Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

CHẢY MÁU TRẮNG - FB Phạm Gia Hiền

Khi tôi còn nhỏ, cũng như mọi đứa trẻ khác, tôi vừa nghịch đủ trò vừa đối mặt với nỗi sợ chảy máu. Chỉ cần ngã một cú, thì lập tức tôi sẽ la toáng lên rằng mình bị chảy máu và đang chết đây này. Ban đầu thì mẹ tôi cũng cuống cả lên, nhưng sau nhiều lần lo hụt, bà hài hước gọi đó là “chảy máu trắng”. Một dạng cường điệu lố bịch của trẻ con, không hơn.
Bây giờ, trong cái nắng oi ả phát rồ của mùa hè, chúng ta thử tiếp tục nói về những câu chuyện xới xáo lên trong kỳ họp Quốc hội. Bởi vì chẳng gì thì các đại biểu cũng đã làm việc rất nhiệt tình suốt cả tuần qua.
Xin nhắc lại: Rất nhiều chuyện lớn bóc ra từ các kỳ họp quốc hội, chứ không phải chỉ là mấy lời nói nhăng cuội của các ông bà nghị cực hữu.
Báo cáo trong kỳ họp Quốc hội hôm 23/5, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết kết quả kiểm toán công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 phát hiện một số bệnh viện có thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn đã hỏng, không sử dụng được.
Kết quả kiểm toán các bệnh viện ở 11 tỉnh thành cho thấy có 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá hơn 371 tỷ đồng. Trong đó:
– 649 thiết bị hỏng không khắc phục được (hơn 68 tỷ đồng)
– 120 loại hỏng chưa sửa chữa (hơn 151 tỷ đồng)
– 456 trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng (trị giá hơn 151 tỷ đồng).

Theo Kiểm toán Nhà nước, nhiều thiết bị y tế được đầu tư mới nhưng dùng hoặc mới sử dụng đã hỏng. Và danh sách “đen” lãng phí thiết bị y tế vừa bị Kiểm toán Nhà nước chỉ mặt, đều là những thành phố lớn nhất cả nước, những bệnh viện tuyến trung ương.
Phải gọi đích danh đây là sự độc ác. Không gì khác. Bởi vì chăm sóc y tế ở Việt Nam thuộc dạng tồi nhất thế giới – cả về lượng lẫn chất (bình quân 10.000 dân mới có 1 bác sĩ, và tỷ lệ đầu tư cho chăm sóc sức khỏe chỉ từ 7-8% GDP). Vậy mà với số trang thiết bị ít ỏi quý giá ấy, người ta vẫn lãng phí đến hàng trăm tỷ đồng.
Chúng tôi đã cử phóng viên tiếp cận điều tra với các bệnh viện, và thật ngạc nhiên là kể cả khi phải giải trình với kiểm toán nhà nước (cũng như với Bộ Y tế và chính quyền các địa phương) thì các bệnh viện luôn vận dụng 1 lý do kinh điển: Thiết bị hỏng hóc ngoài ý muốn, không có khả năng sửa chữa.
Thực tế, mỗi gói thầu thiết bị y tế đều được xem là một chiếc bánh gato ngon lành, mà tất cả các bên có liên quan đều cho rằng mình sẽ được chén một góc. Không hẳn vậy. Không phải ai cũng được chén, không phải ai cũng có phần, nếu không hiểu “luật-chia-bánh”.
Dưới đây là một dẫn chứng còn nóng hổi.
Ngày 29/11/2016, Bệnh viện Ung bướu TPHCM phát hành hồ sơ mời thầu và ấn định 14 giờ ngày 29/12/2016 sẽ đóng gói thầu “Cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh” trị giá 240 tỷ đồng.
Có 4 nhà thầu mua hồ sơ, và cuối cùng có 2 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.
Hai dòng máy có model cao cấp nhất của hai hãng Elektra do Công ty CP Đầu tư Y tế Việt Mỹ ở Hà Nội, và Varian của Công ty dược trang thiết bị T.D ở TPHCM tham gia thầu đều có thể đáp ứng.
Thế nhưng, từ đây bắt đầu xuất hiện hàng loạt dấu hiệu mập mờ, rất loằng ngoằng, xin tóm lược dưới vài gạch đầu dòng:
– Bệnh viện Ung bướu TP HCM đã điều chỉnh tiêu chí về năng lực kinh nghiệm thi công hợp đồng tương tự, và hàng loạt các tiêu chí kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu (HSMT). Với lý do đó, BV này đã 5 lần gia hạn thời gian bán HSMT, kéo dài thời gian phát hành HSMT thêm gần 4 tháng, (nhưng cũng chẳng có thêm nhà thầu nào đến mua HSMT và tham dự đấu thầu).
– Bệnh viện Ung bướu TP HCM cũng bất ngờ là điều chỉnh cả các tiêu chí đánh giá kỹ thuật mà Bệnh viện đã dày công xây dựng trong HSMT dù không có nhà thầu nào kiến nghị là cần điều chỉnh kỹ thuật.
– Lý do sửa đổi HSMT để tăng tính cạnh tranh, tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu có thể tham dự (bằng cách giảm yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hoá tương tự) nhưng ngầm sửa đổi tiêu chí chấm điểm kỹ thuật để chỉ có thiết bị của 1 hãng duy nhất đạt kỹ thuật. Đó là Công ty TNHH Dược phẩm trang thiết bị y tế T.D (Công ty T.D).
Trước sự việc trên, ngày 8/5, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà ký công văn gửi UBND TPHCM truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu: “UBND TPHCM kiểm tra việc đấu thầu của gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh của Bệnh viện Ung bướu TPHCM; Giải quyết khiếu nại của Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Mỹ liên quan việc đấu thầu của gói thầu nêu trên; Có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 1/6”.
Vụ đấu thầu “đi đêm” lộ liễu này, rốt cuộc sẽ đi về đâu? Câu trả lời chưa thể rõ ràng lúc này. Nhưng có những con số chênh lệch rất rõ ràng: Nếu gói thầu mua sắm máy xạ trị gia tốc tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM được đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh, và đúng luật thì giá trị giảm giá gói thầu có thể lên tới 50 tỷ đồng, giá trị giảm giá gói thầu đạt khoảng 20,8% giá dự toán gói của gói thầu, đây là khoản tiết kiệm rất lớn cho bệnh viện và cho chính bệnh nhân ung thư.
Và thế, tôi nhớ đến nụ cười khảy của mẹ tôi, khi bà kết luận gọn lỏn về một sự giả dối lố bịch của trẻ con: “Chảy máu trắng!”.
Những dòng máu trắng chảy ròng ròng bên dưới những chiếc áo blouse đã nhuốm đen không ai hay biết…
Từ facebook Phạm Gia Hiền

1 nhận xét:

ThaiLy: ĐỘ (T.Vấn và Bạn Hửu )

                                             Trước Cơn Giông – Tranh (sơn dầu): MAI TÂM Đó là tên nhân vật của truyện! Tên một thằng bé...