Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

QUY Y PHẬT, QUY Y PHÁP, QUY Y TĂNG - Đỗ Chiêu Đức

 Bài nầy do Tác giả  Đỗ Chiêu Đức trả lời thầy Nguyễn văn Trường  hỏi  về Quy y Phật,Quy Y Pháp,Quy Y Tăng. Mời các bạn xem :


Chữ QUY mà thầy nêu ra từ các Tự điển cũng đã đầy đủ lắm rồi. Ở đây, em chỉ lạm bàn thêm về chữ QUY mà thầy thích nghĩa là CÁI KHUÔN. QUY nầy là 規 Cái khuôn để kẻ đường TRÒN, là cái Compa. Còn một chữ nữa là CỦ 矩 là cái khuôn dùng để kẻ hình VUÔNG, là cái Ê-ke. Không có QUY thì kẻ không TRÒN, không có CỦ thì kẻ không VUÔNG. nên QUY CỦ là cái khuôn phép giúp ta làm nên sự việc một cách hoàn hảo, hoàn chỉnh. Không theo QUY CỦ thì mọi việc sẽ bị méo mó, chệch hướng, không ra gì cả !  ( QUY và CỦ nầy đã được vua Hạ Vũ ( 2081- 1978 trước Công Nguyên ) chế ra lúc đang đi khai kinh trị thủy cho cả nước.).
        Bây giờ, thì xin trở lại với chữ QUY là VỀ, là THEO VỀ. 

        Chữ QUY 歸 gồm : Bên trái phía trên là bộ Phụ 阜 : là làng xóm chợ búa dựa theo ven sông. Phía dưới là chữ Chỉ 止 : là dừng lại. Bên phải là chữ Trửu 帚 : là cây chổi. Hàm ý là... Người du tử ngày xưa khi dừng chân trên một làng mạc ven sông nào đó, chợt thấy người đàn bà cầm cây chổi quét nhà , mà chạnh lòng muốn quay trở lại quê nhà, như nhà thơ Thế Lữ đã viết....

                     Rồi có khi nào ngắm bóng mây,
                     Chiều thu se lạnh gió heo may.
                     Dừng chân trên bến sông xa vắng,
                     Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây !

        nên...
             Chữ QUY có nghĩa VỀ là vậy.
       VU QUY : là về nhà chồng.
       QUY NINH : là Gái có chồng về nhà thăm cha mẹ ruột. Khi Thúc Sinh vừa lên đường về Lâm Truy với Thúy Kiều thì Hoạn Thư cũng đi về nhà " mét má " :
                      Gió câu vừa going dặm trường,
              Xe hương nàng cũng thuận đường QUY NINH.
      QUY PHỤC, QUY THUẬN : đều có nghĩa là Ngoan ngoãn mà về theo ai đó.... Còn....
      Chữ QUY mà Thầy nói là có Bộ Bạch 白, còn bên kia là Chữ Phản 反: là Ngược lại, QUY 皈 nầy là một dị bản, một cách viết khác của chữ QUY nêu trên, nếu chiết tự thì có nghĩa : Đang trong chỗ tối, đi ngược lại để trở về với chỗ sáng ,  đặc biệt là chữ QUY 皈 nầy CHỈ DÙNG TRONG KINH PHẬT chứ không được dùng rộng rãi như chữ QUY 歸 trên.
            Còn chữ Y, thì Thầy cũng đã rõ nghĩa rồi . 
      Y : là Dựa, là Tựa, là Nương Theo, là Quyến Luyến. Nên...
          QUY Y : là Về để nương tựa theo, là Dốc lòng về với .... Hiểu rộng ra là Bỏ chỗ tối về với chỗ sáng, Bỏ nơi mê muội mà về nơi bến giác, Vượt qua bể khổ để đến với nát bàn......
       Nhưng, kính thưa Thầy,
            Vì Thầy yêu cầu Chiết tự, nên em mới chìu theo ý Thầy mà chiết tự cho vui vậy thôi, chớ.... " Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng ", gọi chung là " Quy y Tam bảo 皈依三寶 ". Đây là những từ chuyên dùng của đạo Phật, mà đã là là từ chuyên dùng của Phật giáo thì phải tìm hiểu nguồn gốc của các từ nầy trong kinh Phật bằng tiếng PHẠN Thầy ạ, chữ Hán cổ chẳng qua cũng là văn tự dùng để dịch kinh Phật mà thôi. Ví dụ : Nước ITALI, người Hoa nhại bằng âm Quan Thoại là 意大利, ta dịch lại âm nhại của người Hoa là Ý Đại Lợi, rồi gọi tắt là nước Ý, nên ITALI và Ý Đại Lợi về mặt ý nghĩa không có ăn nhằm gì với nhau cả, chỉ là nhại âm cho có tên để gọi mà thôi.

       Tương tự, ta có CANADA là Gia Nã Đại, AMERICA là Mỹ Lợi Kiên, là nước Mỹ...v.v....
            
       Sự thật, TAM QUY Y là " Tisarana ", " Ti " là Tam, và " sarana " là Nơi Phù hộ che chở, ý muốn nói là do Phật Pháp Tăng ba ngôi hình thành nơi che chở phù hộ cho những ai theo về. Trong chương thứ 14 của kinh " A tỳ Đạt ma câu xá luận " thì giải thích...
       QUY Y là " Saranam gacchami ". Gacchami là động từ chỉ sự thẳng tiến, đến nơi, và Saranam là Danh từ chỉ sự che chở phù hộ. Như vậy, thì QUY Y là " Thẳng tiến đến nơi mà ta sẽ được sự che chở phù hộ ", nói cách khác là " Về với Phật Pháp Tăng để hưởng được sự phù hộ và che chở ". Cũng theo Kinh trên,  Saranam gacchami  còn có nghĩa Cứu tế và Nương tựa, nên mới được các nhà dịch thuât, Trung Hoa dịch là QUY Y.

         Kính Thầy,
               Dựa theo sự hiểu biết có hạn và tài liệu tìm được trên mạng, em chỉ có thể góp bao nhiêu ý đó với Thầy mà thôi !

                              
                                Nay kính,
                              
                              Đỗ Chiêu Đức.

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...