Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

“Nhảy cóc” lên thiên đường, và sự khốn cùng của văn hóa (Từ Người Đô Thị )

Đang có những chỉ dấu cho thấy, không ít người, từ quan chức đến dân thường, thay vì hướng đến việc xây dựng một “thiên đường” trên trần thực, nơi quan hệ người – người trở nên… người hơn, nhân văn hơn… lại mụ mị với tín điều, hay muốn nhảy cóc sang một viễn lai đẹp đẽ nhưng không kém phần hư ảo bằng “phương pháp” của trần tục, như hối lộ với cả thánh thần để mưu cầu lợi ích cho mình.
Có thể nói, trạng thái của nền văn hóa Việt đang ở một toạ độ lệch có giá trị cực đoan – nơi con người quay cuồng chạy theo các thế lực ngoại thân (phía ngoài cá nhân của mình) thay vì truy nguyên và cải biên nội tại. Việc hàng ngàn người dân thắp hương khấn vái một con cá hay rắn, phản ánh sự mụ mị của không ít người trong thời đại ngày nay. Việc cả quan chức và dân thường chen nhau tranh ấn ở đền, chờ xin giải hạn ở chùa… đang thể hiện sự bất thường của nền văn minh. Việc các tỉnh thi nhau làm bánh chưng to, bánh giầy lớn… thể hiện sự u mê, nông cạn bởi cái nhìn vật chất. Những tục lệ và nét đẹp văn hóa đã biến dị thành những tệ nạn.
Lúc còn là sinh viên, đầu những năm 2000, tôi và vài người bạn sinh viên nghèo sống trong một xóm trọ nhỏ núp sau nhà thờ ở làng Tám, Giáp Bát (Hà Nội). Bà chủ trọ là một người béo tốt, một con chiên sùng đạo. Sáng sớm thường dậy rất sớm và đến nhà thờ cùng gia đình. Tuy nhiên, bà lại đối xử rất tệ với những người tỉnh lẻ lên thuê trọ làm ăn, nhiều lúc gây cớ đánh đập hay chửi mắng với những lời lẽ tục tĩu nhất.
Thế nhưng, mỗi lúc chuông nhà thờ vang, bà – trong vai một con chiên ngoan đạo – lại hát khúc kinh cầu. Tôi cũng nhớ, trong một lần gặp một sư thầy một chùa lớn ở Hà Nội, sư trụ trì vẫn ăn thịt và mắt vẫn… đong trai tình tứ. Tôi lúc đó tự vấn: điều gì đang xảy ra với bà già làng Tám và với sư trụ trì được coi là khả kính kia? Vì sao người ta thờ thánh thần, kính Chúa, yêu Phật, nhưng lại đối xử trong trần tục trái hẳn với những lời răn?

Hối lộ thánh thần? Ảnh minh hoạ: Zing
Chúng ta đang nặng về sống hình thức, mà quên hẳn phần nội dung; hướng ngoại (tìm kiếm sự trợ giúp của các thế lực siêu nhiên) mà quên đi nội tại (dựa vào năng lực bản thân, và cải tạo chính bản thân). Với người có tư duy truy nguyên lý tính, người ta sẽ tìm hiểu các thói quen sống lành mạnh, ăn uống khoa học… để giữ sức khỏe, tránh các nguy cơ tai nạn; học các tri thức, kỹ năng mới để thăng tiến trong sự nghiệp v.v.. Nhưng những người tin vào các thế lực ngoại lai sẽ cầu thánh thần ban các điều may, chẳng hạn như dễ dàng “thăng quan tiến chức”, hay “mua may bán đắt”… Khi một nền văn hóa mà một bộ phận không nhỏ thành viên trong đó không còn tin vào năng lực của chính mình, tin và trông chờ vào năng lực siêu nhiên, đó là một nền văn hóa thiếu lý tính, mụ mị, bị tổn thương và lệch lạc.
Các giá trị văn hóa cong vẹo đến mức, người ta đối xử với thế giới tâm linh (vốn đẹp đẽ linh thiêng) bằng các hành động tầm thường, trần tục. Một chỉ dấu thú vị là, hình như người Việt đang chờ đợi những sự “lại quả” bằng cách hối lộ cả thánh thần. Từ số liệu của Tổng cục Thống kê điều tra về mức sống của hộ gia đình, nhà nghiên cứu Nguyễn Cường Việt phát hiện: bỏ qua ảnh hưởng của lạm phát, số tiền dành cho việc mua đồ cúng lễ của một hộ gia đình ở nước ta chi 574 nghìn đồng vào năm 2012 và con số này tăng lên 654 nghìn đồng vào năm 2016. Nhân với tổng số hộ cả nước của từng năm thì tổng mức chi tiêu cho cúng lễ là khoảng 13 nghìn tỷ năm 2012 và tăng lên mức 16 nghìn tỷ đồng năm 2016! Số tiền này chưa bao gồm tiền đi lại, lễ lạt, giỗ chạp…
Điều đáng nói là, số tiền này lớn hơn cả số tiền các hộ dành ra để mua sách vở cho con cái. Xu hướng này cực đoan đến mức, mới đây, lần đầu tiên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải phát đi một văn bản khuyến cáo Phật tử đừng đốt vàng mã, vừa phá hoại môi trường, vừa tiêu tốn tiền của. Điều này nói lên điều gì? Phải chăng chúng ta nặng việc ngoái vọng vào thế giới tâm linh, ngoại tại, mà quên đi chăm sóc hiện thực và tương lai của chính mình?!
Khi một nền văn hóa mà một bộ phận không nhỏ thành viên trong đó không còn tin vào năng lực của chính mình, tin và trông chờ vào năng lực siêu nhiên, đó là một nền văn hóa thiếu lý tính, mụ mị, bị tổn thương và lệch lạc.
Bỏ qua các mỹ từ chúng ta thường tự sướng, một hiện trạng cần được nhìn nhận thẳng thắn là văn hóa đương đại của chúng ta có những tổn thương lớn: nền văn hóa chạy theo thành tích, ít trung thực và thiếu khoan dung. Những tấm biển “gia đình văn hóa”, “thôn xóm văn hóa”… không che được bi ảnh hàng ngàn người nhập viện sau mỗi cái Tết, chỉ vì… đánh nhau. Nạn rượu chè, nhậu nhẹt quá đà khắp thôn cùng ngõ hẻm. Đến mức mời rượu mà người khác không uống cũng là một lý do để giết người, chỉ cần “nhìn đểu” cũng đủ để tử vong… cho thấy sự mạt vong của văn hóa.
Từ quan đến dân tranh đoạt lợi, ngay cả trong các lễ hội (được coi là) văn hóa. Nạn hình thức bằng cách vẽ các dự án (nhân danh văn hóa như xây dựng tượng đài chẳng hạn) ít mang lại giá trị văn hóa thực sự hay cải tạo các tổn thương văn hóa, mà có chăng chỉ làm dày túi quan tham. Những mặt trái của lễ hội tâm linh đầu năm lộ ra những chỉ dấu về chất lượng yếu kém của các nền móng và thiết chế văn hóa: hình như người ta đang cuồng quay tìm kiếm một viễn lai hư ảo để khỏa lấp các ham muốn trần tục của mình, và quên sống một đời sống bình thường và hạnh phúc ở thực tại.
Từ bao giờ một bộ phận không nhỏ người Việt, từ quan chức đến dân thường, thiếu đi các cuộc đối thoại với chính mình, chạy theo các thế lực ngoại tại? Sang chấn tâm lý nào khiến một phần đông cá thể trong sinh quyển văn hóa của ta chạy theo xu hướng sùng bái tâm linh đến mức mụ mị, cực đoan? Từ bao giờ, người ta quên một điều, hạnh phúc là ở thực tại, trong tay mình, chứ không phải ở một thế giới xa xăm nào đó, do thế lực siêu nhiên nào đó mang lại? Bỏ bê hiện tại, nô lệ cho những thánh thần và niềm tin hư ảo, rõ là một điều phi lý hiển nhiên.
Về truy nguyên lý tính, cha ông chúng ta có câu: “thượng bất chính hạ tắc loạn”. Người tầng lớp dưới sẽ nhìn người tầng lớp trên hành xử để có những ứng xử và tiếp biến cho phù hợp. Nếu vậy, theo cách giải thích đó, phải chăng có điều gì đó không ổn ở kiến trúc và thiết chế thượng tầng?
Lê Ngọc Sơn (Chuyên gia quản trị khủng hoảng, Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức)
Theo NĐT

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...