- Trịnh Thanh Thủy (Tap chí Da Màu )
Nếu bạn là người thích thuyện chưởng hay phim bộ kiếm hiệp hẳn bạn
nhớ nhân vật nữ phụ của nhà văn Kim Dung có tên là Tiểu Siêu (có bản
dịch là Tiểu Chiêu). Cô là một trong số những thiếu nữ yêu Trương Vô Kỵ
trong truyện Ỷ Thiên Đồ Long ký. Tiểu Siêu, con lai giữa Ba Tư và Hán,
là con gái của Kim Hoa Bà Bà và Hàn Thiên Diệp. Nàng rất dịu dàng,
thương yêu Vô Kỵ thầm lặng, không ghen tuông, không giận chàng. Nàng
xinh đẹp, đảm đang, tính tình có phần trẻ con dễ thương. Nếu như nàng
không quay về Ba Tư làm Thánh Nữ tức Giáo chủ Minh giáo Ba Tư để thay
tội thất tiết cho người mẹ Thánh Nữ của mình, có lẽ mối tình giữa nàng
và Vô Kỵ đã có kết thúc hoàn hảo. Tiểu Siêu là mẫu người con gái ngoan,
đẹp, dịu hiền mà nhiều người trong phái nam rất thích để lấy làm vợ khi
đọc Kim Dung.
Sở dĩ tôi nhắc đến Thánh Nữ Tiểu Siêu của Kim Dung vì xin thưa với
bạn trong chuyến viếng thăm Nepal gần đây, tôi được đoàn du lịch dẫn đi
xem Thánh Nữ Đồng Trinh (Kumari) của họ tại thủ đô Kathmandu, Nepal.
Người Nepal rất tôn sùng và kính trọng vị nữ thần sống (Living Goddess)
này. Mỗi địa phương có riêng một Thánh Nữ, nhưng vị Thánh Nữ ở thủ đô
Kathmandu là vị thần chung mà cả xứ Nepal thờ phụng. Vị thánh sống đương
nhiệm mới được bầu lên hồi tháng 9, 2017 là một bé gái mới được ba
tuổi, chứ không phải cô gái đương xuân xinh đẹp như Tiểu Siêu mà tôi lầm
tưởng. Người hướng dẫn đoàn bắt đầu giảng giải:“Kumari, có nghĩa là Nữ
Thánh Đồng Trinh, của chúng tôi là hiện thân của Taleju Bhavani – Nữ
Thần Rắn (Naga Goddess), một trong các hóa thân của Nữ thần tối cao
Durga. Người ta tin rằng, Nữ Thánh Đồng Trinh có một quyền lực siêu
nhiên có thể bảo trợ vận mệnh cho Quốc vương, toàn bộ vương quốc, và làm
cố vấn cho ngài mỗi khi có một vấn đề nan giải. Tục lệ này, xuất hiện
trong xã hội Hindu (Ấn giáo), đã có từ xa xưa tại Nepal và một số nơi
tại Ấn Độ. Riêng ở Kathamandu, truyền thống chọn Kumari hình thành trong
cộng đồng người Newar, cùng sự kết hợp các yếu tố của Hindu giáo và
Phật giáo."
Khi được người dẫn đoàn tiết lộ chúng tôi sẽ được đi thăm tòa lâu đài
Kumari-ghar là nơi cư ngụ của vị Thánh Sống này, tôi rất hồi hộp vì
mình sắp được diện kiến vị thánh nữ tối cao đầy quyền lực của xứ Nepal
huyền bí.
(Hình một cựu Thánh Nữ)
Tôi định bụng sẽ chụp hình, phỏng vấn những người thân cận của cô bé
để biết rõ hơn về đời sống kỳ lạ của một Thánh Nữ. Tuy nhiên khi vào toà
lâu đài ba tầng bằng gạch với rất nhiều cánh cửa và cửa sổ bằng gỗ đen,
đỏ và nạm vàng chạm trổ tinh vi những biểu tượng của thần, vật, tôn
giáo, tôi đã hoàn toàn thất vọng. Chụp cái sân đền thì được, nhưng họ
không cho phép chụp hình Thánh Nữ, không cho tiếp xúc và mọi nơi, mọi
chỗ đều có người canh gác, ai lỡ chụp hình sẽ bị tịch thu máy ảnh, hình
chụp lập tức bị xoá. Người hướng dẫn đoàn còn nói, nếu họ thấy có máy
ảnh, Thánh Nữ sẽ không xuất hiện, cho nên ai cũng phải tuân theo lệnh
cấm một cách tuyệt đối.
(Lâu đài Kumari-ghar)
(Một cựuThánh Nữ trong một buổi lễ)
Lúc Thánh Nữ xuất hiện ban phép lành cho người đến chiêm ngưỡng, cô
sẽ xuất hiện tại một ô cửa sổ ở tầng lầu 1 vào buổi sáng hay chiều tối.
Trong bầu không khí nóng và khô nồng nã mùi nhang khói, tôi và mọi người
đứng dưới sân đền, ai cũng im phăng phắc nhìn lên. Qua khung cửa sổ,
một khuôn mặt bé nhỏ của cô gái ba tuổi, trong y trang mũ mão đỏ với
nhiều đồ trang sức hiện ra. Điều rất đặc biệt là khoé mắt cô được vẽ
thêm một nét mi cong đen rất đậm kéo dài đến chân tóc. Còn trên trán
điểm thêm một con mắt thứ ba coi rất lạ. Cô điềm tĩnh nhìn xuống khắp
lượt mọi người như ban phát ân sủng của mình qua tia nhìn. Khuôn mặt thì
lạnh lùng vô cảm, không cười, không nói, không vẫy chào rồi nhanh chóng
lui vào, biến mất nhanh như lúc cô xuất hiện. Người dân sì sụp cúi lạy
một cách kính cẩn với vẻ thoả mãn như vừa được gia ân.
(Đám đông sùng bái Thánh Nữ xin ban ơn)
(Thánh Nữ Trishna Shakya được người cha bồng)
Tôi vội chạy đến hỏi ông hướng dẫn viên người Nepal xin tiếp xúc với
một người hầu cận của Thánh Nữ. Tôi được ông dẫn đến gặp một tu sĩ là
người thân cận của Thánh Nữ để xin phỏng vấn thêm về tiểu sử của cô bé
và ông vui vẻ kể như sau:
"Thánh Nữ ba tuổi tên là Trishna Shakya. Cô là người được chọn trong
số bốn cô bé được vào chung kết thuộc bộ tộc Shakya. Cô đã thay thế vị
Thánh Nữ tiền nhiệm về hưu và cô sẽ ở đây khoảng 13 năm cho tới khi cô
có kinh nguyệt tức là không còn tinh khiết nữa. Một khi cô đến tuổi 12,
chúng tôi bắt đầu một cuộc tuyển chọn mới.
(Thánh Nữ Trishna Shakyaa trong lâu đài Kumari-ghar)
Thủ tục tuyển chọn Thánh Nữ rất gay go và khe khắt . Ở Kathmandu
chúng tôi có 18 ngôi chùa của đạo Phật. Khi đến lúc phải tuyển, đêm đó
chúng tôi âm thầm gởi một lá thư tuyển chọn đến các vị phương trượng của
các chùa nhờ tìm người và xin họ giữ bí mật, không lan truyền rộng cho
bá tánh biết. Đặc biệt người ứng tuyển chỉ được chọn trong hàng con cháu
dòng họ Phật tử chứ bên đạo Bà La Môn không được tham dự. Mà các cô bé
phải có 32 yếu tố hoàn hảo, gia phả là Phật tử ròng trong 7 thế hệ bên
họ mẹ mới được. Lá số tử vi của Thánh Nữ không được xung khắc với Quốc
vương đang trị vì, và phải cực kỳ tốt để được đặt vào một Mandala (Mạn
đà la là Vòng luân hồi) khổng lồ mà so sánh. Cơ thể cô bé không được có
tì vết, thơm tho, sạch sẽ, không mắc bệnh truyền nhiễm (nhất là đậu
mùa). Phải có những nét tượng trưng như: lông mi phải "dày rậm như lông
mi bò", giọng nói phải "thanh như tiếng vịt", đùi như "đùi nai", ngực
của “sư tử”…v..v.. Ngoài ra mắt và tóc phải đen mun, răng đủ 20 cái. Cô
bé còn phải trải qua một cuộc thử nghiệm can đảm bằng cách đi vào một
căn phòng tối tăm với những chiếc đầu động vật gớm ghiếc và những người
mang mặt nạ rất ghê sợ mà cô không tỏ ra kinh hãi hay kêu khóc. Bởi vì
sau khi đăng quang Thánh Lễ sẽ được tổ chức, Thánh Nữ phải chứng kiến
việc tàn sát 108 con trâu, dê, gà, vịt và trứng theo đúng tục lệ cổ
xưa."
(Đám đông trước lâu đài Kumari-ghar trong một buổi lễ)
Tôi hỏi vị tu sĩ, với một cô bé vào tuổi lên ba, hồn nhiên, vô tư,
sao khuôn mặt Thánh Nữ trông lạnh lùng, thản nhiên, không cười nói hay
làm cử chỉ gì ra vẻ ban ơn cho bá tánh vậy? Ông trả lời rằng những cử
chỉ hay cảm tính lộ trên nét mặt cô bé đều là những tiên tri hay điềm
báo của thần linh. Cho nên khi thấy cô có khuôn mặt vô cảm tức là những
người gặp mặt hôm đó đều may mắn, mọi ước nguyện đã được cô chấp nhận.
Ra khỏi đền Kumari-ghar, tôi còn ngẫm nghĩ tới lời của người dẫn đoàn
giảng giải thêm về cuộc sống cá biệt, thần thánh như nữ tu mà một đứa
bé ba tuổi phải chịu đựng trong toà lâu đài. Cô chỉ được về thăm gia
đình 13 lần một năm vào những dịp tế lễ và bị cho về hưu khi có kinh
nguyệt hay bị chảy máu bất cứ đâu trên thân thể do sự mất thanh khiết.
Để duy trì sự thanh khiết, đi đâu cô cũng được bồng bế, hoặc khiêng kiệu
để tránh đặt chân xuống đất. Sau này toà án cho phép gia sư vào toà nhà
dạy riêng cho cô học chữ, văn hoá và tôn giáo. Tuy nhiên một số tổ chức
nhân quyền đã coi đây là một hình thức bóc lột trẻ em. Họ cho rằng cuộc
sống của Thánh Nữ đã ngăn cản các cô bé này được vui chơi và học tập
cùng bạn đồng trang lứa. Tuy lúc về hưu các Thánh Nữ được cấp dưỡng một
số tiền để đời sống được ổn định, nhưng họ phải mất một thời gian dài
mới đi đứng và hội nhập với cuộc sống đời thường được. Thế mà khi được
hỏi các cô đều nói họ rất may mắn và ao ước được trở thành Thánh Nữ vì
trong xã hội Nepal người phụ nữ bị đôi xử bất công rẻ rúng, làm Thánh Nữ
ngược lại được tôn sùng, biệt đãi, ai cũng thích, trong khi các bậc cha
mẹ rất hãnh diện vì có con là Thánh Nữ.
Các cô Thánh Nữ bên Ấn Độ thì bị đối xử tệ bạc hơn nhiều. Họ thường
xuất thân từ con nhà nghèo bị cha mẹ bán đi và trở thành vật hiến tế cho
thần linh từ khi được 10 tuổi. Đến lúc có kinh nguyệt bị cho về hưu, họ
trở thành nô lệ tình dục cho các quan chức, tu sĩ. Họ không phải rời
nhà để sống trong cung điện biệt lập như những Kumari Nepal. Vì thuộc
thành phần của tầng lớp cùng đinh, thấp nhất xã hội, nên họ bị khinh
miệt và ví như những "kỹ nữ nhà thổ" không có khả năng tự bảo vệ mình và
buộc phải phục vụ tình dục khi được gọi đến. Khi không còn trẻ đẹp, họ
trở về nhà và không được ai đếm xỉa, quan tâm. Thật tội nghiệp, suốt đời
họ không thể có cuộc sống hôn nhân bình thường như những người khác.
Các thánh nữ già lưu lại đền thờ sẽ phải sống những năm tháng đau khổ,
trở thành người giám sát, quân sư cho những thánh nữ mới.
Nhớ lại Thánh Nữ của Kim Dung, tôi đoán, chắc ông đã từng biết đến
tục lệ thờ Thánh Nữ ở Nepal và Ấn Độ. Trí tưởng tượng phong phú của ông
đã làm nên một Thánh Nữ Minh Giáo Ba Tư hơi giống với Thánh Nữ Nepal,
cũng đồng trinh. Tuy nhiên, Thánh nữ Tiểu Siêu của Kim Dung giỏi võ công
hơn Thánh Nữ Nepal nhiều, phải không các bạn?
Trịnh Thanh Thủy
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu
Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa