Cột mốc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông
Hòn Hải còn được gọi là Hòn Khám (điểm A6 đường cơ sở lãnh hải Việt Nam), là một khối đá khổng lồ mang hình chiếc hài trên Biển Đông, đã có tên trên bản đồ quốc tế với tên gọi Poulo Sapate. Đảo Hòn Hải nằm cách đảo chính Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 65 km, có chiều dài khoảng 130 m, bề ngang chỗ rộng nhất khoảng 60 m, điểm cao nhất là 113 m tính từ mặt biển.
Ngày trước, ngư dân quanh vùng thường truyền miệng nhau về một khối đá khổng lồ giữa biển, khô cằn, không có nước ngọt, cây cối, là nơi sinh sống của hàng vạn chim nhạn, mòng biển, bồ nông. Vào mùa chim đẻ, cả bề mặt đảo đặc nghẹt trứng chim, lúc này hòn đảo sẽ được phủ một màu trắng kỳ lạ do phân chim tạo thành.
Nhận thấy đây là nơi có vị trí trọng yếu cũng như rất nguy hiểm nếu không có hệ thống đèn cảnh báo an toàn, do đó từ năm 1999, Bộ Quốc phòng phê duyệt phương án xây dựng công trình hải đăng trên đảo. Qua khảo sát, lực lượng công binh đánh giá Hòn Hải là khu vực cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, xung quanh có biên độ sóng lớn đến hàng chục mét và nhiều đá ngầm. Ngoài ra, thời tiết nơi đây cũng rất khắc nghiệt mỗi khi biển động kéo dài nhiều tháng. Có lần đoàn khảo sát ra đến đảo nhưng không cập thuyền được phải quay lại đất liền.
Hòn Hải có cấu tạo địa hình, địa chất rất phức tạp, vách đảo dựng đứng cao hơn 100 m thường xuyên có đá rơi, đá lở, nhiều vách hụt và đá ngầm. Chỉ sau 20 ngày đầu tiên thi công đã có người hy sinh, hàng trăm tấn vật tư bị sóng cuốn xuống biển. Sau nhiều nỗ lực đến cuối năm 2004 hạ tầng trên đảo đã được xây dựng xong.
Một hệ thống các công trình vĩ đại được xây dựng hoàn thành gồm tòa nhà kiên cố dưới chân đảo có diện tích gần 300 m2, bến cập tàu rộng 380 m2, có hệ thống phao neo và bãi liền bến 423 m2.
Một trong những công trình đặc biệt tại đây là hệ thống đường hầm dài 170 m với 4 cửa thông lên mặt đảo. Hầm được gia cố bằng bê tông cốt thép chống đá rơi, dư chấn. Cửa hầm nằm ở mặt sau của tòa nhà rồi kéo dài lên bề mặt đảo bằng 370 bậc thang.
Từ miệng hầm đến bề mặt đảo có một hệ thống 240 bậc thang được đổ bê tông kiên cố nối lên tận chân hải đăng Hòn Hải.
Ngọn hải đăng Hòn Hải độc lập giúp tàu thuyền hoạt động ngoài khơi tỉnh Bình Thuận định hướng và xác định vị trí của mình. Tầm nhận diện địa lý ban ngày là 26,5 hải lý, tầm chiếu sáng ban đêm là 24,5 hải lý.
Hải đăng được đặt tại điểm cao nhất của đảo là 113 m. Chiều cao tính từ chân đến đỉnh đèn là 10,4 m.
Hệ thống đèn sử dụng pin năng lượng mặt trời đảm bảo chiếu sáng liên tục. Bên cạnh đó là hệ thống tín hiệu của Viettel rút ngắn khoảng cách liên lạc giữa đảo và đất liền.
Hiện nay, hải đăng Hòn Hải do Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ, trực thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam quản lý. Anh Lê Ngọc Nam - phóng viên Tạp chí Biển chia sẻ: "Việc thiết lập và duy trì các ngọn hải đăng là nhiệm vụ nhân đạo, thể hiện nghĩa vụ và quyền chủ quyền của các quốc gia có biển, giúp người đi biển xác định vị trí và phương hướng trên biển nhằm thiết lập một môi trường an toàn về hàng hải, thúc đẩy các ngành kinh tế biển Việt Nam phát triển".
Bên cạnh ý nghĩa quan trọng về vị trí địa lý, lãnh thổ, lãnh hải, Hòn Hải còn là vùng đất lành với hàng chục nghìn con chim gồm 5 loài về sinh sống.
Do bề mặt
đảo là đá nên hấp thụ nhiệt và giữ nhiệt tốt. Đây còn là môi trường
thuận lợi cho các loại chim đẻ trứng không ấp như nhạn biển. Hàng năm cứ
tầm tháng 6 và 7 chim nhạn lại kéo về đông nghẹt kêu vang cả một góc
trời.
Theo thời gian bề mặt đảo bị bào mòn do sóng biển và thời tiết đã tạo nên những hình dạng đầy kỳ ảo và ấn tượng.
Tùy theo từng góc độ của tàu khi đi trên biển mà Hòn Hải mang nhiều hình dạng thú vị khác nhau. Có vị trí nhìn như hình khối đá tròn.
Trước đây, ngư dân thường gọi Hòn Hải là Hòn Hài vì nó có hình dạng như chiếc hài nằm trên biển.
Đảo đá này tuyệt vời
Trả lờiXóa