Vị trí của các bộ thủ
Trước khi vào bài viết mới, ta giải đáp câu đố chữ của bài viết cũ nhé !
天無他大, Thiên vô tha đại,
人有他大. Nhân hữu tha đại.
牛無它不生, Ngưu vô tha bất sinh,
人無它不大. Nhân vô tha bất đại.
Có nghĩa :
Trời không có nó thì lớn,
Người có nó mới lớn.
Trâu không có nó thì không sanh,
Người không có nó thì không lớn.
Giải đáp :
Đó là chữ NHẤT 一. Vì ...
Chữ THIÊN 天 không có chữ NHẤT 一, thì thành chữ ĐẠI 大.
Chữ NHÂN 人 thêm chữ NHẤT 一 vào, cũng thành chữ ĐẠI 大.
Chữ NGƯU 牛 thêm chữ NHẤT 一 phía dưới thì thành chữ SINH 生 là Đẻ.
Chữ NHÂN 人 không thêm chữ NHẤT 一 vào thì không thành chữ ĐẠI 大 được.
NHẤT 一 là số Một, là hạng Nhất, là duy Nhất như Khổng Tử đã nói với Tăng Sâm :
" Sâm hồ ! Ngô đạo NHẤT dĩ quán chi. 參乎 ! 吾道一而貫之 ".
Có nghĩa :
" Trò Sâm này, Đạo của ta chỉ có Một Mối mà bao gồm tất cả !"
曾子曰:「唯。」子出。門人問曰:「何謂也?」曾子曰:「 夫子之道,忠恕而已矣。」Tăng
Tử viết : " Duy ". Tử xuất. Môn nhân vấn viết : " Hà vị dã ?". Tăng Tử
viết : " Phu tử chi đạo, Trung Thứ nhi dĩ hỉ."
Có nghĩa :
Tăng
Tử đáp : " Vâng.". Khi Khổng Tử đi ra ngoài, các môn nhân mới hỏi Tăng
Tử : " Là sao vậy ?". Tăng Tử đáp rằng : " Cái đạo của Thầy ta là hai
chữ Trung Thứ mà thôi." Cho nên ...
MỘT
MỐI đó chính là đạo NHÂN 仁 : là phải biết TRUNG 忠, biết THỨ 恕. TRUNG 忠
là TRUNG TÂM 中心, là TRUNG 中 trên TÂM 心 dưới, là ở giữa lòng ta, không
thiên lệch bên nào cả, là làm hết lòng của mình, một cách ngay thẳng vô
tư. Còn THỨ 恕 là NHƯ TÂM 如心, NHƯ 如 trên TÂM 心 dưới, là như cái lương tâm
của lòng mình, lấy lòng ngay thẳng của ta mà xét cho lòng ngay thẳng
của người một cách vô tư không hà khắc. Nên ...
TRUNG THỨ là đạo NHÂN 仁, cái Đạo làm người của Nho Gia. Ta thấy chữ
NHÂN 仁 gồm có bộ NHÂN 亻là Người ở bên trái, bên phải là bộ NHỊ 二 : Trên
một gạch, dưới một gạch, chính là trên TRUNG dưới THỨ đó vậy !
Lấy
ý của câu nói " Ngô đạo NHẤT dĩ QUÁN CHI " của Khổng Tử, nên cụ Đào
Trinh NHẤT mới lấy tên hiệu là QUÁN CHI, là do câu nói nầy mà ra đó.
Cụ Đào Trinh Nhất và các tác phẩm tiêu biểu
Bây giờ thì ta vào bài viết mới ...
1. SỐ BỘ THỦ TRONG CHỮ NHO :
Theo Thuyết Văn Giải Tự 說文解字 của nhà Văn-Tự-Học HỨA THẬN 許慎 đời
Đông Hán xếp chữ Hán thành các bộ cho có hệ thống và dễ tra cứu. Sau
đó, rất nhiều sách đời sau mô phỏng, dùng Bộ Thủ 部首 để phân loại chữ
Hán, như sách " Ngọc Biên 玉篇 " phân chia thành 542 bộ thủ; sách " Loại Biên 類篇 "
540 bộ thủ ... đều theo dạng chữ Khải, nội dung cũng tương tự như
Thuyết Văn Giải Tự, còn tồn tại nhiều khuyết điểm khi tra cứu.
Tiếp đến đời Liêu, các tăng lữ đều dùng " Long Khám Thủ Giám 龍龕手鑑 "
gồm 242 bộ thủ. đời Kim, Hàn Hiếu Ngạn và Hàn Đạo Chiêu soạn Ngũ Âm
Biên Hải 五音篇海 gồm 444 bộ thủ ... vẫn còn rất phức tạp khi tra cứu, nên
các nhà văn tự học bắt đầu điều chỉnh lại số lượng của các bộ thủ cho
tiện lợi và dễ dàng hơn khi cần tra cứu.
Năm Vạn Lịch thứ 43 ( Công nguyên 1615 ) đời nhà Minh, Mai Ưng Tộ biên soạn quyển TỰ VỊ 字彙 chắc
lọc lại còn 214 bộ và được sắp xếp theo thứ tự số nét của mỗi bộ, loại
bỏ những bộ không thường thấy và ít được dùng đến, làm cho việc tra cứu
theo bộ thủ dễ dàng và tiện lợi thêm rất nhiều. Ví dụ như :
Bộ NAM 男 là bộ đối xứng với bộ NỮ 女, nhưng vì ...
Bộ NAM 男 chỉ có 2 chữ nữa là
SANH 甥 là Cháu kêu bằng cậu bằng dì và
CỮU 舅 là Cậu, là anh em của mẹ.
Nên ...
Nhập bộ NAM 男 vào bộ ĐIỀN 田.
Nhập chữ SANH 甥 vào bộ SANH 生. Và ...
Nhập chữ CỮU 舅 vào bộ CỮU 臼.
Sau đó, Khang Hi Tự Điển 康熙字典 cũng tiếp nối kế thừa 214 bộ thủ của Tự
Vị và trở thành quyển Tự Điển Tiêu Chuẩn của thời cận đại. Mặc dù các bộ
cùng nét trong 214 bộ thủ không có nguyên tắc nào để xếp trước hoặc
sau, nhưng các bộ có tự dạng giống nhau thì được xếp gần nhau cho dễ
phân biệt, Như :
Trong 2 nét, các bộ 人 Nhân, 入 Nhập, 八 Bát được xếp gần nhau.
Trong 3 nét, các bộ 土 Thổ, 士 Sĩ được xếp gần nhau.
Trong 4 nét, các bộ 日 Nhật, 曰 Viết được xếp gần nhau ....
Các
tự điển cận đại ở Đài Loan, Hồng Kông đều áp dụng tra chữ bằng bộ thủ
theo 214 bộ của tự điển Khang Hi, nhưng đôi khi cũng bỏ bớt các bộ không
cần thiết, chỉ sử dụng 210 bộ như trong quyển Thương Vụ Tân Từ Điển
商務新字典 của Thương Vụ Ấn Thư Quán Hồng Kông xuất bản.
Gần
đây nhất, các quyển TỪ VỊ 辭彙 của Đài Loan, Tân Hoa Tự Điển 新華字典 của Bắc
Kinh, phần tra cứu bằng bộ thủ vẫn áp dụng theo 214 bộ của Khang Hi Tự
Điển từ 1 cho đế 17 nét.
Khang Hi Tự Điển và Từ Vị của Đài Loan
2. VỊ TRÍ CỦA CÁC BỘ TRONG CHỮ NHO :
Ngoài các BỘ thuần túy như :
Bộ PHIỆT 丿 : là Nét phẩy.
Bộ BAO 勹 : là Gói, là Bọc.
Bộ XƯỚC 辵 : là Chợt đi chợt dừng ...
Nhiều khi BỘ cũng là một CHỮ như :
Bộ NHẤT 一 cũng là chữ NHẤT, có nghĩa là Một.
Bô LỰC 力 cũng là chữ LỰC 力, có nghĩa là Sức.
Bộ ĐIỀN 田 cũng là chữ ĐIỀN, có nghĩa là Ruộng ...
A.Thường thì BỘ nằm ở Trên, Dưới, Phải, Trái, của chữ đó. Như :
Chữ LAM 藍 : Bộ Thảo 艸 (艹) ở phía trên chữ LAM (xanh dương).
Chữ LAM 籃 : Bộ Trúc 竹 ở phía trên đầu chữ LAM ( giỏ lam ).
Chữ NHIỆT 熱 : Bộ Hỏa 火 (灬) ở phía dưới chữ NHIỆT ( Nóng ).
Chữ TƯ 思 : Bộ Tâm 心 ở phía dưới chữ TƯ ( Nhớ ).
Chữ ĐÁO 到 : Bộ Đao 刀 (刂) ở bên phải của chữ ĐÁO ( Đến ).
Chữ HÂN 欣 : Bộ Khiếm 欠 ở bên phải của chữ HÂN ( Vui ).
Chữ HÀNH 行 : Bộ Xích 彳 ở bên trái cua chữ HÀNH ( Làm ).
Chữ ĐẢ 打 : Bộ Thủ 手 ( 扌) ở bên trái của chữ ĐẢ ( Đánh ).
B. Đôi khi BỘ nằm ở giữa, bên ngoài hoặc phía trên của góc trái. Như :
Chữ BIỆN 瓣 : Bộ Qua 瓜 ở giữa chữ BIỆN ( Cánh Hoa ).
Chữ BIỆN 办 ( giản thể ): Bộ Lực 力 ở giữa chữ BIỆN ( Làm ).
Chữ NÁO 閙 : Bộ Môn 門 ở bên ngoài chữ NÁO ( Ồn ào ).
Chữ VÕNG 罔 : Bộ Quynh ở bên ngoài chữ VÕNG ( Lưới ).
Chữ NGHI 疑 : Bộ Chủy ở phía trên góc trái chữ NGHI ( Ngờ ).
C. Trong một chữ, nhiều khi có đến mấy bộ cùng ghép lại, thường thì bộ thủ chính của chữ nằm bên tay trái, như :
Chữ THU 秋 : Thuộc bộ HÒA 禾 nằm bên tay trái.
Chữ TẠ 謝 : Thuộc bộ NGÔN 言 nằm bên tay trái.
Chữ NGẠO 傲 : Thuộc bộ NHÂN 亻nằm bên tay trái.
Nhưng tùy theo ngữ nghĩa, bộ chính có thể nằm bên tay phải như chữ HÒA 和 thuộc bộ KHẨU 口 nằm bên tay phải.
Chữ ĐÁO 到 thuộc bộ ĐAO 刀 (刂) nằm bên tay phải.
Ngoài ra, các bộ như bộ THỦY, BĂNG, MỘC, THỦ, NGÔN, KIM ... đa số nằm bên tay trái của chữ viết.
D.
Cùng một bộ, tùy theo thẩm mỹ và thói quen bút thuận của nét viết, có
thể ở cả trên dưới phải trái của chữ viết, như :
BỘ ĐIỂU 鳥 có thể được ghép như sau :
Chữ PHÙ 鳧 : là con Le Le, bộ ĐIỂU nằm ở trên.
Chữ OANH 鶑 : là chim Oanh, bộ ĐIỂU bằm nằm ở dưới.
Chữ ĐÀ 鴕 : là Đà Điểu, bộ ĐIỂU nằm ở bên trái.
Chữ HẠC 鶴 : là chim Hạc, bộ ĐIỂU nằm ở bên phải.
Chữ PHỤNG 鳳 : là chim Phượng, bộ ĐIỂU nằm ở bên trong.
3. PHÂN LOẠI CÁC BỘ THƯỜNG GẶP :
Căn cứ theo nội dung ý nghĩa của các bộ :
A. Các BỘ chỉ các hiện tượng tự nhiên như :
Bộ NHỰT 日 Mặt Trời.
Bộ NGUYỆT 月 Mặt Trăng.
Bộ THẦN 辰 Ngôi Sao.
Bộ PHONG 風 là Gió.
Bộ VŨ 雨 là Mưa.
B. Các BỘ chỉ các vật chất thiên nhiên, như :
Bộ KIM 金 là Kim loại.
Bộ MỘC 木 là Cây cối.
Bộ THỦY 水 là Sông nước.
Bộ HỎA 火 là Củi lửa.
Bộ THỔ 土 là Đất cát.
C. Các BỘ chỉ thực vật, như :
Bộ THẢO 艸 là Hoa cỏ.
Bộ MỊCH 糸 là Sợi tơ.
Bộ TRÚC 竹 là Tre trúc.
Bộ HÒA 禾 là Cây lúa.
Bộ MẠCH 麥 là Cây lúa mì.
D. Các BỘ chỉ các động vật, như :
Bộ KHUYỂN 犬 là Chó.
Bộ NGƯU 牛 là Trâu, Bò.
Bộ ĐIỂU 鳥 là Chim.
Bộ NGƯ 魚 là Cá.
Bộ TRÙNG 虫 là Sâu bọ.
E. Các BỘ chỉ một bộ phận trong cơ thể con người, như :
Bộ MỤC 目 là Mắt.
Bộ NHĨ 耳 là Tai.
Bộ KHẨU 口 là Miệng.
Bộ TÂM 心 là Tim.
Bộ THỦ 手 là Tay.
F. Các BỘ chỉ vật dụng trong đời sống, như :
Bộ CUNG 弓 là Cây Cung.
Bộ Y 衣 là Áo.
Bộ MÔN 門 là Cửa.
Bộ CHU 舟 là Ghe, tàu.
Bộ XA 車 là Xe cộ.
G. Các BỘ chỉ hành động của con người, như :
Bộ HÀNH 行 là Làm.
Bộ TẨU 走 là Đi.
Bộ XƯỚC 辵 là Bước đi.
Bộ LẬP 立 là Đứng
Bộ NGÔN 言 là Lời nói.
H. Các BỘ chỉ màu sắc, như :
Bộ BẠCH 白 là Màu Trắng.
Bộ XÍCH 赤 là Màu Đỏ.
Bộ THANH 青 là Màu Xanh.
Bộ HUỲNH 黃 là Màu Vàng.
Bộ HẮC 黑 là Màu Đen.
4. CÁC BỘ BIẾN DẠNG KHI GHÉP THÀNH CHỮ.
Một số BỘ khi ghép thành chữ đã phải biến dạng theo thẩm mỹ và theo bút
thuận để chữ được ghép trông gọn ghẽ đẹp mắt dễ đọc dễ nhận dạng, như :
Bộ ẤT 乙 viết thành 乚 trong chữ CƠ 乩 là Cầu Cơ.
Bộ NHÂN 人 viết thành 亻trong chữ THA 他 là Nó.
Bộ ĐAO 刀 viết thành 刂 trong chữ LỢI 利 là Bén.
Bộ TÂM 心 viết thành 忄trong chữ KHOÁI 快 là Vui.
viết thành trong chữ MỘ 慕 là Ái Mộ.
Bộ THỦ 手 viết thành 扌trong chữ CHỈ 指 là Ngón Tay.
Bộ THỦY 水 viết thành 氵trong chữ TRẦM 沉 là Chìm.
Bộ HỎA 火 viết thành 灬 trong chữ NHIỆT 熱 là Nóng.
Bộ KHUYỂN 犬 viết thành 犭trpng chữ CẨU 狗 là Chó.
Bộ NGƯU 牛 viết thành 牜trong chữ ĐỘC 犢 là Con Nghé.
Bộ ẤP 邑 viết thành 阝( phải ) trong chữ ĐÔ 都 là Thủ Đô.
Bộ PHỤ 阜 viết thành 阝( trái ) trong chữ 陌 MẠCH là Lộ Cái.
Bộ THỊ 示 viết thành 礻trong chữ THẦN 神 là Thần Thánh.
Bộ Y 衣 viết thành 衤trong chữ BÀO 袍 là Áo Khoác.
Bộ NHỤC 肉 viết thành 月 trong chữ ĐỔ 肚 là Cái Bụng.
Bộ XƯỚC 辵 viết thành 辶 trong chữ VIỄN 遠 là Xa.
Bộ TRÚC 竹 viết thành 𥫗 trong chữ 笛 ĐỊCH là Cây Sáo.
Bộ THẢO 艸 viết thành 艹 trong chữ THẢO 草 là Cỏ.
Năm
Công nguyên 788 ( Năm Trinh Nguyên thứ 3 đời Đường Đức Tôn ). Bạch Cư
Dị 白居易 lúc đó mới 16 tuổi, đang lai kinh ứng thí. Phàm các thí sinh
trước khi dự thi đều phải làm bài tập theo khuôn phép của trường thi đưa
ra, như trước đề mục thi phải thêm hai chữ " Phú Đắc ", thơ Luật phải
tuân thủ nội dung Khởi Thừa Chuyển Hợp ( ta nói là Mạo Thực Luận Kết )
một cách nghiêm chỉnh. Bạch Cư Dị đã làm một bài tập thật hay, thật nổi
tiếng để đời cho đến ngày nay, đó là bài Ngũ ngôn Luât thi có tựa là "
THẢO 草 " ( Cỏ ). Nhưng theo quy định trường thi nên tựa của bài thơ ...
dài thòn như thế nầy : " PHÚ ĐẮC CỔ NGUYÊN THẢO TỐNG BIỆT 赋得古原草送别 ". Có
nghĩa : Phú về bài thơ Tống biệt trên đồng cỏ xưa :
草 THẢO
離離原上草, Li li nguyên thượng thảo,
一歲一枯榮。 Nhất tuế nhất khô vinh.
野火燒不盡, Dã hỏa thiêu bất tận,
野火燒不盡, Dã hỏa thiêu bất tận,
春風吹又生。 Xuân phong xuy hựu sanh.
遠芳侵古道, Viễn phương xâm cổ đạo,
遠芳侵古道, Viễn phương xâm cổ đạo,
晴翠接荒城。 Tình thúy tiếp hoang thành.
又送王孫去, Hựu tống vương tôn khứ,
又送王孫去, Hựu tống vương tôn khứ,
萋萋滿別情。 Thê thê mãn biệt tình.
白居易 Bạch Cư Dị
Hựu tống vương tôn khứ, thê thê mãn biệt tình.
Nghĩa bài thơ :
Cỏ trên cánh đồng mượt mà xanh tốt, ai có biết rằng mỗi năm là mỗi độ
cỏ héo uá tàn lụi rồi lại xanh tươi trở lại. Mặc cho lửa dại có thiêu
đốt thì cũng không diệt nỗi sức sống của cỏ, vì khi gió xuân bắt đầu phe
phẩy thổi là cỏ lại vươn lên xanh tốt trở lại ngay.
Hương cỏ thoảng nhẹ lan xa đến tận những con đường xưa lối cũ, trong
nắng xuân ấm áp, cỏ mọc xanh tươi phủ cả lên các thành trì hoang phế.
Trong cảnh trí nầy, ta lại phải đưa bạn ( Vương Tôn : chỉ các bạn bè của
tác giả ) lên đường, đồng cỏ vươn dài mượt mà như lưu luyến trước cảnh
biệt ly !
Diễn nôm :
CỎ
Mượt xanh đồng cỏ biếc,
Mỗi độ úa rồi xanh,
Lửa dại thiêu không chết,
Gió xuân thổi lại xanh.
Thoảng hương tràn lối cũ
Sắc biếc phủ thành xanh.
Lại tiễn vương tôn nữa,
Luyến lưu xanh ngát xanh !
Toàn bài thơ đều toát lên sức sống mãnh liệt của CỎ, " Cỏ non xanh rợn
chân trời ! " Mặc cho thu tàn đông rụi, hễ gió xuân hây hẩy là cỏ lại
xanh tươi, sức sống bao trùm cả mặt đất, phủ xanh cả đường xưa lối cũ,
tràn ngập cả thành trì hoang phế và màu xanh của cỏ cũng đã làm cho lòng
người càng nao nao lưu luyến hơn trước cảnh biệt ly ! Qủa là một bài
thơ tuyệt tác về ... CỎ ! Tương truyền ... ( theo U Nhàn Cổ Xúy của
Trương Cố đời Đường ) :
Khi
Bạch Cư Dị từ giang nam vào kinh ứng thí, đã từng đem thi phẩm và bài
tập của mình cho danh sĩ lúc bấy giờ là Cố Huống xem ( Cố Huống đậu Tiến
sĩ năm 757, đang giữ chức Phán Quan của Tể Tướng Hàn Quang ). Thấy tên
là CƯ DỊ 居易 ( có nghĩa là Ở Dễ : Dễ dàng cư trú ) bèn nói chơi rằng : "
Trường An bách vật qúy, CƯ đại bất DỊ 长安百物贵,居大不易 !". Có nghĩa : Đất
Trường An nầy trăm vật đều mắc mỏ, Ở thật không DỄ chút nào !" Ý vừa nói
chơi, vừa ngầm có ý bảo rằng : Muốn bon chen để lập thân ở đất Trường
An nầy thật không phải dễ đâu !. Nhưng khi đọc đến 2 câu :
野火燒不盡, Dã hỏa thiêu bất tận,
春風吹又生。 Xuân phong xuy hựu sanh.
thì
ông lại bất giác buộc miệng khen rằng : Hữu cú như thử, cư thiên hạ hà
nan 有句如此,居天下何难!Có nghĩa : " Viết được câu như thế nầy, Ở trong thiên hạ
đâu có nơi nào mà làm khó được đâu !". Và ... ông đã cổ vũ khen ngơi thơ
của Bạch Cư Dị khắp nơi. Qủa nhiên, sau này Bạch Cư Dị đậu Tiến sĩ khi
mới 28 tuổi... và trở thành một thi sĩ lớn của đời Đường với 2 tác
phẩm thất ngôn trường thiên : Trường Hận Ca và Tì Bà Hành bất hũ.
Lục bát :
Mượt mà đồng cỏ xanh rì,
Mỗi năm mỗi độ đông đi xuân về.
Lửa hoang đốt cũng chẳng hề,
Gió xuân hây hẩy xanh rê một màu.
Ngập tràn đường cũ lao xao,
Phủ đầy thành quách ngày nào hoang sơ.
Đưa người đồng cỏ ngẩn ngơ,
Xanh xanh lưu luyến trước giờ chia tay !
Để kết thúc bài viết nầy, mời tất cả cùng giải đoán câu đố chữ sau đây :
绿水长流横山隐, Lục thủy trường lưu hoành sơn ẩn,
图中唯见有情人。 Đồ trung duy kiến hữu tình nhân.
耳边却似钟声响, Nhĩ biên khước tự chung thinh hưởng,
耳边却似钟声响, Nhĩ biên khước tự chung thinh hưởng,
待到秋過续後塵。 Đãi đáo thu qua tục hậu trần.
Có nghĩa :
Nước xanh chảy mãi núi ngang ngăn,
Chỉ thấy trong tranh tình cố nhân.
Nghe tựa bên tai chuông vẳng tiếng,
Đợi đến thu qua nối bụi trần !
Đoán một chữ với 4 câu thơ trên.
Hẹn bài viết tới : Sự Tương Quan Mật Thiết giữa các Thành Ngữ HOA- VIỆT.
không dễ học đâu
Trả lờiXóa