Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

CHỨNG ĐẠO CA - Đỗ Chiêu Đức

Tiểu sử và Lý lịch của Huyền Giác Đại Sư như sau :

                           Inline image
 永嘉玄覺
    永嘉玄覺禪師(665年-712年),俗姓戴,號真覺大師,溫州永嘉人(今屬浙江)。唐朝禪宗、天台兩宗大師,倡天台、禅宗融洽之说。留有《永嘉集》以及《永嘉證道歌》。
VĨNH GIA HUYỀN GIÁC
        Vĩnh Gia Huyền Giác Thiền Sư ( 665- 712 ), Họ tục gia là Đới ( Đái ), Hiệu Chơn Giác Đại Sư, người đất Vĩnh Gia thuộc Ôn Châu ( tỉnh Chiết Giang ngày nay ). Thuộc Tôn Sư của 2 hệ phái Thiền Tông và Thiên Đài, đề xướng thuyết dung hòa giữa Thiên Đài và Thiền Tông. Tác phẩm lưu truyền gồm  " Vĩnh Gia Tập " và " Vĩnh Gia Chứng Đạo Ca ".
         玄覺禪師,為天台宗四祖慧威門下,精通天台宗之止觀法門,閱讀《維摩詰經》發明心地。曾至玉泉寺拜訪神秀大師,請問禪法。後詣曹溪六祖,言下契悟,一宿而去,時稱一宿覺。唐玄宗先天元年圓寂,謚號無相大師。

       Huyền Giác Thiền Sư là đệ tử của Tứ Tổ Tuệ Uy thuộc Thiên Đài Tông, tinh thông pháp môn chỉ quan, đọc " Duy Ma Cật Kinh " phát minh tâm địa. Từng đến Ngọc Tuyền Tự  bái phỏng Thần Tú Đại Sư để hỏi về Thiền. Sau đến Tào Khê gặp Lục Tổ, trao đổi rồi chợt giác ngộ, trong một đêm đã ra đi, người đời gọi là " Nhất Túc Giác " (  một đêm mà giác ngộ ). Sư viên tịch nhằm năm Nguyên Niên Tiên Thiên của Đường Huyền Tông, phong hiệu là VÔ TƯỚNG ĐẠI SƯ.
         So với Lục Tổ Huệ Năng 惠能(638年-713年) Tổ sư của Thiền Tông, thì Huyền Giác Đại Sư nhỏ hơn 27 tuổi, nên vừa kính Huệ Năng là Thầy mà trong tu tập thì lại là bạn vong niên , nhất là trong việc đề xướng hợp nhất hòa đồng giữa hai hệ Thiên Đài và Thiền Tông, và ta thấy trong Chứng Đạo Ca có rất nhiều câu do ảnh hưởng Thiền của Lục Tổ Huệ Năng như câu số 5 :

             Pháp thân giác liễu vô nhất vật   法身覺了無一物...
        (  Khi giác ngộ ra thì pháp thân chẳng là vật  gì cả ! )
 làm ta nhớ câu :
                 Bổn lai vô nhất vật,       (  Vốn không có vật gì cả,
                  本   來  無 一  物,        lấy đâu mà vướng bụi trần ? )
                 Hà xứ nhạ
 trần ai ?  
                  何 處  惹  塵  埃?                 của Lục Tổ Huệ Năng.
         " Chứng Đạo Ca " là " Bài ca Chứng Đạo ", ấn chứng việc đắc đạo của mình. Chứng Đạo Ca dài trên 1800 chữ, viết theo thể Thất ngôn Cổ Nhạc Phủ của Đời Đường, đây là thể loại rất phổ biến lúc bấy giờ với câu mở đầu rất quen thuộc là " Quân bất kiến !..." ( Bạn không thấy sao ?!... ), làm ta nhớ đến các bài " Tẩu mã xuyên hành " , hoặc " Tương Tiến Tửu " của Lý Bạch với câu mở đầu bất hủ là : " Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy, thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi !... ". Nên, ngoài ý nghĩa thiền ra, Chứng Đạo Ca còn là một tác phẩm văn học có chất lượng và giá trị văn chương nữa.
          Chứng Đạo Ca tuy dài... thòn gần 2000 chữ, nhưng nghĩa lý huyền vi để Chứng Đạo lại nằm gọn lỏn trong 4 câu đầu. Nếu ta " ngộ " được ý nghĩa của 4 câu nầy, thì khỏi mất công đọc tiếp gần 2000 chữ dài lê thê nữa !. Và bây giờ thì em xin " Phiếm " thử 4 câu nầy xem có vừa ý " Chư Quân Tử " không nhé !
        Trước tiên, xin được nói về 3 chữ " Quân bất kiến ".君不見  :
             * QUÂN : là Ngôi thứ 2 trong Danh Xưng Đại từ, có nghĩa là : Ông, Anh, Bà, Chị, Bạn, Mầy... Nếu là Danh Từ, thì ngày xưa dùng để chỉ Vua Chúa, như " Quân xử thần tử... " QUÂN 君 nầy khác với chữ QUÂN 軍 là Quân Lính.
             * BẤT KIẾN : là Không Thấy. Đây là từ Phản Vấn, vì như Thầy đã nói, ngày xưa chưa có các ký hiệu chấm câu, đáng lẻ sau chữ Bất Kiến phải có dấu HỎI (?) . Có nghĩa : Không thấy sao?
              Vậy là 3 chữ QUÂN BẤT KIẾN, ta có thể hiểu là :
                   - Bạn không thấy sao ?
                   - Bạn có thấy không ?
 hoặc thân mật hơn với bạn bè :
                  - Bộ mầy hổng thấy hả ?
                   Thấy ?!...
           Thấy cái gì ?... Thấy câu số 1 :
            「絕學無為閑道人」
           " TUYỆT HỌC VÔ VI NHÀN ĐẠO NHÂN ".
           TUYỆT HỌC là Đoạn tuyệt với sự học, không cầu học nữa.
           VÔ VI là Không làm gì cả !
           NHÀN ĐẠO NHÂN là Ông đạo nhân nhàn nhã.
          ( Đạo nhân : Từ gọi chung những người theo Đạo Lão : Đạo Sĩ và Đạo Phật : Hòa Thượng. ).
           Câu nầy có nghĩa :
            " Ông đạo nhân nhàn nhã, không làm gì cả, cũng như không cầu học nữa ! ". Tại sao ?
            Thưa, Tại vì ông ta đã là một đạo nhân ĐẮC ĐẠO. nên không cần phải Tu Tập Cầu Học nữa, cũng như không cần phải làm việc gì để chứng tỏ là mình đang cầu đạo, nên trông ông như một ông đạo nhàn hạ vô vi, vô vi nhưng thực ra là VÔ BẤT VI , trong minh minh thầm lặng, ông ta đang chuyển pháp luân để giáo hóa chúng sinh, chẳng qua không muốn lưu hình tích bên ngoài cho người đời trông thấy, không muốn cho người đời ca ngợi công đức của mình. NHÀN ĐẠO NHÂN vì bề ngoài trông ông ta rất ưu du tự tại của một ông đạo ĐẮC ĐẠO, chớ không phải đang TU ĐẠO. ĐẮC ĐẠO gì ? Đắc cái Pháp thân tuệ mệnh của chư Phật giao phó để độ hóa chúng sinh . Nhàn đạo nhân vì vẻ ung dung tự tại không gợn chút sân si.
           Câu số 2 :
            「不除妄想不求真」
      BẤT TRỪ VỌNG TƯỞNG BẤT CẦU CHÂN.
           BẤT TRỪ : Trừ là Bỏ đi, là Tiêu diệt. Bất Trừ là không cần phải tiêu diệt, không cần phải trừ bỏ.
           VỌNG TƯỞNG : là những suy nghĩ ngông cuồng, những ước muốn ngông cuồng không thực tế.
           CẦU CHÂN : là cầu lấy chân thân chân lý chân như.
           Vì là Đạo nhân Đắc Đạo, nên không có Vọng tưởng phải tiêu trừ, chứ không phải Có Vọng Tưởng mà không Trừ Vọng Tưởng. Bất Cầu Chân vì đã đạt đến cỏi chân như, nên không phải cầu chân nữa !
Vô Vọng khả trừ, Vô Chân khả chứng !
            Câu số 3 :
            「無明實性即佛性」
       VÔ MINH THỰC TÁNH TỨC PHẬT TÁNH
             Ta có 2 chữ MINH : Mính SÁNG và Minh TỐI.
              MINH 明 : Chữ Minh nầy gồm 2 chữ NHẬT và NGUYỆT ghép theo kiểu Hội Ý mà thành. Nhật sáng ban ngày, nguyệt sáng ban đêm, nên MINH là sáng sủa xuyên suốt cả ngày đêm.
              MINH 冥 : Chữ Minh nầy là TỐI, vì ghép bởi chữ Nhật là mặt trời bị bộ Mịch đậy lên trên che lắp cả ánh sáng, phía dưới lại là chữ Huyệt là Hang sâu thăm thẳm. Ta có từ U Minh, Minh Phủ là Âm Phủ đó.
              VÔ MINH là Chưa được soi Sáng. Phật dạy : Chúng sinh đều có Phật Tánh, chẳng qua bị Vô Minh che khuất mà thôi, trở về với Thực Tánh của mình tức là trở về với Phật tánh đó !
           Câu số 4 :
        「幻化空身即法身」
      HUYỄN HÓA KHÔNG THÂN TỨC PHÁP THÂN.
           Thầy ơi ! Cái mà Thầy nói, Tiếng Hán ngày nay khác với Tiếng Hán ngày xưa là ở chỗ nầy đây, cũng cùng một chữ 幻 mà ngày xưa đọc là ẢO, ngày nay đọc là HUYỄN, nhưng nghĩa của nó thì lại giống nhau, đều là Những Cái Không Có Thật. Nên...
            HUYỄN HÓA hay ẢO HÓA đều có nghĩa là làm cho mất đi. Nhục thể của ta là Sắc thân, qua tu tập tịnh hóa, chuyển vô minh thành hữu minh, hóa sanh sắc sắc không không, sắc thân chuyển hóa không thân. Về Hình Nhi Thượng, chứng được Pháp thân Lý thể, tức là chứng được Pháp thân Tuệ mệnh. Về Hình Nhi Hạ, thì Sắc thân là thân ảo, phải chịu sự hóa sanh của Pháp giới đạo thể, cho nên nói là " Huyễn hóa không thân tức Pháp thân " là vậy đó !
           Nhưng...
            Pháp thân là cái gì ?!...
            Pháp thân giác liễu vô nhất vật... (  Khi giác ngộ ra thì pháp thân chẳng là vật  gì cả ! ).
            Tới đây, Thầy lại phải cho phép em " Phiếm " một chút nữa về chữ NHẤT nhé ! Vì nhiều người cứ hễ gặp chữ NHẤT là chỉ hiểu nó là MỘT mà thôi ! Sự thật, chữ NHẤT ý nghĩa bao la vô cùng ! Nhiều lúc, Nó không phải là Adjectif numéral cardinal, mà cũng không phải là Adjectif numéral ordinal nữa, mà Nó là Phó Từ nói theo Văn Phạm TQ, nếu nói theo Văn Phạm Âu Mỹ, thì nó là Trạng Từ. Ví dụ :
              Nhất Điểm Tức Ngộ 一點即悟 : Có nghĩa " HỄ được điểm hóa MỘT CÁI là giác ngộ ngay.
               Nhất Kiến Chung Tình 一見鍾情 : Có nghĩa : HỄ gặp MỘT CÁI là chung tình ngay ". Đây là un coup de foudre  ( tiếng sét ái tình ) của người Hoa.
               Trở lại từ...
                VÔ NHẤT VẬT : Vô là Không có. Nhất Vật là Một Vật. Vậy " Vô Nhất Vật " là " Không có một vật ". Không chính xác ! Phải hiểu là : " Một vật cũng không có ", nghĩa là " Không có gì cả ! ". Chữ VÔ là Adjectif bổ nghĩa cho NHẤT VẬT ở phía sau.
                Văn phạm là Tập quán Ngôn Ngữ được hệ thống thành văn bản , nhưng có những Tập Quán ngôn ngữ mà Văn Phạm không tài nào đề cập cho hết được. Ví dụ :
                NHẤT NHẤT đều phải PHIẾM theo tôi !. Có nghĩa :
                 TẤT CẢ MỌI THỨ, MỌI CÁI... đều phải " Phối theo tim "!. Chớ không phải : MỘT MỘT đều phải phiếm theo tôi !
             Xin hẹn  kỳ phiếm tới.

                                                                     Nay kính,
                                                                  Đỗ Chiêu Đức.

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...