Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Dan Cooper - kỳ án không tặc bí ẩn nhất nước Mỹ

Tại các thành phố lớn thuộc khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương như Portland, Seattle..., có nhiều nhà hàng, quán cà phê được mở ra có tên gọi Cooper và bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Không nhiều du khách biết tên gọi này được lấy cảm hứng từ tên cướp nổi tiếng thế giới Dan Cooper, trong vụ không tặc được xếp vào hàng những vụ cướp thế kỷ của nước Mỹ.
Sự việc bắt đầu vào buổi chiều của lễ Phục Sinh, ngày 24/11/1971 tại sân bay quốc tế Portland, bang Oregon, Mỹ. Một nam hành khách mang theo chiếc cặp đựng tài liệu màu đen, mặc âu phục đến bàn vé của hãng hàng không Northwest Orient Airlines, tự xưng là Dan Cooper, theo CNN.
dan-cooper-ky-an-khong-tac-bi-n-nhat-nuoc-my
Chân dung Dan Cooper được vẽ lại theo miêu tả của nhân chứng. Ảnh: CNN.
Theo trí nhớ của những nhân chứng, đó là một người đàn ông tầm 40 tuổi, cao khoảng 1m8 và mua vé một chiều của chuyến bay mang số hiệu 305, từ Portland tới Seattle.
Chuyến bay cất cánh vào lúc 14h50 (giờ địa phương) với 37 hành khách. Sau khi chiếc Boeing 727 cất cánh được ít phút, Cooper đưa cho tiếp viên hàng không ngồi gần mình nhất, Florence Schaffner, một tờ giấy gập đôi.
Khi thấy nữ tiếp viên trẻ chưa mở lời nhắn, Cooper liền ngả người về phía cô và thì thầm: "Cô nên nhìn vào tờ giấy thì hơn. Tôi có một quả bom".
dan-cooper-ky-an-khong-tac-bi-n-nhat-nuoc-my-1
Tiếp viên Tina Mucklow (phải) nhớ lại, Cooper là một gã đàn ông lịch thiệp, không hề thô lỗ hay có hành động độc ác. Ảnh: Corbis.
Tờ giấy ghi dòng chữ: "Tôi có một quả bom trong cặp, sẽ kích nổ khi cần thiết. Tôi muốn cô đến ngồi cạnh tôi. Máy bay đã bị không tặc". Schaffner đã làm theo yêu cầu trên lá thư, đến ngồi cạnh tên khủng bố. Cooper cũng nêu rõ yêu cầu của mình: 200.000 USD (khoảng 1,2 triệu USD theo thời giá hiện nay), 4 chiếc dù, một xe chở xăng đợi sẵn ở bay Seattle để nạp nhiên liệu cho máy bay và sẽ bay tiếp tới Mexico City. Những yêu cầu của Cooper nhanh chóng được Schaffner truyền tải tới cơ trưởng.
Cơ trưởng William Scott liên hệ với trạm kiểm soát không lưu của sân bay Seattle-Tacoma, họ báo cảnh sát ngay lập tức. 36 hành khách còn lại trên máy bay được thông báo thời gian hạ cánh sẽ có chút chậm trễ do sự cố kỹ thuật còn cảnh sát khẩn trương chuẩn bị  đáp ứng mọi yêu cầu của tên không tặc.
Sau khi hạ cánh tại sân bay Seattle, Cooper hướng dẫn Scott đưa máy bay tới khu vực cách biệt, được thắp sáng của đường băng và ngắt điện trong khoang để chặn các tay súng bắn tỉa. Sau khi nhận được tiền và dù, hắn cho phép 36 hành khách cùng hai tiếp viên Schaffner, Alice Hancock rời máy bay.
Trong lúc máy bay tiếp nhiên liệu, Cooper thông báo kế hoạch với cơ trưởng: bay hướng tây nam xuống Mexico City, ở tốc độ thấp nhất có thể để không làm máy bay rơi và duy trì độ cao khoảng 3.000 m. Lúc này trên máy bay có 5 người: Cooper, tiếp viên Tina Mucklow, cơ trưởng Scott, cơ phó Rataczah và kỹ sư Anderson.
dan-cooper-ky-an-khong-tac-bi-n-nhat-nuoc-my-2
Chiếc máy bay Boeing 727 bị không tặc của hãng Northwest Airlines đỗ trên đường băng để tiếp nhiên liệu tại sân bay quốc tế Tacoma vào ngày 25/11/1971. Ảnh: Press.
Hai chiến đấu cơ cất cánh từ Căn cứ Không quân McChord theo sau chiếc máy bay dân dụng, bay song song với nhau và ngoài tầm nhìn của Cooper. Một chiếc máy bay huấn luyện khác của Đội tuần tra trên không Mỹ được cử theo dõi chiếc Boeing 727 này.
Khoảng 20h, đèn trong khoang lái báo hiệu cầu thang sau đã được kích hoạt. Đề nghị hỗ trợ của phi hành đoàn thông qua hệ thống liên lạc của máy bay không có lời hồi đáp. Dan mở cầu thang sau, nhảy dù khỏi máy bay và mang theo toàn bộ số tiền chuộc.
Khi phi công cho máy bay hạ cánh an toàn, FBI và lính đặc công liên bang bao vây máy bay, lục soát mọi thứ và nhanh chóng phát hiện ra rằng: Cooper đã biến mất.
Trong khoang máy bay, cảnh sát thu được 66 dấu vân tay. Nhân chứng ở Portland, Seattle, và Reno, cùng tất cả những người đã giao tiếp hay tiếp xúc với Cooper đều được thẩm vấn. Nhiều bức phác hoạ Cooper đã được vẽ theo miêu tả của nhân chứng. Cục điều tra liên bang Mỹ FBI đã mở cuộc điều tra sâu rộng, ròng rã nhiều năm trời để tìm kiếm tên không tặc này. Tuy nhiên, mọi thứ đều không có kết quả. Thậm chí, FBI vẫn tiếp tục điều tra dù vụ án đã hết hiệu lực.
Trong 5 năm, họ đã thẩm vấn hơn 800 người tình nghi, nhưng tất cả đều sớm bị loại khỏi vòng nghi vấn.
Trong nhóm người trên có một nhân vật được nghi ngờ nhiều nhất - Richard Floyd McCoy. Người này đã bị bắt giữ trong một vụ không tặc khác và đang cố gắng tẩu thoát bằng cách nhảy dù. Tuy nhiên sau đó, cảnh sát phát hiện ra rằng McCoy chỉ đang cố bắt chước lại "thần tượng" Cooper của mình.
Sau đó, trong suốt 46 năm điều tra vụ án, cảnh sát đã gặp rất nhiều trường hợp mạo nhận là Cooper để được nổi tiếng.
Một trong những giả thuyết khác được nhiều người tin nhất, đó là Cooper đã bỏ mạng khi nhảy dù trong đêm tối. Địa điểm mà hắn ta nhảy ra khỏi máy bay là một khu vực rừng cây - một thử thách nguy hiểm đối với cả những người nhảy dù dạn dày kinh nghiệm.
Giả thuyết này được củng cố hơn vào năm 1980, khi cậu nhóc Brian Ingram đã phát hiện một túi tiền mục nát chứa gần 6.000 USD với những tờ tiền loại 20 USD dọc bờ sông Columbia. Điều tra viên sau đó nhận ra số tiền mà Brian tìm được có số seri trùng với số tiền chuộc mà cảnh sát đã đưa cho Cooper.
dan-cooper-ky-an-khong-tac-bi-n-nhat-nuoc-my-3
Những tờ tiền có seri trùng với lượng tiền cảnh sát chuyển cho Cooper. Ảnh:  Bettmann.
Tuy nhiên, giả thiết vẫn là giả thiết. Và sau 45 năm, vào tháng 7/2016, FBI đã buộc phải công bố: họ chính thức khép lại vụ điều tra về tên không tặc bí ẩn và nổi tiếng nhất nước Mỹ này.
Anh Minh

1 nhận xét:

FOULA - Hòn Đảo Xa vXoi6 Nhất Có Người Sinh Sống Ở Anh

  Hòn đảo biệt lập này chỉ có khoảng 30 người sinh sống và là hòn đảo xa xôi nhất có người sinh sống ở Anh. Foula là một trong những hòn đảo...