Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

FM974:A Phú Hản: Cũng Còn Người Thương Trẻ Bụi Đời Đường Phố



    Radio FM974

Chuyện Thế Giới Trong Tuần

Thứ Hai 29/05/2017



     Omit hàng ngày xuống lên dọc theo hai bên đường phố, đông nghẹt xe cộ quanh thành phố Kabul, trên tay cầm cái khăn vải cũ mèm, không biết màu thật của nó là gì, vẫy vẫy xin lau rửa xe người, cuối ngày, chiều xuống, thằng bé vừa lên bảy tuổi, mang về nhà số tiền mà nó kiếm được, để ba Omit không phải bán thêm một cái bàn, cái ghế nào khác trong nhà, mua ma túy xì ke hút chích.

     Haroon, một thằng bé trai khác, bắt đầu ra đường kiếm tiền từ lúc mới sáu tuổi, với cái việc có tên là “espandi”, có nghĩa là “xua đuổi tà ma”, bằng cách dùng cái lon có đựng lửa than, giơ lên giơ xuống, bốn phương tám hướng để khói bay lòng vòng trên mui hay lùa xuyên qua khung cửa sổ xe hơi, ngày được xem sung sướng nhất đời, là hôm có một người đàn bà ngồi trong chiếc xe hơi bọc thép, ngừng lại cho nó số tiền 1000 afganis (khoảng 20 Mỹ kim), còn lại, hầu hết nó chỉ kiếm được nhiều lắm khoảng 100 afghnis một ngày dài, từ sáng đến tối mịt. Kabul, hiện được xem là một trong những thành phố đang phát triển nhất trên thế giới, lại bị khó khăn trong việc mở rộng đô thị, đa số người dân sống ở đây, là cư dân sống trong các khu nhà giống như ổ chuột, cha mẹ của Omid và Haroon cũng như hàng ngàn người khác tại thủ đô A Phú Hản, nghèo khó, chỉ dựa vào số tiền con cái kiếm được để tiếp tục sống còn.

   Tuy nhiên, không giống những người sống bụi đời trên đường phố trước đó, Omid và Haroon may mắn hơn, sống lại một phần nào cuộc đời tuổi thơ đã mất. Tại một gian nhà rộng ở phía nam thành phố Kabul, bọn nó giờ được học hành ban ngày cùng với chừng hơn một chục đứa trẻ khác, cũng được tập luyện võ thuật và học nghề như nấu ăn, khắc gỗ trong các lớp học và xưởng thợ. Trong một căn phòng khác, một nhóm con gái nhỏ ngồi tập dệt thảm, bên cạnh đó người ta nghe rõ tiếng đám khác đọc lớn vần chữ, ở phòng tập thể dục dưới hầm con trai con gái tập võ chung với nhau. Ở đây, mỗi ngày có khoảng 150 đứa trẻ đến học, theo lời của người sáng lập ra nơi này, ông Abdul Baqi Samandar, người đang mướn khoảng 25 thầy cô giáo.

    Chuyện xem ra không có vẻ gì trở ngại lắm nhưng Samandar, cho biết ông cũng thường gặp khó khăn để khuyến dụ cha mẹ của các đứa trẻ bụi đời, cho con họ đến học, đến nhận thức ăn miễn phí, để chúng nó không phải vất vả lang thang ngoài đường phố, ông bảo họ, con cái họ có quyền được đi học, tại sao phải để nó đứng trên đường cả ngày đổi lấy một miếng bánh mì. Ông Samanndar nói rằng, ông không nhận bất cứ số tiền tài trợ nào từ chánh quyền A Phú Hản hay tổ chức phi chánh quyền trên thế giới, số tiền ông dùng chi xài cho trường học này do tặng dử của bạn bè ông ở ngoại quốc phụ giúp, nhờ vào sự quen biết và giao hảo nhau trong suốt nhiều năm ông sống ở Đức quốc, và các nhà hảo tâm địa phương, ví dụ như người chủ nhà in đã tặng không cho giấy má làm tập vở. Ông Samandar, 60 tuổi, vốn là một người cựu ký giả và hoạt động xã hội, nói thêm, ông cảm thấy buồn nhiều khi con số trẻ em bụi đời đường phố Kabul, hiện tăng lên thấy rõ trong vòng một thập niên qua.

    Tổng thống A Phú Hản, Ashraf Ghani, đã có kế hoạch mở mang đô thị và nhà cửa nhưng đã thất bại trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, sau vụ rút quân của phần lớn các lực lượng quân đội ngoại quốc trong năm 2014 và sự sụp đổ của nhiều dự án quan trọng. Các thành phố lớn của A Phú Hản hiện thời là những nơi an ninh bất ổn cho giới người trẻ, ít hay nhiều, các thành phố này không chỉ là nơi không có nhiều dịp may mà còn là không an ninh, trong những năm qua, thủ đô Kabul đã chịu nhiều áp lực thêm nữa vì việc hồi hương của hơn 600 ngàn người A Phú Hản, bị trục xuất về từ Tây Hồi và con số chạy trốn chiến tranh từ các vùng khác trong nước.

    Theo Herve Nicolle, đồng giám đốc của Samuel Hall, một tổ chức tư vấn vừa hoàn tất bản khảo sát về tình trạng trẻ em A Phú Hản làm việc trên đường phố thì, vì hiện tình nói trên, “trẻ con nhanh chóng bị đưa ra đường kiếm tiền, chỉ một số nhỏ còn đi học vài giờ trong ngày, cha mẹ, trừ khi họ có học hành, không thấy có lý do tại sao con cái họ phải đi học, không thấy có gì đối nghịch giữa đi làm và đi học, trẻ con có thể đi xin ăn mười tiếng đồng hồ và tới trường năm tiếng, nhưng ngay cả họ làm như vậy, cũng không chắc là họ thu nhận được ích lợi thực tiển gì vì sự khủng hoảng tâm lý và các điều thiếu thực tế, theo họ nghĩ, từ nhà trường”. Riêng Haroon, bây giờ đã 13 tuổi, vui vẻ cho biết “trước đây, nó không hiểu gì về trường học nhưng giờ nó đã học được nhiều và rất nhanh”.

    Dân số thành phố Kabul đã tăng lên gấp bốn lần kể từ năm 2001, hiện có khoảng chừng 6 triệu người, kế hoạch phát triển đô thị cho thấy dân số các vùng phụ cận có thể tăng lên gấp đôi trong vòng 15 năm tới, tuy nhiên, tại Kabul dưới ba trong bốn người, sống tại các căn nhà đúng tiêu chuẩn nhà cửa. Tại khu Khair Khana, nằm trên sườn núi hẹp gần những dãy chung cư do Nga sô xây lên, có chừng 900 gia đình người sắc dân Kuchis cư ngụ trong các cái nhà gạch lợp mái tranh. Trong hơn nhiều thế kỷ, người Kuchis vốn sống với lối sống du mục truyền thống nhưng ngày nay không còn nữa vì hậu quả của chiến tranh hiện tại, những gia đình Kuchis ở khu Khair Khana đã dời đến Kabul từ Laghman 15 năm trước đây, vì phải chạy bỏ nhà cửa bởi chiến tranh, gia súc của họ đều bị giết chết hay chiếm đoạt bởi, hoặc quân đội chính quyền hay quân hồi giáo Taliban.

     Vài năm trước, chánh phủ A Phú Hản muốn các gia đình người Kuchis ở tại khu Khushal Khan và Parwan – e- Do di chuyển tới Khair Khana, để họ có chỗ xây khu nhà mới, theo Emam, người trưởng làng thì chính phủ hứa sẽ cung cấp điện nước đầy đủ và cho người ở đây bánh kẹo nhưng chính phủ đã không giữ lời, hai năm trước đây, cảnh sát phái đến định cưỡng bách họ ra khỏi khu Khair Khana, họ phong tỏa cả vùng hơn 20 ngày, dân chúng Kuchis, võ trang gậy gộc, đá sỏi, chống lại và cảnh sát phải rút lui, kể từ đó, người Kuchis tự xây lấy nhà cửa cho mình, chưa nhận được dự trợ giúp gì từ phía chánh phủ. Cũng theo lời ông Emam, người Kuchis thích sống ở sa mạc hơn nhưng hiện nay, ở đó họ không kiếm ra tiền nữa.

    Omid, giờ 11 tuổi, trở thành một con người khác hẳn trước sau những ngày đến học tại nhà của ông Samandar, mẹ của Omid, bà Fazela, đã bỏ nhà, tránh ông chồng nghiện ngập với mấy đứa con, hiện gia đình bà đang cư ngụ tại một gian nhà nhỏ nối liền ngôi nhà trên của Samandar. Con cái bà Fazela bắt đầu đi làm ngay khi vừa đủ lớn, đi bán các bao ni-lông không, trên đường phố chỉ vì người chồng không có khả năng làm việc, do ảnh hưởng của ma túy, bà cho biết bà đã không còn cách chọn lựa nào khác.

    So sánh hình ảnh trẻ em đi xin ăn hay lang thang nhặt rác trên đường, người ta ít thấy đàn bà A Phú Hản có mặt tại các khu phụ cận nghèo khó, ở nông thôn phụ nữ A Phú Hản có thể đóng góp thêm vào phần lợi tức gia đình, như làm thuê làm mướn trong những mùa gặt lúa hay hái trái cây nhưng ở thành phố, họ không biết và không thể làm được gì, từ đó, họ đành quanh quẩn trong nhà, không đi ra ngoài nữa, không kiếm được tiền phụ cho gia đình, nếu người chồng cũng không có việc làm, túng thiếu thường gây ra bạo động, hành hạ ở nhà. Cô chị gái lớn của Omid, Safat, 19 tuổi, đang học để thi vào đại học, đây là lần cố gắng cuối cùng sau khi cha cô ta gây ra nhiều rắc rối nên năm ngoái Safat không thi được, có một lý do khác mà bà Fazela bỏ chồng, là để tìm cho con mình một cơ hội có được học hành, bà không muốn cuộc đời con cái giống như cuộc đời bất hạnh khổ đau của mình.

    Với Fazela, bà không có gì quý giá hơn là hai tiếng cám ơn dành cho Samandar, dù nó chưa đủ, để đền đáp tấm lòng nhân từ của ông, đã giúp gia đình bà, con cái bà cũng như hàng trăm đứa trẻ bụi đời khác trên đường phố hiện nay, có được một dịp may đổi đời nhỏ nhoi mà bà chưa bao giờ dám nghĩ tới.



Thuyên Huy

Mon 29.05.2017.




     

1 nhận xét:

SOI GƯƠNG - Lê Trung Ngân

  Soi Gương Hình như dù là ai đi nữa thì một ngày cũng soi gương ít nhất là một lần. Tôi cũng vậy, nhưng tôi có suy nghĩ riêng mình là: Soi ...