Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Đường Về Nhà - Nguyễn Ngọc Thuần

Đó là căn nhà trên đồi, mỗi buổi chiều mẹ tao ngồi ở đó. Tao sẽ làm gì ấy à, chẳng làm gì, tao ngồi trong căn nhà thế thôi. Điều đó không êm ái, dịu dàng à?


Tôi đã được nghe câu nói này vào một đêm, người nói chuyện với tôi là Toản. Ngồi bó gối và say khướt. Tôi đến ở ké phòng trọ của nó. Đáng lý tôi cũng chẳng đến nhưng chẳng còn con đường nào. Sự run rủi đôi khi lại là một cơ may.


Ai cũng cần một căn nhà. Điều này được viết ở đâu đó, hay tôi viết ra cũng không biết nữa. Nếu đó là căn nhà của tôi, nó sẽ ra sao? Trồng Lan à, tên của nàng. Những người tên Lan, Điệp, Phượng đều nhạt nhẽo. Mẹ tôi nói vậy. Những người tên Yến thường trắng trẻo. Lan là người yêu của tôi, nhạt nhẽo thì cũng là người yêu của tôi.


Có một khoảng thời gian dài, trước khi muốn tìm hiểu ai tôi đều hỏi tên rồi gọi điện về cho mẹ. Tôi chẳng tin cái trò này nhưng vẫn thích vậy, thích nghe cách mẹ nói. Con đố  mẹ, người tên Dung thì thế nào? Trời ạ, con không thấy cái tên đó không hề có một chút màu sắc hay sao? Mẹ thích nhất là những người tên Thoa. Những người tên này dám lam lũ một đời vì chồng. Sau này tôi hiểu ra những cái tên mẹ cho là nhạt nhẽo thường là tên mang cấu trúc thực vật: Lan, Huệ, Cúc, Hồng, Phượng...


Đôi khi tôi cũng nảy ra ý định đi tìm người tên Thoa xem sao. Cái tên này được xem như một biểu tượng chịu đựng trong tôi. Nhưng hình như đời sống bây giờ những cái tên này gần như tuyệt tích. Tôi nói với mẹ như vậy.


- Rất tiếc cô Thoa mày đã chết rồi, lại chết từ thời chiến tranh, nhà cũng chẳng có lấy một tấm hình để thờ. Nếu không mẹ sẽ đưa cho con xem.


Cô Thoa. Cô Thoa bán nhà để chạy chữa thuốc thang cho chồng, cô đi chưa qua khỏi chiến tranh đã chết. Cô chưa có dịp cất nhà lần thứ hai. Cô chỉ có một căn nhà đã mất, cho một cuộc đời đã mất.


- Với tao, ngôi nhà như một biểu tượng yên lành - Toản nói.


Tôi ở với Toản được một tháng thì cả hai dọn qua phòng trọ khác. Người chủ nhà cũ không thích những kẻ về khuya. Một lũ trác táng, trong mắt của bà tôi đọc được điều đó. Bà tên Hạnh. Có nói gì nhiều thì cũng không thể thay đổi con mắt của bà.


Tôi gọi điện về cho mẹ.


- Đố mẹ, người tên Hạnh thì thế nào? - Tôi nín thở để nghe điều này.


- Người tên Hạnh ấy à, để mẹ xem, thường thì đoan trang hơn mức cần thiết.


Hình như mẹ tôi nói vậy. Tôi rú lên, trúng phóc. Ít ra thì cũng đúng trong trường hợp này.


Xem ra trên cõi đời để có một cái tên khó lắm thay. Một cái tên lưu lại, một cái tên để ta có thể yêu, để hi sinh cho nó. Bạn thân tôi tên Quốc, Hà, Thảo..., đôi khi tôi cứ đoán mò họ tượng trưng cho điều gì. Nhưng hoàn toàn không bao giờ hỏi mẹ. Một đời sống con người có dễ dàng đoán định thế chăng?


Căn phòng mới thuê nhỏ hẹp như một giấc mơ tầm thường. Cổng vào đơn độc, bẩn thỉu. Nằm cao vút trên tầng năm. Muốn vào giấc mơ này tôi phải đi 120 bậc thang và qua một hành lang đầy trẻ con. Không biết tại sao chúng nhiều đến thế, trần truồng đen đúa. Tôi hay nhìn chúng, tuổi thơ của tôi nằm trong đám này đây, thò lò mũi dãi, thiếu chăm sóc. Bố mẹ của chúng gần như tôi không nhìn thấy. Họ đi từ sáng sớm, nửa khuya mới về. Đứa lớn lo cho đứa nhỏ. Đôi khi tôi có nghe tiếng cha mẹ nó cười, yên lành, trần trụi. Sự yên lành này như mang trong mình một cơn bão, chúng có thể cuốn đi bất cứ lúc nào.


Một đôi lần tôi đi qua đi lại trước căn phòng của họ, tôi muốn nhìn thấy khuôn mặt người đã cười kia. Nhưng thường thì chỉ thấy cái bóng. Họ đang ôm đứa con của mình, họ đang ôm cái mớ giẻ rách thần thánh của mình. Và cái bóng bật cười khanh khách.


Đêm nằm tôi nghĩ về họ, nghĩ về tiếng cười. Bởi tôi thừa biết họ chỉ có thể cười trong giây phút ngắn ngủi thôi, sau một ngày làm việc mệt nhọc không còn kẽ hở. Cái kẽ hở ấy họ dành cho cái mớ giẻ rách kia. Cả một đời sống to lớn hùng vĩ bên ngoài đã được cất đi trong bóng đêm như vậy.


Những ngày tháng thất nghiệp nối tiếp, tôi chơi với đám trẻ con. Tôi cho chúng nó một niềm tin rằng có một ngôi nhà dành riêng cho chúng. Ở đó người ta có thể ngoáy mũi mà không bị người lớn la. Có thể ăn bánh như một ông hoàng, và dĩ nhiên ở đó người ta bình thản trong nỗi buồn.


Ý tưởng này đến với tôi có lẽ từ ngôi nhà của Toản. Nó thường say ngất vào những ngày nghỉ. Mặc dù nó chỉ bằng tuổi tôi thôi. Mặt nó già choắt. Tôi đếm được bốn nếp nhăn. Đáng sợ lắm. Điều đó có nghĩa rằng một lưu lượng thời gian lớn hơn tôi tưởng đã trôi qua, chúng trôi nhạt nhẽo và buồn phiền. Trôi không nhìn thấy.


Một đôi lần tôi ngồi uống với nó. Toản nói.


- Tao vừa nghĩ ra một điều như thế này, ngôi nhà chính là dấu ấn về một con người, về khả năng của họ gắn bó với một địa điểm. Mẹ tao suốt cuộc đời không bao giờ ra khỏi căn nhà của mình.


Hôm đó Toản bốc hàng cho một người nước ngoài, một ông tây già cỗi ở bến đỗ xe. Cái vốn ngoại ngữ kha khá bỏ ngang ở đại học thường giúp nó vớ bẫm những cú như vậy. Ông ta khoảng chừng năm mươi, có một đứa con gái nõn nà. Và Toản gọi cô ta là “người huyền bí”. Một tiêu đề hống hách có thể cầm chân mọi câu chuyện.


Nó được ông ta dẫn về nhà, khu biệt thự cho thuê, có hồ bơi. Ngẫm nghĩ thế nào nó xin ông ta được tắm ở đó.


- Đúng là điên thật! - Tôi thốt lên.


- Nhưng chẳng sao - Toản cười - Hồ nước xanh lắm. Khi tao đang tắm thì “người huyền bí” đi ngang. Tắm xong tao xin ông ta được lên sân thượng chơi. Tao xin đến ba lần. Chắc ông ta sợ tao là kẻ cướp. Tao nói với ông ta vẻ đẹp của một ngôi nhà không phải nó mang trong mình một kiểu cách gì, mà nó đẹp ở chỗ từ sân thượng nhìn ra bầu trời trong vắt thế kia. Lưỡng lự một hồi ông ta quyết định cho tao lên. “Người huyền bí” cũng lên theo. Đứng trên cái sân thượng đẹp đẽ đó ta muốn lao mình ra ngoài dễ sợ. Nếu có được một căn nhà như vậy thì cú nhảy của tao chẳng nhằm nhò gì so với vẻ đẹp của nó.


Đó là một căn nhà bốn tầng, rất nhiều bancông. Cầu thang lên tay vịn bọc đồng. Trên đó có một bộ bàn ghế giản dị và một chiếc dù. Những buổi chiều xuống ông tây đã ngồi ở đây. Ông ta uống rượu tây. Ông ta nhìn xuống buổi chiều đẹp đẽ, nhìn xuống những hàng cây.


- Mày tưởng tượng nổi không, “người huyền bí” mời tao một ly rượu rót từ chai rượu của bố. Thế rồi cả ba chúng tao cùng uống. Ông ta kể tao nghe về một căn nhà xa xôi nào đó ở nước ngoài. Mùa đông tuyết đã rơi xuống như thế nào. Trên bancông màu trắng tuyết của chúng như một biểu tượng thanh khiết và bi thảm. Ông ta co ro trong sự cô đơn và mơ về một nơi nắng đẹp. Ông ta khát khao một tia nắng. Một tia nắng như ngoài cửa sổ này đây.


Và Toản đã kể cho ông ta nghe về căn nhà tưởng tượng của nó. Cái thứ ánh nắng như vậy không thiếu đâu. Một lũ gà, trời ơi, chúng nhàn nhã như thế nào, đi lại trong sân. Lũ gà mái đã đẻ ra những quả trứng thơ mộng trinh trắng nhất...


- “Người huyền bí” khen tao kể chuyện hay, còn ông bố bắt tao uống đến say bí tỉ. Uống xong, tao xin tắm một lần nữa. Trời ạ, mày tưởng tượng đi, thế giới này mà không tưởng tượng thêm thì con người chắc phải chết vì nghèo; hồ bơi rộng khủng khiếp, từ đầu này đến đầu kia cũng phải 25m. Người tao ướt đẫm, lạnh run, nhưng vẫn muốn tắm. “Người huyền bí” cho tao một cái khăn thơm ngát. Riêng người bố hẹn tao một lúc nào đó rảnh rỗi đến chơi. Tao đã là khách của họ. Và tao đã hứa. Chuyện chỉ có vậy.


Một hôm ngoài hành lang có tiếng cãi vã nhau rất lớn. Đó là mẹ của thằng bé mà tôi thương nhất, tôi thương nó vì nó chảy mũi dãi nhiều nhất. Nó gợi cho tôi nhớ về tuổi thơ của mình nhiều hơn cả, như một biểu tượng cô đọng, đặc quánh. Những đứa ít chảy mũi không làm tôi nhớ nhiều. Ngày xưa tôi không hề chảy mũi như nó đâu, nhưng hình như với cái biểu tượng như thế mới làm tôi nhớ sâu sắc hơn. Mẹ nó đang bị chủ nhà mang đồ ra để ngoài cửa. Có lẽ cô ta chưa trả tiền nhà. Những lần trước cũng thấy bị vậy nhưng sau đó thì lại dọn vào. Cũng có thể đã có tiền trả chủ nhà hoặc họ cho nợ gì đó. Tôi không rành lắm nhưng có thể đoán ra.


Nhưng lần này có vẻ khác hơn, cô ta ngồi khóc. Thằng nhóc đứng bên mẹ. Mũi nó chảy dài ra. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bố nó hoặc bất cứ bóng dáng một người đàn ông nào trong căn phòng đó. Chỉ có hai mẹ con. Thường thường cô ta ghé về nhà vào lúc trưa trật và sau đó đi tiếp đến nửa khuya. Thằng bé tự ăn tự ngủ. Có hôm thấy nó nằm trên vách cầu thang ngủ thiếp đi. Có lẽ nó trèo lên tuột xuống chán chê thế là cơn buồn ngủ ập đến. Tôi ẵm nó vào nhà. Vừa ẵm vừa thấy ghê ghê cái phần mũi dãi.


Có một lần tôi tắm cho nó vào ban trưa. Chẳng hiểu nghĩ gì, chỉ chợt nổi hứng bất thường vậy thôi, một chút lãng đãng đâu đó trong người còn sót lại khiến tôi làm việc này. Tắm rửa xong, khuôn mặt nó bỗng sáng bừng đến không tin nổi. Giống như có một thiên thần nằm đâu đó bên dưới lớp da bẩn thỉu kia. Đến chiều nó nhếch nhác trở lại. Thiên thần cũng chẳng thấy đâu. Và Toản kết luận rằng những thiên thần đến rồi đi, và cái nguyên nhân sâu xa nhất đó là sự nghèo khó, sự nghèo khó đã giấu đi những thiên thần. Tôi cho đây là một câu trả lời hay nhất về sự hiện hữu của những thiên thần.


- Thế giới này có gì nào?


- Đó là một căn nhà - Toản trả lời như đinh đóng cột - Người đàn bà kia đã bị lấy đi cái thế giới mà cô ta cần. Sự hiện hữu của cô ta chứ đâu.


Hai ngày sau, không một lời từ biệt, cô ta lặng lẽ ra đi. Cô ta cũng không có ai thân quen để mà nói điều này. Những khoảnh khắc của sự giao tiếp đã bị cắt xén một cách tồi tệ. Vì đâu, chỉ vì miếng ăn thôi. Chúng đã trám vào cái thế giới đáng lý cô ta sẽ được rảnh rỗi gặp gỡ người này người kia, trao đổi, hàn huyên, được cởi bỏ tấm lòng mình. Mười hai giờ đêm cô ta mới về đến nhà thì thử hỏi làm sao, chỉ còn lại một đứa con thò lò mũi dãi thôi.


Ba hôm sau tôi nhận được một công việc - là ngày vui của tôi. Tôi kéo Toản đi làm vài chai bia, trả thù những ngày đói meo. Vả lại tôi muốn nhắc nhở cho nó thấy rằng những chai rượu đầy cồn của nó thật tồi tệ. Chúng cũng là men đấy - một sự tồi tệ, nhưng có những chất men tồi tệ khác thanh tao hơn, nó được nấu bằng lúa mạch. Nó được ủ trong những hầm kín, trưng bày sang trọng trong những khách sạn đắt tiền.


Khi uống được ba chai bia thì thằng Toản khóc.


- Khốn nạn thật, mày sỉ nhục tao đấy à!


Một điều ngoài dự đoán của tôi. Cả hai lầm lũi bỏ về. Đường về xa lắc, qua hai cây cầu. Qua hai cây cầu tức là qua hai con sông. Người xưa xem chuyện qua sông như một biểu tượng của sự xa cách. Như đi qua một quãng đời. Tôi chưa đi hết một phần ba cuộc đời thế mà đã nhìn thấy sông rồi. Chiếc cầu thứ hai bỗng dưng làm tôi e dè ở đó.


- Thôi quên đi. Nhiều lúc sao tao đau đời đến thế - Toản nói - Chúng mình ghé chỗ lão già nước ngoài chơi đi. Lão dễ thương lắm. Tao sẽ cho mày thấy thế nào là một hồ bơi dài 25 mét, vuông vắn và hoàn toàn nằm trong nhà.


Chúng tôi quay lại khu biệt thự. Ngay từ xa tôi đã nhận ra cái bancông mà thằng Toản nói. Nó đẹp quá. Như một giấc mơ lạ lùng của kẻ không nhà, của những kẻ tha phương đến tìm kiếm sự hiện hữu. Thằng Toản mạnh dạn đến nhấn chuông.


- Tao quên mất, không mua cái gì đó làm quà cho lão - Toản nói - Người già giống như một lần nữa trẻ con, họ chỉ chờ đợi những điều như thế.


Cửa mở. Một người phụ nữ bước ra. Tôi giật mình. Đó là mẹ của thằng bé thò lò mũi dãi.


- Chị đấy à? - Tôi thốt lên.


- Các cậu là ai?


- Tụi tôi là người thuê nhà gần chỗ chị hôm trước đấy.


- À, thì ra là vậy. Tôi vừa được người ta thuê coi nhà này hai hôm nay. Tôi sẽ ở đây cho đến lúc có người khác thuê thì đi.


- Thế thằng bé đâu rồi?


- Nó ngủ. Các cậu còn nhớ nó à? Căn nhà này mát lắm nên nó ngủ suốt ngày, chẳng thèm đòi ăn nữa. Từ nhỏ đến giờ nó chỉ toàn ở trong những căn nhà nhỏ và nóng.


- Thế chị có biết ông tây vừa mướn căn nhà này đi đâu không? - Ông ta chết rồi. Nhảy lầu, tự tử. Có như thế người ta mới thuê tôi đến đây. Những người phục vụ cũ bỏ đi hết. Họ sợ. Tôi cũng sợ, nhưng để có nhà cho thằng bé ở, đành cắn răng.


- Chị có biết tại sao ông ta tự tử không?


- Nghe nói ông ta không có nhà, không người thân. Ông ta là tây nhưng cũng không có nhà. Ông ta dành dụm được một ít tiền và đến đây để chết. Ông ta thèm nhìn ánh nắng.


Chúng tôi lặng người. Thì ra cũng vậy, những kẻ đi tìm. Những kẻ đi trên cỏ non dự tưởng. Tính hết mùa hè này tôi đã ở thành phố 11 năm. Tôi đã thay đổi giấc mơ 27 lần cả thảy về một căn nhà. Đầu tiên là một căn nhà vĩ đại, và cứ tiếp nối nhau nó thu hẹp dần lại, bây giờ nó chỉ là một căn nhà cũ kỹ, nhỏ bé, xa ngút ngàn. Cái chết của ông tây đã nhắc nhở tôi không phải chỉ ở đây, mà còn ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, không chỉ 11 năm, có đôi khi giấc mơ kéo dài hết cả cuộc đời.


- Thôi, thế là ông ta đã về nhà rồi - Toản nói như muốn khóc - Em còn nợ ông ấy một lần đến thăm.


- Em quen ông ta à?


- Em cũng không biết nữa. Thôi, chúc chị may mắn. Tụi em về đây.


Có tránh né thì con sông cũng hiện ra ở cuối con đường. Đường về nhà. Đường về nhà sao xa quá. Đi mãi sao không tới, đi mãi vẫn không thấy, nó nằm quá xa khỏi tầm mắt tôi.


Thế bạn hỏi cô gái huyền bí con của ông tây đâu ư? Có cô gái nào đâu. Thằng Toản đã thêm cô ta vào, như chúng tôi đã từng thêm vào đời mình những điều huyền bí, những điều bí mật, những điều mà cuộc sống xa nhà không bao giờ có. Ông ta là một kẻ cô đơn.


 
NGUYỄN NGỌC THUẦN

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...