Shannon Lytle từng phải đi lật bánh hamburger, cọ rửa toilet, đóng giá sách, bán quần áo để có tiền trang trải việc học.
Shannon Satanori Lytle, con của một công nhân nhà kho
và một người nhập cư, đã trở thành người đầu tiên trong gia đình có được
tấm bằng cử nhân sau khi tốt nghiệp ĐH Harvard vào ngày 25/5/2017.
Đăng bức ảnh tự hào cầm tấm bằng trên tay trong bộ áo
cử nhân, chàng trai đến từ bang Ohio chia sẻ những nỗ lực vượt khó của
mình trong một bài viết trên Facebook và ngay lập tức thu hút sự chú ý
của cộng đồng mạng, khiến nhiều người rơi nước mắt.
Shannon tiết lộ, hồi học trung học, anh từng phải đi
lật bánh hamburger cho cửa hàng McDonald’s để có tiền trả phí dự thi
SAT. Ngoài việc học, Shannon còn chăm sóc 3 đứa em nhỏ cho tới khi chúng
đi ngủ. Anh thức đến 4 giờ sáng để hoàn thành bài tập về nhà nhờ “hứng”
sóng wifi của hàng xóm.
Shannon còn phải chịu đựng thái độ coi thường, chế
nhạo từ những người xung quanh, họ nói rằng: “Ở vùng này của Ohio, chỉ
có con nhà bác sĩ, luật sư mới vào được các trường khối Ivy”.
Shannon khiến người đọc xót xa khi chia sẻ: “Khi học
đại học, tôi đã rất sợ hãi khi máy tính hỏng vì tôi đã làm ít nhất 150
giờ mới có đủ tiền mua nó”. Anh từng phải cọ rửa toilet, đóng giá sách,
bán quần áo và tận dụng mọi thứ giảm giá để có thể theo đuổi ước mơ của
mình.
Bằng tất cả sự nỗ lực, Shannon đã tốt nghiệp ĐH
Harvard chuyên ngành khoa học máy tính. Anh lên đại học với 120 USD
trong tay và chọn ngành học này bởi nó không cần nhiều giáo trình như
các chuyên ngành khác, đỡ cho anh một khoản chi phí.
Theo College Board, chỉ riêng học phí của sinh viên
tại Harvard đã là hơn 40.000 USD/năm, trong khi các trường công có học
phí trung bình hơn 20.000 USD/năm.
Bài đăng của Shannon đã nhận được nhiều sự đồng cảm
với hơn 15.000 lượt like và 207.000 lượt chia sẻ. Chàng trai trẻ cho
biết anh muốn những người có cùng cảnh ngộ khác biết rằng họ không nên
cảm thấy thấp kém, tự ti chỉ vì hoàn cảnh gia đình mình.
“Dù trở ngại của bạn là gì, xin đừng mặc cảm. Hãy
ngẩng cao đầu, xắn tay áo lên và làm việc chăm chỉ. Ai cũng đều đáng quý
và xứng đáng có cơ hội để trở thành con người mà mình mong muốn”.
Tuệ Anh (theo Metro)
nghị lực phi thường
Trả lờiXóa