Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

Bài góp ý của Đinh kim Chung,Trả lời của Ngân Triều và Nguyễn Cang , Chung quanh Bài " Thủy Vân Hương "

Đinh Kim Chung
Đinh Kim Chung Vô tình đi qua xin phép góp ý cùng bác Ngan Trieu:

Gs Hoàng Xuân Hãn diễn thơ:
Về chốn nước mây
Chân mây lỗ đá tựa phòng ong,
Chốn chốn lèn chong ánh nước hồng,
Vượt bể, đục non cười Lý Bột,
Đội thuyền giấu động phục Nguyên Ông.
Chiều êm sóng gợn lăn tăn nổi,
Sáng tỏa mù tan, lớp lớp trong.
Vui chuyện kìa ai thuyền một lá,
Cửa lèn len lỏi kiếm non bồng.
Theo Thư Viện Online,
               *
Ngân Triều diễn thơ:
Tổ ong toàn đá khuất chân mây;
Lấp lánh hình non chiếu nước đầy.
Vét biển dong thuyền khờ Lý Bột,
Giấu thuyền khi ngủ, Nguyên Chương ngây.
Trời chiều, sóng gợn lăn tăn lạnh,
Nắng sớm sương mù tan biến ngay.
Nhân hứng bảo người dong chiếc bách,
Tìm tiên, tìm cửa động Thiên Thai.

1. Bài của Gs Hoàng Xuân Hãn:
- Câu 2 bị lỗi điệp thanh (Trong câu có 3 từ đi liền nhau cùng thanh dấu, hoặc trong câu có 4 từ cùng thanh dấu là lỗi điệp thanh). Câu này cũng bị lỗi Đại vận.
- Cặp luận chưa đối (Êm>< Tan; Lăn tăn>< Lớp lớp)
- Câu 6 lỗi Hạc tất
- Câu 8 lỗi Phong yêu.
2. Bài của bác Ngân Triều:
- Câu 1, câu 7, câu 8 lỗi Phong yêu
- Câu 2 lỗi điệp thanh (Trong câu có 3 từ đi liền nhau cùng thanh dấu, hoặc trong câu có 4 từ cùng thanh dấu là lỗi điệp thanh)
- Cả hai cặp thực, luận chưa đối.
- Câu 4 lỗi điệp thanh và lỗi bàng âm ( 1 câu Đường luật luôn có tỷ lệ Bằng? Trắc là 3/4 hay 4/3)
- Câu 5 lỗi Hạc tất
- Câu 8 lỗi điệp từ và lỗi bàng âm.
Trả Lời của Ngân Triều .
Thưa bạn Đinh Kim Chung,
Cảm ơn bạn đã lấy khuôn mẫu thơ Đường đối chiếu và soi rọi thơ của cố gs Hoàng Xuân Hãn, nhà nghiên cứu lão thành và thơ của NT khi diễn ý thơ của Bà HXH.
Bạn làm tôi nhớ đến những cuộc bút chiến giữa thơ cũ và thơ mới , định hướng cho thơ mới trong thập niên 30 của tk trước và thơ mới ca khúc khải hoàn với nhiều tác phẩm để đời được đưa vào nhà trường ngày nay.
Thực ra thơ Đường rất chặt chẽ, đúng ra là rất khó làm. Những nhà thơ lỗi lạc có khi cũng sai phạm và những sai phạm đó, người ta cho là phá cách.
Chẳng hạn như 2 câu của Bà Huyện Thanh Quan:
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
*
Hay :
Hai mái trống tung đành chịu dột
Tám giờ chuông đánh phải nằm co.
Tú Xương
Hoặc:
Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần
Tưởng niệm vị anh hùng Nguyễn Trung Trực.
*
Ngay cả thơ Đường ngay câu đầu:
Tích nhân dĩ thừa Hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu.
昔 人 已 乘 黃 鶴 去
此 地 空 餘 黃 鶴 樓
黃 鶴 樓 (Hoàng hạc lâu, Thôi Hiệu (?-754)
Người xưa cưỡi hạc đã lên mây
Lầu hạc còn suông với chốn nầy.
Ngô Tất Tố dịch.
          *
Đã làm thơ Đường thì ai cũng biết tránh 8 bệnh và 12 lỗi quy phạm như:
+ 8 bệnh:
(1) Thất niêm, (2) thất luật, (3) thất đối, (4) thất vận, lạc vận, cưỡng vận, (5) bình đầu, (6) thượng vĩ, (7) Phạm đề hay mạ đề và (8) Khổ độc.
+12 lỗi :
(1) Trùng vận, (2) trùng từ, (3) trùng ý, (4) điệp điệu, (5) điệp thanh, (6) điệp âm, (7) đại vận, (8) tiểu vận, (9) PHONG YÊU (lưng ong), (10) HẠC TẤT (gối hạc), (11) Chánh nữu, (12) bàng nữu.
                ***
Cho nên, thơ bây giờ, ngta làm theo kiểu thơ mới phóng khoáng, đúng niêm luật cũng tốt, đối chỉnh hay ko đối cũng được, lỗi phong yêu hay hạc tất cũng được...miễn suông sẻ, cất cao tiếng lòng,   diễn được ý chính cho người đọc hiểu và cảm là được...
Tôi thì diễn ý thơ 7 chữ , thơ mới tự do chớ ko theo quy phạm cứng nhắc của Thơ Đường, do đó nếu nói là lỗi thì tôi ko đồng ý.
Thân mến, Ngân Triều
Trả Lời của Nguyễn Cang 
Sáng nay tôi nhận được 2 email của Ngân Triều và Đinh kim Chung trong đó bạn Chung có phê bình các lỗi sai sót trong bài dịch thơ Đường của bạn Triều và của nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn. Tôi đọc lại cả hai bài( K. Chung và Ngân Triều) và có ý kiến như sau :
Bạn Chung phê bình bài thơ của Hoàng X. Hãn :
Gs Hoàng Xuân Hãn diễn thơ:
Về chốn nước mây
Chân mây lỗ đá tựa phòng ong,
Chốn chốn lèn chong ánh nước hồng,
Vượt bể, đục non cười Lý Bột,
Đội thuyền giấu động phục Nguyên Ông.
Chiều êm sóng gợn lăn tăn nổi,
Sáng tỏa mù tan, lớp lớp trong.
Vui chuyện kìa ai thuyền một lá,
Cửa lèn len lỏi kiếm non bồng.

-Bạn Chung: Câu 2 bị lỗi điệp thanh (Trong câu có 3 từ đi liền nhau cùng thanh dấu, hoặc trong câu có 4 từ cùng thanh dấu là lỗi điệp thanh). Câu này cũng bị lỗi Đại vận.
Nhân xét của tôi : tiêu chuẩn phân phối "thanh" của một câu trong bài thơ Đường(4/3 hay 3/4)không có giá trị tuyệt đối, theo được nguyên xi càng tốt nhưng theo được một phần cũng không sao miễn đọc lên không chõi tai và ý đừng lệch. Thực tế ít ai theo đúng ngay cả những nhà thơ nổi tiếng. Trong câu 2 nầy tôi không thấy có 3 từ hoặc 4 từ đặt liên tiếp mà cùng thanh trắc hoặc thanh bằng. Tôi không hiểu bạn Chung muốn nói điều gì?
Câu 2/ nầy có 4 thanh trắc , 3 thanh bằng. Nhu vậy gs.HXH viết rất đúng vì một câu có 7 chữ thì 4/3 là đúng đâu có thể 4/4.
Bạn Chung: Cặp luận chưa đối (Êm>< Tan; Lăn tăn>< Lớp lớp)
Ý tôi: cặp luận nầy đối rất chỉnh 99%: chiều êm/ sáng tỏa; sóng gơn/ mù tan; lăn tăn nổi/lớp lớp trong.
lăn tăn/ lớp lớp , là trạng từ ghép, tượng thanh tượng hình ( ở đây có thể xem như từ từ láy , lập lại vần cuối hay lập lại nguyên từ).
1% không hoàn chỉnh do từ "êm" (tĩnh từ) còn "tỏa" (động từ), khác nhau về từ loại nhưng mấy ai quan tâm vì tĩnh từ và động từ trong phép đối coi như gần nhau, hơn nữa có mấy ai làm thơ Đường mà đối đúng 100%?
Bạn Chung: Câu 6/ lỗi hạc tất.
Ý tôi: chữ thứ 4("tan",vần bằng)và chữ thứ 7("trong", vần bằng), trên nguyên tắc không phải là lỗi nặng vì vần bằng( không dấu), nếu là dấu huyền thì không nên vì đọc không êm tai. Hơn nữa gs. HXH đã cao tay ấn hóa giả gút mắc nầy bằng cách dùng chữ "mù" đứng trước chữ "tan". Kết luận HXH không sai!
Bạn Chung: câu 8, lỗi Phong yêu .
Ý tôi:Chữ thứ 2 "lèn" và chữ thư 7 "bồng" , cùng thanh bằng (dấu huyền) là một lỗi Phong yêu cần xem xét lại để chỉnh,đọc nghe êm tai hơn.
Bạn Chung phê bình bài của Ngân Triều:
Ngân Triều diễn thơ:
Tổ ong toàn đá khuất chân mây;
Lấp lánh hình non chiếu nước đầy.
Vét biển dong thuyền khờ Lý Bột,
Giấu thuyền khi ngủ, Nguyên Chương ngây.
Trời chiều, sóng gợn lăn tăn lạnh,
Nắng sớm sương mù tan biến ngay.
Nhân hứng bảo người dong chiếc bách,
Tìm tiên, tìm cửa động Thiên Thai.
Bạn Chung viết:
- Câu 1, câu 7, câu 8 lỗi Phong yêu
Ý tôi: câu 1/ chữ thứ 2 "ong", chữ thứ 7 "mây", thanh bằng, không dấu; lỗi Phong yêu nầy không đáng kể. Hơn nữa NT đã xử dụng luật bằng vần bằng nên xét về luật thơ Đường thì câu nầy đúng.
câu 7: ý tôi: chữ thứ hai "hứng" bắt buộc phải vần trắc( do bài thơ khởi đầu với luật bằng vần bằng) cho câu 7 nầy, nó cùng thanh với chữ thứ 6 "chiếc", tức nhiên chữ cuối phải vần trắc "bách".Hơn nữa theo cách trình bày ở trên thì lỗi phong yêu ở câu lẻ 3,5,7 không đáng kể.
câu 8/ , ý tôi: Lỗi phong yêu mà cả hai chữ thứ 2 "tiên" và 7 "thai" của cùng một câu mà không dấu thì rất nhẹ ,có thể bỏ qua mà không bận tâm. Nếu nó là dấu huyền thì cần chỉnh.
Bạn Chung viết: - Câu 2 lỗi điệp thanh (Trong câu có 3 từ đi liền nhau cùng thanh dấu, hoặc trong câu có 4 từ cùng thanh dấu là lỗi điệp thanh)
Ý tôi: tôi không thấy NT phạm lỗi điệp thanh( câu có 3 từ đi liền nhau cùng thanh dấu) tôi cũng không thấy trong câu có 4 từ đi liền nhau cùng thanh dấu.Tôi chỉ thấy bạn NT phối thanh theo tỉ lệ 4/3 rất chuẩn. Tôi xin chep lại câu 2 nầy: Lấp lánh hình non chiếu nước đầy.
Bạn Chung viết :Cả hai cặp thực, luận chưa đối.
Ý tôi: Cả hai cặp thực và luận đều có đối nhưng chưa hoàn chỉnh. Cặp thực :Vét biển /giấu thuyền.[động từ đối động từ(vét/giấu), danh từ đối danh từ(biển/thuyền)]; khờ Lý Bột/Nguyên Chương ngây. [khờ/ngây; Lý Bột/Nguyên Chương( danh từ riêng đối danh từ riêng)]. Không hoàn chỉnh là :dong thuyển/khi ngủ.
Đây không phải là lỗi nặng vì mấy ai thực hiện được phép đối hoàn chỉnh? Vả lại bài thơ nầy dịch từ một bài thơ Đường khác: Lưu Hương Ký bằng chũ Hán của Hồ Xuân Hương nên không bắt buộc đối ,nghĩa là nếu bạn làm có đối càng tốt bằng không cũng được. Xin nói thêm ở đây, nếu tác giả giới thiệu đây là bài thơ Đường luật thì bắt buộc phải theo niêm luật của nó hoặc giả đây là những bài thơ xướng họa Đường luật thì phải theo niêm luật chặt chẽ . Trong hầu hết những bài thơ dịch từ thơ Đường, các tác giả thường không theo quy luật chặt chẽ , nhiều khi bỏ hẳn phép đối , chỉ làm sao diễn tả được nội dung vá ý nghĩa của bài thơ là được. Cái khó là giữ được nguyên tác và dùng kỹ thuật sáng tác thơ văn điêu luyện khiến người đọc cảm nhận được cái hay cái hồn thơ trong đó.Nếu ta cứ đi tìm những chi li gút mắc thì vô tình ta bỏ rơi ý nghĩa, hồn thơ, lúc đó ta sẽ mất đi cái thú thưởng thức một bài thơ hay.
 Cặp luận có đối không? Bạn Chương cho rằng không có nhưng tôi thấy có, cặp luận có dùng phép đồi nhưng chưa hoàn chỉnh ( vì mấy ai làm được một bài thơ có đối hoàn chỉnh? Rất ít).
Trời chiều/ nắng sớm ; sóng gợn lăn tăn/ sương mù tan biến.
Chưa chỉnh là cặp từ :lạnh/ngay( không chỉnh về từ loại).
Kết luận ở phần đối, tôi cho rằng bạn NT sử dụng khá hay nhưng chưa hoàn chỉnh.
Bạn Chung viết :- Câu 4 lỗi điệp thanh và lỗi bàng âm ( 1 câu Đường luật luôn có tỷ lệ Bằng? Trắc là 3/4 hay 4/3).
Ý tôi: Câu 4 nầy bạn NT phối thanh theo tỉ lệ 5/2.( 5 thanh bằng , 2 thanh trắc). Tỉ lệ nầy chưa phải là sai luật vì sự chênh lệch không quá lớn có thể chấp nhận được, nều như tỉ lệ 6/1 thì cần chỉnh. Riêng 3 chữ cuối " Nguyên Chương ngây" mặc dù không sai luật thơ nhưng 3 vần bằng đi liên tiếp nghe không hay lắm . Xin chép lại câu thơ :Giấu thuyền khi ngủ Châu Nguyên ngây .
Ban Chung viết : Câu 5 lỗi hạc tất.
Chép lại câu 5:Trời chiều sóng gợn lăn tăn lạnh.
chữ thứ 4 "gợn" và chữ thứ 7 "lạnh", cùng thanh trắc. Tuy là lỗi hạc tất nhưng vì nó nằm ở câu thứ 5 nên không gây ảnh hưởng tồi tệ khi ngâm đọc nên ta không bận tâm. Hơn nũa từ "lạnh" ở cuối câu 5, bắt buộc phải thanh trắc cho nên nó phải cùng thanh với chũ thứ tư "gợn".
Bạn Chung viết : câu 8 lỗi điệp từ và lỗi bàng âm.
Xin chép lại câu 8: Tìm Tiên tìm cửa động Thiên Thai.
Ý tôi :Điệp từ "tìm", có phải dùng sai không? Theo tôi thì không sai , nó nhấn mạnh ý đi tìm( lối nào vào Thiên Thai? , đâu có dễ tìm được lối vảo). Sử dụng điếp từ, điệp ngữ là một thủ thuật không thể thiếu cho người sáng tác thơ văn để có được một bài thơ hay. Thử ghi lại câu thơ của HXH :Một đèo, một đèo, lại một đè o
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
(Hồ Xuân Hương/ Đèo Ba Dội)
Bà HXH đã dùng điệp ngữ "một đèo"rất tài tình , tại sao ta không bắt chước?
Bạn Chương cho rằng câu nầy phạm lỗi bàng âm. Như đã trình bày ở trên bạn NT đã phân phối "thanh" theo tỉ lệ 5/2,tôi nghĩ có thể chấp nhận được,vì nó diễn tả trọn vẹn ý,đọc ngâm không trặc trẹo.
Trong tinh thần xây dựng tôi có vài ý kiến đóng góp với 2 bạn NT và K. Chương. Bạn Chương dùng lý thuyết cổ điển về luật thơ Đường truyền thống để bắt bẻ bạn NT và giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Những kiến thức của bạn đem ra sử dụng không áp dụng vào thực tế được vì thơ Đường luật cho tới nay đã bị phá cách rất nhiều , người ta chỉ chú trọng thi tứ và ý của bài thơ, diễn tả có tới hay không, có hồn hay không, có gây được cảm xúc nơi người đọc không? chứ những chi tiết lắt nhắt người ta không màng .
Những ai đã từng chơi thơ , sáng tác thơ, nghiên cứu thơ, phê bình thơ, thưởng thức thơ, hẳn cảm nhận được điều nầy mà không cần giải thích.
Trân trọng,
Nguyễn Cang(31/5/2017)
 

1 nhận xét:

Tháp ‘Gạch đỏ’ sừng sững mãi ngàn năm - Đức Hồ

  Tới Bình Định mà không đến chiêm ngưỡng tháp Chăm thì chuyến đi bớt nửa phần ý nghĩa”, một anh đồng nghiệp nói vậy khi biết tôi tìm hiểu v...