Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

THIÊN THƯỢNG THIÊN HẠ DUY NGÃ ĐỘC TÔN LÀ GÌ?

Tương truyền câu nói nổi tiếng“THIÊN THƯỢNG THIÊN HẠ DUY NGÃ ĐỘC TÔN” là của Đức Phật Thích Ca khi Ngài giáng sanh nơi nước Ấn Độ. Ý nghĩa câu nói đã bị diễn dịch sai lệch từ hàng ngàn năm qua những hệ phái khác nhau, qua những cá nhân khác nhau, cùng theo theo Phật Giáo hay không theo, đã làm cho người khác hiểu lầm thật đáng tiếc. Theo đó, ý nghĩa theo ngôn từ trên như sau:
       Thiên: Ông Trời, từng Trời, cõi Trời. Thiên thượng: trên trời, tức cõi Trời. Thiên hạ: dưới trời tức chỉ nhơn loại. Duy: chỉ có. Ngã: Ta. Độc: một mình. Tôn: kính. Duy Ngã độc tôn: chỉ có cái Ta là được tôn trọng nhứt.
      
Nhiều người hiểu câu nầy theo nghĩa thông thường là: Trên Trời, dưới Trời, chỉ có một mình Ta là tôn kính nhứt.
       Vì hiểu như thế nên nhiều người cho rằng Đức Phật quá tự cao tự đại, xem Trời Đất không có ai bằng mình. Đó là một cái hiểu hết sức sai lầm, hết sức mê muội, bởi vì Ngài là Phật rồi thì Ngài là bực Đại giác, hiểu rõ mọi lẽ cao siêu huyền bí trong khắp Trời Đất, thì Ngài biết rõ, còn có rất nhiều Đấng cao minh hơn Ngài, đứng trên Phật vị của Ngài, như Đức A-Di-Đà Phật, Đức Nhiên Đăng Cổ Phật, v.v... thì Ngài không thể thốt lên câu nói tự tôn tự đại như thế, nếu vậy thì không xứng đáng với ngôi vị Phật của Ngài.
        Theo đó, chúng ta phải hiểu câu nói trên có một ý nghĩa khác hẳn, bởi vì Phật nói về Tâm pháp, ý nghĩa rất cao siêu, do nghĩa của chữ: NGÃ.

        Nhưng NGÃ là gì?
        Ở đây, Ngã không phải là cái Ta tầm thường thấp kém, mà là cái BẢN NGÃ của mỗi người, là sự CHẤP NGÃ (cố chấp cái Bản Ngã). Cái Bản Ngã ấy, sự Chấp Ngã ấy nó to lớn lắm, vĩ đại lắm, cho nên hễ có ai khác đụng chạm đến cái Bản Ngã nầy thì nó vùng lên phản ứng quyết liệt, cho rằng chỉ có nó là quan trọng nhứt, đáng tôn kính nhứt.
       Con người vì Chấp Ngã nên coi thường mọi người, mọi vật, coi thường cả Trời Phật, nên si mê ám muội, không học hỏi được điều gì nên không tiến hóa được bước nào, lại gây ra nhiều ác nghiệt tội tình, nên cứ lẩn quẩn trong vòng lục đạo.
       Cho nên, Đức Phật Thích Ca nói ra câu ấy là để Phá Chấp, Phá Mê, thố lộ Tâm pháp Thượng thừa.
        Người nơi thế gian thường chấp cái TA Phàm Ngã, vì dục vọng trần gian, vì tất cả những cái hư giả phù phiếm, vì lục dục thất tình đeo mang trong xác trần ô trược, nên phải chìm đắm trong biển khổ muôn đời.
        Vì chấp cái TA Phàm Ngã hữu hình nên không thấy được cái TA Chơn Ngã vô hình. Chính cái Chơn ngã nầy mới thật là Ta, vĩnh viễn là Ta, chớ cái Phàm ngã chỉ là cái Ta giả tạm, vì nó là hữu hình nên hữu hoại, nhiều lắm là trăm năm cũng phải tan rã (gọi là chết). Cái TA Chơn Ngã ấy là gì? Đó là Linh Hồn, Chơn Linh, là Atma, là thần thức, v.v... tùy theo tên gọi của mỗi tôn giáo và mỗi dân tộc.
        Khi biết được cái Chơn Ngã báu trọng ấy thì ta mới lo trau giồi cho nó tinh anh, đặng thấy rõ đạo pháp cao siêu mầu nhiệm, để trở về với chơn lý thâm uyên huyền diệu. Ta sẽ tìm được ta trong cái bổn lai diện mục của ta, trong ánh sáng nhiệm mầu của chơn lý hằng hữu bất biến. Đương nhiên cái ngôi vị cao trọng nơi cõi Thiêng liêng là kết quả.

      NGÔ đây được hiểu là chấp ngã, là dính mắc, là bị ràng buộc đủ mọi thứ. Chấp ngã có gốc rễ từ tham, sân, si. Tùy theo tham sân si nhiều hay ít, nặng hay nhẹ mà thọ sanh nơi các cõi trời (thiên thượng) hay đọa ở các cõi giới thấp như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh (thiên hạ). Cái ngã này là cái ngã vướng mắc trong mỗi con người từ khi sinh ra đến khi lìa bỏ cõi đời. Nó ngự trị độc tôn trong mỗi con người. Đừng ai lớ xớ đụng đến cái ngã này, nó sẽ nóng máu lên, phản pháo nếu có ai động đến, đó chính là cái “Duy Ngã Độc Tôn!
       Từ đó, câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” có thể hiểu rằng: Ta từ vô lượng kiếp đến nay, nhiều khi sanh lên các cõi trời, lắm lần đọa vào các địa ngục, đầu dây mối nhợ không do đâu khác hơn là tham sân si đẩy đưa đến ngã chấp mà không thấy rõ bản chất vô ngã, duyên sanh từ thân tâm đến hoàn cảnh chung quanh.
       Nghĩa là vì chưa tìm ra nguyên nhân, nên trải qua vô số kiếp ta phải chịu sanh tử luân hồi. Nay đã thấy rõ nguyên nhân và nhất là đã có phương pháp diệt trừ, thì sanh tử luân hồi không còn chi phối ta được nữa.
       Cho nên trong Kinh Pháp Cú câu 154 còn ghi lại:
     “Ta đi lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà chưa gặp kẻ làm nhà. Nay ta đã gặp ngươi rồi, ngươi đừng hòng cất nhà thêm được nữa, những đòn tay, những cột kèo, những rui mè... của ngươi đã bị mục rã cả rồi...”
        Ngươi ở đây chính là Ngã!

      "Duy Ngã Độc Tôn " là có ý tự cao, tự cho cái Ta hơn Nguời.
        Muốn đuợc làm Nguời nổi nhất, uy quyền nhất, đẹp nhất, giỏi nhất, …hay nhất, đặc biệt nhất …cao qúy nhất. Khi nghĩ “Ta là nhất” thì sẽ nảy sanh uy quyền và thế lực rồi ỷ quyền, cậy thế lực nảy sinh ý muốn sai khiến chỉ huy nguời khác làm thế này thế kia.
       Muốn tranh giành vị thế thuợng phong hơn nguời khác, không cho ai đụng cái cái Ta của mình nên cũng mang ý nghiã của tâm phân biêt Ta và Nguời. Đó là Ngã chấp.
- Ngã Chấp: là tánh ích kỷ, vị kỷ. Vì ai cũng tự cho mình (tự tôn) là đúng, là hợp lý, là nhất, là hơn, là phải đuợc ưu tiên, …v.v…nên sinh ra:
- Tham: muốn thâu tóm những cái hơn về Ta.
- Sân: khi nguời khác đụng chạm tới quyền lợi Ta, là phê bình Ta hay phỉ báng Ta.
- Kiêu mạn: khi mình hơn nguời thì có ý khinh nguời.
- Ganh tị: thấy nguời khác hơn thì tức tối ghen ghét, tìm cách hạ nguời xuống.
       Từ tham lam, sân hận, kiêu mạn, ganh tị, sinh ra những tranh giành, xung đột…, do đó mà “đuợc mất, hơn thua, thắng bại, khen chê, thiện ác…”, rồi tiếp tục sinh ra “vui buồn, yêu ghét, giàu nghèo, ân oán, suớng khổ, nuối tiếc hy vọng, bạn thù, thân sơ, khinh trọng ….”
        Đó là tâm "Duy Ngã Độc Tôn", nguyên nhân của tham, sân, si, ganh tị, kiêu mạn, và kế tiếp nữa sẽ là tranh giành, xung đột, dối trá, lừa đảo, tội ác và làm cho đời sầu khổ.
Vì chỉ lo nghĩ cho bản thân, nên ta chỉ biết vun đắp cho chính bản thân TA và những gì thuộc về TA (ngã), đã khiến chúng ta, quên đi quyền lợi và hạnh phúc của nguời khác đã khiến chúng ta có những  hành động sai lầm:
- Ích kỷ: là lo lôi kéo những lợi ích về cho TA
- Vị kỷ: là làm cái gì cũng vì bản thân TA truớc
- Tự cao, tự tôn, tự đại: là cho "cái TA" là nhất
- Tự ái: là chỉ yêu mình trên hết
        Tất cả những tánh trên là "Bản Ngã", nằm trong cái "Duy Ngã ".
        Vì tự cho cái TA là đúng nhất tốt nhất, nên ta luôn tôn mình lên và hạ nguời khác xuống, phô trương cái hay của mình, che dấu hay chối bỏ lỗi của mình, bới móc cái lỗi của nguời.
       Đó là những tính chất:
- Phô trương mình
- Dìm nguời xuống
- Dấu lỗi mình
- Phô lỗi nguời.

        Cũng làm những việc giống y như nhau, vào thời điểm cũng như nhau, cùng mục đích hướng tới như nhau; nhưng của mình làm, của nhóm mình làm thì cho là chính nghĩa, là đúng lý, là lẽ phải. Còn việc kẻ khác làm thì lại lên án, phê phán là tà mỵ, là theo Tả đạo Bàng môn, là phi nhân, phản bội..v..v. Tất cả đều do xuất phát từ cái Bản Ngã xấu xa kia xúi giục.
       Trong Đạo Cao Đài, Đức Hộ Pháp PhạmCông Tắc lúc thuyết Đạo tại Đền Thánh (đêm 30 tháng 5 năm Quý Tỵ) có dạy:

      “Hôm nay, Qua giảng về sự thật và cái hay của tánh đức hạ mình và khiêm nhượng đổi lụng lại phản lực của nó là: Tự cao, tự tôn, tự đại.

       Chúng ta thử xét đoán tại mặt thế nầy, ta mang thi phàm xác thịt cũng như ai, ta xét đoán lại coi ta có hơn ai chăng? Có đặng hơn cái chi mà ta tự cao, tự tôn, tự đại? Cũng ở trong lòng mẹ mà ra, ai cũng sanh trong một khuôn luật như ta. Thân hình cả thiên hạ nơi mặt địa cầu này hai ngàn bảy trăm triệu người, ta thử so sánh có thể hơn hai ngàn bảy trăm triệu người đó hay chăng mà ta tự tôn, tự đại?

      Ta cũng như một hột cát ở bãi sa mạc kia.

       Lấy theo tình lý mà luận, đầu ta cũng một đầu, thân ta cũng một thân, ta không phải ba đầu sáu tay hơn ai mà ta tự tôn, tự đại, nếu lấy theo hình thể mà luận thì thân nầy thế nào, thì thân của bạn đồng sanh ta cũng như ta vậy. Ta không có lý do gì gọi ta hơn kẻ đó, hơn bạn đồng sanh ta mà ta tự tôn tự đại. Nếu như ta luận về mặt tinh thần, tại sao ta còn được Đại Từ Phụ ban cho ta khôn ngoan khéo léo, biết nên, hư, phải, quấy, lấy tinh thần đặng định hướng cái cái mạng sống của mình coi có mục đích chuẩn thằng không?

       Ôi! Thoảng như bạn đồng sanh ta thiệt thà hơn ta, thiếu kém về mặt trí thức tinh thần hơn ta, ta ngó thấy, nếu ta hơn bạn ta là nhờ căn tu của ta dày hơn họ chút thôi, còn căn tu của họ mỏng hơn ta một chút mà thôi, lấy theo lý luận về căn tu ấy, thì ta hơn họ, hơn mảy may mà thôi, hơn môt chút xíu thôi, không phải đủ mà ta tự cao, tự tôn, tự đại.

      Trái ngược lại, nếu người bạn đồng sanh thiếu kém hơn ta, khiếm cảnh tu hơn ta, mạng căn quả kiếp nặng nề hơn ta, thì ta phải thương yêu họ, tội nghiệp dùm họ, chớ ta không có quyền nào thù ghét họ, coi họ là hèn hơn ta, ta cao trọng hơn họ là không có lý do vậy. Bây giờ trái lại cái phản lực đó, chúng ta thử nghĩ coi, mình phải khiêm nhượng chơn thật hay xảo trá? Nếu kẻ nào tự cao, tự tôn, tự đại, mà giờ phút nầy không biết hạ mình đặng chiều chuộng người, thì đời nó không buổi nào thiên hạ thương được, dầu cho từ buổi nhỏ dĩ chí 100 tuổi già đến chết nó vẫn học mãi thôi, không buổi nào gọi tự đủ…”

       (Trích Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp, năm Quý Tỵ)

       Bởi vậy cho nên: "Vị Ngã " (là sự thiên vị trong ngã chấp), là tánh xấu cần loại bỏ, nhất là đối với những người đang tập luyện tu hành, đang gần lẽ Đạo.

       (Tài liệu do Hồ Xưa sưu tầm từ nhiều nguồn)

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...