Hà Nội những ngày cuối
hè năm 2016 không còn nhiều sự kiện, nên chúng tôi cũng chẳng có việc gì để
làm. Tinh thần chán nản hiện lên rõ nét, anh em bạn bè ít có dịp gặp nhau. Để
cải thiện tình hình, vài anh em rủ nhau đi một chuyến xuyên Việt. Rủ rê bàn
tính, lúc đầu dự kiến đi 8 người, sau đó thì rơi rụng. Dù chỉ còn một nửa so
với dự kiến ban đầu nhưng chúng tôi cũng quyết định lên đường.
Trên đường vào Nam,
điểm mà chúng tôi muốn đến thị sát là Vũng Áng. Nơi có công ty Formosa đầu tư
và đã gây ra sự khủng khiếp về môi trường cho mấy tỉnh miền Trung Việt Nam. Do
không biết đường nên chúng tôi đi nhầm vào cửa sau của nhà máy Formosa. Trong
cái rủi lại có cái may, dù bị nhầm đường nhưng nó lại giúp chúng tôi chứng kiến
được cảnh hoang tàn, đầy chết chóc phía sau một dự án hoành tráng của công ty
Formosa. Không một bóng người dân, sự vắng vẻ thật hãi hùng. Cả một làng dân cư
đã bị phá hủy để dành đất cho một dự án gây nhiều thiệt hại về môi trường.
Chúng tôi được nghe kể
lại: Để giải toả làng này, trưởng ban giải toả Nguyễn Văn Bổng phải đi xin một
quẻ Âm -Dương. Không rõ quẻ đó nói gì. Nhưng giờ đây Bổng đã bị bắt để chờ ngày
hầu toà.
Trưa đến, chúng tôi ra
một nhà hàng khá rộng, cạnh cửa trước cửa công ty Formosa. Chính giữa giờ ăn mà
quán không một bóng người. Đường xá chỉ duy nhất có chiếc xe ôtô của chúng tôi
đỗ. Khi tôi hỏi gia chủ thì được họ trả lời:
– Mấy năm trước khi
chưa có vụ công ty Formosa xả nước thải độc hại xuống biển thì họ còn có khách.
Kể từ khi bị công ty Formosa xả nước thải độc hại xuống biển thì không có khách
nữa. Ngay cả các bãi biển vào mùa hè còn chả có khách, huống chi là bọn em.
Thực là đau lòng khi
nghe câu trả lời của họ. Giờ thì không biết những người dân miền Trung họ sẽ
phải làm gì để sống đây?
Theo lời một nhà báo
địa phương đang ngày đêm lăn lộn để đưa tin về sự gây ô nhiễm của công ty
Formosa tại Việt Nam (xin được giấu tên), mặc dù nhà máy chưa đi vào hoạt động
nhưng mỗi khi chạy thử thì những ống khói tỏa lên bầu trời Vũng Áng những cột
khói như cây nấm bao phủ cả một vùng rộng lớn, họ đang lo ngại, giờ thì mới chỉ
là ô nhiễm biển, khi nhà máy đi vào hoạt động thì chắc chắn sẽ xảy ra ô nhiễm
cả không khí. Những cột khói kia sẽ mang những chất độc hại theo gió, theo mưa
và sẽ gây ô nhiễm cho cả miền Trung của Việt Nam. Nước mưa sẽ ngấm vào đất và
sẽ mang theo cả chất độc hại. Lúc đó hậu quả sẽ thật là khôn lường cho nhiều
thế hệ con cháu sau này!
Thật là lạ lùng, ở
Việt Nam chỉ khi nào xảy ra sự việc rồi thì báo chí với tầng lớp trí thức mới
lên tiếng. Còn không thì họ mặc đảng và nhà nước lo.
Ăn trưa xong chúng tôi
lại lên đường.
(CÒN TIẾP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét