Thứ Hai, 9 tháng 4, 2018

TẢO MỘ - Tạp văn của Nguyễn Xuân Diện

Tạp văn của Nguyễn Xuân Diện 
 
Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:

Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh

Ý nói tiết thanh minh, tháng Ba là lúc người ta đi Tảo mộ. Nhưng Đường Lâm cổ ấp quê tôi thì tảo mộ vào ngày 20 tháng Chạp.

Sáng sớm ngày 20 tháng Chạp, toàn bộ đàn ông bất kể lớn bé già trẻ trong họ đều tụ tập tại nhà ông trưởng họ. Ông trưởng họ quỳ trước bàn thờ tổ để cáo yết tổ tiên. Tất cả những gia đình nào trong năm qua sinh được con trai thì đều phải có lễ “vọng họ”, cáo yết với tổ tiên nhà thêm đinh thêm phúc. (Sinh con gái thì không phải “vọng họ”, hiiii). Ông trưởng họ thắp hương, khe khẽ mở cuốn gia phả để giảng giải cho các thành viên trong họ biết ngành trên, ngành dưới, biết về công đức của các vị tiên liệt. Cuốn gia phả của dòng họ chỉ mở duy nhất trong ngày này, trước sự chứng kiến của cả dòng họ.


Sau vài tuần hương tất cả kéo nhau ra đồng, đến từng ngôi mộ của tổ tiên. Những người được đi chạp (tảo mộ) đều là đàn ông trong họ. Các bà, các chị không được phép đi chạp. Trai tráng thì đắp lại mộ cho thêm cao, lấp những hang chuột và dãy bỏ chút cỏ trên đỉnh ngôi mộ rồi lấy một ít đất mới đắp lên. Ông trưởng họ bắt đầu đặt cơi trầu lên ngôi mộ và thắp hương khấn vái cáo yết với tổ tiên. Đoạn, ông giảng giải về công đức của tổ tiên, về vị tổ nằm dưới mộ thuộc chi nào nhành nào sinh ra cụ nào…Con cháu trong họ lắng nghe và ghi nhớ. 

.

 


 . Hết ngôi mộ này thì đến ngôi mộ khác. Có những ngôi mộ bé xinh của những người chết trẻ, phải chôn vào góc bờ hoặc sát bờ ruộng cũng được cắm hương tưởng nhớ.

Vào ngày này, khắp những quả đồi ở Đường Lâm đều đông nghịt người của các dòng họ. Thường con cháu đi làm ăn xa cũng đều gắng thu xếp về để tảo mộ, tưởng nhớ tổ tiên. Dòng họ nào đông đàn dài lũ, lại có nhiều người làm việc ở tỉnh về thì rất tự hào!

Những ngôi mộ vô chủ, khói lạnh hương tàn không người chăm sóc cũng được những người đi tảo mộ cắm hương tỏ chút tình ấm áp khi Tết đang đến thật gần. Nhưng nếu có dòng họ nào không nhớ mồ mả tổ tiên mà lỡ cắm nhầm sang mộ của họ khác thì cũng được người ta bình phẩm vui cười một chút!

Đi khắp lượt các ngôi mộ cũng là lúc trời đã trưa. Khi ấy các chú bé chân đã mỏi, bèn được bố hoặc chú, hoặc ông cõng trên lưng, nhong nhong như cưỡi ngựa. Trưa, các họ mới chia nhau về các ông trưởng chi để ăn chạp. Nhà nào được làm cỗ chạp cho chi nhành mình thì gọi là sửa chạp. Các bà các chị cứ nhất nhất theo lệnh các ông mà mua sắm làm cỗ mà không dám kêu ca một nửa lời!

Sau ngày chạp họ, sửa sang mồ mả cho ông bà tiên tổ, người dân Đường Lâm mới bắt đầu sắm sanh cho Tết lớn. “Sống về mồ mả chứ ai sống về cả bát cơm”. Ngày 20 tháng Chạp là ngày diễn ra nghi thức lớn nhất của các dòng họ ở đây, để tưởng nhớ tổ tiên, để kiếm điểm xem trong họ đã sinh được bao nhiêu bé trai nối dõi tông đường. Anh em họ mạc ăn với nhau bữa cơm nội tộc với tình máu mủ ruột già!

Với người dân làng cổ Đường Lâm, chỉ sau ngày Chạp họ mới bắt đầu những ngày sắm Tết, và chỉ có thể sắm Tết sau khi đã làm tròn bổn phận tưởng nhớ tổ tiên. 


Và khi ấy, Tết đang đến thật gần!
________________________________
Trẻ chăn bò quê tôi


Tạp văn của Cử Thanh
Vừa rồi về quê dự cuộc họp Họ, tôi được nghe một câu chuyện thật như bịa.

Chuyện rằng xã tôi, xã QN huyện QX (TH) có hai ông có con đầu lòng đều tên là Hoa. Dân làng đều quen gọi là ông Hoa (mượn tên con đầu). Nhưng để phân biệt khi nói chuyện, họ đều xưng thêm tên khai sinh của các ông. Đó là ông Hoa Cát và ông Hoa Cà. Ông Hoa Cát là quan cấp tỉnh, giàu có, còn ông Hoa Cà ở nhà làm ruộng, nhà cấp 4 khiêm tốn, hiền lành. Không hiểu sao cả hai ông đều mất và an táng cùng ngày (khác giờ) tại nghĩa trang của làng. Đám tang ông Hoa Cát rất hoành tráng, có xe to, xe nhỏ, quan chức các cấp và có tới 60 vòng hoa, chất đầy xung quanh mộ. Còn ông Hoa Cà thì giản dị, nhưng cả làng đều đưa tang và chỉ có một vòng hoa.

Ngày hôm sau trẻ chăn bò gần đó nhìn thấy hai mgôi mộ mới, gần nhau mà lại khác nhau quá xa về số vòng hoa. Một đứa nói là không công bằng, một đứa khác nói là trong chuyện Chí Phèo của chị trong sách giáo khoa, khi chết đều bình đẳng, không ai gọi là “quan lớn mả” cả. Chúng hò nhau xé tất cả các băng tang trên vòng hoa của cả hai ngội mộ đem đốt và đem 29 vòng hoa bên mộ ông Hoa Cát sang xếp lại bên mộ ông Hoa Cà. Rồi chúng sắp xếp lại các vòng hoa của cả hai ngôi mộ cho gọn, đẹp. Như vậy số vòng hoa bên mộ ông Hoa Cát là 31, ông Hoa Cà là 30. Mỗi bên mộ, chúng chọn một vòng hoa đẹp nhất, đặt ở chỗ trang trọng nhất của ngôi mộ và mài than làm mực viết mặt sau của băng tang rồi găm lên vòng hoa chính mỗi mộ đều chung một câu thơ:

Hoa Cát cũng như Hoa Cà
Ông to, ông nhỏ đều ra đồng nằm

Chiều hôm sau cả hai gia đình đều ra nghĩa trang để mở cửa mả, ai cũng nhìn thấy như thế và đều...ngẩn tò te!..và không ai dám sắp xếp lại.

CỬ THANH


1 nhận xét:

Thơ Xướng Họa : NIỀM RIÊNG -: Trần Văn Dật & Hoàng Đằng

  Niềm Riêng - Trần Văn Dật & Thơ họa: Niềm Riêng - Hoàng Đằng   Niềm Riêng Quê hương nhìn lại ngái xa rồi Từ giã ra đi lúc thiế...