Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

Pissarro, họa sĩ ấn tượng đầu tiên



mediaBức tranh ”Péniche sur la Seine” của Pissarro (1864)Réunion des Musées Nationaux

Lúc sinh tiền, Camille Pissarro (1830-1903) được mệnh danh là họa sĩ ấn tượng đầu tiên, có lẽ cũng vì ông được xem như là bậc đàn anh, từng dạy vẽ cho Cézanne và Gauguin. Về tuổi tác, ông cũng lớn hơn Monet tới 9 tuổi. Tuy vậy, ông lại ít nổi tiếng bằng các đàn em là Manet, Monet hay Degas. Ba cuộc triển lãm ở Paris và vùng phụ cận là dịp để nhìn lại sự đóng góp của ông vào phong trào hội họa này.
Sau một thời gian trùng tu, viện bảo tàng Camille Pissarro đã mở cửa trở lại tại vùng Pontoise (vùng 95), nơi mà danh họa đã sống trong vòng nhiều năm, để lại một bộ tranh sưu tập gồm khoảng 130 tác phẩm cho thành phố này. Nhưng các bức tranh quan trọng nhất lại được lưu trữ ở viện bảo tàng Orsay, thủ đô Paris và tại viện bảo tàng André Malraux của thành phố Le Havre (thành phố cảng Le Havre năm nay ăn mừng 500 ngày sáng lập).
Thủ đô Paris dành hai cuộc triển lãm cho Pissarro tại viện bảo tàng Marmottan và tại bảo tàng Luxembourg cho tới trung tuần tháng 7 năm 2017. Cuộc triển lãm tại Marmottan (Paris quận 16) với tựa đề ‘‘Le Premier des Impressionnistes’’ (Họa sĩ ấn tượng đầu tiên) bao gồm khoảng 60 tác phẩm, từ những năm tháng đầu đời khi ông còn sống tại vùng Caribê trên đảo Saint Thomas (nay thuộc về quần đảo Virgin của Mỹ) cho tới những năm tháng cuối cùng, với những tác phẩm vẽ tại Paris và Rouen.
Thị trấn Louveciennes, Camille Pissarro (1871)(Source : RMN)

Camille Pissarro là gương mặt duy nhất đã tham gia vào bảy cuộc triển lãm lớn kể từ năm 1874 trở đi, giúp khai sinh rồi định hình trường phái ấn tượng, cho dù sau đó mỗi nghệ sĩ chọn đi một hướng khác nhau. Những bất đồng quan điểm (về nghệ thuật hay chính trị) sau đó cũng khiến cho Pissarro đoạn tuyệt quan hệ với các hoạ sĩ như Gauguin, Degas hay Renoir.
Cuộc triển lãm thứ nhì được tổ chức tại bảo tàng Luxembourg (Paris quận 6) mang tựa đề ‘‘Pissarro à Éragny’’ nói về giai đoạn ‘‘chín muồi’’ của Pissarro sau khi ông tậu được nhà ở Éragny-sur-Epte, nhờ sự giúp đỡ của danh hoạ Claude Monet. Giai đoạn này cho thấy lúc sinh tiền, Pissarro không bán được nhiều bức tranh, mãi tới những năm cuối đời, ông mới được người ta chú ý tới. Trong suốt những năm tháng khắc khổ ấy, Camille Pissarro vẫn không thay đổi quan niệm sáng tác, không ‘‘chạy theo thời’’ và giữ nguyên nét vẽ phóng khoáng.
Những người hái táo, Camille PissarroRéunion des Musées Nationaux

Kể từ năm 1885 trở đi, Camille Pissarro lúc ấy đã ngoài 50 tuổi, làm quen với họa sĩ Georges Seurat, ông gợi hứng từ những nét chấm phá và kỹ thuật pha màu của họa sĩ, để đạt tới một bút pháp tự do hơn. Camille Pissarro nổi tiếng nhờ các bức vẽ về Paris, đặc biệt là góc phố Montmartre và các bến sông Seine, nhưng quan trọng hơn nữa là các bức kiệt tác như La Moisson à Montfoucault, Le Printemps à Pontoise, hay là Les Toits rouges …..
Camille Pissarro chủ yếu vẽ nhiều phong cảnh với chủ đề đồng áng, những nông dân đang cày cấy, gặt hái trên những đồng lúa mì. Tuy không nổi tiếng bằng Monet, nhưng Pissarro đã giúp định hình nét đặc trưng của trường phái ấn tượng : bức tranh càng sống động nhờ lối vẽ ‘‘lộ thiên’’, khi hoạ sĩ dùng màu sơn tái tạo nguồn ánh sáng tự nhiên

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...