vay vẫn tốt vì lợi nhuận cao. "Thỉnh thoảng cũng có con nợ không chịu trả nhưng đó cũng là rủi ro người cho vay phải chịu", bà nói.
Hồi đầu năm, Sann mất 1.480 USD khi 4 gia đình cùng trốn nợ và biến mất trong đêm, chỉ để lại căn lều rỗng. Theo Sann, tỷ lệ người trốn nợ là 25%. 
Để tránh tình trạng trốn nợ, Sann đã ngừng cho người lạ vay tiền nhưng vẫn tiếp tục cho hàng xóm vay tối đa 22 USD với lãi suất 22% một tháng.
"Nếu tôi không cho họ vay tiền, họ sẽ cực kỳ khó khăn. Vay tiền của tôi, họ giải quyết được khó khăn còn tôi kiếm được lời, đôi bên cùng có lợi", Sann quả quyết nói.
Theo Luật Cho vay 1945, những người cho vay phải có giấy phép, cam kết tuân theo quy định lãi suất không quá 12% một năm cho khoản vay có thế chấp hoặc 18% cho khoản vay không thế chấp. Tuy nhiên, rất ít người tuân thủ quy định này. Họ thường che giấu hoạt động cho vay dưới hình thức kinh doanh khác.
"Họ thường là người trong cộng đồng, có nhiều tiền hơn hàng xóm và nhận ra có thể kiếm nhiều hơn nữa. Một số người lấy lãi cao nhưng thường không xảy ra tranh chấp bạo lực. Việc cho vay trong cộng đồng rất phổ biến", Mike Slingsby nhận xét.
Sann thừa nhận từng "đập phá đồ đạc" tại nhà một con nợ, tuy nhiên, trong đa số trường hợp nếu cần thu nợ, bà thường đàm phán với chính quyền để họ thu giúp. Không nhà chức trách nào lên tiếng trước cáo buộc thông đồng với những người cho vay tiền bất hợp pháp.
Lối thoát
Các bức tường trong tiệm làm đẹp của Win Win Soe đều dán kín ảnh khách hàng, từ ảnh cưới, ảnh tốt nghiệp cho tới ảnh hộ chiếu. Soe bận rộn luôn tay để làm đẹp cho khách. Tiệm khác nhiều so với 9 năm trước, khi bên trong chỉ có một cái gương dài treo trên tường, móc treo vài cái kéo và lược đơn sơ. Lúc đó, Soe vay 73 USD với mức lãi 20% một tháng để mở tiệm nhưng vẫn không kiếm đủ tiền cho con gái 16 tuổi tiếp tục đi học.
Vận may của Soe tới khi 34 phụ nữ sống cùng khu phố với cô ở thị trấn North Okkalapa cùng lập một quỹ tiết kiệm tập thể năm 2009, với hy vọng sẽ thay đổi vòng nợ nần lẩn quẩn mà các gia đình đang lâm vào.
"Trước đây việc làm ăn của tôi rất nhỏ, nhưng giờ phát triển ngày một lớn hơn với sự giúp đỡ của nhóm. Con gái tôi đã vào được đại học", bà nói.
Mỗi thành viên đầu tư 2,34 USD một tuần vào quỹ chung của nhóm, do người đứng đầu là Aye Aye Khing chịu trách nhiệm quản lý. Sau ba tháng, thành viên được phép vay tiền lãi suất thấp. Quỹ chung của nhóm giờ có 2.430 USD.
Thành viên trong nhóm được vay mỗi người 732 USD đầu tư làm ăn. Họ phải trả lãi suất 2,5% một tháng vào cuối năm. Nếu nhà ai có việc gấp, họ được phép vay không lãi.
Soe vay tiền cho con gái học đại học. Trả hết nợ, bà tiếp tục vay để mua sản phẩm mới cho tiệm làm đẹp. Những người khác vay tiền mở xưởng đóng giày, làm túi xách, chế tác nhạc cụ và sản xuất mỹ phẩm, đem lại sức sống làm ăn mới cho khu phố Dawna.
"Nhóm như một gia đình, sẵn lòng giúp đỡ thành viên trong trường hợp khẩn cấp như con cái cần tiền đóng học hoặc đi viện", Soe giải thích. "Có nhiều quy định phải tuân theo nhưng chúng tôi thực sự là một gia đình lớn".
canh-khon-cung-cua-nhung-nguoi-vay-nang-lai-o-myanmar-2
Bà Win Win Soe trong tiệm làm đẹp của mình. Ảnh: Al Jazeera

Nhóm được Women for the World (WFTW), một tổ chức phi chính phủ địa phương, giúp đỡ. WFTW đã thành lập 80 nhóm tiết kiệm tập thể khắp Myanmar, giúp đỡ gần 4.000 phụ nữ thoát cảnh nợ nần. Tác động của nó rất rõ rệt. Cách khu vườn đầy hoa nơi Soe ở chỉ một con phố, người dân vẫn còn sống trong những căn nhà dột nát, túng quẫn bởi vòng xoáy vay nợ bất hợp pháp.
"Đói nghèo đô thị không phải là thứ nhiều nhà đầu tư muốn bỏ tiền vào", Slingsby đánh giá. "Đói nghèo ở nông thôn mới là lĩnh vực được quan tâm vì có nhiều người sống ở nông thôn, còn đói nghèo đô thị rất phức tạp, ít tổ chức phi chính phủ muốn hoạt động trong khu vực này".
Theo WB, tỷ lệ đói nghèo ở Yangon là 34%, chỉ kém mức đói nghèo ở nông thôn 3%. Tổ chức STC đang thí điểm một chương trình phát triển kinh tế xã hội tại Yangon từng thành công ở Bangladesh. Tuy nhiên, chương trình rất tốn kém, yêu cầu lượng lớn tiền mặt và trang thiết bị ở cấp hộ gia đình mà cho tới giờ STC vẫn chưa tìm được nhà tài trợ. Do đó, chương trình này sẽ còn mất thời gian trước khi được triển khai quy mô lớn ở Yangon.
Cho tới khi đó, sẽ còn nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, nhiều trẻ em phải nghỉ học và nhiều phụ nữ buộc phải dấn thân vào nghề mại dâm để trả nợ.
Ánh hoàng hôn phủ xuống cù lao Seikkyi Khanaungdho, bà Than Than Htwe lại bắt đầu đi quanh hàng xóm xem có ai cho mượn tiền không.
"Tôi không muốn vay tiền", bà nói. "Nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác".
Hồng Hạnh
(Từ vn.express)

1 nhận xét:

HAI BÀI THƠ ĐỐI HỌA Của Trang Trình Và Vô Danh Tiểu Bối

HAI BÀI THƠ ĐỐI HỌA   1 -THÚ NHÀN * TRẠNG TRÌNH Nguyễn Bỉnh Khiêm   Một mai một cuốc một cần câu Thơ thẩn nào ai vui thú nào! ...