Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Con Đường Raoul Wallenberg.

Le Nguyen Duy Hau
Một phần của Đại lộ số 1 tại New York, nơi đặt trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc, được đặt tên là Con Đường Raoul Wallenberg. Mình đã rất bất ngờ và thích thú khi vô tình biết điều này.


Raoul Wallenberg là một nhà ngoại giao người Thuỵ Điển. Trong chiến tranh thế giới thứ 2, Thuỵ Điển không tham chiến nhưng họ rất tích cực trong các hoạt động nhân đạo, làm cầu nối giữa Chữ Thập Đỏ Quốc tế và các nạn nhân chiến tranh, trong đó có cả người Do Thái. Raoul Wallenberg với tư cách là một nhân viên ngoại giao cũng xem các nỗ lực nhân đạo như một phần công việc của mình.
Năm 1944, giữa cao trào của cuộc chiến, Wallenberg được cử đến ĐSQ Thuỵ Điển tại Budapest, Hungary. Thời điểm Wallenberg nhận nhiệm sở là một thời điểm đặc biệt nhạy cảm vì quân Đức đang tập trung nguồn lực để tận diệt người Do Thái ở Hungary. Luật pháp Quốc xã bấy giờ trừng trị bất kỳ ai giúp đỡ người Do Thái bằng án tử hình. Nhưng Wallenberg với tư cách nhân viên ngoại giao của một nước trung lập đã khéo léo sử dụng vị trí của mình để ra tay cứu giúp người Do Thái. Thủ thuật của Wallenberg rất đơn giản, ông dùng vị trí của mình để phân phát passport Thuỵ Điển cho bất kỳ người Do Thái nào ông gặp. Với hộ chiếu Thuỵ Điển trong tay, người Do Thái đó sẽ được chính quyền Thuỵ Điển bảo vệ và quân Đức sẽ không dám đụng đến. Chỉ trong chưa đầy nửa năm tại Budapest, người ta ước tính rằng Wallenberg đã cứu được (trực tiếp hoặc gián tiếp) 70.000 người Do Thái khỏi bị đưa đến các trại tập trung hoặc bị xử tử.
Tất nhiên, ông trở thành đối tượng bị bọn phát xít doạ giết. Nhưng điều đó không ngăn Wallenberg làm điều dũng cảm. Có một lần ông đang đi trên đường thì nhìn thấy một đoàn tàu chở đầy người Do Thái chuẩn bị bị đưa đến trại tập trung khét tiếng Auschwitz. Không chần chừ, Wallenberg lặp tức xuống xe và nhảy lên nóc xe lửa để phân phát toàn bộ số hộ chiếu Thuỵ Điển mà ông đang có cho bất kỳ cánh tay người Do Thái nào đang đưa ra. Bọn phát xít liên tục doạ nạt và bắn chỉ thiên nhưng điều đó không làm Wallenberg nao núng. Theo tài xế của Wallenberg, có lẽ chính bọn phát xít cũng bất ngờ trước sự dũng cảm của ông vì thế chúng không nỡ xuống tay với ông mà chỉ bắn chỉ thiên. Hành động của Wallenberg đã cứu được hàng chục người Do Thái trên chuyến tàu tử thần đó.
Nhưng số phận của Wallenberg lại rất bi đát. Ông không chết dưới tay Đức Quốc xã hay phát xít Hungary mà lại bị... Hồng quân Liên Xô sát hại. Trong một lần Wallenberg thân chinh đi gặp lực lượng Soviet đang áp sát Budapest để xin lương thực cho người Do Thái, ông đã bị bắt và đưa về Moscow, nơi hai năm sau ông qua đời trong một trại giam. Cho đến nay, không ai hiểu tại sao Liên Xô lại bắt và giam Wallenberg.
Có một giải thưởng trao tặng cho những người đã có công cứu giúp người Do Thái trong thế chiến thứ 2 gọi là Righteous Among the Nations (Những Ân Nhân Trên Khắp Địa Cầu) và Wallenberg là một trong những người như vậy. Mình nghĩ bằng việc gọi con đường nơi Liên Hiệp Quốc đặt trụ sở chính là Raoul Wallenberg, những nhà lãnh đạo thế giới đang muốn gửi gắm một thông điệp về sự nhân đạo và can đảm cho mọi người trên thế giới này. Không khoa trương, không tượng đài, chỉ là một bảng tên đường méo mó. Không phải một tướng lĩnh, hay một anh hùng đánh giặc mà chính là cuộc đời của nhà ngoại giao can trường này mới chính là biểu tượng cho giá trị thấu hiểu và giúp đỡ lẫn nhau mà nhân loại cần hướng tới.
                                         ảnh chụp 1944 của Raoul Wallenberg từ Wikipedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trang Thơ NKĐ (T.10/24. 2 ) : ĐÓN ĐƯA , ĐƯỜNG XƯA , THÂN PHẬN , MẶC TÌNH

1./ ĐÓN ĐƯA Bây giờ đường sá phẳng phiu Người qua kẻ lại dập dìu hơn xưa Một ngày mấy lượt đón đưa Cháu đi trường học , ta mua chuyện đời Ph...